Trịnh Kim Chi – từ Á hậu sang ‘bà bầu’

516

Trịnh Kim Chi giành ngôi Á hậu 2 năm 1994 trong cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền Phong (nay là Hoa hậu Việt Nam), do Báo Tiền Phong tổ chức. Khi ấy, chị đang là sinh viên khoa kịch nói, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Gần 30 năm trôi qua, nhiều người lãng quên danh hiệu sắc đẹp của chị, chỉ nhớ đến NSƯT Trịnh Kim Chi, một “bà bầu” nỗ lực chèo chống sân khấu tư nhân vượt qua ghềnh thác.

Chỉ giải thích một lần và im lặng, đó là cách Trịnh Kim Chi ứng xử với thị phi. Chị không muốn lãng phí thời gian vào những ồn ào ngoài nghệ thuật, kiểu chuyện tiền từ thiện cho Thương Tín. Trước thềm Noel, người người rộn ràng gửi tới nhau lời chúc giáng sinh an lành, còn Trịnh Kim Chi vẫn bận rộn chốn phim trường. Chị bảo, từ hồi hết giãn cách, chị làm việc không ngơi nghỉ: “Sắp tới là Liên hoan Sân khấu Toàn quốc dành riêng cho khu vực phía Nam nên hầu như tất cả sân khấu của TP. Hồ Chí Minh đều đang tất bật luyện tập vở mới để tham dự liên hoan. Bên sân khấu của tôi tham gia một vở nói về tuyến đầu trong đại dịch COVID-19. Tôi vào vai bác sỹ xông pha ở bệnh viện dã chiến”.


NSƯT Trịnh Kim Chi trong một lần thăm một nghệ sỹ già yếu

Chưa cần xem kịch, nhiều người đã tin khả năng hóa thân vào nhân vật của Trịnh Kim Chi, bởi chị cũng như bao người dân Sài Gòn, đã trải qua cơn bão dịch tàn khốc. Trong những ngày tháng đau thương ấy, Trịnh Kim Chi không ngồi nhà “tránh bão”, chị tham gia hỗ trợ bà con, cung cấp thuốc thang, thực phẩm. Chị vào tận khu vực bệnh viện dã chiến hỗ trợ tuyến đầu. Tên vở kịch là “Blouse trắng”.

Mỹ nhân một thời tin tưởng, bất cứ ai đã trải qua trận chiến COVID-19, đều tìm thấy mình trong đó. “Blouse trắng” huy động tới 40 diễn viên trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp là “gánh nặng” với “bà bầu” Kim Chi. Cứ 3 ngày, tất cả nghệ sỹ tham gia vở kịch lại được test COVID một lần, họ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong quá trình tập luyện…

Như “con thiêu thân”

Tôi hỏi Trịnh Kim Chi: Tại sao chị cứ thích đẩy mình vào thử thách, làm “bà bầu” làm chi cho khổ? Chị cười: “Nhiều người hỏi tôi: Có bị ‘điên’ không? Mở sân khấu làm gì cho vất, cứ làm diễn viên bình thường vẫn có vai diễn đều đều, nhàn hơn bao nhiêu. Nhưng đó là cái nghiệp của tôi”.

Đã đành làm “bà bầu” cũng có thú vị riêng song sân khấu đã qua thời vàng son, đang đứng trước những thử thách gay gắt, chọn “đứng mũi chịu sào” là chọn “vai khó”. NSƯT trải lòng: “Làm ‘bà bầu’ nghĩa là làm quản lý, ‘trăm dâu đổ đầu tằm’, tất cả mọi thứ đều đến tay, từ đối nội đến đối ngoại, từ kịch bản đến đạo diễn”. Biết vất vả, gập ghềnh vẫn lao theo, Trịnh Kim Chi ví mình như “con thiêu thân” trong nghệ thuật. Chị đã gắn bó 30 năm với sân khấu. Dù sân khấu thịnh hay suy thì tình yêu của nữ nghệ sỹ dành cho “thánh đường” vẫn không có gì thay đổi.

Bù lại, “tổ nghề” cũng đãi người đẹp. Không thể nhớ chính xác đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật, song Trịnh Kim Chi vẫn nhớ vai diễn đầu tiên trên sân khấu, vai Giang trong vở kịch “Bước qua lời nguyền”. Chị thủ vai một người con gái hiền lành, “bước qua lời nguyền” để yêu chàng trai trên đất liền. Vở kịch dựa theo truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã giúp Trịnh Kim Chi chạm tay vào tấm huy chương vàng đầu tiên tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1995.

Ngay cả hiện tại, ở vai trò “bà bầu” chị cũng được thương yêu và ủng hộ. Dịch bệnh hoành hành khiến sân khấu đóng cửa suốt thời gian dài, Trịnh Kim Chi may mắn không bị áp lực về tiền thuê mặt bằng: “Tôi làm việc ở Trung tâm Văn hóa quận 6, TP. Hồ Chí Minh, khi bão dịch đổ xuống, Trung tâm hết sức chia sẻ, cảm thông, không lấy tiền mặt bằng, đợi khi sân khấu sáng đèn mới tính”, chị kể.

Hay trong vở kịch “Blouse trắng” sắp tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc, khu vực phía Nam, “bà bầu” xinh đẹp cũng nhận được sự ủng hộ hết lòng của anh em nghệ sỹ: “Khi tôi ngỏ lời, rất nhiều anh chị nghệ sỹ ủng hộ ngay. Chỉ khi có được sự ủng hộ tôi mới tự tin làm. Nếu suốt ngày phải đi năn nỉ người này, người kia để làm vở thì tôi không còn tinh thần nữa. Không phải mình tôi có lửa nghề mà rất nhiều nghệ sỹ khác cũng đầy nhiệt huyết, sẵn sàng làm vì đam mê, sống chết với nghề”, Trịnh Kim Chi tâm sự.

Không đóng khung xinh đẹp, hiền lành

Nữ diễn viên không phủ nhận lợi thế của nhan sắc trên hành trình nghệ thuật. Nhưng chị không thích đóng khung trong những vai xinh đẹp, hiền lành: “Tôi muốn đa dạng vai diễn. Không chối từ những vai xấu xí”, Á hậu năm 1994 chia sẻ. NSƯT kể kỷ niệm hồi làm phim với cố đạo diễn Cảnh Đôn, ông giao cho chị vai cô giáo có vẻ ngoài xinh xắn, bị người yêu hắt hủi. Trịnh Kim Chi lại xin biến vai ấy thành xấu xí, chị đặt nguyên một hàm răng giả để vào vai.

Vai diễn quá ấn tượng, sau đó, đạo diễn Cảnh Đôn bảo, nhất định phải có cảnh cô giáo trở lại dung nhan xinh đẹp, người yêu cũ thấy cô gái vừa xinh, vừa tốt bụng đã quay trở lại. Dù không ngại vai xấu xí, cũng sẵn sàng nhận vai phản diện, vai ác, khiến khán giả ghét, song Trịnh Kim Chi lại từ chối cảnh nóng, không phải chị ngại “ông xã” ghen mà vì bản thân thấy mình đóng “sượng”, không vào.

Giống như trên sân khấu, ở phim ảnh, Trịnh Kim Chi vẫn thích sự đa dạng trong vai diễn: “Vai gì tôi cũng nhận hết trơn”, chị bảo. Không phải nữ nghệ sỹ dễ tính mà chị tin đạo diễn, một khi họ đã nhớ và nghĩ đến chị, ắt sẽ chọn vai phù hợp với chị.

Khi đóng kịch, lúc lại đóng phim, ẩn sâu trong dáng vẻ đàn bà dịu dàng của nữ nghệ sỹ chứa một sức mạnh vô biên: “Bạn có tưởng tượng được không? Tôi đi quay phim suốt một ngày với những phân đoạn mệt kinh khủng. Cứ nghĩ tối lên sân khấu không thể diễn nổi, vì đuối sức. Thế mà không hiểu vì sao, bước ra sân khấu, nhìn thấy ánh đèn, bao nhiêu mệt mỏi trong tôi tiêu tan hết. Như có một ngọn lửa cháy trong tôi, có một nội lực bên trong tôi, không thể nào lý giải được”.

Cũng đã có giai đoạn, Trịnh Kim Chi tưởng phải “đứt gánh giữa đàng” với nghiệp diễn. Đó là thời gian chị theo chồng sang Mỹ 2 năm: “Tôi cứ tưởng chắc phải bỏ nghề rồi. 2 năm sau trở về Việt Nam, không ngờ lại đắt ‘sô’ hơn hồi trước. Chắc là ‘ông tổ’ thương tôi”. Trịnh Kim Chi hay lý giải sự thành công theo cách, được “ông tổ” thương. Hỏi chị, giờ tuổi không còn trẻ nhưng vẫn đắt “sô” là sao? Chị lại cười: “Vì ‘ông tổ’ thương”.

Học bình tĩnh

Trịnh Kim Chi kể: Mẹ chị là một người đàn bà mạnh mẽ. Một mình bà gồng gánh 4 người con, bởi ba chị mất sớm. Á hậu 1994 đi làm và kiếm tiền khi tuổi còn rất trẻ. Chính điều này cùng sự ảnh hưởng tính cách của người mẹ, khiến chị luôn giữ được sự bình tĩnh trước mỗi câu chuyện, sự việc không như mong đợi: “Tôi luôn tạo cho mình một khoảng thời gian để suy nghĩ thật chín chắn, có những quyết định mềm dẻo nhất. Khi nóng tính sẽ dễ đưa ra những quyết định hồ đồ. Tôi không muốn cuộc sống của tôi bị xáo trộn, từ công việc đến gia đình”.

Cách ứng xử hòa nhã của Trịnh Kim Chi đã giúp chị giữ được “tổ ấm” mơ ước: “Tôi không muốn mang áp lực công việc về nhà, nổi nóng với chồng con. Những khi căng thẳng tôi không về nhà ngay. Thường thì tôi chọn ngồi một mình, như vào một quán cà phê nào đó chẳng hạn để suy ngẫm cho đến khi bình tâm”. Ngoài đời, NSƯT chọn ứng xử hòa nhã nhưng lên sân khấu chị lại sẵn sàng bùng nổ, vì “sân khấu là vai diễn, không phải đời”, chị giải thích.

Là một trong những mỹ nhân mà danh hiệu nhan sắc lu mờ trước danh hiệu nghề nghiệp, liệu Trịnh Kim Chi có đôi lúc chạnh lòng? Chị đáp: “Tôi thấy vui”. Mỹ nhân một thời nhớ lại: “Hồi đó tôi đi thi hoa hậu đâu có nghĩ gì xa xôi, chỉ muốn tham gia một cuộc thi sắc đẹp nào đó để làm kỷ niệm, sau này còn kể cho con cháu nghe. Khi Báo Tiền Phong mời, tôi tham gia luôn. Lúc đó tôi đang là sinh viên, khoa kịch nói, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh”. Năm 2015, Trịnh Kim Chi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Chị trở thành Á hậu đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia của Việt Nam được phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm nay, NSƯT Trịnh Kim Chi là một trong những nghệ sỹ được đề cử danh hiệu NSND bởi những nỗ lực và đóng góp cho ngành sân khấu. Chị hiện là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu TP HCM.

“Ông xã” quá bản lĩnh mới… lấy tôi

Nhắc đến “ông xã”, Trịnh Kim Chi luôn hàm ý biết ơn: “Bao người thắc mắc, tại sao ‘ông xã’ cho tôi đi làm tối ngày như thế? Từ đầu năm đến giờ đủ thứ chuyện xảy ra với tôi nhưng anh luôn bên tôi, ai cũng công nhận ‘ông xã’ quá bản lĩnh khi lấy tôi”. Chị nhận mình là người may mắn vì đã gặp được “một nửa” biết chia sẻ và cảm thông với nghề. Khi Trịnh Kim Chi bị stress, “ông xã” từ tốn an ủi, khơi gợi một con đường, một luồng sáng để vợ thoát ra khỏi u trầm: “Thôi số của mình như thế. Kệ nó. Em đừng suy nghĩ làm gì”.


21 năm chung sống, vợ chồng Trịnh Kim Chi vẫn mặn nồng như ngày đầu. Á hậu chia sẻ, chị thấy mình may mắn và quyết định đúng đắn khi kết hôn với anh Võ Trấn Phương. 

Hoạt động từ thiện của Trịnh Kim Chi luôn nhận được sự ủng hộ từ chồng. Chị tiết lộ, chị đang quản lý một quỹ, do các nghệ sỹ, các Mạnh Thường Quân và gia đình chị đóng góp, dùng để chăm lo cho đồng nghiệp: “Giai đoạn dịch vừa qua, khoản tiền đó rất hữu ích với một số anh em gặp khó khăn, như anh em hậu đài không có công ăn việc làm, nghệ sỹ mắc COVID, nghệ sỹ ốm đau, bệnh tật…”. Chị cũng nói rõ: Luôn cẩn thận với những việc liên quan đế tiền bạc, bởi đó là uy tín của chị, chị cũng không thể phản bội những người đã đặt niềm tin vào mình. Ồn ào vừa qua khiến Trịnh Kim Chi cảm thấy thực sự hoang mang. Chỉ có nghệ thuật mới có khả năng “cứu rỗi” chị. Nếu không có sân khấu, không có phim ảnh, không biết Trịnh Kim Chi sẽ ra sao? Nếu Á hậu 1994 viết tự truyện, chắc chắn tự truyện sẽ “ăn khách” bởi chị có một cuộc đời đầy dư vị. Song Trịnh Kim Chi chưa nghĩ đến điều này.

Theo Nông Hồng Diệu/Tiền Phong