Vẻ đẹp tâm hồn của cô giáo Duyên trong ‘Người đàn bà gánh chữ vượt sông’

814

Trần Thanh Xem

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhắc đến nhà văn Trần Dũng, giới văn nghệ sĩ tỉnh Trà Vinh chắc hẳn ai cũng phải kính phục. Bởi ông là tác giả gạo cội của miền đất Trà Vinh, một tài năng sáng chói trong sáng tác trên cả hai thể loại thơ ca và văn xuôi. Dẫu chưa được tiếp xúc trực tiếp với nhà văn Trần Dũng nhưng thông qua kênh thông tin trên internet và qua sách báo cho tôi biết được dôi chút về sự nghiệp sáng tác của nhà văn Trần Dũng. Với tấm lòng yêu quý tài năng của ông, người viết xin được cảm nhận văn xuôi của tác giả Trần Dũng qua bút ký nổi tiếng đã in trong sách Ngữ văn địa phương Trà Vinh khối trung học cơ sở có nhan đề Người đàn bà gánh chữ vượt sông.

Nhà văn Trần Dũng.

Đọc bút ký Người đàn bà gánh chữ vượt sông, chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của cô giáo Trần Thị Mỹ Duyên, người gánh chữ vượt sông, người chung thủy, sắc son với nghề dạy học.

Nghề giáo là nghề cô Duyên lựa chọn làm hành trang bước vào cuộc đời. Cô về dạy một trường ở Hòa Thuận với bao nhiêu sự ngỡ ngàng của trường lớp, của lũ học trò tinh nghịch. Tuy vậy, cô vẫn thể hiện là một cô giáo hiền từ, mến những đàn học sinh thân yêu.

Học trò có biệt danh là “ma quỷ”, hay phá phách nhưng cô giáo Duyên không hề bỏ mặc mà vẫn yêu thương đám học trò, dạy bảo, truyền thụ kiến thức để cho giờ văn khô khan trở thành tiết học hấp dẫn. Cô đã tạo được tình cảm trong lòng học sinh, là nguồn cơn để học sinh thích thú học tập, để khi cô giáo Duyên không còn dạy ở đây nữa vẫn lưu giữ lại tấm chân tình, hình ảnh đẹp đẽ về cô: “giờ giảng văn khô cằn được cô giáo trẻ thay bằng buổi thuyết trình sôi động, tình yêu chữ nghĩa văn chương của bọn quỷ quái chúng tôi có lẽ bắt nguồn từ những giờ trình ngày ấy”.

Cô giáo Trần Thị Mỹ Duyên coi nghề dạy học là lẽ sống đời mình, không bao giờ từ bỏ được. Chính vì vậy cô rất có tâm huyết với nghề giáo.

Xuất thân của cô là con nhà giàu, gia đình có uy quyền, có kẻ đón người đưa: “Trần Thị Mỹ Duyên vốn là cô con gái rượu viên sĩ quan chỉ huy cao nhật của tiểu khu Kiến Hỏa, bên kia sông Cổ Chiên”. Gia đình đưa xe đến rước cô về làm việc ở nơi nhàn nhã mà lương cao, hưởng cuộc sống giàu sang phú quý nhưng cô đã từ chối tất cả, lánh mặc gia đình mà đi theo tiếng gọi của cái nghề cô đã chọn, dấn thân vào cuộc sống gian nan, sống tự lập: “cô tiểu thư lánh mặt không tiếp, sau khi gởi lại lời nhắn cùng song thân, cô sẽ sống bằng chính đôi bàn tay và kiến thức của mình”. Tình yêu nghề của cô giáo Duyên trổi dậy thật mạnh mẽ.

Tấm lòng yêu nghề dạy học của cô giáo Duyên vô bờ bến, bền bĩ với thời gian. Cô không quãng ngại gian khổ để bám trường, bám lớp. Đó là người đàn bà gánh chữ vượt sông Cổ Chiên đến vùng đất cù lao Hòa Minh – Long Hòa, xứ khỉ ho cò gáy. Năm học Bảy bảy – Bảy tám, cô nhận quyết định về dạy trường cấp hai Long Hòa “cái tên làng nghe cũng hay hay, hiền hòa, sung túc” nhưng không ngờ ngoài sức tưởng tượng của cố Duyên bởi Long Hòa là vùng đất cù lao mênh mông sông nước, trùng trùng sóng vỗ: “nói thật, có muốn bỏ trốn cũng không biết trốn đường nào vì mỗi ngày chỉ có một chuyến đò toe toe còi hồi gà gáy bận nhất”. đường sá nơi đây thì lầy lội, trơn trợt, đoạn còn đoạn mất. Ngôi trường cô Duyên công tác là “ngôi trường mới nói cho có vẻ chứ thật ra chỉ là khoảng đất trống phía dưới thánh dường, đầy mô tèng heng, đầy hang ba khía. Nghe đâu hồi trước từng là bãi tha ma. Đêm đến cô ngồi trong căn nhà tập thể giáo viên tạm bợ  nghe tiếng mưa rơi sụt sùi mà “trong bụng nát như tàu lá”.

Tình cảnh khó khăn của cuộc sống làm cho con người ta có buồn nhưng không vì thế mà làm tắt đi lòng yêu nghề. Ước mơ ấy luôn âm ỉ và cháy bỏng biến mọi ngặt nghèo thành sức mạnh kiên cường trước cuộc sống, vượt lên nghịch cảnh, vững bước niềm tin. Người ta có thể ngại gian khó mà từ bỏ vùng đất này “chưa đầy một tuần lễ, trong số năm thầy cô giáo đã có đến bốn người nữa đêm lặng lẽ ra bến sông đón đò đi mãi”. Nhưng cô giáo Trần Thị Mỹ Duyên vẫn một lòng một dạ gắn bó với mảnh đất hẻo lánh này để gieo chữ cho đám học trò đang cần tri thức.

Những năm tháng sống trên đất cù lao Hòa Minh – Long Hòa túng thiếu và nghèo khổ lắm. Người dân nơi đây phải chật vật trong cái ăn “mỗi năm sáu, bảy tháng nước mặn, cây lúa loe hoe còi cọc. Bà con tự lo cho mình hai bữa cơm đã là vất vả, có đâu… có khi vài ba tháng trời, giáo viên đói quay đói quắt, xanh mặt chờ lương”. Sự nghèo nàn của quê hương này lên đến tận cùng, đến nỗi cô giáo Duyên “người đàn bà gầy guộc ấy lại đến từng nhà nói khó nói dễ, xin ừng lon gạo về nấu cháo trắng. Mấy anh chị em trong nhà tập thể vừa húp vừa khóc”. Cuộc sống khổ sở là thế đấy.Nhưng có cực khổ đến mấy cô giáo Duyên vẫn chịu đựng được. Nhẫn nại để sống. Nhẫn nại đẻ làm điều có ý nghĩa, để cống hiến sự nghiệp trồng người.

Từ một người con gái khuê cát, theo thời gian đã thành một người đàn bà gầy guộc, tảo tần trong cuộc sống vì một chữ tâm với nghề. Mọi khổ cực của cuộc đời không làm mềm yếu tấm lòng của một con người nặng nợ quê hương. Người đàn bà gánh chữ vượt sông mà cụ thể hơn là cô giáo Duyên hiện lên thật cao đẹp.

Từ tình cảm quý mến học sinh, từ sự tâm huyết với nghề dậy học, cô giáo Duyên còn cho chúng ta thấy được sự tận tụy, gần gũi với đồng nghiệp.

Trong những ngày đầu ra đất cù lao dạy học, có rất nhiều giáo viên đến xứ này rồi lại bỏ ra đi, người ta không chịu được sự khó khăn, thốn thiều ở nơi này và cô Duyên: “không đợi ai phân công, cô Duyên là người đầu tiên ra tận bến để chào đón những đồng nghiệp mới tới, tận tình và ưu tiên sắp xếp chốn ăn chốn ở. Đêm, cô đến với từng người tỉ tê tâm sự chuyện đời, chuyện mình ra như một chính trị viên thứ thiệt, bởi thật lòng cô rất sợ những thầy cô giáo này lại bỏ trường ra đi”.

Ở một lần khác, được tin Đoàn thanh tra của Phòng Giáo dục Châu Thành sẽ đến trường Long Hòa, Giáo viên trong trường nhốn nháo “mấy thầy cô giáo trẻ bỏ lớp lao nhao, nằm trùm mềm dưới nhà tập thể”. Không để việc dạy học bỏ dỡ nữa chững, cô Duyên lại tiếp tục vận động giáo viên trở lại lớp “là người đi trước, chị Duyên lại đập cửa từng phòng, kêu từng đứa em non dạ trẻ tuổi ra, chuyện nhỏ chuyện to, chuyện mình đói thì giáo viên cả huyện, cả tỉnh, cả nước ai cũng khổ. Lớp học lại vang tiếng ê a, dù giọt nước mắt có nuốt vào trong nghèn nghẹn”.

Bằng tấm chân tình của người đàn chị, cô giáo Duyên luôn tỏ ra thân thiện, quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp trẻ. Cô Duyên như là chỗ dựa tinh thần để cho những thầy cô giáo còn non dạ vững niềm tin mà tiếp tục cuộc hành trình đi gieo mầm ước mơ cho thế hệ trẻ bằng những con chữ mang đậm tình người.

Có thể thấy, khát vọng với nghề trồng người đã hun đúc nên một cô giáo Trần Thị Mỹ Duyên. Cô trở thành một người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thực sự. Cả đời cô Duyên ôm nhiệm vụ giáo dục thế hệ tương lai của quê hương cù lao nói riêng làm lẽ sống. Cô vừa dạy chữ vừa dạy người. Trong sâu thẳm trong lòng cô Duyên ngời sáng đức hy sinh thầm lặng, dâng hiến cho đời “một mùa xuân nho nhỏ”. Từ lúc trẻ đến lúc nghỉ hưu, nghề giáo vẫn là nghề cao quý mà cô đã chọn, gắn bó cả cuộc đời, sống hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Cô giáo Duyên đã góp công sức của mình cùng với tập thể sư phạm nhà trường trường cấp hai – ba Long Hòa đào tạo ra biết bao những thế hệ trẻ thành danh trên con đường học vấn, góp phần xây dựng quê hương Trà Vinh ngày thêm khởi sắc “Từ một ngôi trường lộng gió giữa cù lao, nhiều thế hệ học sinh được chấp cho đôi cánh tung bay trên bầu trời cao rộng. Nhiều người trong họ đã thành đạt, trở thành cán bộ lãnh đạo của xã, của huyện, của tỉnh, số khác là kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, sĩ quan quân dội, công nhân lành nghề… có mặt khắp nơi”.

Bằng việc ghi chép lại câu chuyện một cô giáo hết lòng với nghề dạy học, nhà văn Trần Dũng đã khắc họa nên một vẻ đẹp tâm hồn của cô Trần Thị Mỹ Duyên trong bút ký Người đàn bà gánh chữ vượt sông được thể hiện bằng một giọng văn chân thật, truyền cảm. Nhà văn đã làm nổi bật lên một tấm gương sáng ngời trong chiều sâu tâm hồn của nhân vật, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, là tấm gương người tốt việc tốt, tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Vì thế, bút ký này có sức sống vượt thời gian, là một thành công của nhà văn Trần Dũng. Bằng chứng là Người đàn bà gánh chữ vượt sông của ông đã từng đoạt giải nhì của Hội Nhà Văn Việt Nam.

T.T.X