“Vì sao chúng ta viết” là khẩu hiệu (slogan) và cũng là định hướng thảo luận quan trọng tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức vào nửa cuối tháng 12/2021 tại TP Ðà Nẵng. Quyết định tổ chức này căn cứ theo Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình trạng bình thường mới; thực tế kiểm soát dịch bệnh tại địa phương tổ chức và kế hoạch nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.
Một số gương mặt tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ IX diễn ra tại Hà Nội năm 2016.
Ðặt vấn đề “Vì sao chúng ta viết?” cũng là đặt câu hỏi lẽ ra phải thường trực trong tâm trí của người viết. Có điều dường như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ viết là công việc đương nhiên của người cầm bút. Chỉ khi câu hỏi này được đặt ra chính thức tại một hội nghị văn học toàn quốc, ta mới thấy không dễ trả lời chút nào.
Phần lớn người viết nhớ lại, việc viết (sáng tác) bắt đầu từ ham thích bản năng chứ không hẳn họ có ngay ý thức đây sẽ là “nghiệp văn” theo mình suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà dẫn đến thực tế, một số người có tài hoặc giàu tiềm năng văn chương đã dễ dàng từ bỏ bút mực để chuyển sang làm công việc khác khi nhu cầu cuộc sống có những đòi hỏi cụ thể; coi những thành công văn chương thuở nào chỉ là “ký ức vui vẻ”.
Chiều ngược lại, những người không có thực tài lại đằng đẵng đeo đuổi nghiệp văn, cho dù họ có thể thành công và cống hiến nhiều hơn ở những nghề nghiệp khác. Phải chăng những người đó chưa đặt ra hoặc chưa thật sự nghiêm túc trả lời cho bản thân câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”.
Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 năm 2021 có khoảng 120 cây bút trẻ, tuổi từ 35 trở xuống (trừ một vài trường hợp đặc biệt) và 10 hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam còn trong độ tuổi đó là đại biểu chính thức. Họ đến từ gần như đầy đủ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đại biểu đông nhất của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Họ làm những ngành nghề khác nhau: kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, giáo viên, doanh nhân, công an, bộ đội, công nhân, nông dân, viên chức, công chức… và cả những người hành nghề tự do. Trong số họ, khá nhiều người sở hữu một hoặc nhiều giải thưởng văn chương khác nhau. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng có người đã xuất bản bốn, năm tiểu thuyết, tập truyện ngắn hay vài tập thơ. Một số đại biểu đến từ những gia đình có truyền thống văn chương, có bố mẹ hoặc ông bà là nhà văn. Những dữ kiện nêu trên cho thấy, phần lớn họ là những gương mặt tiêu biểu của những cây bút trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ưu điểm dễ thấy là đội ngũ viết trẻ đang có mặt ở mọi góc cạnh của đời sống, có vốn sống và hiểu biết phong phú – yêu cầu gần như bắt buộc với mọi nhà văn. Thế nhưng, điều này cũng thể hiện điểm yếu là lực lượng cầm bút khá tản mát và mang tính phong trào. Vì vậy, bên cạnh những câu chuyện văn chương thì đi tìm căn nguyên và trả lời câu hỏi vì sao một người quyết định cầm bút và gắn bó trọn đời với công việc chữ nghĩa là hết sức quan trọng. Ðây có lẽ là khởi đầu để chúng ta xây dựng đội ngũ ổn định các nhà văn kế cận tâm huyết trong tương lai, khi những dự định mơ hồ về con đường văn chương trở nên tường minh.
Rainer Maria Rilke. nhà thơ lớn người Áo, trong những bức thư trả lời một nhà thơ trẻ cũng đã từng đặt câu hỏi như thế: “Hãy truy tìm nguyên do khiến mình cầm bút; hãy kiểm tra xem nó có bắt rễ từ chỗ sâu xa nhất của trái tim không… Và trước hết hãy tự hỏi mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm: ta có phải viết không?”. Nếu nghiêm túc trả lời câu hỏi đó, người cầm bút sẽ có lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình trong tương lai. Họ sẽ không bị hấp dẫn và ảo tưởng bởi sự hào nhoáng của tiếng tăm; tương tự ở phía ngược lại, họ sẽ không để khó khăn về công việc, eo hẹp về thu nhập làm cho lùi bước. Khi đã có sự lựa chọn, họ sẽ vững vàng đi trên con đường mình đã chọn.
Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra quan điểm: Ðây là một câu hỏi quan trọng đặt ra cho những nhà văn trẻ khi cầm bút. Những người viết trẻ cần thấu hiểu rằng, một nhà văn chân chính phải viết vì những vẻ đẹp đời sống và văn hóa, phải viết vì lợi ích dân tộc, phải viết vì lương tâm của con người trước cái ác. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì nhà văn sẽ không mang lại điều gì cho con người và đất nước trong những trang viết của mình.
Phần “lễ” của Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc năm 2021 dự kiến sẽ diễn ra ngắn gọn để dành thời gian cho các đại biểu trao đổi, tranh luận chung quanh những vấn đề thuộc tất cả các loại hình văn học người viết trẻ đang phải đối mặt hôm nay, để làm rõ câu hỏi đề dẫn “Vì sao chúng ta viết?”. Nên chăng từng đại biểu Hội nghị Viết văn trẻ, ngay từ bây giờ hãy bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao tôi viết?”.
Theo Hữu Việt/Báo Nhân dân