Trời triệu năm cứ xanh, mây triệu năm cứ bạc 

620

Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Tiến sĩ thủy công Nguyên Hùng đã xuất bản 2 tập thơ “Cánh buồm thao thức” và “Sóng không từ biển”. Tiến sĩ thủy công là nghề, làm thơ là nghiệp. Có lẽ cái nghề và cái nghiệp nó cùng vận vào nước, nên tên cả 2 tập thơ cũng đều liên quan đến nghề “thủy” của anh.

Nhà thơ Nguyên Hùng

Thơ Nguyên Hùng đằm thắm và duyên. Yêu em thì lãng mạn đến ngộp thở. Yêu quê thì khắc khoải đến cháy lòng. Yêu nghề thì trải dài theo năm tháng… Thơ anh không cầu kỳ kiểu cách mà tràn đầy chất dân gian truyền thống. Nhiều ví von, ẩn dụ, nhiều thi ảnh thân thương gần gũi. Và đặc biệt là thơ anh rất giàu nhạc tính. Có lẽ vì thế mà nhiều nhạc sĩ đã tín chấp nhạc của mình vào thơ Nguyên Hùng. Anh không phải là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng đã có đến vài ba chục bài hát khởi nguồn từ thơ anh. Có những ca khúc được ca sĩ chuyên nghiệp thu thanh và biểu diễn, được phát trên sóng phát thanh, truyền hình, và được bạn yêu nhạc yêu thích như “Sóng không từ biển”, “Bến xưa” (nhạc Lê An Tuyên), “Biển và em” (nhạc Thanh Hoàng), “Đừng quên con nhé” (nhạc Nguyễn Ngọc Tiến), v.v… Đó là một hiện tượng. Không phải nhà thơ nổi tiếng nào cũng được phổ nhạc nhiều và hay như thế’”

Lâu lắm rồi, có lẽ cũng đã 10 năm, tôi được đọc những dòng này của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, giới thiệu về một “nhà thơ trẻ”, có lẽ bởi cùng quê hương Xứ Nghệ nên anh Tạo viết rất nhiệt thành.

“Thơ anh không cầu kỳ kiểu cách mà tràn đầy chất dân gian truyền thống. Nhiều ví von, ẩn dụ, nhiều thi ảnh thân thương gần gũi. Và đặc biệt là thơ anh rất giàu nhạc tính”. Kinh! Mới nhìn lại tấm hình ông nhà thơ này xem bản mặt thế nào, mà được ông nhạc sỹ “Úp mặt sông quê” ca ngợi lung linh đến thế. Thì thấy ngờ ngợ. Hình như mình có quen, hay từng gặp nhau ở đâu rồi. Mới bấm máy gọi cho bà chị con ông bác ruột (nhưng chị lại kém tuổi mình): “Chị ơi, em thấy có một thằng cha nhà thơ mặt mũi giống “mối tình đầu” của chị mà hôm đến nhà thăm chị em đã gặp”. “Nhà thơ ấy tên gì?”. “Nguyên Hùng chị ạ”. Tiếng cười khe khé ở đầu dây: “Mối tình đầu của chị đấy”. Ối giời, thì hóa ra là ông anh rể tôi đây. “Nhưng em nghe nói mối tình đầu của chị là kỹ sư thủy lợi cơ mà”. “Đúng rồi, tiến sỹ công trình thủy đi học ở Nga về đấy”. “Ối giời, tiến sỹ thủy công oách thế mà lại đi làm thơ hả chị?” “Thì Hoài biết đấy, dân xứ Nghệ ai mà chẳng làm thơ. Tâm hồn các vị ấy lai láng lắm”.

Ôi, thì hóa ra là “mối tình” đầu của bà chị tôi, người gọi nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ là chú ruột, gọi đại gia Hoàng Kiều là anh em con chú con bác chính là đây…

Thời gian trôi đi, một lần nhà thơ xứ Nghệ Vương Trọng vào chơi TP.HCM, tôi có mời anh lại ăn cơm tại nhà hàng Lotus. Bữa ấy mới gặp nhà thơ Nguyên Hùng, người đi cùng và ông anh Vương Trọng trân trọng giới thiệu: “Đây là Nguyên Hùng quê anh làm thơ Việt ạ”. Tôi vỗ vai Nguyên Hùng ra chiều thân lắm để khoe với anh Vương Trọng “Mối tình đầu của bà chị con bác ruột em đấy anh ạ”.

Kể từ phút ấy, tôi nhận ra “bà con” và trở nên thân thiết với Nguyên Hùng. Ngồi trò chuyện thì mới hay ông này đúng là Tiến sỹ công trình thủy thật, từng làm thầy giáo chuyên nghiệp gần hai mươi năm, sau đó chuyển sang làm trưởng phòng Khoa học kỹ thuật của một công ty tư vấn lớn, tiền nong không nhiều nhưng lại ưa đánh đu với thơ ca. Nguyên Hùng đã cho in 6 tập thơ: Cánh buồm thao thức (NXB Hội Nhà văn, 2007), Sóng không từ biển (NXB Hội Nhà văn, 2009), Bay về phía bão (NXB Văn học, 2013), Dấu chân Lục Bát (NXB Hội Nhà văn, 2014), 102 mảnh ghép văn nhân (NXB Hội Nhà văn, 2017), 108 đoản khúc thơ (NXB Hội Nhà văn, 2020), được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, lại được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM. Kinh hơn nữa là ông dám liều mạng theo bước nhà thơ đàn anh Xuân Sách,“họa” bằng thơ chân dung tới 102 vị văn nghệ sỹ nước Nam ta, được NXB Hội Nhà văn in thành sách (102 mảnh ghép văn nhân), được các bậc thơ phú đàn anh chỉ ngợi khen thôi chứ không mắng mỏ hay kiện tụng gì. Và còn một điều kinh hơn hết, là anh đã có tới gần 100 bài thơ được phổ nhạc (Kỷ lục ghi nét nước ta là nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên “Đôi dép Bác Hồ” có 160 bài thơ được phổ nhạc Trong đó có những tuyệt tác như Cảm xúc tháng mười (Nhạc Nguyễn Thành) hay Đất nước (Nhạc Phạm Minh Tuấn).

Lại nhớ ngày nào ông anh nhạc sỹ – nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết về “mối tình đầu” của chị tôi:

“Biển triệu năm cứ xanh/Tóc nửa đời đã bạc/Nghìn năm em và anh/Yêu mãi hoài vẫn khát//Trời triệu năm cứ xanh/Mây triệu năm cứ bạc/Nghìn năm em và anh/Thương yêu không phai nhạt.

Bài thơ chỉ có 8 câu ngắn gọn như đúc kết về tình yêu vĩnh cửu. Vậy mà có 2 nhạc sĩ (Nguyễn Ngọc Tiến và Võ Xuân Hùng) đã phổ nhạc thành 2 bài hát trữ tình với giai điệu mượt mà, bay bổng như nhắn gửi tới người yêu một niềm tin không nhạt phai.

Với một bài hát phổ thơ, có khi, thơ chắp cánh cho nhạc hoặc nhạc chắp cánh cho thơ, nhưng thường thì có sự gặp gỡ trùng hợp giữa nhạc sĩ và nhà thơ. An Tuyên và Nguyên Hùng là hai người cùng quê Cửa Hội và đều xa quê – người ở Sài Gòn, người ở Đức và họ gặp nhau trong nhiều ca khúc phổ thơ. Có thể nói, An Tuyên đã đọc được cả ngoài thơ của Nguyên Hùng. Vì vậy, những bài hát của An Tuyên luôn cất lên tiếng lòng da diết của tình yêu quê hương xứ sở và tình yêu nam nữ. Nhiều bài hát đậm đà chất dân ca xứ Nghệ (như Bến xưa) đầy kỷ niệm thân thương:

Sao anh không về bến sông quê/Về lại bến xưa thương câu hò xứ sở/Sao anh không về lại bến xưa?/Ngọt ngào lời hát… mẹ ru…

Nhưng đến lúc, tình yêu mở ra cuộc đời rộng lớn hơn thì âm nhạc của An Tuyên đã đạt tới một ý hướng triết lý, khái quát với lời thơ giàu tình cảm của Nguyên Hùng:

Tuổi thơ anh trên sóng/Nên say hoài biển xanh

Và:

Thuyền ơi về đâu?/Thuyền có nhớ chăng/Sóng không từ biển/Từ miền em thôi.

… Mà trước em anh ngỡ/Trước muôn trùng biển khơi.

Có thể nói, “Sóng không từ biển” là một ca khúc phổ thơ đầy sáng tạo. Một ca khúc về biển, hay cả lời lẫn nhạc. Đây là một ca khúc được nhiều ca sĩ lựa chọn (Lê Anh Dũng, Thành Lê, Xuân Huyền, Quế Thương, Bích Hồng…). Nó có sức neo đậu lâu dài trong lòng người. (Nguyễn Trọng Tạo)…

Trở lại với thi ca của Nguyên Hùng, nhất là tập họa phẩm vẽ tranh, dựng tượng các văn nghệ sỹ nước nhà. Trên báo mãi từ Thủ đô Hà nội, nhà báo Huệ Hương Hoàng có lời ngợi ca và sắc sảo luận bình: ”Nguyên Hùng có gương mặt đẹp. Gặp là tôi yêu mến ngay anh thi sĩ người Nghệ, tốt nghiệp đại học rồi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Xa quê mấy chục năm, vẫn giữ cái giọng ồ ồ lên bổng xuống trầm ngộ ngộ của người vùng biển Nghi Lộc. Anh viết nhiều. Thơ anh có duyên với âm nhạc. Đặc biệt những bài thơ của anh, kết hợp với chất nhạc mang âm hưởng dân ca ví giặm của nữ nhạc sĩ Lê An Tuyên thì đều trở nên say đắm lòng người. Anh đã có mấy tuyển thơ được xuất bản. Nhiều lần tôi định viết về thơ anh, nhưng lại thấy mỗi tập thơ anh ra đều có nhiều bạn văn chương đã viết rồi nên lại thôi. Hôm trước nhận được tập thơ 102 mảnh ghép văn nhân của anh, tôi tự nhủ: Tập thơ viết về bạn bè, nhưng lại nói đúng con người của Nguyên Hùng – hào hiệp, ấm áp và đôn hậu”

“Thơ, nhạc và con người Nguyễn Trọng Tạo dù được rất nhiều nhà văn, nhà phê bình phân tích mổ xẻ. Mặc dù vậy, Nguyên Hùng đã nói không giống ai mà lại rất đúng con người đào hoa mà phong trần của ông: “Tình yêu như thể chiến hào/ Tên bay đạn lạc phía nào… cũng em”. Anh nhìn rất rõ con người tưởng phong trần lãng đãng, thường ngật ngà trong men rượu, trong cô đơn, mà lại rất nặng lòng với nước, với quê: “Rượu trăng nhắm với môi mềm/Cô đơn dốc đến cạn men nỗi buồn/Nặng lòng vận nước, quê hương/ Thơ đi cùng với con đường nhân dân”. Và cuối cùng, cái mà Nguyễn Trọng Tạo lưu lại trong dòng thời gian: “Bốn mùa khúc hát sông quê/Dạt dào tiếng sóng bùa mê gọi người…”Chân dung Chu Lai là một bức chân dung tuyệt đẹp: “Nắng đồng bằng sạm da lính trận/Đêm tháng hai quầng mắt văn nhân/Chạm “thất thập” thấy cuộc đời dài lắm/ Bục vinh quang không chỉ một lần…/ Ở phố nhà binh mơ bến sông xa/Người không chịu ăn mày dĩ vãng/Cơn mưa đỏ thức mùa hoa thưa vắng/ Cho bãi bờ hoang lạnh … ấm trang văn” . Tôi chưa gặp Chu Lai bao giờ. Cũng ít đọc ông. Biết ông chủ yếu vì ông quá nổi tiếng. Nhưng đọc bài thơ này của Nguyên Hùng, tôi nhìn thấy một nhà văn quân đội, sâu sắc, phong trần và tài hoa. Thấy muốn yêu mến ông luôn.

Cho nhà thơ nữ Huệ Triệu, anh có những câu thơ năm chữ thật tươi xanh, cho ta thấy một gương mặt nhà văn nữ lành hiền nhân hậu: “Bao mùa cây thay lá/Vẫn thức một miền xanh/ Tuổi thơ đằm bóng cọ/Miền trung du mát lành” và “Với học trò thương yêu/Với bạn văn: chân thật/Thơ Huệ lành như đất/ Gọi những mùa thảo thơm”.

Bài viết đã dài. Xin được kết bài bằng việc họa thơ của anh:

Trời triệu năm cứ xanh

Mây triệu năm cứ bạc

Nghìn năm em và anh

Thương yêu không phai nhạt.

Thành ra:

Trời triệu năm cứ xanh

Mây triệu năm cứ bạc

Xứ Nghệ có Nguyên Hùng

Một đời thơ và nhạc…

C.L.V