Những mảnh nhớ cũ – Tản văn Kai Hoàng

832

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xuyên suốt là nỗi buồn không thể gọi tên, nỗi buồn ẩn sâu từ trong những dung từ mới mẻ. Tác giả thốt lên rằng: “Tôi luôn thấy mình đắm chìm trong những hình ảnh mang tính liên tưởng. Tận sâu cội hồn, tôi viết như phủ dụ bản ngã khuất sâu lòng thành. Tựa hồ một loài chim báo bão, tôi muốn bay qua những mùa biển động để tìm đến những hòn đảo vắng, rồi khóc cười vấn vương…”

Tốt nghiệp Khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM nhưng anh lại yêu văn chương và có năng khiếu sáng tác ở nhiều thể loại văn chương khác nhau.

Sinh năm 1988. Vâng, chàng trai mới chỉ 30 tuổi đã xuất bản 09 đầu sách gồm thơ, tản văn, truyện ngắn và truyện dài. Thành tích của anh trên văn đàn cũng rất đáng tự hào: Giải nhất cuộc thi viết Những chuyến đi của Báo Mực Tím; Giải KK sáng tác văn học Đoàn Thị Điểm của Quảng Văn Books. Giải KK cuộc thi thơ Đồng Tháp – Đất Sen Hồng và nhiều giải thưởng văn chương có giá trị. Anh chia sẻ cùng Văn Chương Phương Nam: “Tôi viết tản văn như để phủ dụ những hồi ức còn đang chảy miên mải trong tiềm thức. Và cả những mảnh đời đang còn quăng quật ở cuộc sống ngoài kia. Bằng cách đó, tôi tự đồng cảm với chính mình, với những con người lạ xa. Để hiểu thêm đủ đầy và cặn kẽ nhân sinh vô thường…”

Anh là nhà văn trẻ Kai Hoàng. Nhà văn Kai Hoàng tên thật là Trần Tuấn Anh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Văn Chương Phương Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, bạn viết tản văn “Những mảnh nhớ cũ” của anh!

BBT Văn Chương Phương Nam

Nhà văn trẻ Kai Hoàng

Từ chỗ này rẽ trái một quãng là xóm Lưới cũ. Phải dùng từ cũ (trong ngoặc kép) bởi từ khi thị xã chuyển mình lên thành phố, người ta đã giải tỏa quy hoạch và biến xóm cũ thành một bờ kè chạy dọc theo mép sông. Xóm chỉ còn trong ức thức. Tan tác. Bạn nói, thị xã cựa mình lên thành phố khi còn quá trẻ. Cái trẻ đó khiến cho những người trú ngụ trong nó ngơ ngác, ngẩn ngơ và dáo dác. Nhưng rồi người ta cũng phải chuyển đi, cũng phải từ bỏ kế sinh nhai mà trong cái tên đã thể hiện rõ nghề nghiệp của những người trong xóm.

Một tháng vài ba lần, tôi thường xách xe chạy ngược về quá khứ, tức xóm cũ. Thời gian găm đầy trong vùng kí ức là hình ảnh của những con đường mòn đất sỏi, của những ngôi nhà mọc sát mé sông, của mùi sình lầy nắng cháy buổi trưa hè bãi bờ tắm ướt… Những bìa trời thơ ấu, chúng nghiễm nhiên trở thành những mảnh nhớ cũ kĩ đọng lại như những vũng nước sau mưa, thảng khi ngã lòng soi bóng và ngó nghiêng trong đó, chỉ phảng phất mỗi bóng dáng mình.

Đôi lần trí nhớ hụt hơi, tôi quên tên của một vài người trong xóm, tựa như có ai nhổ bỏ bớt đi một vài gương mặt người hôm xưa không gặp và thay thế bằng những gương mặt khác trang hoàng hơn. Kí ức bỗng bục màu như ngói. Đau đáu và khắc khoải. Nuối tiếc và quặn lòng. Bạn kể, hồi đó chúng tôi thường ra khỏi nhà vào những buổi chiều, thiên đường tuổi nhỏ chẳng chừa bất kì chỗ nào trong xóm. Từ khu đất trống cỏ cây lau sậy đến bãi bờ sông nước, chỗ nào cũng rộn rã nói cười. Cho đến khi rời xa, bạn vẫn không tin còn chỗ nào là thiên đường thực sự như hồi được cưu mang giữa lòng xóm cũ.

Giống như bạn, thỉnh thoảng tôi vẫn để sự hoài nhớ dắt tay mình về những mông mênh ức thức. Như chỗ này trước kia là nhà mình nè, như mé sông kia là chỗ mình hồi nhỏ hay leo bần cùng đám bạn nè, bãi đất kia mình hay thơ thẩn đội nắng thả diều nè… Và những người muôn năm cũ, họ chính là linh hồn tạo dựng nên xóm. Như nhà ông Bi Điếc là nơi tụ tập của tụi nhỏ thích xem phim hoạt hình, cũng vì chứng lãng tai mà âm thanh của chiếc ti vi cũ mèm cũng được vang to cả một góc xóm. Nhà bà Mai Dộ là chỗ may đồ quen thuộc của mấy người đàn bà trung niên. Rồi nhà ông Châu Mão là nơi ẩn nấp quen thuộc khi tụi nhỏ chơi năm mười… Vài lần chân trôi về xa lắc, tôi chợt bắt gặp một vài hình ảnh quen thuộc của xóm cũ, cũng rộn ràng và chói lói thoáng qua vậy thôi, bởi không có những bóng hình và giọng nói quen thuộc của những hồn người thân cũ.

Tôi chạnh nghĩ, đôi khi nhớ cũng làm người ta giật mình, khi phải vặn lòng tưởng tiếc về những hoài niệm. Tôi không biết liệu thời gian có tàn nhẫn phai dột ít nhiều những mảnh nhớ cũ mà người ta chắt chiu trong quá vãng, như chính tôi cũng đôi lần hư hao khi những gương mặt đã từng một thời gắn chặt trong tâm trí nay bỗng lịm dần sau mỗi bận hoàng hôn. Rồi khi nhiều cái mươi năm gộp lại, lúc thành phố bỗng trở nên già, chợt thấy chỉ tồn tại trong nếp nghĩ của mình về một cái xóm cũ của thời thơ ấu, nhưng để nhắc nhớ kĩ lưỡng và rõ ràng thì chắc gì đã hình dung nổi?

Mà giờ, xóm cũ cũng đã mất dấu, nhà tôi cũng đã chuyển dời, láng giềng hôm xưa thân thiết là vậy cũng chia năm xẻ bảy. Đìu hiu và trống trải. Hoang vu và xé lòng. Từ nơi tôi ở là khu tái định cư, khi những cái xóm ven sông trong thành phố này lần lượt bị nhổ bỏ và những mảnh đất được lắp đầy bằng những con người mới đến, tôi đã từng lạc quan nghĩ rồi cái tình thôn xóm sẽ được nhóm lên lần nữa ở một nơi xa lạ, của những con người xa lạ. Nhưng chiều nay trên đường về, khi đi ngang qua những ngôi nhà lêu nghêu kín cổng, qua những tiếng còi xe thay cho lời chào, cùng với những ánh nhìn lạ lẫm dò xét, tôi chợt thấy như mình đang đi lạc trong những xao xác của thực tại.

Bởi họ không phải là những hồn người của hôm xưa mà tôi tìm kiếm.