Nhạc sĩ Thanh Sơn với tiếng hát học trò

1031

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhạc sĩ Thanh Sơn (1938-2012) còn gọi Sơn Thảo, tên thật là Lê Văn Thiện. Ông là người Sóc Trăng được biết đến từ khi đoạt giải nhất cuộc thi Tuyển lựa Ca sĩ tân nhạc vào năm 1959 của đài Phát thanh Sài Gòn.

Nhạc sĩ Thanh Sơn

Sau khi bỏ hẵn nghề ca (1962), Thanh Sơn bắt đầu sáng tác (1963) rất sung sức những nhạc phẩm trữ tình về tuổi học trò, nổi tiếng nhất là các bài hát: Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh... Từ năm 1973, với tâm trạng đau đáu về hoàn cảnh của đất nước điêu linh, nhạc sĩ Thanh Sơn chuyển hướng, viết về đề tài quê hương, chủ yếu tập trung về quê hương miền Tây của nhạc sĩ và hầu hết ca khúc mang âm hường dân ca Nam bộ với ca từ dung dị, tự nhiên, giàu nhạc tính và thật dễ hát đa phần theo nhạc điệu Boléro.

Sau ngày thống nhất đất nước, Thanh Sơn vẫn hăng hái sáng tác nhạc theo khuynh hướng dân ca và đề tài quê hương. Với một gia tài trên 500 ca khúc đều được công chúng nghệ thuật nhất là tuổi trẻ và học sinh nhiệt tình đón nhận, đua nhau hát thuộc lòng. Ngần ấy điều cũng đủ mang ý nghĩa của một tặng thưởng quý giá đặc biệt của nhiều người yêu nghệ thuật đã ưu ái dành cho một nhạc sĩ tài hoa mà chân dung và tiếng hát đã đi sâu vào trái tim công chúng yêu ca nhạc.

Thanh Sơn là nghệ danh của Lê Văn Thiện là con trai thứ mười trong một gia đình nghèo và đông con (12 người). Từ nhỏ, cậu bé Lê Văn Thiện đã có thói quen hay nghêu ngao ca hát và tỏ ra rất ưa thích âm nhạc. Thuở  nhỏ, lúc học tại trường Nam tiểu học Sóc Trăng rồi trung học Hoàng Diệu, Lê Văn Thiện đã xin phép cha mẹ đi học nhạc với thầy Võ Đức Phấn, người em ruột của nhạc sĩ Võ Đức Thu. Lúc bấy giờ, gia đình cha mẹ Lê Văn Thiện có nuôi chứa cán bộ Việt Minh, nên bị chính quyền theo dõi, lùng sục và truy đuổi gắt gao, rất khó sống. Do vậy, bản thân Lê Văn Thiện cũng phải chịu cuộc sống truân chuyên, thay đổi chỗ ở thường xuyên, theo gia đình từ nơi này đến nơi khác.

Khi thầy Phấn qua đời, Lê Văn Thiện lên Sài Gòn tiếp tục học nhạc với nhạc sĩ nổi tiếng Lê Thương và có mơ ước trở thành ca sĩ. Để có điều kiện sống được ở một thành phố hoa lệ, Thiện phải đi làm thuê vất vả hay giúp việc cho những gia đình khá giả. Khi tích lũy được chút kiến thức về âm nhạc, năm 1959, dịp may đã đến là đài Phát thanh Sài Gòn có tổ chức cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ, chàng thanh niên mê ca nhạc họ Lê V8an Thiện hăm hở đi ghi tên dự thi và đoạt giải Nhất. Được biết ban Giám khảo cuộc thi đó có mặt các nhạc sĩ tên tuổi như: Dương Thiệu Tước (), Võ Đức Thu, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi. Sau khi trúng tuyển, Lê Văn Thiện đi hát trong ban Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng () và lấy nghệ danh Thanh Sơn. Từ đó, với tinh thần học hỏi cầu tiến, khi đã là ca sĩ, Thanh Sơn học thêm sáng tác nhạc trong cuốn “Để sáng tác một bản nhạc phổ thông” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ()và được sự giúp đỡ của các nhạc sĩ nổi tiếng như : Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền (), Văn Phụng ()… trong thời gian này.

Năm 1962, Thanh Sơn cho ra đời ca khúc đầu tiên: Tình học sinh nhưng chưa gây được tiếng vang. Qua năm sau (1963), Thanh Sơn bỏ hẵn nghề ca sĩ để tập trung vào công việc chính là sáng tác. Và Thanh Sơn đã gây được ngay sự chú ý, quan tâm đặc biệt của công chúng nghệ thuật và giới ca nhạc với tác phẩm thứ hai: Nỗi buồn hoa phượng. Bản nhạc chứa đựng tâm trạng thầm kín mênh mang của học trò được nhạc sĩ nói hộ thay cho tuổi trẻ và học sinh khi màu hoa phượng đỏ lại bắt đầu nhuộm thắm không gian trường học mỗi độ hè sang: Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương/ Màu hoa phượng thắm như máu con tim…

Bản nhạc đi ngay vào lòng mọi người, mọi giới vì ai cũng chân thành cảm nhận mình từng trải qua tình cảm êm đềm, hồn nhiên và vô cùng hoa mộng đó trong những ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Bằng những ca từ hết sức tự nhiên, dung dị mang âm hưởng dân gian gần gũi và giai điệu dịu dàng, uyển chuyển của thể loại Boléro dễ hát, dễ nghe,  Nỗi buồn hoa phượng đã trước bạ ngay tên tuổi một nhạc sĩ Thanh Sơn mới toanh tài hoa, đầy triển vọng vào làng nhạc nước nhà. Những ca khúc tiếp theo, chàng nhạc sĩ của đất nước Chùa Dơi, mêng mông ruộng lúa, cũng viết về đề tài học trò, mùa hè với những lưu luyến, vấn vương nơi không gian lớp trường, phấn bảng: Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Màu áo hoa phượng, Ve sầu mùa phượng…. Quyện kết vào những tác phẩm đó là những ca khúc trữ tình mang dấu ấn và sắc màu ấn tượng không phai trong cuộc đời nhiêu khê cay đắng của nghệ sĩ: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Màu hoa anh đào… vẫn là những ca khúc tiếp nối được nhiều tầng lớp mở cửa trái tim hết lòng đón nhận. Là một tâm hồn nghệ sĩ giàu tình cảm, rất nhạy bén với hoàn cảnh đặc biệt của nước nhà, từ năm 1973, nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu chuyển hướng sang đề tài về quê hương. Nhạc sĩ Thanh Sơn chú trọng viết về các vùng đất Tây Nam bộ quê nhà, những tỉnh thành quen thuộc, các địa danh gắn bó với đời sống lao động lam lũ thường nhật, với tinh thần đấu tranh tự thân không mệt mỏi hoặc cho bà con làng xóm ruột rà.

Nhạc sĩ Thanh Sơn và danh ca Hương Lan.

Sau ngày giải phóng,  nhạc sĩ Thanh Sơn có khuynh hướng tập trung mạnh vào sáng tác nhạc mang âm hưởng dân ca địa phương hơn với những địa danh quen thuộc : Bạc Liêu hoài cổ, Hành trình trên đất phù sa, Hình bóng quê nhà, Áo mới Cà Mau, Cần Thơ, Chiều mưa Kien Giang, Tình em Tháp Mười, Điệu Lâm Thôn Trà Vinh, Hương lúa Hậu Giang, Yêu dấu Hà Tiên, Sóc Sờ Bai Sóc Trăng… Sáng tác về quê hương là phản ánh một cách sâu xa, gián tiếp tinh thần về nguồn – lòng yêu tổ quốc, của người nghệ sĩ chân chính của nhân dân. Từ năm 2000, nhạc sĩ Thanh Sơn làm thêm phần phụ trách biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Kỷ niệm năm 69 tuổi, ghi nhớ công lao nghệ thuật của nhà nghệ sĩ đã đem hết công sức phục vụ không mệt mỏi cho nền âm nhạc nước nhà, Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Đêm nhạc Thanh Sơn hoành tráng để chúc mừng nhạc sĩ. Hai năm sau (2009), Thanh Sơn được vinh hạnh mời sang Hoa Kỳ để chương trình Paris by Night của Thúy Nga thực hiện một cuộc phỏng vấn về nhạc sĩ. Trong cuộc đời gắn bó huyết mạch với âm nhạc quê hương, nhạc sĩ Thanh Sơn đã lưu lại cho công chúng mến mộ nghệ thuật hơn 500 bản nhạc mà đa phần được trình bày bởi các ca sĩ hàng đầu như : Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Hương Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly…. Sau khi qua đời vào năm 2012, nhạc sĩ Thanh Sơn được an táng tại nghĩa trang Bình Dương, thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương theo ý nguyện của nhạc sĩ lúc sinh thời.

Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp âm nhạc trong đời của Thanh Sơn, công chúng âm nhạc nhận rõ, trong thời kỳ đầu, nghệ sĩ thường viết về tâm tình của tuổi học trò, về kỷ niệm tuổi tuổi thơ dưới mái trường, về mùa hè phượng thắm ở học đường. Nổi tiếng nhất là ca khúc tâm đắc của chính nhạc sĩ: Nỗi buồn hoa phượng , vì chứa đựng ít nhiều tâm sự của tác giả thời còn đi học ở tỉnh nhà mỗi độ hè về. Bài hát thấm đẫm chất thơ của thời yêu hoa cúc và viết thư tình bằng mực tím mồng tơi: ca từ hồn nhiên, trong sáng và được viết bằng giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát nên sớm được thế hệ trẻ và nhiều người chân tình đón nhận. Với một tâm hồn lãng mạn, chan chứa yêu thương, bên cạnh chủ đề về tuổi thơ dưới mái trường, nhạc sĩ cũng viết những nhạc phẩm trữ tình, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp với hoa xinh, pháo nổ rộn ràng mỗi độ xuân sang: Mùa xuân sang có hoa anh đào/ Màu hoa tôi trót yêu từ lâu…(Màu hoa anh đào). Nghe xuân sang thấy trong lòng chứa chan/ Tiếng pháo vui, vang đó đây nghe rộn ràng…(Đoản xuân ca).  Tác giả có cả những ca khúc mang dấu ấn nhạc vàng, với nội dung than thân trách phận, âm hưởng buồn thê thiết của giai điệu Boléro : Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui/ Ngày vui đã theo thời gian qua mất rồi…/ Bao năm thầm kín, trót thương tà áo tím/ Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rót vào tim (Trả lại thời gian).

Nhạc sĩ Thanh Sơn và danh sách nhạc phẩm.

Với lòng yêu quê hương đất nước ngày càng định hình trong ca khúc, từ sau giải phóng, nhạc sĩ Thanh Sơn đã lồng vào nhạc phẩm của mình những điệu hò, câu ví quen thuộc với người Nam bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long : Ơi hò ơi ví dầu thương những con đò bên hàng dừa xanh/ Thương nhiều chiếc áo bà ba/ Vai nặng gánh lúa lúc tan chợ chiều/ Bên mái tranh nghèo nghe bìm bịp kêu nước lớn nước ròng… (Gợi nhớ quê hương). Hò ơ…! Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn trầu, về sông ăn cá/ về sông ăn cá, về đồng ăn cua. (Hình bóng quê nhà). Những đặc sản, địa danh, giai thoại các địa phương mang tính lịch sử cũng được tác giả nói đến với dụng ý giới thiệu hình ảnh, sắc màu đặc trưng của quê nhà đó đây : Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây/ Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây (Hành trình trên đất phù sa) // Nghe tiếng đời ai đưa sáu câu/ Như sống lại hồn Cao Văn Lầu/ Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son…/ Nghe danh công tử Bạc Liêu *, đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu (Bạc Liêu hoài cổ). Tình cảm bao la, rộng mở, nhạc sĩ xem đất nước Việt Nam, nơi đâu cũng là quê hương, hết nói lên niềm tự hào về khung cảnh, sinh hoạt miệt Hậu Giang, Thanh Sơn ca ngợi cảnh Non nước hữu tình rất hùng vĩ ở miền Bắc trong bài hát cùng tên, và nhạc sĩ cũng không quên nhắc đến cảnh thành phố tươi đẹp, lâu đài trầm mặc, thơ mộng cổ kính ở miền Trung và cố đô Huế qua các bản nhạc : Thương về về cố đô, Đôi lời gửi Huế, Trở lại hành phố sương mù. Trong bài hát : Quê hương ba miền, nghệ sĩ Thanh Sơn đã thể hiện hòa đồng xúc cảm chân thành cao đẹp của mình cho cả ba miền đất nước Việt Nam : Người đi chốn xa thương về cố đô/ Thương tà áo trắng, thương mấy câu hò/ Và giọng cười, vành nón Kim Luông/ Ôi nắng chiều Vỹ Dạ thoáng buồn/ Ngự Bình chơ vơ nhìn sông Hương (Thương về cố đô).

Suốt hai thập niên từ 1970 đến 1990, thực tế Thanh Sơn là một trong những nhạc sĩ đã tích cực đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà những bài hát ca ngợi tuổi học trò hoa bướm hồn nhiên và quê hương khói lửa bằng những ca từ ý nghĩa trong sáng lành mạnh và giai điệu quen thuộc đậm tính dân gian, rất dễ hát nên rất gần gũi công chúng âm nhạc.

Tóm lại, với một tài sản ca khúc không nhỏ về chủ đề học sinh  trường lớp mang giá trị lành mạnh về nội dung và nghệ thuật dung dị mang tính quần chúng, đã đi vào lòng đông đảo quần chúng, nhạc sĩ Thanh Sơn chiếm một vị trí đặc biệt rất đáng ngưỡng mộ và tôn vinh trong lịch sử âm nhạc nước nhà. Mãi tới ngày hôm nay, đã qua bảy thập niên, những bài hát mênh mang giai điệu học trò và thơm lừng mùi hương sách vở và những trang lưu bút ngày xanh vẫn âm vang quen thuộc trữ tình với tất cả những  tâm hồn yêu ca nhạc. Chính NSND Kim Cương, một nghệ sĩ lớn và rất tài hoa của nền nghệ thuật dân tộc đã sâu sắc khi đã nhận xét về tác giả ca khúc Nỗi buồn hoa phượng là: “Người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời nhiều ca khúc bất hủ”.

*Tức Trần Trinh Huy (Hắc công tử) ở Bạc Liêu cùng George Phước (Bạch công tử) ở Mỹ Tho, chồng của NSND Phùng Há. Cả hai nổi tiếng là cặp công tử đốt tiền, ăn chơi khét tiếng ở Nam bộ vào khoảng thập niên 30.

Cung Thương