Ngàn Thương
(Chiều em đến – Thơ Lê Viết Xuân – Nxb Thuận Hóa – Huế tháng 6/2021)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ thứ mười, nhan đề “Chiều em đến” của tác giả Lê Viết Xuân ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 6- 2021 tại Huế, được Nhà xuất bản Thuận Hóa viết lời giới thiệu trang trọng. Tuy ngắn gọn, nhưng nói lên tâm trạng một tâm hồn thơ đầy cảm xúc, thiết tha với ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, song đượm triết lý nhân sinh.
Tập thơ Chiều em đến của nhà thơ Lê Viết Xuân
Có lẽ do từng trải, đi, sống và viết, nên chất liệu sáng tác, chắp cánh cho thơ bay qua những miền đất, từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… đến Mũi Cà Mau, xa hơn Singapore, Kualalumpur. Mỗi nơi chốn trở thành dấu ấn, bàng bạc trong không gian thơ. Bao vui, buồn chợt hiện trên cánh đồng thơ giàu suy tưởng.
“Chiều em đến”, bài thơ gợi nhiều kỷ niệm. Trên Đảo Ngọc cách đây bốn năm, anh đặt tên cho thi tuyển, với thể ngũ ngôn nhuần nhuyễn, phác họa chiều em đến bất chợt, cảnh quan thiên nhiên hữu tình bỗng bừng thức chiều em đến: Đảo Ngọc chiều em đến/ Rừng xao động biển xanh/ Chồi non nhú trên cành/ Làm cho rừng bừng sáng/ Biển trở nên duyên dáng/ Sóng vỗ bờ nhanh hơn/ Rừng biển nối nhau rồi/ Làm sao em lẻ loi?
Vùng A Lưới, núi rừng, chập chùng màu xanh cây trái đồi nương, một chiều em ngồi dệt zèng, thổi hồn vào bức tranh, thật yên lành bằng những sợi chỉ đa màu; Nắng mưa nhuộm thắm màu sắc ấy/ Có ngọn gió nào, níu chân anh…/ Tiếng chiêng thúc giục vui đêm hội/ Bếp lửa bập bùng suốt năm canh…
Chiều Hồ Tây sang Thu, loài sâm cầm nghiêng cánh, tung tăng giỡn sóng. Mùi hương cốm dịu êm. Ngắm trời đang mưa, để rồi: Nắng của ngày xưa, mưa của bây giờ/ Em vẫn là em xốn xang hơi thở/ Thu của em lắng vào nỗi nhớ/ Hoa cúc vàng lặng lẽ đợi nắng lên.
Trong bài “Gió kể”, anh mượn thiên nhiên để bày tỏ nỗi lòng mình sau khi về hưu, chấm dứt những năm tháng, cống hiến cho xã hội và quê hương niềm vui của một công dân đã làm tròn trách nhiệm, sao mà sâu lắng lạ: Sống nhân nghĩa, biết điều/ Thuận nhân tình thế thái/ Sẽ còn trong nhau mãi …/ Chăm làm điều phúc đức/ Trần thế, còn hơn Tiên. Vẫn khắc khoải nỗi đời, cháy bỏng khôn nguôi. Phải chăng niềm khát vọng yêu thương, khắc họa vào trái tim đầy nhân ái, dẫu tài thơ trời cho còn giới hạn.
Giờ đây tóc nhuộm màu hoa lau, bồng bềnh gió, vẫn mong Chiều em đến bằng những bước chân nhè nhẹ. Đâu phải chỉ nhớ nhung, mà nhớ nhung để tìm lại chính mình trong hoài niệm, ân cần sự sẻ chia nỗi niềm đã lặn vào trong.
N.T
(Gác Phước Vĩnh, Huế tháng 7.2021)