Truyện ngắn “Tiếng hát u hoài”

785

Phương Đình

Tặng T.V.Thảo

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi là người Tây Đô, gặp nhà tôi – Nguyễn Thị Thanh Thúy tại Long Mỹ, theo suy nghĩ của nhiều người là những kẻ bị lưu đày. Vợ chồng tôi cùng làm nghề gõ đầu trẻ, tình cờ quen nhau nơi một huyện nghèo heo hút cách xa thành phố hơn sáu mươi cây số. Đất nước chìm ngập trong chiến tranh chống Mỹ, Long Mỹ còn gọi là Trà Ban được coi là vùng trái độn, ranh giới giữa ta và địch rất mong manh. Người địa phương cùng ở ngay trung tâm thị trấn dù biết mặt, quan hệ nhau thân thiết nhưng cũng không hiểu rõ là khác nhau chiến tuyến.

Chênh vênh nằm gối mình trên doi đất giữa sông Cái Lớn với hai mùa nước lợ và con kênh Trà Ban thẳng tắp ngút ngàn xuôi về Ngả Năm, Sóc Trăng, Long Mỹ được gọi là thị trấn không đèn. Điện đuốc từ thành phố Cần Thơ không đến tới, ánh sáng ngày đêm phải nhờ vào nhà máy đèn cổ lổ không đảm bảo đủ điện năng bình thường hằng ngày cho mọi nhà. Khu nhà lồng chợ cũ với những quày hàng lơ thơ buồn thiu, nằm ngay trung tâm huyện trấn với mái tôn cũ bập bềnh, rầm rập réo la mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua. Những cô chủ hàng lim dim đôi mắt mệt mỏi đợi khách với những trang sách chưởng của Kim Dung dỡ hờ trên tay. Ngoài không gian, ban ngày không ngớt rè rè chói tai tiếng phi cơ trinh sát L.19 của giặc, đêm đêm tiếng đại bác tru đêm rơi nổ ở vùng quê trộn lẫn với tiếng bom rơi ầm ầm xuống rừng U Minh thượng từ pháo đài bay B.52 của Mỹ.

***

Buổi họp hội đồng giáo dục tại khu trường Trung học vừa kết thúc, một vài giáo sư, giáo viên, theo thói quen cùng kéo nhau ra quán cà phê Nhơn Hòa của chú Sung nằm cặp bên nhà lồng chợ. Anh em nhà giáo xa nhà ngồi giải khát, cùng nhau hàn huyên tâm sự.

– Nhà em ở đường Võ Tánh, Vĩnh Long đoạn giữa cầu Cái Cá và cầu Thiền Đức. Vừa ra trường Cao đẳng sư phạm, em có quyết định về luôn Long Mỹ. Còn thầy?

– Tôi ở Cần Thơ, nhà gần cầu Cái Khế. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ban đầu tôi được cử về dạy tại tỉnh nhà. Nhưng sau đó, thương một bạn thân mồ côi cha, quê ở miền Trung xa xôi, gia đình khó khăn chỉ có mẹ già nên tôi bằng lòng hoán chuyển cho anh ấy về đây.

Mang tâm trạng những nhà giáo xa nhà cùng công tác nơi vùng sâu heo hút, tôi và Thanh Thúy thường tâm sự với nhau trên những chuyến xe đò chiều muộn cùng về nhà. Thúy có cha hoạt động cách mạng, bị phe giáo phái thân Pháp Năm Lửa cho đi mò tôm mất tích, chỉ còn người mẹ già yếu hằng ngày buôn bán tần tảo nuôi Thúy cùng các em ăn học. Còn cha tôi theo Việt Minh, từ sau ngày Nam bộ kháng chiến, phải làm động tác giã tu thời thế, cất am ở sâu sau vườn nhà rồi thí phát quy y. Dầu tròn áo nâu, cha tôi ngày đêm gõ mõ tụng kinh để tránh bị thủ tiêu bởi bọn Việt gian. Như người đồng hội đồng thuyền, tôi và Thúy hay gần nhau để cùng tâm sự sẻ chia nhau cảnh ngộ buồn vui nơi xứ đồng chua nước mặn.

Ở trường tiểu học, Thúy vừa đứng lớp vừa phụ trách dạy múa cho học sinh. Bên trung học, tôi cũng vừa dạy học vừa phụ trách ban Văn nghệ – Báo chí và khóa Võ thuật của trường. Trừ khóa võ đa phần là học sinh và nhà giáo phải ngưng nửa chừng vì có mấy anh công an cộng hòa ở đồn cạnh trường xin vào học, công tác văn nghệ và báo chí đạt thành quả tốt. Ban văn nghệ học đường do tôi phụ trách ra đời, theo đề nghị của hiệu trưởng trung học, phục vụ vào các ngày lễ Tết trong năm và phát thanh mỗi tuần hai lần vào tối thứ ba Tân nhạc và tối thứ sáu Cổ nhạc. Đặc san Niềm Tin ra mắt vào Tết Nguyên Đán mỗi năm vào thời điểm cuối học kỳ I. Tử những bản nhạc trình diễn tới tờ báo của nhà trường, cả những bài giảng văn giảng cho học sinh, tôi luôn chọn lựa kỹ những tác phẩm, bài giảng lành mạnh có nội dung ca ngợi quê hương, cổ xúy lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc. Thanh Thúy là một cô giáo năng động có giọng ca cá tính trong chương trình văn nghệ học đường bên cạnh những nữ giáo viên khác.

***

Sau khi kết hôn, công tác của tôi và Thúy tại Long Mỹ đang trôi chảy, bất ngờ Thúy đổi được về Vĩnh Long theo đơn xin từ năm học trước để nuôi mẹ già hay đau ốm vì các em nhỏ còn đi học. Ở cách xa nhau gần trăm cây số, tôi và Thúy chịu khó thay phiên gặp nhau cuối tuần tại nơi công tác của mỗi người. Buổi đầu mới yêu nhau, dường như cảnh người đầu sông kẻ cuối sông chỉ khiến tình yêu chúng tôi càng tha thiết hơn sau mỗi gần tái ngộ.

Ba năm lấy nhau, hai vợ chồng đoàn tụ về ở Tây Đô, tôi và Thúy hạnh phúc bên nhau trong cuộc sống thanh đạm của nhà giáo. Yêu nghệ  thuật văn chương, tại tỉnh nhà, tôi tranh thủ viết bài cho những tạp chí văn nghệ tiến bộ ở Sài Gòn, ra tờ tạp chí Văn nghệ Miền Tây và cho hồi sinh lại ban nhạc Thanh Thanh. Chuỗi công việc đều đặn hằng ngày của tôi như một điệp khúc: đi dạy học, vào giảng đường Đại học ghi bài học để thi Cử nhân, viết báo và thực hiện cho tờ báo nhà. Đêm đêm, ngoài những buổi đi dạy thêm ở trường tư, tôi cùng Thanh Thúy đưa Ban nhạc sống Thanh Thanh đi trình diễn ở các tiệm cà phê văn nghệ, quán rượu, tiệm khiêu vũ để kiếm thêm phụ thu cho gia đình.

Diễm Thúy là giọng ca nữ chính trong ban nhạc tài tử của tôi tại đất Tây Đô. Dáng trung người, vóc mình thon thả, Thuý là một phụ nữ không đẹp sắc sảo như hoa hậu nhưng tính nết rất dễ gần với bất cứ ai dù lạ hay quen lúc gặp nhau. Đặc biệt, Thanh Thúy sở hữu một giọng hát u hoài như mang mang một nỗi buồn vạn cổ. Dường như trời sinh ra Thúy là chỉ dành để hát nhạc buồn. Điệu Moderato dồn dập, Valse hay Boston dặt dìu theo bước rộn ràng hay điệu Pasodoble, Twist đều không  hợp với âm hưởng giọng ca buồn của Thúy. Chỉ những bản nhạc có giai điệu như Slow Rock nức nở, Bolero du dương là có thể cộng hưởng với giai diệu tiếng hát đặc thù của Thúy mà thôi.

– Anh à, đêm nay cho em hát trước bản Chuyến tàu hoàng hôn.  Còn những  ca khúc Nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn hoặc Thành phố buồn của Lam Phương để hát sau anh nhé. Hiểu rõ phong cách trình diễn của từng ca sĩ trong đó có Thanh Thúy, tôi luôn phải ôm đàn guitar đệm cho nhà tôi hát mỗi khi cô ra sân khấu.

Buổi  trình diễn của ban nhạc Thanh Thanh trong một đêm cuối chạp ngày ấy thành công rực rỡ với giọng hát của ca sĩ Thanh Thúy qua nhạc phẩm Chuyến đò không em (Hoài Linh) được khán giả nhiệt liệt hoan hô bis! bis! (Hát lại nữa! Hát lại nữa ) nhiều lần muốn làm vỡ tung không gian sân khấu Minh Châu tại đường Phan Đình Phùng. Nhạc phẩm được Thanh Thúy hát sau lần hoan hô bis của khán giả là ca khúc Thương hoài của nhạc sĩ Nguyễn Thanh là bài hát theo giai điệu Bolero cuối cùng trong đời nàng.

***

– Chữ viết em lỗi ngày một bệ rạc ra… không  biết là…!

Đó cũng là dỏng thư cuối cùng Thanh Thúy viết gửi cho tôi khi tôi còn học ở giai đoạn cuối tại quân trường huấn luyện Sĩ quan Thủ Đức.

Ngày ấy, trong giai đoạn chính quyền đương thời thi hành chính sách đôn quân sau trận Tổng Công kích Mậu Thân của cách mạng, giáo sư, giáo viên ở trường học tuổi còn trẻ cũng phải làm nghĩa vụ quân sự trong giai đoạn chiến tranh ngày càng khốc liệt. Mặc dù đang là giáo sư đã 3 lần khám sức khỏe được xếp vào loại lực vĩnh viễn có sổ tùy thân đàng hoàng, tôi vẫn bị gọi đi học sĩ quan vì về sau có bằng Tú Tài. Thời gian học ở quân trường là những tháng ngày thể xác đổ mồ hôi và tinh thần bị dằn vật đến đỉnh điểm. Mỗi ngày, sinh viên sĩ quan phải thức dậy sớm từ 4 giờ sáng để thể dục, đánh bóng giày… rồi ra thao trường tập luyện cho tới đứng trưa và chiều muộn mới về trại. Chịu không kham nổi khổ cực, có anh sinh viên đã dùng lưỡi lam cạo râu cắt mạch máu tự tử, cũng có anh chết vì đạn lạc khi đang cầm bia quay ở bãi bắn quân trường. Tôi thì nhờ biết vẽ, chơi đàn nên ít cực khổ và nguy hiểm hơn. Lại nữa, nhờ vào sự giúp đỡ của vài thằng bạn đi học khóa trước đang làm sĩ quan huấn luyện tại quân trường. Trong không gian inh ỏi ngột ngạc tiếng nhạc thúc quân của Văn Cao, Văn Giảng, Hùng Lân,… các bạn sinh viên sĩ quan khác phải hì hục vác súng và ba lô lặn lội ra sân bãi chịu nắng dải mưa dầm luyện tập thì tôi có phần may mắn hơn. Ban ngày, tôi được ngồi  ở doanh trại để vẽ số vào báng súng hoặc thảo chương trình văn nghệ. Sau đó, mặc đồ sạch sẽ, ngồi xe jeep có người lái đưa ra chợ Sài Gòn đón rước ca sĩ về trình diển phục vụ cho sinh viên sĩ quan mà khỏi phải ra bải tập. Đêm đêm, không cho bạn bè hay, tôi thường tìm cách lẻn xuống trại gia binh tìm địa chỉ bán cà phê gia đình đã quen biết trước.

Quân trường Huấn luyện Sĩ quan Thủ Đức xây dựng cheo leo trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú xanh um tán lá của những cây móng bò với hoa màu tím cực đẹp, cách xa nội ô hòn ngọc Viễn Đông về phía Tây Nam vài cây số. Giữa khung cảnh bát ngát núi đồi, một mình ngồi uống cà phê phin, nghĩ lan man trong óc biết bao nhiều chuyện. Nhìn từ phin nhôm những giọt cà phê rụng vỡ xuống đáy ly, tôi cảm thấy đau buồn như nghe thấy tiếng bom rơi trên đất nước mình: Thao thức những đêm không ngủ được / Một mình lặn xuống trại gia binh / Lắng nghe từng giọt cà phê vỡ / Mà ngỡ bom rơi đất nước mình. Rồi lòng tôi không khỏi da diết nhớ vợ con:Tăng Nhơn Phú ơi, Tăng Nhơn Phú ơi! / Mênh mông đồi núi tiếp mây trời / Lòng đau quê mẹ còn tang tóc / Nhung nhớ người thương dạ rối bời! Ban ngày ngồi vẽ, trong sóng nhạc thê lương của những bản Diễm xưa (Trịnh Công Sơn), Thành phố buồn… ngày nhìn các bạn rầm rập diễn tập đi ngoài sân, đêm về một mình tôi ngồi làm thơ: Đi mà xóa thương đau / Bẻ gông xiềng lệ thuộc (Quân hành điệu) rồi tìm cách gửi cho nhà thơ yêu nước Kiên Giang lúc đó đang phụ trách Ban Thi văn Mây Tần thường cho ngâm thơ phản chiến của tôi ở đài phát thanh Sài Gòn. Hoàn cảnh khiến tôi chẳng khác một Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng giống không ít các bạn bè giáo viên và bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ mang tâm trạng như tôi.

Chỉ còn non tháng ra trường, một chiều muộn ở trại, tôi bất ngờ nhận được tin sét đánh từ nhà gửi lên do một anh bạn hàng xóm gần nhà:

– Anh Năm, chị Năm mất rồi. Về gấp!

– Đây là sinh viên đau khổ nhất quân trường. Đại úy Trang, trung đội trưởng huấn luyện mặt không vui nhìn tôi và các bạn vừa nói vừa cầm miếng giấy xanh nhỏ ghi hung tin đưa cho tôi: Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi hóa dại khờ.

Tâm trạng rã rời, ngồi trên xe đò tốc hành đặc biệt chạy vun vút về Hậu Giang, tôi cảm thấy lòng dạ rối bời: Hiền nội ơi, hiền nội ơi! Tin đâu về vội xé mây trời… / Sa trường anh chửa ra tay súng /Mà chiến bào xanh lệ thấm rồi! Mang giấy đi phép đặc biệt về đến nhà thì nhà tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy – đã nằm khuất trong áo quan bao quanh bởi một rừng lẳng hoa phúng điếu của học trò nhà tôi, học trò của tôi hay tin và cả đồng nghiệp của Thúy ở trường Nữ Tỉnh lỵ Tây Đô. Thôi, anh đành ngậm ngùi vĩnh biệt em, ca sĩ Thanh Thúy – tiếng hát bản nhạc cuối cùng Chuyến đò không em theo giai điệu Bolero – hôm nào đã gây cảm xúc mạnh mẽ vì chứa đựng cả một trời buồn cho người nghe và cho anh, chàng sinh viên sĩ quan nửa mùa đau khổ nhất quân trường trong một mùa chinh chiến. Mang nửa hồn thương đau, sau khi gửi lại ba đứa con thơ cho chị ruột và em vợ tôi trông giữ, tôi như con ốc mược hồn vội vã trở lại địa ngục trần gian.

P.Đ