Võ Trường Toản – Sáng gương nhà giáo

5153

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bậc minh triết ngày xưa nói “Lương sư hưng quốc” đễ khẳng định tài năng và đức độ của nhà giáo có thể giúp cho nước nhà thịnh vượng. Tư tưởng giá trị như một chân lý ấy khẳng định vị trí quan trọng của nhà giáo cũng như sứ mệnh thiêng liêng của giáo dục ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trong một xã hội đạo đức xuống cấp đáng lo của một quốc gia, thiết nghĩ rất cần có những nhà giáo tài đức chân chính để đào tạo tốt thế hệ ngày mai cho đất nước. Ngoài Người Thầy của trường học lớn Hồ Chí Minh (1890-1969), thầy giáo của tính mẫu mực cao thượng như Chu Văn An (1292-1370), của lòng yêu nước như Châu Văn Liêm (1902-1930), Phan Ngọc Hiển (1910-1941),… còn có Võ Trường Toản, nhà giáo tiêu biểu, đã đào tạo được nhiều danh nhân tài đức ba trăm năm trước đây ở đất phương Nam.


Tượng nhà giáo Võ Trường Toản ở Ba Tri, Bến Tre.

Võ Trường Toản (1709 ? – 1792) hiệu Sùng Đức, sống ở Bình Dương, phủ Tân Bình, Tỉnh Gia Định. Ông gốc người Minh hương lánh nạn Mãn Thanh sang cư trú ở Đàng Trong, vào khoản thời gian mà Chúa Nguyễn Phước Nguyên (1563-1635) gả con gái là công nữ Ngọc Vạn cho vua nước Chân Lạp Chei Chetta (1668-1728). Võ Trường Toản là người có đức hạnh thanh cao, kiến thức uyên bác. Theo nhà thơ – Tiến sĩ Phan Thanh Giản (1796-1867), khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, Võ Trường Toản “ở ẩn, mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm. Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh Lê Quang Định. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật… Tiên sinh không hứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận, trau dồi về sau”.

Do hoàn cảnh xã hội và bận tâm nhiều với việc dạy học, những trước tác về văn chương của ông gần như bị thất lạc toàn bộ ngoài bài “Hoài cổ phú”, viết bằng chữ Hán dài 24 câu còn được truyền tụng. Với bút pháp cổ điển của bài phú lấy diển tích và từ ngữ, hình ảnh tử sử sách xưa, Võ Trường Toản muốn gửi gắm vào đó một nhân sinh quan nhuốm màu sắc triết lý về cuộc đời và con người gián tiếp nói lên tâm sự của nhà giáo về một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Qua bài phú, một thể loại cổ văn đan kết bằng những câu đối, tác giả muốn mượn chuyện cũ để giáo huấn người đời về lòng nhân nghĩa. Với Võ Trường Toản, sự thăng trầm biến đổi của xã hội như chiếc lăng kính cho người ta thấy được cái đích thực đáng trường tồn là lòng nhân nghĩa của con người. Võ Trường Toản đã đem hết tâm huyết để lo vun bồi cho sự nghiệp giáo dục nên học trò ông nhiều người đã trở thành danh nhân thành đạt trong xã hội.

Tiêu biểu trong đám học trò nổi tiếng của danh sư Võ Trường Toản trước hết là nhóm “Gia Định Tam gia” (ba nhà thơ ở Gia Định) gồm có Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định. Cả ba ngưởi học trò Võ Trường Toản đều giỏi học thuật, sáng đạo hạnh, gặp hồi phong vận đã lập nên sự nghiệp lớn, tất cả đều là bậc công thần nhà Nguyễn.

Trịnh Hoài Đức (1766-1825), tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở thế kỷ 18-19. Ông được vua nhà Nguyễn ban tước An Toàn hầu và sáng lập viên của Bình Dương thi xã thuộc nhóm Sơn Hội. Thông minh học giỏi, thi đỗ năm 1788, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh chọn người giúp công việc, Trịnh Hoài Đức được nhận ngay chức Hàn Lâm chế cáo. Chỉ một năm sau, ông được bổ làm Tri huyện Tân Bình. Cuộc sống quan trường ngày một thăng tiến, Trịnh Hoài Đức tiếp tục nhận các chức Hộ bộ Hữu tham tri (1794) rồi Thượng thư bộ Hộ (1802), cùng năm đó ông được sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) cùng hai Phó sứ Bộ Binh Hữu tham tri Ngô Nhơn Tĩnh và Bộ Hình Hữu Tham tri Hoàng Ngọc Uẩn. Năm 1808 và 1813, ông làm Hiệp trấn Gia Định thành, rồi Lễ Bộ Thương thư (1812), Lại Bộ Thương thư (1813). Năm 1820, Trịnh Hoài Đức giữ chức Lại Bộ Thượng thư kiêm Binh Bộ Thượng thư và năm 1822, ông làm Giám khảo kỳ thi Ân khoa.

Công danh đã có, bề thông gia càng rạng rỡ. Con trai của Trịnh Hoài Đức là công tử Trịnh Hoài Cẩn được sánh duyên cùng Tân Hoa Công chúa Đoan Thân, con gái của vua Minh Mạng ().

Khi Trịnh Hoài Đức mất, vua bãi triều 3 ngày và truy tăng ông là Thiếu bảo Cần Chánh Điện Đại học sĩ. Năm 1852, bài vị ông được rước vào miếu Trung Hưng Công thần và sau đó tiếp tục được đưa vào đền Hiền Lương (1858).

Sự nghiệp văn chương của Trịnh Hoài Đức gồm những 7 tác phẩm đa phần viết bằng chữ Hán: Cấn Trai thi tập (3 tập) viết trong giai đoạn 1783-1819; Bắc sứ thi tập (1802) sáng tác khi đi sứ sang nhà Thanh; Gia Định tam gia thi tập (ba nhà thơ ở Gia Định); Đi sứ cảm tác (Nôm) gồm 18 bài viết theo thế thất ngôn bát cú thuộc lọa trữ tình, tả cảnh vật, sinh hoạt của nhân dân địa phương tạinơi ông đi qua; Lịch đại kỷ nguyên; Khang tế lục; và Gia Định thành thông chí được coi là tập sử liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý về miền Nam Việt Nam. Chính thực dân Pháp, sau khi đã chiếm hết 6 tỉnh Nam kỳ, đã cho dịch tác phẩm quý giá về đất nước, con người, phong tục, thổ ngơi, khí hậu,… ở Nam bộ ra tiếng Pháp để họ nghiền ngẫn dễ bề đặt ách thống trị lâu dài.

Trịnh Hoài Đức không chỉ được coi là người học trò xuất sắc của nhà giáo tiêu biểu Võ Trường Toản mà còn là niềm tự hào về tài đức của một con người văn võ song toàn của đất Nam bộ. Năm 1975, GS. Bửu Cầm (1920 – 2010), giáo sư thực thụ Trưởng ban Hán Nôm dự trù lấy nhà thơ Trịnh Hoài Đức làm đề tài luận án Tiến sĩ Văn chương cho sinh viên Nguyễn Tấn Thành sau khi sắp tốt nghiệp Cao học Văn chương Việt Hán tại Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Như ta đã biết, Trịnh Hoài Đức đứng đầu trong Gia Định tam gia, và là nhà thơ đã sáng lập ra Bình Dương thi xã, trong đó có Ngô Nhơn Tĩnh và Lê Quang Định mà cả hai người sau cũng đều là môn sinh xuất sắc của nhà giáo lỗi lạc Võ Trường Toản.

Ngô Nhơn Tĩnh ( 1761 – 1813) tự Nhữ Sơn, hiệu Thập Anh, gốc người Quảng Đông, sang ở đất Gia Định. Xuất thân là Thị Độc Học sĩ ở Hàn Lâm viện sau thăng Hữu Tham tri Bộ Binh, được tín nhiệm, mang quốc thư theo thuyền uôn sang Quảng Đông tìm tin tức Lê Chiêu Thống (1766-1793). Vào triều Nguyễn, Ngô Nhơn Tĩnh giữ nhiều cức vụ quan trọng: Chánh sứ mang sắc phong đến thành La Bích phong cho Nặc Chân làm quốc vương nước Chân Lạp (1807), Hiệp trấn tỉnh Nghệ An (1811), Thượng thư Bộ Công kiêm Hiệp Tổng trấn Gia Định. Ngô Nhơn Tĩnh là quan thanh liêm, sống giản dị, từng xin hoãn thu thuế cho dân nghèo. Ông cương trực, thẳng thắn, không xu nịnh nên hay bị kẻ xấu dèm pha, có lúc nhà vua không còn tin tưởng. Ngô Nhơn Tĩnh học rộng, giỏi văn chương, thích ngâm vịnh. Tác phẩm còn lưu lại: Thập Anh đường văn tập (A. 1679), gồm 187 bài kinh nghĩa, lấy đề tài từ Kinh Thi và Kinh Thư (Trung Quốc) để làm bài văn mẫu cho người đi thi tham khảo; Nhất thống dư địa chí (sách Địa dư thống nhất) do Lê Quang Định biên soạn và Ngô Nhơn Tĩnh nhuận sắc.

Giá trị hơn cả là Thập Anh đường thi tập (Tập thơ Thập Anh A. 779) gồm 81 bài nhà thơ làm khi đi sứ, lúc làm quan, xướng họa với bạn bè. Thơ làm khi đi sứ của Ngô Nhơn Tĩnh đau đáu nỗi niềm nhớ nước. Gốc là người Hoa nhưng Việt Nam mới chính là quê hương của nhà thơ “Thân ở cõi Bắc, lòng gửi nước Nam”. Tâm trạng ông thật gần gũi với nhà thơ Minh hương Hồ Dzếnh (1916 – 1991): “Thuở trước quê em ở Bắc/ Vô Nam từ độ lên mười / Mây trắng ngày ngày xa tắp / Nhớ quê em buồn khôn nguôi” (Nhớ Bắc). Ngô Nhơn Tĩnh cũng họa lại 30 vần thơ của Trịnh Hoài Đức đáp Lạp Ông trong đó nhà thơ luôn coi mình là một vị khách cô độc mang nỗi sầu vạn dặm trên đường đi sứ: Khách trung dạ vũ (Đêm mưa nơi đất khách), Khách trung thất tịch (Đêm tháng ảy nơi đất khách), Khách trung ngẫu thành (Nơi đất khách ngẫu nhiên thành thơ), Khách trung tạp cảm (Cảm hứng tản mạn nơi đất khách). Nhưng khi về đến quê hương, nhà thơ ngỡ ngàng nhận ra mình cũng chỉ là một vị khách xa lạ trên chính đất nước mình.

Thời gian cuối đời, nhà thơ sống trong sự lạnh nhạt, nghi ngờ của vua Gia Long (1762 – 1819), giữa những thị phi, dèm pha của một số người đố kỵ. Cảm giác cô độc của một công thần bị bỏ rơi, Ngô Nhơn Tĩnh ẩn mình vào cửa nhàn, tìm lãng quên, vui gượng trong men rượu và ly tao, tự coi mình là kẻ ẩn sĩ như Khuất Nguyên (340-278 TCN). Lúc này, thơ Ngô Nhơn Tĩnh nhuốm màu xót xa u uẩn nhưng vẫn không tiềm ẩn oán hờn, khinh bạc mà lời lẽ vẫn trung hậu, thể hiện cung cách xuất xử của một kẻ sĩ đích thực ở đời. Chính những vần thơ trăn trở của Ngô Nhơn Tĩnh đã tạo nên sức rung động đặc biệt cho người đọc và thi hào Nguyễn Du cũng đã không tiếc lời khen ngợi: “Văn chương hay như tám đại gia thời Đường,Tống làm đẹp cả hai nước” (Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An – Tiễn ông Ngô Nhữ Sơn đi trấn thủ Nghệ An).

Lê Quang Định (1759 – 1813) tự Tri Chỉ, hiệu Cấn Trai, người huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà nghèo lại sớm mồ côi cha, phải theo anh vào sống ở Gia Định. Thông minh và hiếu học, Lê Quang Tịnh được một thầy thuốc yêu thương, giúp đỡ và gả cho con gái.

Là học trò của thầy giáo nhà Nho Võ Trường Toản, khi Nguyễn Ánh mở khoa thi chọn nhân tài (1878), ông và Trịnh Hoài Đức đỗ cùng khoa, cả hai được cử làm Hàn Lâm viện chế cáo coi việc biên soạn sách. Trong cuộc đời hoạn lộ, Lê Quang Tịnh đã giữ các chức: Hữu Tham tri, Thượng thư Bộ Binh kiêm phụ trách Khâm Thiên giám. Sau khi làm Chánh sứ (1802) sang Trung Quốc, khi về nước, ông được thăng lên Thượng thư Bộ Hộ.

Không những làm thơ hay, Lê Quang Tịnh còn vẽ đẹp. Sang Trung Quốc, đi đến đâu, ông cũng thường ngâm thơ, vẽ cảnh khiến người bản xứ rất khâm phục. Ông đã cùng nhà thơ Ngô Nhơn Tĩnh hợp soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (10 quyển), ghi chép kỹ tình hình đường sông thế núi cùng phong tục, thổ sản nước ta từ Hà Tiên đến Lạng Sơn. Về thi ca (hầu hết đều là chữ Hán, làm theo thể Đường luật thất ngôn hay ngũ ngôn), ngoài các bài đăng trong Gia Định tam gia thi tập (Tập thơ của ba nhà thơ đất Gia Định) chung với Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhơn Tĩnh, ông còn có tập Hoa nguyên thi thảo (Bản thảo tập thơ làm trên đất Trung Hoa) gồm 74 bài về đề tài: thơ vịnh, cảm hoài và thù tặng. Chủ đề nội dung thơ Lê Quang Định ghi lại cảm xúc, phong cảnh dọc đường và đời sống con người nơi thôn bản ông đi qua với thi tứ trong sáng, nhẹ nhàng, thể hiện một hồn thơ dung dị, yêu mến cảnh sông nước cỏ hoa. Đặc biệt là nhiều bài thơ được ông chấm phá như một bức tranh vẽ đậm tính “thi trung hữu họa”. Vì Lê Quang Tịnh là một nhà thơ có nét bút tài hoa lại vẽ đẹp không khác gì chàng nghệ sĩ Vương Duy (699 – 761) đời Đường (Trung Quốc).

Ngoài ba nhà thơ: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định nổi tiếng lẫy lừng về văn chương trong Bình Dương thi xã, thường được gọi là Gia Định tam gia, học trò Võ Trường Toản còn có những danh nhân khác như: Hoàng Ngọc Uẩn từng làm quan tới chức Bộ Hình hữu tham tri… và hàng trăm học trò đều rất hiển đạt trong thời nhà Nguyễn.

***

Thật đáng gọi lớp học ngày ấy của thầy giáo Võ Trường Toản là vườn ươn nhân tài. Thầy Võ Trường Toản đã đào tạo được lớp thế hệ học trò hoàn hảo thực sự về tài đức. Học trò thầy không chỉ học giỏi, đỗ đạt vẻ vang mà còn biết đem hết tài năng mình ra xả thân phục vụ cho xã hội, nhân dân. Đạt tới kết quả vượt trội ấy là nhờ thầy đã có phương pháp dạy khoa học. Chắc hẵn tiêu chí dạy của thầy giáo và mục đích học của học trò thầy đều đồng quy ở mục tiêu hoàn thiện con người về cả hai mặt tài năng và đạo hạnh.

Ai cũng biết thầy Võ Trường Toản đích thực là một nhà Nho, nghĩa là một con người trước tiên đã thấm đẫm tinh thần học tập theo sách kinh điển Tứ Thư Ngũ Kinh ngày trước. Thầy dạy học trò không được học máy móc, giáo điều tức là kiểu học vẹt, học thuộc lòng từng câu từng chữ mà không đào sâu đến nghĩa lý và tác dụng của sách vở. Do vậy, nhà giáo Võ Trường Toản đã sáng suốt dạy học trò mình theo cách gọi là “Tri ngôn dưỡng khí”. Tri ngôn là hiểu lời, dưỡng khí là nuôi dưỡng khí phách. Muốn có được khí phách thì phải tập nghĩa, tức là làm việc nghĩa, biết xả thân hết mình cho nghĩa lớn.

Từng đau đáu với cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh (1533-1788), gây cảnh nồi da nấu thịt giữa nhà Tây Sơn (1778 – 1802) và Nguyễn Ánh (1802 – 1945), thầy giáo Võ Trường Toản ngao ngán tìm cách sống ẩn dật tại quê nhà. Khi chưa mở lớp dạy học, thầy đã mạnh dạn từ chối mọi thứ ban phát từ giới cầm quyền, thái độ dứt khoát không tham gia vào chính sự. Nhưng thực sự ông không hề xa lánh, ẩn dật với xã hội nhân dân khổ đau trong cảnh binh biến. Ý thức được sứ mệnh thiêng liêng, cao quý của giáo dục, Võ Trường Toản đã mở trường dạy cho hàng trăm học trò, trong số đó nhiều người đã đỗ đạt ra làm quan to. Cũng có nhiều người đi học với ông để sống cho ra lẽ sống của đạo làm người. Chí hướng đó có người gọi là Hào khí Đồng Nai hoặc Hào khí phương Nam, thời ấy đã được Võ Trường Toản hun đúc cho người đương thời nơi miền đất mới và còn tồn tại mãi mãi đến sau này. Nhiều nho sĩ tiết tháo thế hệ sau như: Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Phan Văn Trị (1830-1910), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1882), Trương Định (1820-1864), Nguyễn Hữu Huân (180-1875)… đều đã chịu ảnh hưởng về tác phong, đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo Võ Trường Toản.

Khi qua đời, nhà giáo Võ Trường Toản được trang trọng chôn cất tại làng Hòa Hưng là nơi ông từng ngồi dạy học. Sau đó, theo lời tâu của nhà thơ – Tiến sĩ Phan Thanh Giản, vua Tự Đức (1829-1883) đã ban chỉ lập đền thờ, hiến ruộng để hằng năm xuân thu cúng tế cho ông. Sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1962), mộ ông được Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông… cùng nhiều sĩ phu khác đã cải táng di cốt (cùng vợ và con gái) về Ba Tri, Bến Tre, với ý nghĩa là không để mộ thầy còn nằm trong vùng cai quản của quân xâm lược. Ngày nay, nơi an nghỉ của Võ Trưởng Toản được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (24/1/1998). Riêng Chúa Nguyễn, khi hay tin ông mất, đã bày tỏ niềm cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu là”Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (Bậc xử sĩ Võ tiên sinh, người Gia Định sùng về đạo đức) được kính trọng như là cha của vua, để ghi vào mộ. Cũng để tưởng nhớ công đức của thầy (như cha), vua Gia Long đã có đôi câu đối tưởng niệm: “Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử / Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong” (Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có / Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn).

Đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản.

Tóm lại, như người phương Tây từng nói: “Ai mở cửa một trường học là đóng cửa một nhà tù” (Qui ouvre une école, ferme un prison). Nhà giáo Võ Trường Toản đã mở trường dạy học, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp trồng người với công lao to lớn là đã đào tạo được một thế hệ học trò tài năng, đức hạnh biết phụng sự hết mình cho xã hội và đất nước. Võ Trường Toản là một trong những biểu tượng chân dung rực sáng của một thầy giáo chân chính, xứng đáng được tôn thờ như một bậc “Vạn niên sư biểu”, không chỉ ở thầy cô giáo, học sinh mà cho cả nhân dân muôn đời sau mãi mãi ngưỡng mộ tôn sùng.

N.T