Phạm Sỹ Sáu & Pháo dậy phố xuân – 1

935

09.02.2018-23:20

NVTPHCM- Trường ca Pháo dậy phố xuân là tác phẩm của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu sáng tác nhân dịp tham gia trại viết Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM tổ chức năm 2017, vừa được NXB Văn Hoá Văn Nghệ ấn hành. Đây là một trong những trường ca hiếm hoi viết về sự kiện lịch sử oanh liệt và bi thương mà đất nước đã trải qua, với góc nhìn mang tính liên tưởng, hồi tưởng về một Sài Gòn “Sống vương giả giữa bốn bề đạn bom” ở thời điểm đặc biệt ấy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. (PH)

 

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu

 

 

PHÁO DẬY PHỐ XUÂN

(Trường ca)

 

Chương I: SÀI GÒN 1967

 

Phố vẫn phố, đường vẫn đường

Mùa khô vừa tới trên tường vôi xanh

Nắng lấp lánh, nắng mong manh

Nắng như thiêu đốt mái tranh xóm nghèo

 

Thôn xóm vùng ven tiêu điều

Vẫn xác xơ với rất nhiều đạn bom

Triệu người rời bỏ xóm thôn

Triệu người sống kiếp mỏi mòn nạn dân

 

Sài Gòn phố thị đông dần

Lao xao cao ốc nhiều tầng cho thuê

Người Sài Gòn cứ mải mê

Sống vương giả giữa bốn bề đạn bom

 

Những tiếng nổ của biệt động thành ở nội đô

Vẫn không át được nhịp sống xô bồ

Trại lính mọc dày theo lộ chính

Phi trường luôn vang động tiếng máy bay

Quân Mỹ vẫn nện gót giày

Trên đường đến snack bar, tiệm nhảy

Sài Gòn cứ ùn ùn chảy

Những dòng người mê mệt với áo cơm

 

Những xóm làng Gia Định dân đông hơn

Những Bình Hoà, Thạnh Mỹ Tây, Hanh Thông, Phú Nhuận

Chen chúc những mái nhà dân tản cư

Chạy trốn chiến tranh từ rất nhiều làng xóm đã nát nhừ

Dưới bom đạn không ngừng của hàng ngàn máy bay, tàu chiến

Những con người nhẫn nhịn

Chờ thời cơ vùng lên

 

Quận Nhứt, quận Nhì, quận Ba, quận Tư

Những quận Sài Gòn đông đặc dân cư

Đông đặc người làm thuê, ở trọ

Nhà mọc ken dày trong từng hẻm nhỏ

Lấn tràn lên các con rạch tự nhiên

Những nhà chồ trong những xóm không tên

Ven những con đường Trương Minh Giảng, Nguyễn Thông…

Những xóm thợ cần lao Tôn Đản, Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội…

Những ngôi nhà chật chội

Chứa bao điều rủi may

Chứa bao điều mê say

Về một ngày sẽ khác

 

Một Sài Gòn khác bên kia cầu chữ Y

bên kia cầu Nhị Thiên Đường

Những ngôi nhà mọc bám theo lộ đất

Len trong những bưng dừa nước

Những ngôi nhà dựng lên

Vội vàng

Vội vàng

Chứa trong nó những con người chưa hết nỗi bàng hoàng

Về những lần đạn bom trút lên xóm làng ngày thôi yên ả

Ngày giặc giã tràn về làng quê

Trên những chiếc xe GMC

Trên những chiếc tàu bò, tàu bay, hôbo, giang đỉnh

Một làng quê tràn ngập lính

Và ngập tràn đạn bom

 

Bỏ làng mà đi

Bỏ làng mà đi

Kiên cường chi với súng đạn ầm ì

Có khi nào ngớt

Những phút bình yên bất chợt

Là lúc bàng hoàng trước cảnh làng xóm tan hoang

Hoà bình vừa tràn qua mấy năm đã quá mong manh

Chưa kịp an yên

Đã phải dầm mình trong chiến trận.

 

Những xóm nạn dân chiến tranh hình thành

quanh Sài Gòn thành vành đai khép kín

Những Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh

Những xóm ven sông Thủ Thiêm, An Phú, Hiệp Bình

Vừa trải qua mùa mưa với nước ngập láng lênh

Ngập tràn đe doạ

Máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt vẫn ngày ngày gầm rú

Xé bầu trời lao cuốn phía xa xăm

Bỏ lại sau lưng An Phú Đông tiếng rít giữa không trung

Đe doạ

 

Sài Gòn 1967 mỗi ngày như lạ

Xe khách, xe balua vẫn hối hả rời thành

Con đường Petrus Ký mỗi ngày mừng đón hàng trăm chuyến hành trình

Ra miền Đông, xuôi miền Tây

Hàng vạn người đến đi từ nơi nầy

Về trong ngàn hẻm nhỏ

Họ âm thầm len vào phố

Thành cư dân Sài Gòn

 

Sài Gòn mọc dần lên những ngôi nhà nhiều tầng

Những bunđynh được cho lính Mỹ thuê làm doanh trại

Chen chúc giữa những lối đi lại

Đã thành những lối xưa Sài Gòn

Những cuộn dây kẽm gai và lô cốt dập dồn

Chắn giữa phố như ngăn đường, ngăn lối

Những gương mặt sáng tối

Với mũ sắt, giày đinh, súng Garant M2 cùng cái nhìn lơ láo

Làm cho không khí đô thị Sài Gòn ngập tràn chiến tranh

Dù tiếng đạn bom ngoại thành vọng về rất mong manh

Không át nổi tiếng ồn nơi phồn hoa đô hội

Người người ai cũng sống vội

Sợ chiến tranh cướp đi những giây phút hoà bình

Chiến tranh cứ nổ vang trên những cột nhật trình

Nổ vang trên những bản tin chiến sự lan khắp bốn vùng chiến thuật

Nổ vang trên những chương trình truyền hình, truyền thanh

Nghe chừng nhiều đau nhức

Nhiều xót xa

 

Nhà chung sự ở tổng y viện Cộng Hoà

Vẫn xếp dài ngày đêm những quan tài lạnh toát

Những chiếc quan tài kẽm

Chứa trong nó những xác người vô tri

Những sĩ quan, binh sĩ đã ra đi

Sau chiến trận ở tận đâu xa lắm

Ở Hậu Nghĩa, Tây Ninh

Ở miền Tây mênh mông sông nước

Ở Cao nguyên rừng mênh mông chẳng bao giờ hết được

Hoặc ở chiến trận Trị Thiên nơi cửa ngõ địa đầu

Dù rằng anh nằm xuống tận đâu

Đã có xác thì mời người thân lên nhận xác

Những người lính trong đội quân nhạc

Thổi mỏi mòn những khúc nhạc sinh ly

Những vợ, những con, những cha mẹ… lầm lì

Bước sau xe chở áo quan về nghĩa trang hay về vườn xưa, xóm cũ

Những gương mặt mất ngủ

Những gương mặt buồn tênh

 

Cuộc sống vẫn thác ghềnh

Cuộc sống vẫn ngập tràn trong lo toan, vội vã

Cuộc chiến cứ âm thầm leo thang từng ngày trên biểu giá

Vì xe trúng mìn, đường tắc đắp mô

Người Sài Gòn như con cá rô

Nằm trên thớt chiến tranh với bao nhiêu rình rập

Nhưng bất chấp

Một Sài Gòn khác lên ngôi

Một Sài Gòn ăn chơi

Một Sài Gòn sa đoạ

Sài Gòn của những mái tóc dài, của những ống quần loe rất lạ

Của nhạc Blue trong vũ trường

Và Twist trong quán bar hối hả

Hay của những vệ đường lê lết ghế con con

Những hàng cây hai bên đường vừa nhú những mầm non

Chào đón một mùa vừa thức

Một mùa mới dậy trong lồng ngực

Một mùa hồi sinh

 

Những ngày hoà bình

Những ngày hưu chiến

Những ngày ngắn thôi để người lính nơi xa

Có thời gian trở về nhà đoàn viên sau những ngày biền biệt

Còn sống là còn mần tiệc

Nhậu thôi

 

Nhậu cho quên hết nỗi đời

Nhậu cho quên những rụng rời tử ly

Nhậu mừng có dịp ra đi

Nhậu mừng hội ngộ thầm thì gởi trao

 

Mùa xuân đang vẫy tay chào

Bằng muôn tràng pháo rào rào nổ vang

Từ phố thị đến thôn làng

Tạch đùng pháo nổ thay tràng đạn bom

 

Sài Gòn với những được hơn

Từ trong tơ tưởng vẫn còn ngất ngây

Sài Gòn đêm, Sài Gòn ngày

Một đô thành với đủ đầy ngựa xe

 

Người đi, người ở, người về

Ai người góp gió mang về bão giông

Một Sài Gòn thật thong dong

Chờ mùa Tết đến mở lòng cùng nhau

 

(Còn tiếp)

PHẠM SỸ SÁU

 

 

TIN THƠ: 

 

>> Diệp Hồng Phương Tết nầy không ở Sài Gòn

>> Đoàn Thị Diễm Thuyên xuân muộn

>> Lê Đạt độc đáo thơ haikâu

>> Nguyễn Cường mùa lại về lại hẹn với mai sau

>> Ngô Kim Đỉnh có nửa Bắc Hà

>> Thuận Ánh ướt cả một đời yêu

>> Bùi Nguyễn Trường Kiên cổ tích và em

>> Lê Thanh Vy làm thơ để xưng tội

>> Doãn Minh Trịnh mơ về ngọn lửa

>> Trần Lê Khánh tự do cuối cùng

>> Nguyễn Thuý Quỳnh gửi một nàng Tô Thị

>> Phạm Quang Tiễn & Đất Tổ

 

 

>> ĐỌC THƠ TÁC GIẢ KHÁC…