Như chưa từng xa nhau

715

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Gia đình bà giờ đã có một người đàn ông lớn bên cạnh, nằm bất động, hiền khô, không đòi hỏi yêu thương, cũng không còn ý thức để nghe được lời trách giận.

Nhà văn Hồ Xuân Đà

Nghe tin từ bệnh viện, chồng vừa qua đời sau mười ngày nhập viện. Đối với bà Tư không quá bất ngờ, người ta tưởng chừng cái chết là sự mất mát vô cùng to lớn. Chắc bà ít nhiều cũng xót xa thương tiếc. Mất đi một người chồng, một người cha thân yêu của các con, một người đã một thời gắn bó, sẻ chia ngọt bùi, chắc là bà sẽ đau lắm…

Nhưng không! Bà Tư xơ cứng, giống như tảng băng giữa mùa đông lạnh giá, tuyết phủ trắng trời. Nhìn bà gần như vô cảm, chẳng rơi giọt nước mắt, không một tiếng khóc, một tiếng than, bình thản như chấp nhận một sự việc đã rồi, và hình như bà biết trước sẽ có một ngày như hôm nay.

Nhìn người chồng đã một thời đầu ấp tay gối, giờ nằm đó với một cơ thể vô tri bất động, xám xịt lạnh ngắt, thì bây giờ ông mới hoàn toàn thuộc về bà mãi mãi. Đối với pháp luật thì ông và bà đã kết thúc. Vậy mà trong tâm trí nhiều người ông vẫn còn là người chồng của bà, là cha của các con bà. Ly dị nhưng bà vẫn để cho ông lui tới thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò với các con của mình.

Nhìn thái độ đối xử như chưa hề đưa nhau ra tòa của bà, người ta vẫn nghĩ ông bà là một gia đình hoàn hảo, một mẫu mực chung cho những gia đình trẻ ao ước, khao khát. Thật khó tin, bà đã cố giấu đi những giọt nước mắt của đớn đau thất vọng của mình, để hoàn thành một vai diễn, giống như người nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu. Và trong một thời gian dài. Điều ấy không ai có thể thấu hiểu cho một tâm trạng của một người đàn bà tóc đã điểm bạc phải rất nhiều lần khóc chồng trong sự uất hận, oán hờn không nguôi…

Rất nhiều năm trước, ngay khi vừa mới sinh con bé Út xong, giai đoạn hậu sản cực kỳ khó khăn, đòi hỏi một chế độ tịnh dưỡng cao, vì xương cốt trong người còn yếu, chỉ một cơn gió trái mùa cũng đủ xô ngã thân xác xuống tận cùng khổ đau tuyệt vọng.  Lúc ấy, bà chỉ muốn bình yên giữ mình trong căn phòng kín, để làm tròn nhiệm vụ của một người mẹ, tưới mát dòng sữa cho con đang rất cần sự sức sống. Nhưng trớ trêu thay, định mệnh luôn nghiệt ngã, xô đẩy người đàn bà yếu đuối, lam lũ ấy vào bước đường cùng của bản năng vốn có ở người phụ nữ. Đó là sự ghen tuông! Dòng máu oán ai trong người bà trỗi dậy. Làm sao chịu đời cho thấu, khi ông chồng yêu quý của bà là mọi nguồn cơn tạo ra dư luận không hay ho gì, làm xáo trộn sự bình yên vốn có của làng xóm láng giềng. Những tin tức nóng hổi, luôn là đề tài được bàn ra tán vào ở cái xóm nhỏ lao động này. Đa số cư dân ở đây họ rất bình dân chân chất như một tập quán cố hữu của địa phương. Họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau những thông tin của mọi gia đình – dù buồn hay vui – họ tin điều đó là tình yêu thương thiêng liêng của làng xóm. Sự chia sẻ cảm thông ấy khả dĩ giúp nhau vượt qua thử thách vốn gian nan, khốn khó…

Một bữa trưa, trời nắng như đổ lửa, bà Sáu bạn thân của bà, từ thời còn rất trẻ, vừa vào nhà, nhìn quan sát chung quanh, có vẻ như tìm coi có ông Tư ở nhà không, Miệng không ngừng than thở cho thời tiết sao dạo này nóng quá. Đợi cho bà Tư ru cho con bé Út ngủ xong. Bà mới nhỏ nhẹ gợi chuyện:

– Chị Tư ơi, chị biết gì chưa, ông Tư nhà chị dạo này cứ ngồi suốt ở quán cà phê con Lan, ở cổng chợ. Tôi còn nghe nói đâu, ổng mới mua cho nó sợi dây chuyền nữa. Nó đem khoe hết xóm, ai cũng biết hết trơn. Chị cứ lo làm ăn rồi sinh con đẻ cái cho ổng, mà không biết ổng quậy ở ngoài như vậy gì cả.

– Chị nói bậy không hà! Làm gì có chuyện đó, chị cứ nghe người ta đồn thổi, một nhích lên cho thành mười.

– Tôi không có ý đó, tại sáng nay tôi đi chợ, nghe người ta xôn xao xì xào chuyện của ổng, nên tôi ghé cho chị hay.

– Hay gì mà hay, mai mốt có nghe thì chị giấu giùm tôi luôn đi. Đó cũng là một cách giúp đỡ cho gia đình của tôi rồi đó.

– Chưa ai như chị, chị em biết, thì tin cho hay, để chị quản lý mà coi lại ổng. Chị không cảm ơn, còn quở trách tôi. Thiệt là…

– Ừ… tôi vậy đó.

– Vậy thôi, tôi về.

– Ừ, về đi. (mắt bà Tư đỏ ngầu)

Đó là chuyện hơn 20 năm về trước, giờ con bé Út vừa tốt nghiệp đại học, hai thằng con trai lớn đã có vợ, những ngày tháng đó, những ngày vừa phải nuôi con, gầy dựng khối gia sản của cha mẹ cho và của hai ông bà từng kiếm được cho vững chắc thêm. Đàn bà mà, ai chẳng vậy, đều muốn chắc chiu dành dụm cho tương lai của các con về sau, đặc biệt là sự bình yên cho một gia đình, của cải vật chất đảm bảo cho đời con mình không lam lũ. Cho dù sự bình yên đó là giả tạo.

Bây giờ, tóc đã bạc, lưng đã không còn thẳng, lười biếng ra khỏi nhà, bà không thể nghĩ ra, vì lý do gì, động lực nào mà bà đã giỏi chịu đựng, giỏi nuốt ngược những dòng nước mắt vào trong tuyến lệ, để hoàn thành vai diễn, để giữ lại cái cốt huyễn hoặc hào quang của danh nghĩa vợ chồng.

Ông bà sống đơn lẻ, từ ngày bà Sáu báo tin ông có nhân tình bên ngoài, bà đâm ra lạnh lẽo với cảm xúc chính mình, chán chường cảnh phải gần với ông, khi nghĩ đến cảnh mới vừa đâu đó ngoài quán cà phê, hay nhà nghỉ, quán bia ôm nào đó, ông đã say sưa với những cô gái môi son má phấn, miệng dẻo đeo, tay rót rượu, tay sửa túi cho ông, không quên vặn vẹo chiếc thắt lưng đang trong tình trạng tức phần bụng dưới của ông. Tin tức về ông, mỗi ngày đều đều như tiếng muỗi bay vo ve trong căn phòng tối om, nhếch nhác. Bà cố xua đi, tìm cách quên đi những tin tức làm xói mòn cơ thể ấy ra khỏi tâm trạng của mình. Đúng là, khi hoang tưởng điều gì đó, người ta rất dễ trở nên bất thường…

Có một thời gian bà như người câm không biết nói, người say không biết buồn. Khí chất của một người đàn bà lúc tỉnh lúc say thật sự khiến người ta bất ngờ, vài người bạn thân của bà thời đó như: bà Sáu, bà Bảy cứ vì lo lắng mà tìm hiểu khắp làng trên xóm dưới, mục đích phải tìm kiếm cho ra việc ông Tư dạo này đang cặp với ai. Rồi lên kế hoạch đánh ghen giúp cho bà. Cũng là một cách nhiệt tình để bảo vệ hạnh phúc cho người hàng xóm thân yêu. Nhưng đối với bà Tư, cũng chỉ là nghe thôi, biết rồi, bà lại lặng yên, bà nói mà như hụt hơi, khô khốc trong cuống họng, nhưng không hề có giọt nước mắt nào. Cứ thế, một thời gian sau, hai bà bạn đành buông xuôi, cũng không còn nói gì nữa và chỉ biết  lắng nghe bà nói:

– Thôi. Mấy chị không cần phải bận tâm giúp tôi nữa, tôi biết các chị thương và xót tôi. Nhưng với một ông chồng như vậy tôi hết cách rồi. Giờ thì tôi quyết định ly dị, cũng đồng nghĩa với việc chia đôi gia sản cho ổng, rồi ổng sẽ phá hết, sẽ bò về nhà với hai bàn tay trắng cho coi. Dù biết sẽ là như vậy. Nhưng tôi cũng quyết định rồi, ổng mà thương yêu ai, và có ai thương yêu, tôi sẵn sàng cho ổng đi xây dựng hạnh phúc với người đó.

– Ôi trời!…

Chẳng còn ai lên tiếng phản đối gì nữa. Hai bà bạn của bà như chừng hiểu bà, như chừng biết rằng bà đã có quyết định cho hướng đi không phải chỉ cho riêng mình.

Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Hôm đó vào lúc trời nhá nhem tối của một mùa Thu cách đây hai mươi năm trước. Ông Tư trở về nhà, trong trạng thái ngất ngư của men rượu. Ông không phải đi một mình. Bên cạnh ông là một người phụ nữ, thân hình lả lướt, phấn son đậm đà, mùi hương của nước hoa nhân tạo khiến bà phải nhảy mũi. Ông Tư hào sảng giới thiệu:

– Đây là Hạnh, tôi muốn sống với người này, bà ly dị đi, cho tôi với Hạnh được tự do, người ta sẽ thôi dị nghị đàm tiếu, về gia đình mình nữa. Đó cũng là một cách thực tế thể hiện lòng ngay thẳng của bà đó.

– Ai dị nghị? Không có ai đâu. Không có ai rỗi hơi lo chuyện của ông đâu.
– Sao không? Tại bà hết. Tôi nói bà trả tự do cho tôi, chia gia tài cho tôi tự sống. Đó là sự thương yêu của bà đấy.

– Được rồi! Ông đã quyết định vậy thì ngày mai tôi sẽ lập tức ra tòa gửi đơn cho ông được vừa lòng. Nhưng nên nhớ, tôi phải là người nuôi con.

– Bà muốn làm thì làm. Muốn nuôi hết cũng được. Muốn được giữ luôn phần tài sản của tụi nhỏ chứ gì! Tôi hiểu quá, bà lúc nào mà không tính toán về tiền.

– Thì tôi là vậy, tôi xấu vậy đó! Nên từ nay tránh xa tôi ra nhé! không là tôi nổi “máu chó” tôi lên!…

Ông Tư như chừng nhận ra mình đã nói gì đó quá đáng rồi, nên im lặng. Không khí lúc này lắng lại dìu dịu đôi chút.

Quay sang người phụ nữ mà ông Tư dắt về, đang ngồi đối diện bà với kiểu cách rất tự tin, đỏm dáng. Bà Tư nói trong uất hận nghẹn ngào:

– Cô nghe chưa, ông ấy đã yêu cô hết mình, quyết từ bỏ tất cả, đòi quyền lợi để được sống với cô. Cô liệu đấy. Hai người sống cho đàng hoàng vào, đừng bao giờ quay về đây nữa, đừng cho tôi nhìn thấy mặt hai người.

Kết thúc phiên tòa của một gia đình, với ba mặt con, hai trai một gái. Bà Tư được pháp luật chia tài sản cao hơn, bởi để bảo vệ quyền lợi nuôi con cho bà. Cứ thế tuổi thanh xuân, bà một mình, dạy dỗ, nuôi dưỡng, xây dựng tương lai cho từng đứa. Với bản chất chắt chiu chịu thương chịu khó, khoản tài sản sau ly hôn, bà dần nâng lên cao hơn, vững chắc hơn. Còn ông Tư và cô Hạnh thỉnh thoảng gọi điện về cho các con của bà, than thở kể khổ, đến mãi tụi nhỏ cũng chán không buồn nghe điện thoại. Cặp vợ chồng yêu thương tha thiết ấy lại gọi trực tiếp cho bà, xin bà trợ giúp ít tiền để có vốn làm ăn, vì bây giờ ông Tư đã trắng tay, bán hết đất ở thành phố, về quê sống trên mảnh đất không phải quê hương mình ở tận Bình Phước.

Bà Tư thời điểm này kinh tế rất ổn định, con cái đã có việc làm đâu ra đó, nên có nhiều thời gian rảnh rỗi và thường tham gia những công tác thiện nguyện, với tấm lòng luôn hướng thiện nên khi nghe vợ chồng họ khẩn thiết cầu mong giúp đỡ, thì mềm lòng non dạ. Sự bao dung và lòng vị tha của người đàn bà, vốn có như những ai từng làm vợ làm mẹ tốt, nên bà sẵn sàng chia sẻ những khốn khó trước mắt. Mỗi lần như vậy, bà Tư luôn dặn dò kỹ lưỡng phải sống sao cho tốt. Vậy mà, chỉ vài năm sau thôi, cô Hạnh không còn chung sống cùng ông, với một lý do chính đáng. Là vào thành phố kiếm tiền trả nợ cho ông, rồi biền biệt mãi không về, bìm bịp kêu chiều khiến ông Tư làm bạn thân cùng bầu rượu, khói thuốc. Cho tới ngày ông say mèm, nôn thốc nôn tháo, hàng xóm láng giềng chuyển ông vào bệnh viện, sau đó là gọi điện cho mẹ con bà Tư hay.

Nằm viện được mười ngày ông Tư mất. Nghĩa tử. Nghĩa tận. Các con xin phép bà, ước nguyện được đem ba chúng nó về nhà để cử hành tang lễ, dù có là gì, có sống ra sao thì ông Tư vẫn là ba của chúng nó, phận làm con không thể để ba phải về nơi không phải là quê mình. Cũng có thể là các con bà bây giờ đã thành đạt, có gia đình riêng, chúng nó không muốn người đời nguyền rủa bỏ mặc ba mình. Các con bà không khóc, cả ba đứa đều rất bình thản, dù cặp mắt đỏ hoe, không nụ cười.

Gia đình bà giờ đã có một người đàn ông lớn bên cạnh, nằm bất động, hiền khô, không đòi hỏi yêu thương, cũng không còn ý thức để nghe được lời trách giận.

Biết các con lo lắng, bà giả vờ hờ hững, lạnh lẽo, nhưng khi các hoạt cảnh diễn chậm từ từ, các con đã nhận ra, bà đã sắp xếp tang lễ cực kỳ chu đáo. Họ hàng hai bên, bạn bè xa gần đến viếng, cho hương hồn ông tại ngôi nhà chính là nơi đã một thời cưu mang gắn bó và hình thành nên  những tình cảm thiêng liêng ruột thịt. Những người đến thăm viếng đặt ra câu hỏi: “Không lẽ chuyện ly dị trước đây chỉ là tin đồn!???”.

Trên gương mặt của bà Tư đang để tang cho ông, hình như chưa có một cuộc chia tay nào, đã từng xảy ra trước đó.

Ngày 15 tháng 9  năm 2019

H.X.Đ