Như những khúc tình ca gam thứ dịu dàng

546

Nhà văn Hoài Hương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có thể chính từ việc cùng quê miền Tây Đô Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, mà tôi có duyên gặp và làm quen với nhà thơ Nguyễn An Bình. Rồi cũng từ sự tò mò về một người thơ miền Tây Nam bộ, tôi đọc tiểu sử văn học của ông mà ngưỡng mộ, hơn nửa thế kỷ với bề dày và độ chín trong văn đàn đã lan rộng trong nước và hải ngoại, hiện tại là 17 tập thơ – văn – ca khúc phổ thơ đã được xuất bản, từng có rất nhiều tác phẩm thơ được chọn đăng trên các tạp chí Văn, Văn học, Tuổi Ngọc… trước năm 1975, và nhiều trang văn học của truyền thông Việt Nam sau năm 1975…

Đến khi tôi được ông tặng cho 5 cuốn ca khúc phổ thơ của ông với gần 500 bài: Tình thơm màu giấy mới, Qua miền đất nhớ, Về phương Nam tìm một cánh cò, Lời hẹn cỏ may, Dấu chim bay, và khi tôi viết những dòng này, về cuốn sách mới nhất của ông trong năm 2020, tập truyện ngắn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà, còn biết thêm số ca khúc phổ thơ ông đã lên con số gần 700 bài, thì trong tôi không chỉ là ngưỡng mộ mà sự khâm phục sức lao động nghệ thuật của một người thơ tài hoa… Vâng! Cho phép tôi được gọi ông là “người thơ”.


Truyện ngắn “Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà” của Nguyễn An Bình.

Đọc thơ ông, luôn cảm giác trong thơ có nhạc, với những ngôn từ ngọt ngào thấm đẫm tình quê hương đất nước, có lẽ thế mà các nhạc sĩ đã đồng điệu mà phổ nhạc vào lời thơ, làm nên những ca khúc mượt mà, tha thiết, mang đậm hồn Việt. Và khi ông gửi tôi tập bản thảo Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà, tôi đã mang tâm cảm thơ, đọc 15 câu chuyện ngắn của ông: Chuyện tình trên Phá Tam Giang, Chuột và người, Nguồn cội, Bến sông quê, Tình yêu màu hoa anh đào, Xóm trọ, Sông Ba mùa lũ, Trên đồi sương, Mùa chim dồng dộc, Sông ngoài kia vẫn chảy, Chuyện của hai người, Bên dòng Potomac, Tấm thẻ bài, Còn xanh bóng núi, Tiêng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà, như đọc những câu chuyện thơ đầy nhạc cảm, những khúc tình ca gam thứ dịu dàng man mác, dù trong các câu chuyện đó, có vui có buồn, có vơi đầy tình người, có đắng đót xót xa, có thênh thang nỗi nhớ, có diệu vợi tình quê, có thao thiết yêu thương, có chênh chao xứ người, có mộng mơ lãng đãng, có liêu trai sương khói, có mơ hồ vênh vao kiếp người…

Vượt qua cảm xúc những câu chuyện đời, chuyện tình làm ám ảnh khôn nguôi về kiếp người, sao có phận khổ đến tận cam lai, hay long đong lận đận liên miên đến thế, hoặc về số phận những cuộc tình có khổ trước vui sau, sướng đó lại khổ ngay đó, hợp tan như mây khói gió đùa, phải vượt ngàn trùng xa cách đầy trắc trở rồi mới lại trùng phùng hạnh phúc… Đọc tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà lại là khám phá thú vị bao nét văn hóa tinh tế, cung cấp thêm chút ít kiến thức về các miền đất Việt hay ở những phương trời xứ bạn.

Đọc Chuyện tình trên Phá Tam Giang, có thêm hiểu biết thế nào là “thả lừ”, “mò trìa” để bắt tôm cua cá, “nò sáo” nuôi trồng thủy hải sản… Hay trong Bến sông quê, có thể biết thêm ít bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ với các bản cổ như “khốc hoàng thiên”, “trăng thu dạ khúc”, “tam xuân”, “phụng hoàng”, “kim tiền bản”, “vọng kim lang”, “văn thiên tường”, “phi vân điệp khúc”…, các điệu lý như “lý giao duyên”, “lý con sáo”, “lý cái mơn”…

Đọc Sông Ba mùa lũ, là có thể hình dung con sông “bắt nguồn từ ngọn núi Ngọc Rô tuốt trên vùng đất đỏ ba-zan Tây Nguyên, chảy qua mấy tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai rồi xuôi về Phú Yên theo cửa Đà Diễn ra biển khơi. Hàng nghìn năm nay đã chuyên chở biết bao phù sa màu mỡ tưới cho cánh đồng lúa Phú Yên để nó trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung này…”

Và một cảnh tượng tuyệt mỹ trong khu rừng rậm nhiệt đới có thể làm ngây ngất bạn đọc dù chỉ là ngôn từ: “Một đàn bướm đủ màu sắc, anh nhận ra có nhiều loài bướm đẹp đặc trưng của Sơn Trà như bướm phượng đuôi kiếm, bướm phượng đốm vàng, bướm phượng đen đuôi vàng… bay hàng đàn theo bước chân anh như tiễn anh xuống núi giống như ngày xưa các nàng tiên nữ tiễn đưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu về trần gian vậy…” – Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà.

Trong câu chuyện Sông ngoài kia vẫn chảy, ngoài việc cung cấp cho bạn đọc “quy trình” làm chiếc ghe xuồng: “Làm ghe xuồng – Để hoàn thành một chiếc xuồng đạt yêu cầu, phải qua nhiều công đoạn vất vả từ việc cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn… trong các khâu đó khâu ráp cong là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của sản phẩm”… thì cách tả dọc ngang đời thương hồ ở miền Tây Nam bộ, qua câu văn mà thấy cả miền sông nước với những cái tên đầy ấn tượng, hình dung ra một miền nước châu thổ sông Mekong thi vị và kỳ bí để khám phá trong một chuyến du lịch nào đó trong tương lai: “Ráng chiều, Ngàn lại lang thang trên sông nước cùng chiếc ghe hàng bông của dì Tư, khi thì qua Cái Sâu, Mái Dầm, Phú Hữu khi thì ngược lên Vàm Xáng, Phong Điền, Cầu Nhiếm, Ba Xe, có lúc lại trẩy lên Ô Môn, Thới Lai Cờ Đỏ, nơi nào có khách thì thuyền cứ đi, nơi nào có bến thì thuyền neo đậu lại..”

Đặc biệt là trong câu chuyện Tình yêu màu hoa anh đào, thật thú vị khi tác giả cung cấp cho bạn đọc ít kiến thức về hoa anh đào ở Nhật mà không phải ai cũng có thể nhận biết, nếu như không phải một người có sự quan sát tỉ mỉ và tìm hiểu cặn kẽ: “Ở Nhật có mấy trăm loài hoa anh đào khác nhau như Nhiễm Tĩnh Cát Dã Anh (Somei Yoshino Zakura) hoa có màu hồng nhạt hay trắng. Vẻ ngoài của chúng đặc biệt đẹp nhờ vào lá cây không trồi ra cho tới mùa cao điểm hoa nở. Hoa có sắc hồng chuyển dần sang trắng, các biểu tượng hoa sakura đều bắt đầu từ loại này. Còn có Sơn Anh(Yama Zakura) cũng màu hồng nhạt, hoa năm cánh nhưng nhỏ hơn, Chi Thùy Anh(Shidare Zakura), hoa màu hồng có những nhánh rũ xuống, rồi Hàn Anh(Kanzakura) là loại hoa anh đào nở sớm, Hà Tân Anh (Kawazu Zakura). Hàn Phi Anh hoa có màu đỏ đậm giống như cái chuông… Hàn Phi Anh có thể rộ nở từ tháng 1…, có loại nở rất muộn như Nhất Diệp Anh (Ichiyou Zakura) nở vào cuối tháng tư một bông có khoảng 20 cánh, rồi Uất Kim (Ukon) hoa có màu vàng nhạt, Anh Đào Hoa Cúc (Kikuzakura) có khoảng 100 cánh trong một bông, đặc biệt là Anh Đào Mùa Thu (Jugatsuzakura) thời gian nở từ tháng mười đến tháng một và mùa xuân, là một trong những loài hoa nở vào mùa thu và mùa đông…

Khi nói về một con sông ở Thủ đô nước Mỹ, tác giả tả ngọn nguồn sông, để qua đó cho bạn đọc có thể hình dung dòng chảy như đang được “xem” thực địa: “… Sông Potomac bốn mùa trong xanh hiền hòa, nó là một trong những con sông dài nhất nước Mỹ, Potomac khởi nguồn từ tiểu bang West Virginia và lần lượt chảy qua các tiểu bang Maryland, Virginia và Washington DC. Đoạn sông chảy qua Virginia là dài nhất, bởi khi vào tới tiểu bang Virginia dòng sông uốn khúc nhiều lần khi nối với các phụ lưu nhỏ và mỗi lần tiếp nhận thêm một phụ lưu. Dòng sông lớn hơn cho tới khi chạm mặt với thủ đô Washington DC thì dòng Potomac đã trở thành mênh mông khi xuôi vềphía nam đổ vào vịnh Chesapeake rồi hòa vào Đại Tây Dương” – Bên dòng Potomac

15 câu chuyện trong Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà của “người thơ” Nguyễn An Bình có thể nói là 15 cung bậc của tình yêu, mà ở đó, chữ “tình” giống như chủ thể để biến tấu những gam màu sắc cuộc đời hoặc đắng ngọt, day dứt, chung chiêng đến thương những mảnh đời bất hạnh, hoặc hạnh phúc được sẻ chia, hạnh phúc khi đoàn tụ, hạnh phúc tìm được nhau để có nhau, hạnh phúc khi biết về nguồn cội…

Những câu chuyện tình yêu trai gái tình tiết không tạo sốc, không có những tình huống gay cấn, nhưng luôn làm xốn xang trái tim bạn đọc bởi cái thương khó, chông chênh. Không thể không thương cặp đôi trai gái người mất mẹ kẻ mồ côi cha, cùng có hiếu với người còn lại, cùng chịu thương chịu khó, cùng sớt chia cho nhau vui buồn, tựa vào nhau, để rồi gắn bó với nhau ăn đời ở kiếp hạnh phúc như trong Chuyện tình trên Phá Tam Giang. Cũng như cảm thông và cầu mong cho nhân vật Ngàn trong Sông ngoài kia vẫn chảy tìm được niềm vui với mối tình thanh mai trúc mã, đi theo tiếng gọi trái tim, vừa là trả ân tình cho những người đã cưu mang cuộc đời, vừa là theo tiếng gọi của dòng sông, của kiếp thương hồ gắn bó từ trong máu thịt… Và có chút ngậm ngùi đồng thuận với tác giả về một tình yêu bị phản bội, bị xem thường như trò lừa dối để mang lợi cho mình trong câu chuyện tình buồn Chuyện hai người.

Trong tập truyện ngắn này có hai câu chuyện tình dễ thương vừa mộng vừa thực, vừa lãng mạn vừa sương khói liêu trai, đều cùng đề cập đến cái đẹp, một cái đẹp nghệ thuật do con người tạo tác, một vẻ đẹp của thiên nhiên của môi trường, đều có một chàng trai đi tìm một người con gái… Trên đồi sương, như câu chuyện “châu về hợp phố”, một bản tình ca ngọt ngào với giai điệu ban đầu có chút trắc trở, để rồi cái kết đẹp như thơ, chàng họa sĩ đã gặp lại người con gái – nguyên mẫu trong bức tranh của mình trong một hoàn cảnh khá cảm thương – nàng bị tai nạn và mất trí nhớ, và rồi tình yêu chân thành từ trái tim cộng vẻ đẹp bất tử của nghệ thuật đã làm nên điều kỳ diệu. Còn câu chuyện thứ hai, cũng là câu chuyện kết của tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà, một câu chuyện tình liêu trai kỳ ảo giữa một nghệ sĩ nhiếp ảnh, không phải với hồ tinh mà với một linh trưởng của rừng Sơn Trà, vọoc Chà vá chân nâu đầy mê hoặc trong vẻ đẹp hoang dã cũng như chất kỳ ảo của tiếng đàn đá – âm thanh của đại ngàn. Một câu chuyện mà qua đó còn chứa nhiều thông điệp về bảo vệ giữ gìn môi trường thiên nhiên, đừng vì lợi nhuận đồng tiền mà phá hủy vẻ đẹp và những bảo vật thiên nhiên ban tặng cho con người.

Và tiếp nối theo mạch bảo vệ thiên nhiên, câu chuyện Sông Ba mùa lũ là một gam buồn cảnh báo những hiểm họa khôn lường do con người nắn sóng đổi dòng những con sông Trời cho, để khi thì đồng khô ruộng hạn nứt nẻ, khi thì ngập úng lũ lụt mênh mang..

Có một câu chuyện trong tập truyện này khá sốc, nó gần như mang màu sắc lạ, và thật sự đọc xong vẫn ám ảnh đền rùng mình nổi gai người. Câu chuyện Chuột và người, miêu tả cảnh bắt chuột cống hàng đêm của một tay “săn chuột” bán cho các nhà hàng đặc sản có thể thu nhập tiền triệu mỗi đêm. Một con người tử tế đàng hoàng, rồi sa cơ, rồi biến mình thành một loài “chuột” làm cái nghề kinh khủng… Một câu chuyện không chỉ buồn mà còn chuyển khá nhiều những nghĩ suy về cuộc sống, con người, trách nhiệm, sự dối gian, thú ăn chơi bất chấp…

Quê hương trong thơ của người thơ Nguyễn An Bình như một chủ thể thống nhất trong các tác phẩm thơ của ông, thì ở trong tập truyện ngắn này, ông cũng không bỏ qua “sở trường” của mình để viết hai câu chuyện đầy xúc động: Nguồn cội – nói về những em bé trong chiến dịch “Operation Babylift” của Mỹ di tản trẻ mồ côi ra nước ngoài trước ngày 30/4/1975, tìm về nguồn cội quê hương của mình. Truyện thứ hai là Mùa chim dồng dộc – Một câu chuyện tình yêu được viết qua những ký ức hoài niệm đẹp về loài chim dồng dộc ở quê nhà, loài chim cần cù chịu khó làm tổ đẻ trứng nuôi con mỗi mùa, để rồi sau đó lại cặp kè nhau tung cánh bay đi về một miền xa tiếp tục sinh sống và trưởng thành…

Tình người trong tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà là những câu chuyện cảm động và có thể nói gây xúc động tận tam can bạn đọc. Một Xóm trọ toàn những dân nghèo thênh nghèo thang ở tứ xứ tụ lại, làm nghề cũng đa nghệ, tính cách thành phần tuổi tác cũng đầy phức tạp, nhưng được cô chủ trọ có tình, không quá ngặt nghèo lấy tiền trọ, cảm thông với sự khó của mọi người mà tò ra hào phóng, khoáng đạt, lại luôn tìm cách động viên để người ở trọ có thêm động lực mà sống trong lạc quan. Còn xanh bóng núi, câu chuyện buồn the thắt của người đàn ông cựu chiến binh chiến trường K, bị vợ ruồng rẫy, rồi con chết vì bệnh, bên cạnh đó là câu chuyện một cô sinh viên bị lừa rồi mang bầu, sinh con và bỏ con… Người đàn ông sau đó dang tay mở trái tim dốc công nhận nuôi bầy trẻ bị mẹ bỏ hay mồ côi như niềm vui cuộc đời. Cô gái sau khi tốt nghiệp có công ăn việc làm đàng hoàng, chuộc lỗi xưa bằng cách luôn góp tiền bạc giúp dỡ người đàn ông nuôi bầy trẻ, rồi biết con mình trong số trẻ nít đó… Và cái kết có hậu cho những người hảo tâm nhân hậu, họ đã cùng nắm tay chăm sóc bầy trẻ.

Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà có ba câu chuyện về người Việt xa xứ: Tình yêu màu hoa anh đào; Bên dòng Potomac, Tấm thẻ bài. Cảm giác như gam màu lạnh trong chuyện với những số phận xa xứ nhiều tâm sự, ngổn ngang những mảnh đời, vất vả trong mưu sinh…, nhưng câu chuyện lại thật ấm áp. Ấm từ màu hồng hoa anh đào Nhật Bản để sưởi những trái tim lao động Việt, ấm từ ngọn gió trên dòng Potomac vô tình hay hữu ý đã gắn kết hai con người tưởng như đã không còn có thể gặp lại nhau, ấm từ giai điệu ca khúc Somewhere my love trong phim Docter Zhivago để gắn với cuộc tình với cô gái tên Hà…

Tập truyện ngắn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà của nhà thơ Nguyễn An Bình khá chân phương trong ngôn ngữ, nhiều phương ngôn mang phong cách Nam bộ, giống như một cách kể rỉ ra câu chuyện, không ồn ào, không náo nhiệt, như những khúc tình ca gam thứ giai điệu dịu dàng len lỏi, thấm dần vào tâm hồn bạn đọc, gây cảm xúc nhớ nhớ thương thương, chút hoài cảm mơ màng… Đặc biệt, có lẽ là người thơ viết văn, nên trong nhiều đoạn truyện chất thơ rất nhiều.

Một tập truyện đọc để cảm để rồi khó quên.

Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn An Bình đã từng nói: Làm thơ viết văn là một cái nghiệp mà tôi tự tìm đến một cách hân hoan và tự nguyện, mãi mãi đi trên con đường đó dù biết nhiều gập ghềnh chông gai lẫn những cạm bẩy nhưng con đường đó lại chứa đầy hạnh phúc và niềm hoan lạc không bến bờ.

Chúc phúc con đường văn nghiệp của anh sẽ được nhiều hoan lạc.

H.H