Tạ Ngọc Điệp – Mưa đầu mùa

543

20.11.2017-06:30

Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp

 

Mưa đầu mùa

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TẠ NGỌC ĐIỆP

 

NVTPHCM- Trời hạn đã lâu lắm, già làng nói chắc phải đi từ vùng này sang bên chỗ vua Lửa mời người về cầu mưa để cho dân làng bớt khổ. Cái khổ đã bám chặt dân làng Nan từ bao đời rồi mà có lẽ còn lâu lắm nữa nó vẫn còn chưa dứt người làng mà đi. Cái đói đeo bám, nhà nước đến đem nó đi năm nay có lẽ nó sẽ quay lại với vùng trên đèo An Khê này.

 

Con gà trống sáng nay gáy sớm. H’Nhan vẫn thấy hai cái mí mắt nó thích nhau lắm, tối qua trằn trọc, đến khi gà gáy lần một H’Nhan mới thiếp đi. Hôm qua bên làng Rơn có Pơthi, tiếng chiêng vẳng đến tận đêm khuya, tiếng hú bay vút về làng Nan mãi tận tới nửa đêm.

 

Bước xuống cầu thang, sẩy chân, H’nhan bị trật gối, một mảng xước màu đỏ rướm máu. Mí mắng “dưới hai cái chân có mắt mà đi không vững, con gái mà gùi bầu nước đổ đi một nửa sẽ không bắt được chồng được đâu”. Cô giáo của H’Nhan đã hai mươi chín tuổi mà cũng đã có chồng đâu, cô dạy giỏi, hát hay, có nhiều giấy khen mà còn đẹp nữa. Tóc cô dài, quê ở ngoài Huế, cô nói tiếng nhẹ, thánh thót. Cô người thành phố. Cô cùng với các thầy cô khác cùng ở lại làng Nan gần mười năm, mùa mưa thì mấy tháng mấy cô mới về nhà một lần, con đường vào khu Ba vẫn chưa được làm nên còn khó lắm, mấy cô vẫn nói “vì yêu nghề, thương người Bahnar cô mới bám lại, thương trò khát cái chữ, thương người dân thiếu cái ăn, chỉ có cái chữ mới giúp được thoát nghèo vậy mà học sinh đi học ít lắm, có em đi rẫy ngủ lại cả hai tuần, nhớ lớp quay về, rồi học năm bảy bữa lại nhớ rẫy, nhớ tiếng kêu con thú hoang, quăng sách vào góc nhà, bỏ khăn quàng đỏ quên ở đầu giọt nước và quên luôn cái chữ cô đã dặn mấy hôm trước”. Cô là người để H’Nhan học hỏi, H’Nhan lấy đó làm gương, lấy lời cô dạy tạc lòng, hôm học gần hết năm, cô với cả lớp đạp xe qua bên làng Stơr thăm nhà Bok Nup, cô dạy cho lớp về truyền thống đánh giặc của người Bahnar trên miền đất An Khê, ngày xưa cả khu này là một huyện, người Pháp đến, họ dồn dân lại thành khu nhưng Bok Nup đã là người đầu tiên bắn Pháp chảy máu, Bok Nup được đi Hà Nội, rồi lên tỉnh làm chức to, có xe ô tô đưa đón nhưng mỗi lần về làng Bok Núp vẫn như bao nhiêu người Bahnar khác, chân chất, đôn hậu, thật thà. Cô say sưa kể, Bok Núp được dựng thành phim, chiếu trên màn ảnh rộng, người đến đây tham quan ai xem cũng thích lắm. Bok Núp dặn dân làng, có học mới thoát được nghèo, chỉ có người Bahnar mới nhìn thấu cái bụng của đồng bào mình, người Kinh có thương, cán bộ có thương cũng khó mà nói người mình nghe, nên khi hòa bình rồi mỗi người phải cố mà đi học, để biết chữ, để thoát đói, thoát nghèo, để tiến bộ. H’Nhan khắc lời cô giáo nói, nghe cô kể chuyện Bok Núp dặn dò, H’Nhan hứa sẽ không ngừng học hỏi để có thể giúp bà con mình.

 

Mười bốn tuổi, H’Nhan lớn vổng rồi lên trường nội trú học, bạn bè ở nhà lấy chồng lấy vợ rồi sinh con đẻ cái, đứa nào cũng đen thui, lọm khọm vì mải đua cái ăn với trời, với bọn chuột, bọn rắn, có đứa vì đẻ con sớm quá mà băng huyết chết, có đứa hơn ba mươi đã sắp có cháu nữa rồi. Nhiều người cười H’Nhan mải mê quá nên trai làng không dám bắt làm vợ. H’Nhan cười… làng còn nghèo, người dân còn cực vì lo cái ăn cái mặc thì cái bụng H’Nhan vẫn chưa yên.

 

Ba năm đi làm, chứng kiến sự thay đổi của làng, đã từng giải quyết bao nhiêu việc với cương vị phó chủ tịch, hôm nay H’Nhan được mời làm phiên dịch cho một vụ xét xử lưu động do Tòa án tỉnh tổ chức. Sự việc đã xảy ra từ cuối năm ngoái, người làng râm ran bàn bạc, kẻ mất con, người bị tách khỏi cuộc sống cộng đồng. Đau một nhà, hai nhà, vết thương lan ra cả làng.

 

H’Nhan phân vân không ngủ được nhưng nhiệm vụ chính trị với lại chỉ có mình mới hiểu thấu cái bụng của người dân cùng nguồn cội với mình. Người làng Nan bao nhiêu năm nay sống cùng nhau. Theo Bok Núp đánh thằng Pháp, góp gạo để nuôi bộ đội đánh trận Đăk Pơ lừng lẫy, cả làng chưa nhà nào to tiếng với nhau. Kháng chiến là làng anh hùng, hòa bình là làng văn hóa mấy lần rồi vậy mà chỉ một chuyện nhỏ đã kéo cả làng đến ngồi dưới chiếc rạp màu xanh để tòa án họ đứng đó xét xử. Hồi giờ chỉ nghe người làng xét nhau vì tội này tội kia, vặt vãnh, nhỏ nhặt, người phán xét là già làng chứ không phải mấy người lạ như hôm nay.

 

Chuyện là trong làng bị mất một chiếc xe máy, Pi bị nghi ngờ lấy. Trong bữa uống rượu, Pếu với Xuân, Lel cùng nghe bàn bên cạnh nói về xe máy ông Rang. Pếu, Xuân, Lel đi tìm Pi để hỏi. Khi đang bị nghi ngờ thì Pi trốn vô rừng, xe máy được ba Pi trả lại cho ông Rang. Pếu, Xuân, Lel sau khi chếnh choáng cùng bước thấp bước cao về bìa rừng. Đến ngã ba, Pếu say quá ghé quán người Kinh mua nước uống rồi ngủ quên luôn, đến gần sáng thì về nhà. Lel nhìn thấy Pi la lên “thằng trộm xe máy, mày đáng bị đánh, bị đuổi khỏi làng”, Pi bỏ chạy, vấp ngã, Lel túm được áo, tát vào mặt Pi, đá vào hông Pi, Xuân nhìn thấy cây củi bằng cổ tay lấy đập vào đầu Pi hai cái, thấy Pi ngã xuống Lel với Xuân bỏ về nhà ngủ.

 

Sáng mai, người làng đồn Pi tự tử nhưng công an về, họ mổ người Pi ra rồi may lại, họ hỏi người làng, họ tìm đến nhà H’Nhan, Xuân, Lel. Họ hỏi, họ bắt người. Người làng nói vì có H’Nhan làm cán bộ nên Pếu được thả về nhưng không phải, chủ quán người Kinh nói làm chứng cho Pếu tối qua ngủ lại quán. Lel với Xuân bị bắt khi tóc còn bù xù, nằm ngủ nước miếng còn chảy hai bên mép chưa kịp lau khô. Mẹ Lel khóc vật ra đường vì ba Lel chết rồi, có mỗi mình Lel ở cùng. Ba Xuân cũng chỉ biết tối qua con đi uống rượu về muộn như mọi hôm, say rồi ngủ. Sáng đang định qua bên kia cầu làm thuê cho người trong thị trấn Kbang thì đươc tin Pi chết, rồi con mình bị bắt đi vì nghi ngờ có liên quan.

 

Nhà Pi nghèo, ông già Pi năm mươi tuổi mà như lão bảy mươi, quần ống cao, ống thấp. Bộ quần áo nhàu nát cũ kỹ, phút chốc ông mang dép vào rồi cởi dép ra. Từ nhỏ đến giờ ông quen với đi chân đất, sáng nay nói lên ủy ban có việc ông mới lấy đôi dép ra mang nhưng khó chịu cái chân lắm, nóng, đi một chập rồi ông bỏ ra cho thịt bám vào đất. Quen rồi.

 

Mỗi ngày từ huyện có một chuyến xe lên thành phố. Thành phố đã là mơ ước của những đứa trẻ như H’Nhan, Pếu, Lel, Xuân. Đường ở huyện giờ được làm bê tông nhưng vẫn nhỏ, những con đường của thành phố dài, dốc cao và ngoằn ngoèo lắm. Từ khi được đi học trung cấp ở lớp cán bộ nguồn của huyện H’Nhan mới quen với những cái ở thành phố. Cái đèn nối với cái sợi dây, cái lỗ như ống rượu cần, lấy hai cái chạm vào nhau là nó sáng. Cứ đến 6 giờ tối là dãy bóng thủy tinh tròn tròn trên đường sáng mờ mờ rồi rõ dần. Lúc đầu H’Nhan thắc mắc ai đâu rảnh mà đi làm sáng được hết từng ấy bóng đèn. Rồi thấy nó sáng một lúc với nhau, sáng mai cũng tắt với nhau thì H’Nhan biết rằng nó được làm cho tự động tắt rồi bật. Người thành phố ai cũng đẹp, họ toàn mặc quần áo mới, dép mới, bôi son khi ra đường. Mấy ngày nắng người ta ra đường bịt kín mít như những người làng Nan đi làm công, họ còn đeo cả kính đen. Hồi mới lên, H’Nhan ngước lên đếm từng tầng của mấy ngôi nhà cao, rồi lúng túng như gà mắc tóc khi qua đường, khi nào cũng xe cộ nườm nượp. Người khi nào cũng đông, nhiều người hơn hội đâm trâu ở làng Nan, làng Rơn, làng Pơm cộng lại. Hết hai năm H’Nhan cũng biết nhiều đường ở đây. Đường được đặt tên, có cột số để biết chiều dài quãng đường, có biển chỉ dẫn. Đường ở làng H’Nhan thì chỉ nằm ở miệng mình, người làng sống với nhau hàng trăm năm rồi nên nhà ai họ cũng rành như việc đặt bẫy thú, quen cả đường đi lối về. Để hỏi khoảng cách người ta nói một đoạn là tới, xa hơn thì người ta nói bằng một con dao quăng (dao quăng tới đâu là nhà ở đó), hay bằng ba cái rẫy. Người làng quen làng. Người phố quen phố. Khi mới đi học, cha với bác chủ tịch xã đưa H’Nhan lên thành phố hỏi nhà bác Brom để H’Nhan ở tạm vài hôm, đến sát nhà bác Brom rồi mà hỏi người đi đường họ không biết, H’Nhan với cha phải đợi đến chiều tối khi người nhà bác Brom ra đổ rác mới hỏi được. Rác ở thành phố cũng khác rác dưới làng, ở làng H’Nhan, rác nhỏ người ta ném qua khe ván dưới sàn nhà cho con heo, con gà nó nhặt, bì bóng (túi nilon) thì được giặt sạch để gói đồ, gói cơm đi rẫy, gói quần áo. Từ khi đi làm trừ khi đi dự hội nghị thi đua thì giờ H’Nhan mới lên thành phố lại. H’Nhan tự nhủ khi nào đi làm có nhiều tiền, dân làng của H’Nhan giàu lên H’Nhan sẽ nói họ lên thành phố để coi người ở đó họ sống sao. Họ ít làm, ít lam lũ mà vẫn giàu có, trẻ và khỏe lắm. Vậy mà…

 

Nhà Lel và Xuân nhờ H’Nhan đem lên thành phố để thăm con họ. H’Nhan đã háo hức, thành phố mời gọi H’Nhan, cho H’Nhan cái chữ đầy đủ để làm cán bộ rồi giờ đây H’Nhan đưa những người háo hức khác đi lên thành phố, không phải tham quan mà để thăm nom, để hội ngộ một phút ngắn ngủi. Lel với Xuân bị giam trên thành phố. Xa lắm. Hai tháng rồi người nhà mới vô thăm, xe cộ khó khăn, tiền bạc cũng hạn hẹp.

 

Khi Pi chết, nhà Lel với nhà Xuân bỏ tiền ra làm ma cho Pi. Theo phong tục của làng họ mua hai con heo, gà, ché để tạ tội với Pi, với làng. Rồi họ còn hứa khi nào làm Pơ thi (lễ bỏ mả) họ sẽ góp thêm để làm cho Pi được no, được ấm. Hàng ngày nhà Lel, nhà Xuân cử người mang cơm, bầu nước ra đổ vào cái lỗ trên mộ của Pi để Pi không làm con ma đói. Khi bị bắt đi, Xuân nói có lấy cây củi đập vào đầu Pi hai cái nhưng không thể chết được, Xuân chỉ đánh dằn mặt rồi dẫn về làng, ai ngờ nó không chịu về, Lel với Xuân say quá nên về trước, chắc nó say rồi trúng gió chết. Đánh hai cây củi vào đầu thì không chết được. Cây củi chưa gãy được công an họ giữ lại rồi.

 

Công an nói Pi chết do chấn thương sọ não kín, do cây củi đánh vào đầu. Xuân với Lel rụng rời tay chân, hàng ngày đi làm hay đùa giỡn nhau chuyện đấm đá gậy gộc chọc nhau cũng không hiếm nhưng chưa thấy ai chết vì đánh cây củi. Mà Xuân cũng đâu muốn thằng Pi chết, dù không chơi thân với nhau nhưng Xuân không ghét Pi. Thằng Pi giờ thành con ma rừng, nó có ghét Xuân, Lel không? Nó có tức giận mà bắt Xuân với Lel bị đói khi ở trên thành phố kia không. Xuân, Lel đã có lần rủ nhau đi thành phố cho biết nhưng sợ, chưa dám đi, thành phố giờ này sao trở nên đáng sợ quá. Tim co cứng, bước chân rụng rời, xiêu đổ như bóng cây chòi mòi bên vệ đường. Chao ơi, thanh niên trai tráng được ví là cây Kơ nia hùng vĩ tỏa bóng chiều mát cả cái sân mà giờ từng bước không nhấc chân lên được, cái chân có dính cao su dưới đất đâu mà cứ bước không rời ra thế này.

 

Trước tòa, người ta hỏi những câu mà Xuân không thể nhớ được, khi đó Xuân say rượu, Lel cũng say, biết là có đánh thằng Pi mà thôi, giờ nó chết rồi, tang chứng, vật chứng khắc tội hai đứa. Tòa hỏi Lel:

 

– Bị cáo có đánh Pi không?

– Dạ có, đánh hai cái.

– Đánh ở đâu, dùng gì đánh?

 

– Đánh ở hông, tát vào miệng, dùng tay với chân.

– Vậy hành động của bị cáo có gây cái chết cho Pi không?

– Dạ có (Lel trả lời như vậy vì nghĩ rằng đã chết rồi thì lỗi cũng do mình nữa).

 

Sau khi Pi chết, nhà Xuân bán hai cái rẫy để đền cho nhà Pi hai mươi triệu. Ba Pi mua hai con bò, ngày ngày cột ngoài đám ruộng chai gần bìa rừng. Khi ra tòa, người ta hỏi ba Pi có yêu cầu gì thêm gì nữa không, ông cũng buồn vì mất thằng con trai thứ bảy nhưng nói “cần một triệu nữa để mời bà con, cúng ma cho thằng Pi, muốn cán bộ xét xử cho thằng Xuân với thằng Lel ít năm thôi để tụi nó còn về với làng. Tụi nó cũng không muốn Pi chết nhưng Yang phạt Pi vì tội lấy của người khác nên bắt chết, cùng làng với nhau, uống cùng giọt nước, ai lại nỡ hại nhau chết”. Hai dòng nước mắt ông chảy dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn, má teo tóp dính mấy sợi tóc lòa xòa.

 

Phiên tòa lặng im. Mỗi người chịu một khung phạt khác nhau. Đại diện Viện kiểm soát đọc cáo trạng. “Vào thời điểm phạm tội Đinh Lel, mười sáu tuổi năm tháng bảy ngày, học hết lớp ba. Đinh Xuân, mười sáu tuổi, chín tháng, một ngày, học hết lớp hai. Phạm tội trong tình trạng say rượu, trình độ nhận thức thấp”. Tòa nghị án, tuyên án Xuân vì dùng cây đánh dẫn đến cái chết nên Xuân bị đi tù lâu hơn Lel. Hai đứa cúi đầu, mắt rơm rớm, quay đầu lại nhìn người làng rồi bị cán bộ dắt lên xe. Trời mưa. Từng hạt rơi khẽ, chao nghiêng rồi rơi mạnh xuống nền đất bụi đỏ mờ.

 

Hình ảnh cơn mưa đầu mùa năm trước hiện về. Năm đó hạn dài lắm, cán bộ trên ti vi báo còn lâu mới mưa, khi có cây mưa đầu tiên Pếu, Pi, Xuân, Lel, Nang, Ha cởi áo rồi cởi truồng tắm mưa trước hiên nhà H’Nhan mãi đến khi H’Nhan đi làm về lấy roi mây ra dọa chúng mới nhảy chân cao chân thấp vuốt mặt chạy vào nhà, những làn da đen nhẻm nở nụ cười giòn tan lộ rõ hàm răng trắng muốt. Chiều nay mưa, Lel với Xuân bước đi lầm lũi trong cái mưa đầu tiên của làng Nan, mắt đỏ hoe. Người làng nhìn với theo chiếc xe bịt kín rồi cả làng cùng khóc. Cơn mưa đầu mùa đến muộn, người dân làng Nan đã chờ nó lâu lắm vậy mà họ lại khóc, đám tang Pi họ đã khóc một người để một ngày mưa họ khóc cho cả Lel và Xuân bị tách khỏi làng.

 

Đất nứt ra cả tháng ngậm chặt từng hạt mưa đầu mùa quý giá và những giọt nước mắt của dân làng Nan, giá mà người làng Nan có hiểu biết nhiều hơn. H’Nhan bước về, nước mắt chan trong mưa, trong góc nhà sàn có tiếng con trai thút thít khóc khi mưa đã dừng hẳn trên mái tôn. Pếu đi về phía H’Nhan thút thít “ngày mai chị xin cho em đi học lại…”.

 

Dân làng Nan đã khổ nhiều rồi, đã trườn qua cái đói, đã đốt cỏ tranh ăn thay muối hàng tháng trời nhưng khi nào họ cũng yêu thương nhau, cũng có khi sống gần nhau quá, đều khổ như nhau nên không ai biết làm thế nào để thay đổi. H’Nhan được đi học, nhìn thấu tương lai của làng. Sau cơn mưa mọi người lại tất bật chuẩn bị giống cho vụ mới, H’Nhan lại đến từng nhà, gieo từng hạt giống chữ, động viên người dân cho con em mình rời rẫy để đến lớp. Gieo những cái hiểu biết, cái niềm tin “sau cơn mưa, trời lại sáng”.

 

 

TÁC PHẨM TẠ NGỌC ĐIỆP:

 

>> Đám tang đầu ngõ

>> Valentin’s Day

>> Sài Gòn và những người đàn bà

>> Mùa hoa quỳ nở

>> Giấc mơ quê

>> Đuổi bóng

>> Nàng và con mèo chân đen

>> Đối tác 

>> Những mảnh ghép ở Ê Ban

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…