(Thơ Nguyễn Bính, Nhà xuất bản Giáo dục, 1993)
Nguyễn Văn Ngọc
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghiên cứu một hiện tượng xuất thần, có giọng điệu mới lạ trong nghệ thuật thơ ca kể từ phong trào thơ mới, tôi muốn trở về chiếc nôi sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ tài hoa – nhà thơ Nguyễn Bính.
Nhà văn Tô Hoài từng viết: “Chỉ có quê hương mới tạo nên được từng chữ từng câu Nguyễn Bính. (….) thơ và cuộc đời ràng buộc nhà thơ. Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bính vốn là nhà thơ tình quê, chân quê, hồn quê (….). Nguyễn Bính chỉ riêng một góc trời ở những bài thơ với những mảnh đất quê”. (Hồi ký Tô Hoài, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2005).
Nguyễn Bính – Nhà thơ tình xuất sắc Việt Nam thế kỷ XX.
Đọc lại 43 bài trong tập thơ Nguyễn Bính, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2005, đang giữa tháng 12. Năm cũ cuộn về trong tháng cuối năm, tôi nghĩ đến thân phận một nhà thơ qua giông tố cuộc đời, tình duyên lận đận, bước qua mong manh của số phận nhưng tiếng thơ đã để lại cho đời, cuộc sống, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc một thế giới thơ gần gũi, bình dân mang đậm hồn Việt. Có thể kể ra tên những bài thơ ở hai khoảng trời, hai đám mây mang màu ngũ sắc giao thoa nhau: miền riêng Nguyễn Bính (Hoa và rượu, Chờ nhau, Đêm cuối cùng, Một trời quan tái, Cô hái mơ, Ghen, Xuân tha hương, Khăn hồng, Diệu vợi…), miền nói hộ tâm tình cho những đôi lứa tự tình trao duyên, cho kiếp người có đường đời, tình duyên trắc trở (Nhớ, Không đề, Lỡ bước sang ngang, Những bóng người trên sân ga,….). Sự giao thoa hướng nội và hướng ngoại trong thế giới thơ tình yêu đôi lứa của Nguyễn Bính góp phần làm nên vẻ đẹp ánh hào quang, bắt đầu cho một bình minh của thơ mà mạch nguồn sinh khí từ phong trào thơ mới.
Nguyễn Bính như con ong hút mật. Hút mật từ trong thơ ca dân gian, văn hóa truyền thống để rồi làm nên những sợi tơ tình yêu đôi lứa. Những câu thơ tình viết từ những năm 1936 đến nay vẫn nguyên vẹn chất mật ngọt dân gian đó. Hơi ấm dân gian, sức sống tiềm ẩn của dân gian ủ sẵn bao đời. Nguyễn Bính neo về như bông hoa nở bung mỗi sáng mai lên trong vườn quê. Những tín hiệu tình yêu nhạy cảm được khơi thông từ cái nhìn tinh tế về tâm lý tình yêu đôi lứa. Vượt lên trên số phận, hoàn cảnh, những trở nghịch của xã hội những năm 1936-1942, trạng thái tinh thần trong thơ Nguyễn Bính luôn hướng về vẻ đẹp dân giã của con người Việt, mà ở trong hoàn cảnh nào, báu vật văn hóa đó phải được giữ gìn lâu bền. Thơ Nguyễn Bính gợi về những miền riêng của tình yêu đôi lứa. Mỗi câu thơ, ý thơ trong tiếng gọi giao thoa tình yêu lại như thêm những hạt phù sa trên con đường thơ Nguyễn Bính. Cánh đồng, làng quê, thiên nhiên quê mùa là không gian quen thuộc trong thơ Nguyễn Bính. Tài hoa nghệ thuật thơ Nguyễn Bính là ở những không gian đó, Nguyễn Bính biết gom những tinh chất trong đời sống văn hóa Việt để vẽ nên những đường nét sắc màu riêng.
“Gió mưa là bệnh của giời / Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
Những câu thơ viết từ 1939 sao mà đầy chất triết lý đến vậy? Một chất triết lý về tình yêu muôn thuở, Nguyễn Bính đã ký thác cho mình và gửi gắm nỗi niềm cho thế giới tình yêu. Trên cái nền của hương vị thơ ca dân gian, vừa hòa quyện dòng tâm tình trao duyên của ca dao vừa có cách diễn đạt mới lạ độc đáo trong cách dùng từ, sắp chữ tài hoa. Hòa trong không gian dân gian, lễ chùa hội làng, Nguyễn Bính gom về những hương vị hồn quê vào thế giới tâm thức tự tình trao duyên. Nguyễn Bính như nhặt về những vầng trăng buông giữa vườn quê. Tâm hồn thi sĩ đón nhận những hạt vàng trong lối nói dân gian của cha ông xưa kia. Cách nói bình dân nhưng được nâng lên tầm vóc tri thức văn hóa của người viết, hàm súc, hình tượng, gói vàng dân gian vào câu thơ Nguyễn Bính. Vì vậy luôn giữ được cốt cách hồn Việt, giữ được bản sắc dân tộc, dễ đi vào trái tim của đôi lứa trong những trạng thái: khi thì vừa đặt chân lên vườn yêu lại chuẩn bị cho giây phút chia tay, khi hướng tới cao vời lại quay về cô đơn trống vắng để tự tình độc thoại, khi thì khát vọng vô cùng, khi thì dồn về những cung bậc tình yêu đến tận cùng với người phụ nữ mình yêu.
Khát khao một bến đỗ bình yên của tình yêu, Nguyễn Bính luôn hướng về chân dung người phụ nữ mà thi sĩ đem lòng yêu mến, vì vậy có sức mạnh nội sinh trong con sóng tâm hồn. Những lời khuyên từ một phía Nguyễn Bính đơn phương yêu đến vô cùng. Ghen là một bài thơ tình hiếm lạ trong rừng thơ tình yêu của dân tộc. Một giọng điệu, một sợi dây trao duyên của một chàng trai bình dân bước ra từ hương vị của thơ ca dân gian: “Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi / Thế nghĩa là yêu quá mất rồi / Và nghĩa là cô là tất cả / Cô là tất cả của riêng tôi…”. Tiếng vọng tình yêu của Nguyễn Bính sâu hun hút là thế mà có nghe đâu lời đáp từ phía bên kia cô gái. Mải mê đắm đuối như một chàng trai bình dân tự tình trong không gian giao thoa của cả thực và mơ. Ranh giới giữa đường tình Nguyễn Bính và đường tình trao duyên của những đôi lứa khác thật gần gũi. Những con sóng trong nỗi niềm Nguyễn Bính cứ dạt về gối vào những con sóng nội tâm của đôi lứa khác trong thời khắc tình tự trao duyên. Nguyễn Bính nói hộ cho nỗi niềm trắc trở, những số phận tình yêu không đến được bến bờ, những mảnh tình dang dở của đôi lứa. Vẫn điểm tựa là em, là anh cứ cuốn nhập vào nhau, sự cuốn nhập cả hình và bóng của đôi lứa. Nhưng trong em và anh của Nguyễn thì rất lạ, rất riêng.
Những sợi dây tình Nguyễn Bính luôn có được điểm tựa của hồn thơ phong phú, mắc duyên nợ từ tháng ngày còn đắm mình trong làng quê quen thuộc: Thôn Vân. Nguyễn Bính mang trong mình bóng dáng những cô gái đã từng gặp ở làng quê, để sau này có hình nét trong thơ ông. Cô Diễm trong làng Vân là nhân vật Nhi trong bài Hoa với rượu. Một tư liệu quí để chúng ta hiểu thêm về tình duyên Nguyễn Bính, theo lời kể của Hồng Cầu – con gái ông: “Bài thơ ‘Hoa với rượu’ cha tôi viết 1941 lúc đang ở Huế nhắc về nhân vật Nhi trong bài thơ. Nhi hay còn gọi là Diễm là một cô gái người xóm Đình thôn Vân. Từ những năm 15, 16 tuổi, Diễm đã nổi tiếng đẹp quanh vùng. Tóc dài đen, da trắng mịn, môi luôn nở nụ cười xinh, dáng người thon thả. Hầu hết các trai làng chết mê chết mệt. Thời gian ở thôn Vân, Bính thường trò chuyện với Diễm và một số cô gái khác làng. Hình ảnh Diễm sau này xuất hiện trong khá nhiều bài thơ hay của Nguyễn Bính”. (Hà Nguyên – Tạp chí Ngày nay online). Bắt gặp cái hụt hẫng trong lòng Nguyễn Bính: Như mộng mơ thôi mộng mất rồi / Hoa thừa rượu ế ấy tình tôi / Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng / Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi! (Hoa với rượu).
Nguyễn Bính gửi vào miền mộng mơ những khao khát chân thành. Nhưng gửi đi nỗi niềm về phía bên kia người con gái nhưng số phận mong manh không có lời đáp. Vậy là tiếng vọng tự tình gửi nơi ngọn gió, thâm trầm trong cô đơn: “Đêm nay giăng lại rụng về bên ấy / Gác trọ còn nguyên gió thất tình” ( Một mình). Nguyễn Bính gánh cô đơn nghiêng về những cô gái không có tên cụ thể để rồi bộc lỗ khát khao tình duyên. Nhưng rồi số phận Nguyễn lại luôn luôn trôi về miền dở dang, một số phận trở nghịch cho riêng Nguyễn Bính: “Đêm nay ngồi khóc trong nắng lạnh / Trăng rằm chìm đi gió thở dài / Tôi nhớ đến người – Ôi diệu vợi / Ở lầu hoa ấy trong rừng mai” (Người con gái ở lầu hoa). Hình ảnh chị Trúc trong bài thơ Xuân tha hương, ta nghe rõ tiếng lòng Nguyễn Bính: “Chị ơi em cưới mùa xuân nhé”. Câu thơ tài hoa đến lạ, từ “cưới” đắc địa vô cùng. Cưới ai / Cưới mùa xuân / Xa người chị mà Nguyễn Bính đeo đuổi: “Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng! / Tết này chưa chắc em về được / Em gửi về đây một tấm lòng”. Nặng nghĩa nặng tình mà cô đơn vời vợi…
Cô đơn mà muốn kết tình với mùa xuân, lấy thiên nhiên làm bạn tình. Cô đơn, muốn hướng về sự trẻ trung của mùa xuân; ở đâu có bóng dáng mùa xuân, bóng dáng sông núi là có bóng dáng người phụ nữ mà Nguyễn Bính yêu thầm da diết. Ảo ảnh quá chừng. Một bên lòng đơn côi Nguyễn Bính, một bên là mùa xuân. Giữa cái nhỏ nhoi đơn chiếc với cái mênh mông, ba thực thể giao hòa nhau, phía trái là chị, là tiếng gọi thân thương về người phụ nữ, ở giữa là Nguyễn Bính, phía cuối là miền mơ về mùa xuân, chữ “cưới“ thật ngỡ ngàng làm sáng bừng câu thơ như gói trọn miền mơ về tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống tha thiết của thi sĩ chân quê.
Tình duyên Nguyễn Bính bất ổn, dang dở thời trai trẻ nhưng đến mãi sau này vẫn không được trọn vẹn như mong muốn của ông. Khi cuộc đời Nguyễn Bính bước sang trang mới: con đường cách mạng. Bước ra ánh sáng của con đường cách mạng, thế giới thơ của Nguyễn Bính bắt nhịp nhanh với cuộc sống: “Ông viết nhiều tác phẩm kịp thời ca ngợi cuộc chiến đấu và sự nghiệp xây dựng của nhân dân ta” ( Mã Giang Lân – phần giới thiệu tập thơ Nguyễn Bính). Trong lời tâm sự của Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính cho ta thấy thêm số phận cuộc đời thi sĩ: “… Mãi sau này mới hiểu đời ông bất hạnh nhiều. Ông cứ phải đi tìm cái bóng hạnh phúc cho dến khi nhắm mắt xuôi tay vào đêm mùa xuân sẽ ập tới đúng lúc giao thừa 1966”. (Hà Nguyên, Tạp chí Ngày nay).
Người vợ của Nguyễn Bính đã ghi lại trong hồi ký về cảnh ông chia tay vợ con để trở ra Bắc. Lúc Nguyễn Bính có tên trong danh sách tập kết ra Bắc, người vợ và con gái ở lại miền Nam: “Tàu từ từ tách bến, Nguyễn Bính cố nhoài người ra bong tàu, đưa cao hai ngón tay hẹn với Châu ngày anh trở lại. Châu vẫy tay lưu luyến tiễn chồng. Hồng Cầu cố nhoài người theo phía con tàu khóc quẫy đòi cha. Nó đâu biết rằng con tàu ấy đã chở di của nó một người cha. Và vĩnh viễn không bao giờ trả lại cho nó. Mười hai năm sau cuộc chia ly trên bến tàu, Nguyễn Bính mất trong một cơn bão bệnh, không bao giờ trọn lời hẹn với người vợ miền Nam”. (Theo Hà Nguyên – Tạp chí Ngày nay). Bài thơ Hôn nhau lần cuối đặt cuối tập thơ, dường như là khúc tình dạt dào, khát khao mộng mơ về bến đỗ bình yên trải qua những thăng trầm của đời sống tình yêu: Ta sẽ là vợ chồng / Sẽ yêu nhau mãi mãi / Sẽ se sợi chỉ hồng / Sẽ hát câu ân ái / Anh và em sẽ sống / Trong một mái nhà tranh / Lấy trúc thưa làm cống / Lấy tơ liễu làm mành”.
Nguyễn Bính độc vị được chiều sâu nội tâm của đôi lứa yêu nhau. Bắt đúng nhịp tuần tự bước đi trong tâm hồn đôi lứa. Không có những trắc trở của số phận tình yêu, không có những biến động trong thế giới tình yêu thì không thể bắt đúng giọng điệu tâm tình của những đôi lứa. Tài hoa thơ Nguyễn Bính là nói đúng giọng điệu của kẻ thất tình, khổ đau trong bể tình… Hướng về những số phận ngang trái, bi thương, Nguyễn Bính luôn kết được câu chuyện tình của đôi lứa yêu nhau trong xã hội lúc bấy giờ. Quanh thôn quê, chứng kiến bao cuộc đời, Nguyễn Bính đi ngang qua bao số phận tình yêu, rọi hồn quê trong tiếng thơ của mình. Tiếng vọng của nghệ thuật Nguyễn Bính đến được sâu thẳm của lòng người, ở đó nghệ thuật làm đẹp, giàu có tâm hồn người đời.
Thơ Nguyễn Bính đi giữa đường biên: bên này là miền của đôi lứa yêu nhau, bên này là thế giới, cõi lòng riêng Nguyễn Bính. Không gian thơ tình của ông có sự giao thoa của thế giới nội cảm và ngoại cảm, hướng nội và hướng ngoại. Tiếng vọng trao duyên của Nguyễn Bính có sức hấp dẫn riêng dễ đi sâu vào tâm thức của đời sống tâm hồn người Việt. Vì vậy ở hoàn cảnh nào, người bình dân luôn truyền được cảm hứng cho nhau khi đọc thơ Nguyễn Bính. Thi sĩ luôn lắng nghe những rung động tinh thần từ trái tim người phụ nữ, gọi được tâm hồn người phụ nữ về trong thơ. Thơ tình của Nguyễn chảy mãi vào đời sống người Việt. Theo lời kể của Hồng Cầu, con gái thi sĩ Nguyễn Bính: ”Cách đây ít năm, có lần tôi về thôn Vân, qua bến đò bỗng nghe một bà lão đã ngoài 70 tuổi ru cháu ngủ bằng bài ‘Lỡ bước sang ngang’ của Nguyễn Bính mà không hề lỗi một câu nào. Tôi xúc động đến lạ người”. (Hà Nguyên, Tạp chí Ngày nay online).
Nguyễn Bính hình dung ra thật đường nét nội tâm của người phụ nữ: “Em về thương lấy mẹ già / Đừng mong ngóng chị nữa mà uống công / Chị giờ sống cũng bằng không / Coi như chị đã sang sông đắm đò…”. Thế giới hướng nội của Nguyễn Bính dung nạp nhiều thanh âm hương vị cảnh quê, hương vị đó men theo dòng cảm xúc được cấu tứ trong các lớp ngôn từ giàu hình tượng. Cuộc sống thôn quê, thiên nhiên… như những gam màu neo đậu vào những dòng thơ tình yêu đôi lứa. Cảnh quan làng quê làm không gian nền cho thế giới nội cảm của tình yêu. Hồn quê giữ cho thế giới riêng tư trong tình yêu có sức sống lâu bền. Không gian tình yêu trong thơ Nguyễn Bính không trải dài vô tận, không phiêu dạt ở những bến bờ xa lắc, một không gian gần gũi, không gian quen thuộc gắn bó với đời thơ Nguyễn Bính. Ông không tả nhiều về gió, mưa, rừng, hoa, thuyền, con đò, bến, trăng… nhưng ở những hình nét ấy, Nguyễn Bính gửi vào đó thế giới nội tâm đa chiều. Tiếng gọi của tình yêu từ giọng nam giọng nữ trong bài thơ cứ nhuần nhị đối đáp ở những miền không gian đó. Thơ Nguyễn Bính bỏ xa lối dùng từ diễn đạt hoa mỹ. Ngôn từ lọc ra từ lối nói bình dân trong thơ ca dân gian và được khúc xạ qua tâm thức của thi sĩ có năng khiếu thơ từ rất sớm. Ngôn từ của lời quê dễ gần gũi, dễ trao nhau nghĩa cử của tình duyên. Từ ngữ hình ảnh gối vào nhau đi vào cõi lòng người sâu thẳm: “Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông / Cô lái đò kia đi lấy chồng / Vắng bóng cô em từ dạo ấy / Để buồn cho những khác qua sông” (Cô lái đò). Một bài thơ mà có 6 hình ảnh về thân phận tinh yêu đôi lứa, tình vợ chồng, người mẹ già tiễn con đi trấn ải xa, bóng dáng cô đơn của con người…, những hình ảnh đó liên kết thành bức tranh trữ tình của chia li cách biệt: “Những cuộc chia lìa khởi từ đây / Cây đàn sum họp đứt từng dây / Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc / Lần lượt theo nhau suốt tối ngày” (Những bóng người trên sân ga).
Cuộc đời Nguyễn Bính có nỗi buồn từ nhỏ. Mẹ ông mất sớm. Đơn côi vắng bóng người mẹ, Nguyễn Bính lại mặc cảm với phận nghèo, lận đận: ”Ai bảo mắc vào duyên bút mực / Suốt đời mang lấy số long đong / Người ta đi kiếm giàu sang cả / Mình chí mơ toàn chuyện viển vông / Em biết giàu sang dâu đến lượt / Nợ đời nặng quá gỡ sao xong” (Xuân tha hương). Nỗi niềm cô đơn của Nguyễn Bính trải ra mông lung, phía trước bất ổn, phía hai bên dang dở những mối tình. Không gian cô đơn dằng dặc trong thế giới nội tâm của nhà thơ. Nguyễn Bính gánh nỗi niềm cô đơn trên đường đời gian truân lận đận tình duyên. Ông mở tâm hồn đơn côi, đơn phương một phía lắng giữa mùa thu mà trách kín người yêu: ”Tình tôi mở giữa mùa thu / Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm”. Nguyễn Bính gieo nỗi cô đơn, đau khổ, hụt hẫng về phía những sợi tơ trên khung cửi: ”Gieo thoi gieo thoi lại gieo thoi / Nhớ nhớ mong mong mãi mái rồi / Thoi ạ làm sao thoi lại cứ / Đi về giăng mắc để trêu tôi” (Mưa xuân). Nguyễn Bính neo đậu hồn về những cánh rừng mơ hiu hắt: ”Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi / Chả trả lời nhau lấy một lời / Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng / Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi” (Cô hái mơ).
Nhà thơ đón những ngọn gió thất tình ngang qua cuộc đời tình duyên, đối diện với nỗi cô đơn khắc khoải: “Người có đôi, ta rất một mình / Phong trần đâu dán mắt ai xinh / Đêm nay giăng rụng về bên ấy / Gác trọ còn nguyên gió thất tình”. Nguyễn Bính gánh nỗi niềm phiêu dạt trong những không gian của các miền: miền gửi, miền đợi, miền chờ. Khắc khoải trong miền gửi, da diết trong miền đợi, miền chờ. Khao khát chờ mong, Nguyễn Bính lắng nghe được tiếng vọng tâm tình của người phụ nữ: “Láng giềng đã đỏ đèn dầu / Chờ em chừng giập miếng trầu em sang / Đôi ta cùng ở một làng / Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh / Em nghe họ nói mong manh / Hình như họ biết… chúng mình có nhau” (Chờ nhau).
Trả lại thơ Nguyễn Bính thời kỳ 1936-1942 để thấy rõ thân phận con người, tìm ra nguyên do của sự khủng hoảng tinh thần, những bi thương cho những số phận lận đận, tình duyên dang dở. Tiến sĩ Chu Văn Sơn khẳng định: “Tôi cho rằng chính Nguyễn Bính chứ không phải ai khác, mới là nhà thơ mới mang đầy đủ tấn bi kịch của thời đại mình – một tâm trạng bất đắc chí mênh mông dữ dội”.
Đi sâu vào tìm hiểu những thi phẩm của Nguyễn Bính để hiểu thêm những trở nghịch, mặt tối của xã hội thời kỳ 1936-1942. Khám phá thế giới tinh thần con người qua tình yêu đôi lứa, mang đậm hồn Việt. Trên những thông điệp mang giá trị nhân văn đằng sau những câu thơ đau đáu cho thân phận con người. Nhà nghiên cứu phê bình văn học Mã Giang Lân đã viết: “Đằng sau nhưng câu thơ ‘nát lòng’ ấy là một tinh thần nhân văn đáng trân trọng”.
Trân quí những tiềm năng nghệ thuật của một thi sĩ tài hoa. Nghệ thuật tinh chất tinh tế từ thơ ca dân gian, từ văn hóa truyền thống. Nghệ thuật đối đáp tự tình dân gian, nghệ thuật tổ chức ngôn từ kết hợp ngôn từ chọn lọc trong thơ ca dân gian và có cách tân trong cách diễn đạt mới. Nghệ thuật tạo dựng nội tâm nhân vật trữ tình, ngôn ngữ của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Nghệ thuật sắp xếp tình huống xung đột tâm lý trong tình yêu đôi lứa. Nghệ thuật dẫn dắt hấp dẫn những câu chuyện tình dang dở, ngang trái của số phận tình yêu đôi lứa trong một số bài thơ tình đặc sắc. Nghệ thuật đặc tả tâm trạng phân thân của chàng trai, cô gái trước những tình huống thử thách của tình yêu. Nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính được chín dần tỏa ra từ năng khiếu bẩm sinh, dung nạp nguồn năng lượng dồi dào từ thơ ca dân gian, biết thu về thế giới tinh thần của mình những giá trị văn hóa truyền thống bắt đầu từ không gian làng quê. Nguyễn Bính chọn lọc những tinh hoa của thơ ca dân gian, thơ ca truyền thống. Thi sĩ luôn có tình yêu với văn hóa dân tộc. Câu thơ Nguyễn mở lối đến không gian nào thì ở đó thấm đượm cốt cách hồn Việt. Năng lượng trữ tình trong cảm xúc của Nguyễn Bính luôn dồi dào bởi có sự đan cài, giao thoa của hướng nội và hướng ngoại, giữa cái riêng và cái chung của thế giới tình yêu đôi lứa. Sự đan cài giao thoa của giọng nam giọng nữ được khơi thông từ trái tim, tâm hồn Nguyễn Bính, được biểu đạt trong những không gian, tình huống tự tình khác nhau. Thơ Nguyễn Bính có vị trí đặc biệt trong nền thơ ca dân tộc, xứng đáng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ hiện đại Việt Nam.
N.V.N
*Nhà thơ Nguyễn Bính, tên thật Nguyễn Trọng Bính.
Sinh: năm 1918
Mất: 1966
Quê quán: Xóm trạm, thôn Thiên Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vũ Bản, tỉnh Nam Định.
* Tác phẩm nổi bật:
– Lỡ bước sang ngang (1940) – Mười hai bến nước (1942)
– Tâm hồn tôi (1940) – Cây đàn tỳ bà (1944)
– Hương cố nhân (1941) – Ông lão mài gươm (1947)
– Bóng giai nhân (1942) – Gửi người vợ miền nam (1955)
– Tình nghĩa đôi ta (1960) – Tiếng trống đêm xuân (1958)
– Cô Son (chèo, 1961) – Người lái đò sông Vị (chèo, 1962)