Nhân đọc bài viết của Hoàng Thanh về công trình ‘Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại’ của Nguyễn Đăng Điệp

403

Tôi thực sự bất ngờ khi đọc bài viết Lại phát hiện rúng động về Nguyễn Đăng Điệp đạo văn của nhiều người trong công trình “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” của Hoàng Thanh trên trang Pháp luật chính sách lúc 19:45, 9/11/2022. Bất ngờ vì trong cái nhìn của chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp là nhà nghiên cứu sắc sảo, cẩn trọng, luôn cầu thị và được nhiều đồng nghiệp, các thế hệ học trò quý mến.

Nhận thấy nhiều nhận xét trong bài báo trên Pháp luật chính sách có nhiều chỗ chưa chính xác, thiếu thỏa đáng và mang tính quy chụp, chúng tôi thấy cần lên tiếng. Để bạn đọc không mất nhiều thời gian, chúng tôi xin được đi thẳng các vấn đề chính mà bài báo của Hoàng Thanh đã đề cập.

1. Việc bài báo cho rằng Nguyễn Đăng Điệp đã sao chép diễn giải của Đỗ Lai Thúy về tư tưởng của H.Taine trong quyển “Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy” là không hợp lý.

Ai cũng biết H. Taine là đại diện xuất sắc của Trường phái văn hóa – lịch sử và được một số nhà nghiên cứu văn học Việt Nam trước 1945 vận dụng. Tư tưởng khoa học của ông xoay quanh ba trụ cột chính là chủng tộc- môi trường – thời điểm. Bất cứ ai khi nói về H. Taine cũng phải đề cập đến các khái niệm này. Đỗ Lai Thúy đã tổng thuật đúng tinh thần ba khái niệm then chốt trong tư tưởng học thuật của H. Taine. Nhưng cũng xin lưu ý rằng, các diễn giải của Trần Đình Sử, Trương Đăng Dung, Nguyễn Hưng Quốc và nhiều nhà khoa học khác về H. Taine cũng đều phải xoay quanh các khái niệm hạt nhân này. Làm nghề viết ai cũng hiểu, việc giải thích các khái niệm đều có những mô hình chung để làm rõ nội hàm. Chẳng hạn, giải thích “mặt trăng” là gì thì ai cũng phải nói tương tự nhau: Mặt trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, có hình cầu với chiều rộng bằng khoảng 27% trái đất và khối lượng bằng khoảng 1,23 Trái đất, v.v… Hay diễn giải khái niệm “văn hóa” thì ai cũng phải viết văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo nên trong lịch sử. Hoặc khi nói về Nguyễn Du, ai cũng phải phân tích “tài mệnh tương đố” hoặc quan hệ “tâm”- “tài”. Khi ấy họ sẽ phải giải thích “tâm” là gì, “tài” là gì, mối quan hệ giữa chúng ra sao… Chẳng lẽ các khái niệm được người viết diễn giải nhiều khi khá giống nhau về nội hàm lại bị coi là đạo văn?

Đây là những đơn vị/ khái niệm “lõi” mà nhà nghiên cứu nào cũng phải giải thích để làm rõ nội dung, bản chất. Đó là loại tri thức cơ bản (basic) có ý nghĩa như tài sản trí tuệ chung của cộng đồng. Các từ ngữ, khái niệm trong từ điển chính là loại tri thức nền và thường được nhiều người sử dụng, còn những người viết từ điển thì phải ghi danh là người biên soạn vì tri thức họ biên soạn là tri thức tổng hợp. Ngay cả việc tổng thuật ý kiến của người khác cũng có những điểm tương tự nếu muốn giữ đúng tinh thần của các ý kiến được tổng thuật. Có thể coi ba khái niệm chủng tộc, môi trường, thời điểm trong lý thuyết của H. Taine như là những khái niệm/ tri thức “nền” và được nhiều nhà nghiên cứu giải thích tương tự nhau tìm hiểu trường phái văn hóa- lịch sử. Bởi thế, nếu diễn giải của Nguyễn Đăng Điệp giống Đỗ Lai Thúy hay Đỗ Lai Thúy tương tự với các nhà nghiên cứu văn học khác thì không thể coi là đạo văn. Mặt khác, việc vận dụng tư tưởng học thuật của H. Taine vào nghiên cứu văn học Việt Nam trước 1945 cũng chỉ có số ít người, trong đó nổi bật hơn cả là Trương Tửu, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đăng Điệp không thể “bịa” ra những gương mặt khác trừ khi ông bất chấp thực tiễn văn học.

2. Bài báo cho rằng phần viết của Nguyễn Đăng Điệp về các khuynh hướng phê bình văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975 là vay mượn hay phỏng theo các công trình của Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên), Trần Hoài Anh cũng là những nhận xét vội vàng và mang tính quy chụp.

Những ai quan tâm đến lý luận, phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 đều biết phê bình phân tâm học, phê bình hiện sinh, phê bình mác xít, cấu trúc luận… là những khuynh hướng nổi bật, Nguyễn Đăng Điệp cũng không thể kể thêm hay rút bớt cho khỏi “giống” các công trình khác. Trong thực tế, trước Trịnh Bá Đĩnh, Trần Hoài Anh hay Nguyễn Đăng Điệp đều đã có không ít công trình đề cập đến các khuynh hướng này. Tuy nhiên, với tính chất của một giáo trình, việc miêu thuật ngắn gọn các khuynh hướng trên đây của PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp có ý nghĩa như là những hướng đạo tri thức để học viên có cái nhìn tổng quan về đời sống lý luận phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975. Đóng góp mới mẻ của Nguyễn Đăng Điệp là ở chỗ, ông đã nỗ lực giúp người học/ đọc hình dung văn học Việt Nam như là một phạm trù nghệ thuật khác hẳn văn học trung đại, là sản phẩm của quá trình tiến từ khu vực ra thế giới, nhìn văn học hiện đại trong sự hiện diện, trưởng thành (qua các bình diện sáng tạo và tiếp nhận, các thể loại và bộ phận quan trọng nhất của một hệ hình nghệ thuật mới). Không phải đến Nguyễn Đăng Điệp mới bắt đầu đặt văn học Việt Nam trong tương quan với khu vực và thế giới, nhưng với tư cách là một tài liệu giảng dạy Sau Đại học thì đây là một trong những công trình đầu tiên được biên soạn một cách công phu, hệ thống và nhất quán về quan điểm học thuật. Đó là lý do công trình được các học giả quốc tế đánh giá cao.

3. Theo tôi biết, công trình “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” được Nguyễn Đăng Điệp xây dựng trên nền tảng các chuyên đề mà ông đã giảng dạy, thuyết trình ở nhiều trường đại học.

Vì thế, không nhất thiết lúc nào ông cũng diễn giải quá chi tiết từng nội dung vì hai lý do: 1/ học viên cao học là những người đã tốt nghiệp đại học nay tiếp tục theo đuổi bậc học cao hơn; 2/  về bản chất, giáo trình mang tính định hướng chuẩn và gợi dẫn (về tri thức; phương pháp tiếp cận; hệ thống câu hỏi, bài tập, tài liệu tham khảo…), còn trong thực tiễn dạy học, người thầy sẽ cụ thể hóa, mở rộng các tri thức và hướng dẫn học viên tìm đọc trên sự gợi dẫn của giáo trình. Đây cũng là nguyên tắc của giáo dục hiện đại, giúp học viên biến việc học trên lớp thành quá trình tự học, tự tìm kiếm tài liệu. Ai đã đứng lớp đều hiểu rõ các “công đoạn” trên đây. Đó là chưa nói đến việc biên soạn giáo trình buộc phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí của cơ sở đào tạo. Bạn đọc nếu đã đọc các giáo trình văn học Việt Nam hiện nay sẽ không quá khó để nhận ra thực tế này.

4. Bản chất của đạo văn là luôn tìm cách giấu nguồn, hoặc mượn văn, mượn ý của người khác và “phi tang”. Trong công trình này, Nguyễn Đăng Điệp luôn có ý thức dẫn nguồn, nhắc đến các tài liệu trong chính văn, chú thích hay tài liệu tham khảo.

Như vậy, Nguyễn Đăng Điệp đã tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp và liêm chính học thuật. Không kẻ đạo văn nào lại tự “mách” hay chỉ dẫn cho người đọc tìm thấy nguồn gốc tài liệu có liên quan. Vì thế, không thể khẳng định PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp đạo văn như tác giả bài báo đã khẳng định. Nếu cứ suy luận như Hoàng Thanh thì không khéo hầu như nhà nghiên cứu nào cũng trở thành kẻ đạo văn. Ở đây, cần nhìn thấy quy luật kế thừa và sáng tạo vì không có sản phẩm khoa học nào bắt đầu từ hư vô. Vấn đề là các nguồn tài liệu phải minh bạch, sáng rõ. Điều đó thì Nguyễn Đăng Điệp đã không hề vi phạm như bài báo của Hoàng Thanh đã cắt xén và quy chụp.

Để khép lại bài viết này, tôi và nhiều bạn đọc rất muốn Ban biên tập trang Pháp luật chính sách yêu cầu tác giả bài báo xuất hiện dưới danh tính thật, có địa chỉ rõ ràng. Biết đâu, tác giả bài báo cũng là một nhà nghiên cứu văn học. Nếu vậy, chắc nhiều người sẽ rất vui khi được đọc các công trình của ông/ bà kĩ lưỡng, và rất có thể, khi đọc xong, chúng ta sẽ nhận ra ai mới thực sự là kẻ đạo văn!

Theo Minh Quang/Vanvn