Văn học đương đại Việt Nam trên hành trình tìm ra thế giới

331

Trong những năm gần đây văn chương Việt Nam đang có bước chuyển mình rõ rệt trên hành trình tìm ra thế giới. Nhưng hành trình đó nên đi như thế nào để đúng hướng và có hiệu quả nhất thì là một câu hỏi không dễ trả lời.

Từ thực tế tình hình văn học

Cần thấy rõ những đặc điểm của văn học đương đại Việt Nam trên con đường tìm ra thế giới thì mới có thể có những chọn lựa dịch thuật phù hợp.


Một trong những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ở nước ngoài. 

Thứ nhất là việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới đã trở nên dễ dàng hơn và số lượng tác giả được dịch nhiều hơn so với những giai đoạn trước. Tất nhiên ở đây có hai lý do: Lý do thứ nhất là trong thời đại ngày nay, các nguồn thông tin và sự giao lưu trao đổi cũng nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn trước rất nhiều, nên văn học Việt Nam cũng được nhiều nhà nghiên cứu và độc giả trên thế giới biết đến hơn. Một lý do khác là các nhà văn Việt Nam cũng chủ động tiếp cận với việc xuất bản ở nước ngoài bằng nhiều hình thức: qua trao đổi, giới thiệu, xin tài trợ hay thậm chí bỏ tiền tự in. Dù bằng hình thức nào đi chăng nữa thì không thể phủ nhận chuyện văn học Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn.

Thứ hai là ở một chiều ngược lại, các nhà văn nước ngoài gốc Việt Nam cũng được dịch, xuất bản, nghiên cứu ở Việt Nam nhiều hơn những giai đoạn trước. Những tác giả như Linda Lê, Thuận… ở Pháp hay Nguyễn Thanh Việt, Andrew Lam, Aimee Phan, Ocean Vuong… ở Mỹ là những ví dụ tiêu biểu. Cho dù họ định cư và làm việc tại nước ngoài, viết bằng ngôn ngữ của nơi họ sống, nhưng việc giới thiệu họ rộng rãi ở Việt Nam từ một khía cạnh nào đó cho thấy sự giao lưu, hội nhập và đón nhận từ phía người yêu văn chương Việt.

Thứ ba là dòng văn học mạng tuy vẫn chưa được đánh giá đúng với vị trí và vai trò của nó, song từ đây cũng đã ít nhiều xuất hiện một số tác giả hứa hẹn sẽ đi xa trên con đường văn chương, dù rằng mục tiêu của họ vẫn là sau khi post tác phẩm trên mạng thì in thành sách giấy.

Thứ tư là dòng sách du ký, biên khảo, khảo cứu, tản văn… ngày trước thường không được xếp vào văn chương mang tính “chính thống” như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết…, nhưng những năm gần đây đã có nhiều tác giả rất thành công và tôi nghĩ họ cũng là những tác giả văn chương đích thực.

Đến những cách thức đi ra thế giới bên ngoài

Theo quan điểm của tôi, “con đường ra thế giới” cho văn chương Việt Nam có nhiều cách. Vấn đề nằm ở chất lượng như thế nào thôi. Ngày trước các nhà văn Việt Nam thường thụ động trong việc tự giới thiệu bản thân và cơ hội giao lưu không nhiều, nên tác phẩm văn chương Việt Nam ít được giới thiệu ở nước ngoài. Chủ yếu vẫn là những tác phẩm cổ điển và một số tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam. Có thể nghĩ đến nhiều phương cách để mở đường cho văn học đương đại Việt Nam ra với thế giới.

Thứ nhất, theo một cách chính thống thì Hội Nhà văn Việt Nam và một số Hội Nhà văn ở các tỉnh thành có Hội đồng Văn học dịch. Nhưng dường như các Hội đồng Văn học dịch xưa nay đều chủ yếu gồm những người dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt, chứ không phải ngược lại. Nên chăng cần tăng cường đội ngũ dịch giả theo chiều ngược lại. Nghĩa là cần chú trọng đến vị trí, vai trò của những dịch giả dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài, cho dù họ là người Việt hay người nước ngoài, tránh tình trạng một chiều như nhiều năm qua.

Thứ hai, hầu như từ trước đến nay, việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài thường mang tính tự phát và thông qua các quan hệ cá nhân chứ không do các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm thực hiện. Việc  vận dụng các mối quan hệ cá nhân vẫn rất cần thiết, song nên tăng cường, giao lưu giữa các tổ chức, đơn vị văn học nghệ thuật với các tố chức nước ngoài, từ đó tìm ra con đường cho văn chương Việt ra với thế giới không chỉ bằng việc dịch, mà còn bằng việc nghiên cứu tác phẩm, tổ chức hội thảo v.v…

Thứ ba, bản thân các nhà văn Việt Nam cũng nên chủ động và tự tin về việc tự giới thiệu tác phẩm của mình ra với thế giới. Không nhất thiết cứ phải thông qua những mối quan hệ quen biết, hay là chờ các nhà nghiên cứu, các nhà xuất bản nước ngoài tìm đến với mình. Việc xuất bản ở nước ngoài bây giờ rất dễ dàng nếu tự bản thân mình chủ động và liên hệ xuất bản, sau đó có thể bán sách online trên nhiều trang web, chẳng hạn như trên trang Amazon. Thậm chí cũng không nhất thiết phải xuất bản sách giấy mà có thể xuất bản tác phẩm dưới định dạng ebook, vừa có giá thành thấp, vừa là một phương thức phổ biến hiện đại ngày càng được ưa chuộng trong thời đại công nghệ như hiện nay.

Thứ tư, có lẽ trước mắt nên chú trọng giới thiệu thơ và truyện ngắn Việt Nam ra với thế giới, bởi vì việc dịch một tác phẩm tiểu thuyết rõ ràng là khó khăn hơn nhiều và cũng kén độc giả nước ngoài hơn. Xét về mặt thể loại, thơ và truyện ngắn dễ tiếp cận người đọc hơn, đồng thời cũng thích hợp với xu thế đọc ngắn, đọc nhanh ngày càng phổ biến trong thời đại ngày nay. Dĩ nhiên về lâu về dài, vẫn phải có sự giới thiệu những tiểu thuyết hay của Việt Nam ra nước ngoài.

Tôi thấy được sự nỗ lực, cố gắng của một số người trong việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam đương đại ra nước ngoài. Nhưng như đã nói ở trên, tôi chưa thấy những hoạt động có tính chất hội đoàn, tổ chức thành kế hoạch, dự án, có mục tiêu và có sự lựa chọn trong việc giới thiệu văn học Việt Nam đương đại ra với thế giới. Có lẽ ngoài những nỗ lực cá nhân, không nên không chỉ trông chờ vào Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội tỉnh thành, mà cần một Ban chuyên trách gồm nhiều thành viên thuộc nhiều lĩnh vực, có trách nhiệm tuyển chọn, thẩm định, đánh giá tác phẩm và làm cả công việc liên hệ dịch thuật, giới thiệu, trao đổi, giao lưu với nước ngoài.


TS Hà Thanh Vân

Một vài tiêu chí cần lưu ý khi giới thiệu văn chương Việt ra với thế giới

Những tên tuổi văn chương đương đại có thể giới thiệu ra với thế giới phải đáp ứng những tiêu chí sau: Vừa mang tính dân tộc rõ nét, vừa đề cập đến những vấn đề chung mà nhân loại đều quan tâm. Còn về đề tài tác phẩm thì ba khuynh hướng viết cho thiếu nhi, viết có nội dung tình cảm, tâm lý xã hội, viết mang màu sắc văn hóa lịch sử dân tộc là ba khuynh hướng nên được giới thiệu bởi đó là những điểm mạnh của văn học Việt Nam đương đại. Vì văn học Việt Nam, nhất là văn học đương đại, vẫn còn là một khoảng trắng đối với độc giả thế giới, chưa được độc giả biết đến nhiều, cho nên việc giới thiệu văn chương đương đại Việt Nam đang là điều cấp thiết hiện nay. Nhưng bản thân văn học đương đại Việt Nam vẫn đi theo xu hướng nghệ thuật viết văn truyền thống, ít có những cách tân, đổi mới, sáng tạo để hòa nhập với thế giới. Thế nên làm sao để thoát ra khỏi sự “nguyên sơ” cũng là điều mà các tác giả Việt Nam nên tự vấn mình, tự tìm tòi và thử nghiệm trong tác phẩm. Mặt khác, văn học Việt Nam đương đại cũng ít được quan tâm giới thiệu từ hai phía, cả phía Việt Nam và thế giới, cho nên việc tổ chức thực hiện những hoạt động, những trao đổi, giao lưu là việc cũng rất cần làm trong thời gian tới.

Và tôi nghĩ cần phải lưu tâm đặc biệt đến việc dịch văn chương của các tác giả trẻ, các thế hệ 7X, 8X, 9X… vì những sáng tác của họ thể hiện rõ tâm thế của thời đại. Khi nhìn lại thế hệ nhà văn 7X, 8X và 9X, nếu gọi tên những tác phẩm/nhà văn cùng tạo dấu ấn thế hệ và văn hóa thời đại, lựa chọn của tôi sẽ là vài từ để nhắc về họ: công nghệ, toàn cầu, thay đổi, cô đơn, tìm về. “Công nghệ” là vì thế hệ của họ khác hẳn những thế hệ trước, họ lớn lên và trưởng thành trong thời đại Internet, dùng mạng xã hội, viết văn bằng cách gõ phím trên laptop hay đọc trực tiếp để chuyển đổi âm thanh thành văn bản.

“Toàn cầu” bởi vì với sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật, bây giờ người ta có thể dễ dàng biết mọi thông tin sau vài phút, hay đi đến khắp mọi nơi trên thế giới, điều mà các thế hệ trước không thể có được. “Thay đổi” bởi vì con người phải thích ứng với một thời đại sống mà mọi sự đều biến đổi rất nhanh, mà đại dịch Covid vừa qua là một ví dụ. “Cô đơn” bởi vì khi mà mọi điều đều có thể dễ dàng đến gần với nhau hơn bao giờ hết, khi mọi khoảng cách địa lý bị xóa nhòa, khi các nền văn hóa cùng giao thoa, xích lại gần nhau thì bản thân các nhà văn, nhà thơ là những con người thấy rõ ràng nhất rằng bản chất con người vẫn là như thế, vẫn yêu thương, vẫn đơn độc trong hành trình ở cõi nhân sinh của mình, cho dù ngoại cảnh đã khác xưa. “Tìm về” là bởi vì càng đi ra ngoài thế giới, các tác giả Việt Nam càng khao khát viết về quê hương và việc ngày càng nhiều các tác giả gốc Việt ở nước ngoài thành danh, tìm về quê hương mình là một ví dụ. Bản thân chủ đề quê hương cũng là sự tìm về xuyên suốt trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Và những từ mà tôi nêu ở trên, không chỉ là phản ánh chân dung tác giả văn học Việt Nam đương đại, mà còn chính là các nội dung được phản ánh đậm đặc nhất trong các tác phẩm của văn học Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Việc đưa văn học Việt Nam đương đại ra với thế giới là một việc không dễ dàng, cần sự chung tay, chung sức của nhiều người. Nhưng tôi tin đó không phải là một “nhiệm vụ bất khả thi” khi mà giới văn chương đang sống trong một thời đại toàn cầu hóa cao độ như hiện nay.

Theo Hà Thanh Vân/Vanvn