Uông Triều
Tôi tin chắc rằng đa số các nhà văn viết bằng bản năng, nghĩa là có gì viết nấy, nghĩ gì viết nấy, thấy cái gì hay, phù hợp thì viết mà ít khi có người để ý xem sự viết ấy diễn tiến thế nào, có cần một bản “quy hoạch” về sự viết hay không? Vì thế, ta dễ thấy trong một tập truyện ngắn thông thường thì cấu thành tập truyện là những truyện có chủ đề, phong cách khác nhau. Một tác phẩm như một nồi lẩu, đủ các món, có truyện viết về lịch sử, về miền núi, về nông thôn, về chiến tranh…
Nhà văn Uông Triều
Mỗi mảng đề tài có một vài truyện theo những giọng điệu khác nhau. Một tập thơ cũng thế, dăm bài thơ tình, dăm bài thơ tả cảnh thiên nhiên, dăm bài về thế sự và… thành một tập thơ. Thậm chí tôi đã từng gặp những tập sách bao gồm cả thơ, phê bình, truyện ngắn, câu đối… giống như một hàng xén! Những tập sách không có sự “quy hoạch” như thế thì dễ dàng cho người viết. Gặp bất cứ đề tài nào thấy hứng thú đều có thể viết ngay, khi in thành một tập thì cho đại vào, miễn là đủ số trang in và đủ độ dày. Đó là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp. Ta có thể thấy những người viết lâu năm, có nhiều tác phẩm, nhưng gọi tên một tập sách có giá trị đích thực thì hiếm thay, cũng một phần vì cái sự lộn xộn, dễ dãi khi sắp xếp, tập hợp sự viết của mình. Hoặc sâu xa hơn, đó là sự thiếu quy hoạch về nghề viết, không có một kế hoạch bài bản, một chiến lược dài hơi.
Các nhà văn chuyên nghiệp, có ý thức về nghề nghiệp của mình thì không thế. Thường tác phẩm sẽ được sắp xếp có chủ ý, có chiến lược rõ ràng. Tập truyện ngắn “Dạ khúc” của nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, người đoạt giải Nobel văn học 2017, gồm năm truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn trong tập đều có những vị điểm xuyết của âm nhạc và tổng thể cả tập truyện ngắn làm thành một bản giao hưởng về âm nhạc hài hoà và dễ chịu.
Nguyễn Tuân có tập “Vang bóng một thời” và cả tập truyện ngắn lừng danh này đều viết về thời quá vãng, về sự hoài cổ, xa vắng. Hơn mười truyện ngắn trong “Vang bóng một thời” cùng có cái hương vị phảng phát cổ điển, chỉ cần đọc những cái tên truyện đã cảm thấy điều đó: “Chém treo ngành”, “Chữ người tử tù”, “Ngôi mả cũ”, “Báo oán”… Mỗi truyện là một thành phần hữu cơ làm nên mùi vị của một thời vang bóng.
Tôi đã đọc một series tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Patrick Modiano, người đoạt giải Nobel văn học năm 2014 và rất thích thú. Đây là những tiểu thuyết mỏng đã được dịch ra tiếng Việt và có tông gần giống nhau: “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, “Từ thăm thẳm lãng quên”, “Đừng để em lạc trong khu phố”… Cả một series tiểu thuyết có một sự đồng điệu, đó là sự truy tìm quá khứ đã mất, những vương vấn, u sầu, ngọt ngào của thời tuổi trẻ đã qua. Đọc một cuốn và muốn những cuốn tiếp theo, nhà văn đưa ta vào một thế giới đầy hoài niệm tưởng chừng không dứt ra được…
Như thế, nhiều nhà văn ý thức về sự viết của mình lắm chứ. Có khi họ chỉ viết về một chủ đề duy nhất mà làm nên những thành công phi thường. Mạc Ngôn dành phần lớn sự nghiệp của mình viết về vùng đông bắc Cao Mật quê hương của ông và được cả thế giới ca ngợi đó sao. Oe Kenzaburo, nhà văn lớn của Nhật Bản viết nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ chính đứa con bị tàn tật của mình và được cả thể giới công nhận khi đoạt giải Nobel năm 1994.
Những tác phẩm trước năm 1945 của Nguyễn Tuân đều mang dấu ấn về một thời quá vãng và cũng là những thành tựu văn học lớn nhất của đời ông. Gần đây ta có thể thấy những trường hợp khác như Đỗ Phấn và Nguyễn Việt Hà chỉ viết về Hà Nội và hai người này cũng là những gương mặt rất đáng chú ý của văn chương đương đại.
Không chỉ viết về một đề tài, các nhà văn thậm chí còn đi xa hơn. Họ viết rất nhiều chỉ về một cuộc đời một nhân vật. Philip Roth viết chín cuốn tiểu thuyết về anh chàng Nathan Zuckerman và chính nó đã mang lại thành công lớn cho tác giả, đã có một bản dịch sang tiếng Việt về nhân vật lừng danh này, cuốn “Vết nhơ của người”.
Và John Updike, một nhà văn nổi tiếng người Mỹ khác đã viết năm cuốn tiểu thuyết về người đàn ông có biệt hiệu “Rabbit” Angstrom, từ khi anh ta trưởng thành đến lúc chết và đó cũng là bộ tác phẩm đáng kể nhất của ông. Cuốn đầu tiên trong series sách của John Updike đã được dịch ra tiếng Việt: “Rabbit, chạy đi”. Và cả hai tác giả kể trên đều là những gương mặt lớn nhất của văn học Mỹ thế kỉ XX.
Như thế, có một chiến lược dài hơi cho sự viết của mình là rất cần. Ở đó nó sẽ kết tinh phong cách của tác giả hoặc những đề tài được khai thác rất sâu. Nhưng sự chuyên chú này sẽ nảy sinh một mâu thuẫn rất đáng nói. Khi nhà văn chuyên viết về một chủ đề, một giọng điệu, một phong cách, anh ta sẽ tự thấy chán với chính mình và tìm cách thay đổi.
Rất nhiều người không thích sự bí bách này và tìm cách thoát ra. Mạc Ngôn là một ví dụ tiêu biểu, ông viết rất nhiều về vùng đông bắc Cao Mật quê hương ông nhưng mỗi cuốn lại có một giọng điệu, phong cách khác nhau. Cái tài của Mạc Ngôn là ở một đề tài chung nhưng ở mỗi mỗi tác phẩm, ông lại tạo ra sự khác biệt, người đọc không thấy sự nhàm chán và ở mỗi tác phẩm đều tìm thấy một sự khác lạ tương đối.
Điều đó khác nhiều so với H. Murakami khi hầu hết tác phẩm của nhà văn đương đại người Nhật đều kể chuyện bắt đầu với ngôi “tôi” và sự khác biệt giữa các tác phẩm của ông không nhiều. Nhưng có thể đấy là cái “tạng” của nhà văn và anh ta cũng không thoát ra nổi. Chính H. Murakami đã thú nhận rằng, ông đã từng tìm cách không kể câu chuyện bằng ngôi “tôi” nhưng những lần trước đó đều thất bại và ông đành phải quay lại ngôi “tôi” mặc định trong tác phẩm của mình.
Chắc chắn sẽ có ý kiến tranh luận rằng. Các tác phẩm có cùng đề tài, tông giống nhau sẽ tạo ra sự chán chường ở người đọc. Điều đó đúng, nếu các tác phẩm đơn thuần có chung về đề tài, giọng điệu nhưng không tạo ra được sự độc đáo riêng và có những ý tưởng mới thì rất dễ tạo ra sự nhàm chán và mệt mỏi. Ở hai trường hợp kể trên, Nguyễn Tuân và Mạc Ngôn đã vượt qua được tình trạng này, cả Patrick Modiano cũng thế. Một cụm từ đã từng rất mốt một thời là: “thống nhất trong đa dạng” có lẽ đúng trong những trường hợp này.
Nhưng tôi vẫn đủ ý kiến để phản bác lại lập luận này. Người ta viết để tạo ra một phong cách riêng, sự nghiệp của mình chứ anh ta không viết để thoả mãn nhu cầu của độc giả. Thoả mãn nhu cầu của độc giả thì tốt nhưng đó không phải là mục đích tối thượng của người viết. Mục đích tối thượng của văn chương là sáng tạo. Nếu chỉ chạy theo thị hiếu của độc giả, để độc giả thoả mãn tâm lí của họ thì nhà văn rất dễ trở thành những nhân vật tầm thường cùng với những tác phẩm tầm thường của chính mình.
Như vậy thì sự “quy hoạch” sẽ diễn ra thế nào và làm thế nào để người viết không tự gò mình vào một cái khuôn cố định hoặc bị hạn chế sự phóng túng trong sáng tạo và đề tài? Sự quy hoạch sự viết ở đây đơn thuần là một chiến lược lớn và những bước đi cụ thể để tạo ra những dấu ấn riêng.
Cả một bầu trời hoài cổ nhưng mỗi truyện của Nguyễn Tuân là một thế giới riêng. Khi thì về thú chơi chữ, uống trà, uống rượu, thả thơ, khi thì về một kiểu nghề rất dễ gây phản ứng: đao phủ. Cái chung của tác phẩm là sự hướng về cái đẹp, cái tài hoa và làm nghề gì cũng cần đến một mức độ tinh thông, kể cả đao phủ cũng phải chém sao cho đẹp, cho gọn. Một nhát đao là đứt đầu nhưng thủ cấp của tử tù không rơi xuống đất vì vẫn còn dính một ít da cổ!
Còn ở Patrick Modiano, sự lặp lại về đề tài và phong cách ở những tác phẩm kể trên không tạo ra sự nhàm chán. Người đọc cảm thấy những nhân vật có sự liên quan, chìm ẩn vào nhau. Nhân vật ở tác phẩm này như có một mối liên hệ với nhân vật với tác giả khác và người ta thấy thích thú khi khám phá ra điều đó.
Thậm chí ở những series tiểu thuyết về những nhân vật giống nhau của Philip Roth và John Updike, người đọc được chứng kiến nhiều cung bậc của cuộc đời nhân vật hoặc một quá trình dài của cuộc đời anh ta, từ lúc trưởng thành, lên đỉnh, già ốm và chết đi. Sự thành công của những chuỗi tiểu thuyết này chứng tỏ nó không nhàm chán và được sự chào đón của độc giả. Điều này cũng dễ thấy trong nền điện ảnh Mỹ, nếu một bộ phim nào thành công lớn thì chắc chắn nó sẽ có phần hai, phần ba, dù ban đầu ý định của nhà làm phim có thể chỉ là một tác phẩm duy nhất.
Sự quy hoạch về sự viết, hay nói khác đi chiến lược của một nhà văn rõ ràng nói lên tài năng và tính chuyên nghiệp của anh ta. Người viết sẽ không tạo ra một tác phẩm quá dễ dãi mà đặt nó vào một bối cảnh hay vào một khu biệt nào đó. Trong một thời đại mà mọi ngành nghề đều đòi hỏi tính chuyên nghiệp và cạnh tranh cao thì rõ ràng người viết cũng cần những kế hoạch khoa học và những bước đi khôn ngoan để thực hiện hoài bão của mình.
Đã qua rồi cái thời chỉ viết bằng bản năng và những cảm xúc nhất thời, hoặc đó chỉ là những phẩm chất của những người viết nghiệp dư hoặc chưa bao giờ ý thức nghiêm túc về nghề nghiệp của mình. Và lịch sử văn học thì chỉ ghỉ nhận những tên tuổi sáng giá nhất, có giá trị nhất hoặc có đóng góp vào lịch sử phát triển của nó. Bão tố thời gian sẽ quét qua mọi thứ và chỉ rất ít có thể tồn tại và trụ lại được với sự bào mòn khủng khiếp của thời gian.
Nguồn: Văn Nghệ Công An