Quảng bá văn học Việt Nam: Cần đánh thức ‘nàng công chúa ngủ trong rừng’

743

Văn học là cốt lõi của mọi nghệ thuật, là giá trị tâm hồn của mỗi dân tộc. Trong thời đại toàn cầu hóa, các quốc gia sẽ không còn chủ yếu cạnh tranh nhau về sức mạnh kinh tế, sự cạnh tranh về sức mạnh khoa học kỹ thuật cũng sẽ sớm lui lại, và các quốc gia sẽ dùng sức mạnh mềm để tạo ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Căn cốt của sức mạnh mềm ấy chính là tâm hồn dân tộc. Thế giới sẽ hiểu tâm hồn dân tộc chúng ta qua văn học nghệ thuật.


Nhà văn – dịch giả Kiều Bích Hậu.

Nhìn nhận thực tế dịch và xuất bản tác phẩm văn học dịch

Nhiều năm nay, chúng ta đã ý thức về việc quảng bá văn học Việt Nam, chính là giới thiệu tâm hồn người Việt với thế giới. Nhiều cá nhân và một số tổ chức, nhất là Hội Nhà văn Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này, và cũng đã thực hiện một số công việc nhất định trong việc quảng bá văn học Việt Nam. Đáng kể nhất là Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ I tổ chức năm 2002, Việt Nam đón 25 dịch giả đến từ 22 quốc gia. Hội nghị lần thứ II tổ chức năm 2010 có sự hiện diện của 108 đại biểu của 34 quốc gia. Ðến Hội nghị lần thứ III tổ chức năm 2015, Việt Nam đã đón 151 khách quốc tế đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vào tháng 2/2019, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III có gần 200 nhà thơ, dịch giả đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy, chỉ cần nhìn vào các con số đã cho thấy số lượng đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị gia tăng, cho thấy điều kiện trao đổi văn chương giữa Việt Nam với thế giới đã có những chuyển biến tốt hơn.

Tuy nhiên, việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học nước ngoài vào Việt Nam thì không cần ai thúc giục, cũng phát triển rất mạnh. Lợi ích của việc giới thiệu các tác phẩm văn học dịch nước ngoài vào nước ta là giúp văn học Việt Nam xóa bỏ được khoảng cách với thị trường xuất bản thế giới. Theo thống kê của các nhà xuất bản, phần lớn các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đều được dịch và phát hành nhanh chóng, chỉ sau bản sách gốc vài tháng.


Tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh cùng một số tác giả khác của Việt Nam dịch và xuất bản ở Hungary.

Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây hàng loạt tiểu thuyết nước ngoài có giá trị đã đến với bạn đọc Việt Nam qua ấn phẩm dịch ra tiếng Việt. Đáng mừng là lực lượng dịch giả văn học nước ngoài thông thạo tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức khá đông đảo. Số lượng tác phẩm văn học dịch của nước ngoài ở Việt Nam ngày càng tăng với nhiều tác phẩm được tái bản nhanh chóng.

Nhưng hiện trạng bội thu các tác phẩm dịch của nước ngoài khiến mảng văn học dịch ở nước ta rơi vào tình trạng nhập siêu rất lớn. Bấy lâu nay, tác phẩm nước ngoài được dịch ở Việt Nam thì nhiều nhưng tác phẩm Việt Nam dịch sang tiếng nước ngoài lại thiếu, yếu. Lý do là các nhà xuất bản và nhà sách không trường vốn, nên họ chọn dịch xuôi (dịch tác phẩm nổi tiếng, đình đám của nước ngoài) để bán sách. Đến với các hội chợ sách quốc tế, họ chỉ tìm mua bản quyền sách nước ngoài về dịch và xuất bản tại Việt Nam, và ít khi mang tác phẩm văn học Việt Nam đã dịch tiếng nước ngoài để giới thiệu và chào bán bản quyền.

Nhiều năm qua, việc dịch thuật và xuất bản tác phẩm văn chương của Việt Nam ra nước ngoài còn quá khiêm tốn. Các tác phẩm văn học Việt Nam nếu có được dịch và xuất bản ở nước ngoài thì chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự nhất quán. Lý do có thể vì phía Việt Nam chưa chủ động kết nối với phía nước ngoài, chứ chưa hẳn là chúng ta ít tác phẩm hay. Theo dịch giả Nguyễn Thúy Toàn, quốc gia xuất bản tác phẩm của văn học Việt Nam nhiều nhất là nước Nga. Họ không tiếc công sức và tiền của để cổ vũ Việt Nam, một phần nữa là phía dịch giả Việt Nam cũng rất tích cực hợp tác trong việc này. Tổng thống Nga Putin cũng đã thành lập Quỹ Tổng thống vào năm 2010, tài trợ cho Dự án dịch 100 tác phẩm văn học tiêu biểu Nga sang tiếng Việt và một số tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Nga. Dự án đang thực hiện được 40 đầu sách thì nghẽn do Covid.

Dịch giả, nhà thơ Laura Garavaglia (Ý) nhận xét: “Tôi từng đến Việt Nam, dự Ngày thơ Việt Nam, và thấy rằng thơ Việt rất đáng lắng nghe, âm điệu gần với nhạc, ý thơ sâu xa. Nhưng văn chương Việt Nam ít khi được biết đến trên thế giới và ở Ý, dường như chúng tôi chỉ biết đến tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và gần đây là tác phẩm của Kim Thúy”.


Tuyển thơ Việt “Sông núi trên vai” xuất bản ở Italy.

Trong thế kỷ 20, khi còn hệ thống Xã hội Chủ nghĩa, văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản tại Liên Xô, Trung Quốc, Cuba cùng hầu hết các nước Đông Âu. Các tác giả quan trọng và được dịch nhiều nhất trong thời kỳ đó: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Anh Đức, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Giang Nam, Lê Anh Xuân, Thanh Hải… Hai thi hào lớn của văn học  Việt Nam là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du  cũng đã được UNESCO tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới. Bình Ngô đại cáo và nhiều bài trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp.

Truyện Kiều có khá nhiều bản dịch tiếng Pháp, tiếng Anh. Còn tiếng Trung thì có chí ít là một bản của Nhà xuất bản ngoại văn Bắc Kinh, 1959. Thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương cũng được dịch và xuất bản ở Mỹ và Trung Quốc.

Từ sau Đổi Mới 1986 đến nay thì văn học Việt ra thế giới có khá hơn, về văn xuôi có Vũ Trọng Phụng (tiểu thuyết Số Đỏ dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, mới đây được dịch tiếng Đức, Trung để xuất bản tại Đức và Trung Quốc vào quý IV/2021). Các tác giả khác như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Ngọc Tấn, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Văn Lê, Y Ban, Đặng Thùy Trâm, Bảo Ninh, Nguyễn Phan Quế Mai… Các nhà thơ, nhà văn như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thanh Kim, Vũ Trọng Thái… cũng có một số sách thơ được dịch và xuất bản ở nước ngoài. Thời gian hai năm qua, với sự nỗ lực kết nối và dịch ngược thơ văn Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam và Nhóm dịch Văn học Hà Nội, nhiều báo chí ở các nước như Ý, Romania, Mỹ, Nga, Pakistan, Uzbekistan, Ấn Độ, Nepal,… đã đăng đều đặn thơ, văn Việt Nam đương đại.

Ở trong nước, Nhà xuất bản Trẻ cũng đã dịch ra tiếng Anh cuốn tiểu thuyết Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Các báo Vietnam Courier, Vietnam News của Thông tấn xã cũng thường dịch và đăng tải truyện ngắn của  các nhà văn Việt Nam. Tạp chí Cửa Biển, website Vanvn.vn cũng thường đăng tải tác phẩm song ngữ của tác giả Việt Nam.

Xét về giá trị tác phẩm Việt Nam qua các giải thưởng văn học quốc tế uy tín, thì các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại như: Viet Thanh Nguyen, Kim Thúy, Linda Le, Thuận, Trần Vũ, Đinh Linh… cũng đã xuất bản nhiều sách ở nước ngoài và được giải thưởng danh giá như giải Pulitzer, thậm chí nhà văn Kim Thúy còn được đề cử giải Nobel văn học thay thế vào năm 2018…


Tuyển văn học Ấn Độ – Việt Nam xuất bản ở Ấn Độ.

Trong nước, nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh; Tác phẩm Cánh đồng bất tận (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế; tập tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của nhà văn Nguyễn Bình Phương được Nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản với bản dịch của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai được trao giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021…

Quảng bá văn học Việt Nam – đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Như vậy, vấn đề không phải văn học Việt Nam thiếu tác phẩm hay để đưa ra thị trường văn học thế giới, mà vì sự nghiệp này chưa được quan tâm thỏa đáng, chưa có vị chỉ huy đủ tâm, tầm, tài. Hay nói một cách văn chương, thì chưa có vị hoàng tử xuất hiện để đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Chi phí dịch thuật thấp cũng là một rào cản. Đơn cử, việc trả nhuận dịch cho một trang tác phẩm văn học gồm 350 chữ của Việt Nam chỉ được 150.000đ, trong khi thị trường dịch văn học các nước trong khu vực châu Á có mức chi trả trung bình đã là 700.000đ/trang.


Tập thơ “Ẩn số” của Kiều Bích Hậu xuất bản ở Italy năm 2020.

Bên cạnh đó, việc dịch văn học Việt Nam để xuất bản ở nước ngoài hiện vẫn còn được thực hiện lẻ tẻ và chưa xứng tầm vóc. Nhìn cục diện những tác phẩm được in và xuất bản ở nước ngoài mỗi năm, đều không thể hiện đúng và đủ chân dung văn học Việt Nam, thời sự văn học Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi có sự đầu tư kinh phí lâu dài của Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Hội nhà văn Việt Nam, kết hợp cùng với các tác giả và dịch giả để tìm ra chiến lược phù hợp đưa nền văn học nước nhà vươn ra tầm thế giới.

Chiến lược này có thể bao gồm:

– Tập hợp các dịch giả đã thành danh trên khắp thế giới, đã có tác phẩm dịch văn học Việt Nam và xuất bản ở nước ngoài thành công (dịch giả có thể là người Việt, Việt kiều, người nước ngoài), trao cho dịch giả danh hiệu Đại sứ văn học Việt Nam, liên kết suốt đời với đội ngũ này để họ tiếp tục cống hiến tài năng, tâm sức cho sự nghiệp quảng bá văn học Việt Nam. Đầu tư xây dựng đội ngũ dịch giả mới, trẻ trung, tài năng, hiểu biết và chuyên nghiệp (gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Đối đãi đúng giá trị mà các dịch giả cần được nhận;

– Xây dựng Viện dịch thuật văn học Việt Nam để quy tụ đội ngũ dịch giả tài năng, liên kết với các đối tác nước ngoài để mỗi năm xuất bản ít nhất 10 đầu sách văn học Việt Nam tiêu biểu ở 10 quốc gia mạnh về văn chương và có ngôn ngữ phổ cập như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Viện dịch thuật văn học Việt Nam cũng sẽ tổ chức các sự kiện như Hội thảo, tọa đàm xuyên quốc gia về các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu, được giải thưởng trong nước và quốc tế. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tác phẩm văn học Việt Nam tại các quốc gia khác;

– Thành lập Quỹ dịch và quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới để kêu gọi nguồn vốn công, tư cho việc dịch văn học Việt Nam, tạo nền tảng trao đổi tác phẩm văn học Việt Nam với thế giới để huy động tác phẩm và quy tụ các nhà xuất bản trên khắp thế giới. Tích cực kết nối và kêu gọi sự trợ giúp về kinh phí và phát hành sách văn học Việt Nam từ các nguồn lực ở nước ngoài. Tổ chức xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ở nước ngoài và đưa vào hệ thống thư viện nước ngoài. Khuyến khích các tác giả tự đầu tư dịch và xuất bản tác phẩm của chính mình ở nước ngoài;

– Thành lập các nhà xuất bản trong các trường Đại học có khoa ngữ văn và tiếng nước ngoài để các sinh viên và giảng viên, nhà nghiên cứu văn học, các nhà ngôn ngữ học có thể dịch ngược, xuôi, liên kết xuất bản chéo tác phẩm của các nước đối tác. Cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, khi những sinh viên này tốt nghiệp cần ký hợp đồng dài hạn với họ để họ dành thời gian trọn đời dịch tác phẩm văn học Việt Nam;

– Tổ chức xét trao giải thưởng lớn cho các tác giả Việt Nam có tác phẩm văn học, có sách được dịch và xuất bản ở nước ngoài hàng năm, và giải thưởng cho các dịch giả dịch được tác phẩm Việt Nam xuất bản ở nước ngoài;

– Tổ chức việc quảng bá thật sâu đậm cho một vài tác giả Việt Nam đương đại tiêu biểu, có những tác phẩm giá trị, thuê những dịch giả danh tiếng của thế giới dịch tác phẩm của những tác giả đó và xuất bản ở những nước có thị trường văn học mạnh, hướng tới các giải thưởng danh giá của thế giới như Nobel, Pulitzer, Man Booker quốc tế…

Theo Kiều Bích Hậu/Vanvn