Phiên chợ cuối năm trên rẻo cao

930

Phạm Thị Mỹ Liên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau những ngày miệt mài trên nương rẫy, khi mùa màng đã thu hoạch xong, ấy cũng là khoảng thời gian đồng bào vùng cao nô nức hẹn gặp nhau ở chợ phiên để sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình. Phiên chợ cuối năm bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp và đậm sắc màu văn hóa hơn hẳn những ngày thường.

Những mặt hàng có được tại chợ phiên là ngay từ sáng sớm bà con trong các bản lại lên nương hái rau, đào khoai đào sắn để mang xuống chợ. Chợ phiên cuối năm luôn thu hút nhiều người tham gia, nên nhiều nhà còn chuẩn bị những loại bánh trái của quê mình để kiếm thêm chút ít tiền mua sắm tết.

Những quả su hào, bó đọt bí, bí đỏ, bí đao được xếp gọn gàng vào những chiếc gùi xinh xắn. Còn những bé gái được diện những bộ váy xòe hoa rực rỡ. Khi bình minh còn chưa ló dạng, mây mù còn giăng kín lối đi, sườn núi. Từ mọi nẻo đường tiếng nói tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới vang lên như xua tan bầu không khí tĩnh lặng của vùng biên viễn.


Minh họa (Ảnh: Internet)

Mới sáu giờ sáng mà phiên chợ đã náo nhiệt. Có những người ở xa chợ họ đi từ lúc chưa đến bốn giờ sáng. Người gùi những mớ rau, người gùi quả trái, người xách theo con gà con vịt… ai cũng tất bật tìm cho mình một chỗ ngồi để phiên chợ bắt đầu. Những em nhỏ thì ngủ ngon lành trên lưng của mẹ, chắc em cũng thức cùng mẹ suốt dọc hành trình.

Chợ đã bắt đầu đông vui, người mua người bán tập nập. Có lẽ, đây là phiên chợ cuối cùng trong năm nên ai cũng muốn sắm sửa cho gia đình đầy đủ với mong muốn sang năm được sung túc, ấm no và bình an. Ý thức của người dân được nâng cao vì ai đi chợ cũng mang khẩu trang từ người già cho đến trẻ nhỏ. Nét khác biệt của chợ phiên vùng cao là hầu hết các mặt hàng bày bán ở đây đều là những nông sản, đặc sản của núi rừng do bà con làm ra.

Sự đa dạng phong phú của các mặt hàng đã điểm tô cho nét độc đáo của phiên chợ vùng biên. Từ rau củ, con vật, thảo dược hay những nhánh lan rừng cũng được bày bán. Người mua thì vui vẻ, người bán xởi lởi không có sự mặc cả cứ thuận mua vừa bán. Người mua nhiều ở gian hàng trang phục với những bộ váy rực rỡ sắc màu. Những bộ váy áo truyền thống với nhiều chất liệu khá bắt mắt, ai cũng muốn chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất để tham gia lễ hội mùa xuân.

Đi chợ không chỉ mua trao đổi hàng nông sản, mà gian hàng nông cụ cũng đông đúc người đến lựa chọn. Họ mua những nông cụ mới thay cho những nông cụ đã cũ với mong muốn một năm mùa màng bội thu. Trời càng về trưa không khí chợ càng nhộn nhịp, sau khi mua những mặt hàng cần thiết thì đây là khoảng thời gian mà người đi chợ tự thưởng cho mình những món ăn chỉ có ở chợ phiên. Có lẽ thắng cố luôn là món ăn yêu thích nhất của nhiều người. Trời càng lạnh bát thắng cố càng ngon, thêm chén rượu ngô ấm nồng cùng bạn bè hàn huyên tâm sự thì không có gì sánh bằng.

Không chỉ được trao đổi mua bán, gặp gỡ những người thân mà còn tham gia các hoạt động thể thao văn hóa. Một khoảng sân rộng trong khu chợ được dành cho môn bóng chuyền của những chàng trai cô gái các bản khi đến chợ phiên. Tiếng reo hò của cổ động viên như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên, những bàn tay chỉ quen với việc cầm cuốc cầm cày, cầm dao quanh năm chỉ biết lạm lụng trên nương trên rẫy bỗng trở nên khỏe khoắn dẻo dai với từng pha bóng. Tiếng vỗ tay cổ vũ làm huyên náo cả đại ngàn, làm cho lòng người thêm rạo rực xốn xang khi tết đến xuân về. Chợ quê, chợ thành phố chắc không có những cách họp chợ, cách giao lưu như thế này.

Nơi vùng cao biên giới mùa xuân mới đang về, thanh âm dập dìu của tiếng khèn tiếng đàn môi hoa cùng với những làn điệu dân ca dân vũ như mê hoặc lòng người khi đất trời vào xuân. Nét độc đáo của phiên chợ vùng biên viễn cứ níu chân người. Mong rắng nét đẹp truyền thống ấy luôn được bà con gìn giữ và phát huy để thu hút bao người đến với chợ phiên cuối năm những khi mùa xuân đã cận kề.

P.T.M.L