Viết phê bình văn học có thể học được?

564

Nhà lý luận phê bình Lã Nguyên (tên thật La Khắc Hòa) gần đây được giới văn chương và bạn đọc biết đến như một nhà chuyển dẫn lý thuyết và ứng dụng thực hành phê bình ký hiệu học hàng đầu ở nước ta. Ngoài một số công trình khảo cứu, dịch thuật, ông có hai cuốn phê bình văn học nổi tiếng xuất bản mới đây: Phê bình ký hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ – Nxb Phụ nữ, 2018 và Nguyễn Duy – Nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học) – Nxb KHXH, 2021. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa hai nhà lý luận phê bình Văn Giá và Lã Nguyên về nghề viết phê bình văn học trong bối cảnh văn chương và tri thức hiện nay.


Nhà lý luận phê bình Lã Nguyên.

* Ông có thể phát biểu một cách ngắn gọn quan niệm của mình (hoặc quan niệm của người khác mà ông đồng tình) về phê bình văn học, trả lời cho câu hỏi: “Phê bình văn học là gì?”.

– Không thể kế hết những quan niệm về phê bình và ứng với nó là những định nghĩa khác nhau về phê bình văn học. Chẳng hạn, ở phương Tây, thuật ngữ “phê bình văn học” được sử dụng để chỉ toàn bộ các công trình nghiên cứu văn học. Ở ta, cho đến nay vẫn lưu hành quan niệm xem “phê bình” là “bình” và “phê”. Quan niệm ấy tuy cũ kĩ, nhưng vẫn khá phổ biến. Hoàng Ngọc Hiến từng khái quát: “Cách phê bình (…) chung quy lại vẫn là “diễn nghĩa”, “bàn góp”, “tán rộng (…). Số phận của những người viết phê bình ở nước ta trở đi trở lại vẫn là ba cái trò “diễn”, “bàn”, “tán”. Hơn nhau là ở chỗ biết “diễn”, biết “bàn”, biết “tán. Không biết “diễn” thì thành “diễn thuyết” dạy tác giả, không biết “bàn” thì thành “bàn suông” hoặc nói “leo”, không biết “tán” thì thành “tán phét” (Tạp chí Nhà văn Việt Nam, 19/6/2009). Năm 1987, trong một bài báo đăng trên Nghiên cứu văn học, tôi nêu quan điểm: “phê bình văn học hiện đại là nhân tố tổ chức tiến trình văn học”. Vài năm sau, cũng trên tạp chí này tôi có bài viết khác đưa ra quan điểm khác, xem “phê bình là vương quốc của cái tranh luận”. Trong vòng mươi năm trở lại đây, tôi xem phê bình là sự kiện giao tiếp tay ba giữa nhà phê bình với tác phẩm và độc giả. Gọi nó là “sự kiện” vì tác phẩm phẩm phê bình đích thực bao giờ cũng tạo ra văn bản đưa các chủ thể giao tiếp vượt qua ranh giới của một trường nghĩa.

* Vấn đề khuynh hướng/trường phái phê bình có tầm quan trọng như thế nào đối với các nhà Phê bình văn học?

– Tôi có nhận xét thế này: nước ta không thiếu nhà phê bình, nhưng không có nền phê bình văn học. Nguyên nhân là vì nước ta chưa bao giờ có trào lưu, trường phái phê bình. Trong văn học và trong phê bình, sự xuất hiện của các trào lưu, trường phái đánh dấu sự xuất hiện của các loại hình ý thức nghệ thuật. Không có trào lưu, trường phái, phê bình văn học không thể có sự tiến bộ, phát triển. Nó mãi mãi dậm chân tại chỗ, dừng lại ở trình độ nghiệp dư, tự phát.

* Đối với ông, việc chọn một đối tượng (tác phẩm, tác giả, vấn đề…) nào đó cho bài phê bình thường diễn ra như thế nào?

– Mỗi nhà phê bình thường có đối tượng quan tâm riêng để theo đuổi. Đối tượng tôi quan tâm khi viết phê bình là tiến trình văn học. Tôi chỉ lựa chọn những tác giả, tác phẩm, trào lưu, trường phái, hay một giai đoạn văn học nào đó làm đối tượng phân tích phê bình khi tôi thấy những thứ ấy tạo ra một mắt xích nhất định trong sự vận động của tiến trình văn học. Chẳng hạn, tôi phân tích thơ Tố Hữu vì thấy sáng tác của ông chứa đựng toàn bộ đặc điểm của văn học chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thì lại đánh dấu quá trình quay ngược trở lại với văn học từ chương vỗn có nguồn cội từ thời trung đại. Hay tôi phân tích Nguyễn Tuân vì thấy sáng tác của ông thuộc hai loại hình ý thức nghệ thuật: hiện đại chủ nghĩa (trước 1945) và từ chương, quy phạm (sau 1945).

* Có người nói, không chỉ trong sáng tác, mà trong bài Phê bình văn học cũng cần phải có Tứ? Ông thấy vấn đề này như thế nào?

– Hiểu “tứ” là “cấu tứ”, là toàn bộ tổ chức của tác phẩm, thì sáng tác văn học hay công trình phê bình đều phải có “tứ”. Nhưng cũng có thể hiểu “tứ” là cái “ý” được biểu hiện bằng một hình thức duy nhất, giống như “hồn vía” và “thân xác” không tách rời nhau. Chẳng hạn, khi nói, “những kẻ yêu nhau ngắm nhau không biết chán”, thì đó chỉ là cái “ý”. Cùng cái ý ấy, nếu nói, “Mắt em là một dòng sông/ Thuyền anh bơi lặng trong dòng mắt em”, thì đó lại là cái “tứ”. Hoặc nếu nói “Tương lai thể nào cũng tươi sáng”, thì đó chỉ là cái “ý”. Nhưng cái ý ấy được nói lên trong thơ Nguyễn Du: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời” thì lại thành cái “tứ”. Mĩ học Trung Hoa có khái niệm “ý tượng” được sử dụng để chỉ cái “tứ” hiểu theo tinh thần như thế. Và nếu hiểu như thế thì “tứ” trong văn học nghệ thuật và trong phê bình là một câu chuyện rất dài và hết sức phức tạp. Văn học trung đại là văn học từ chương, văn học của tư tưởng và hình thức có sẵn. Đọc một bài thơ trung đại, ta dễ dàng nhận ra cái “tứ” của nó. Nhưng đến văn học hiện đại, nhất là chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa lãng mạn, thì tư tưởng, tình cảm và hình ảnh hoàn toàn tách rời nhau. Mỗi bài thơ lãng mạn giống như một bản “tốc kí tâm trạng”, có thể có “tứ” trong “câu”, nhưng không có “tứ” trong “bài”, vì bài chính là tiến trình tâm trạng, tâm trạng hết thì bài thơ dừng. Hay trong văn xuôi, cả cuốn tiểu thuyết chỉ là “một dòng ý thức”. Thế thì tìm tứ ở đâu?

Trong phê bình cũng vậy. Phê bình có nhiều thể. Viết theo thể “chân dung”, hay “tiểu luận”, thì đúng là bài phê bình cần có “tứ”. Nhưng viết phê bình khoa học, thì cái quan trọng là ở tư tưởng khoa học và thao tác phân tích khoa học. Một bài phê bình khoa học có sức thuyết phục là bài phê bình có tư tưởng mới, có phương pháp, thao tác tiếp cận hiện đại và những kết luận rút ra đích đáng.

Nói tóm lại đây là cả một câu chuyện rất dài, rất phức tạp, không thể nói chung chung được.


Nhà lý luận phê bình Văn Giá.

* Không ít lần, sinh thời các nhà Phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến hay nói đến cái ý: phê bình văn học cũng phải có văn. Ông nghĩ như thế nào về câu chuyện này?

– Chẳng có gì phải bàn cãi khi các cụ Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng phê bình phải có “văn”. Bởi vì hoạt động phê bình mở ra ở khu vực giáp ranh giữa một bên là khoa học và một bên là sáng tác. Nhưng chỗ này có mấy điểm cần lưu ý:

Thứ nhất: Tôi thấy quan điểm cho rằng phê bình phải có “văn” là sản phẩm mang tính lịch sử… Có một thực tế: học thuyết phản ánh và phương pháp phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa đã biến các nhà phê bình ở các nước này thành những “cán bộ tổ chức”. Bài phê bình trở thành nơi để họ trình bày lí lịch của nhà văn và nhân vật. Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học thi nhau viết loại sách được gọi là nhà văn, cuộc đời, sự nghiệp, cuốn nào cũng na ná như nhau, chẳng có văn vẻ gì. Khi phê bình đã trở thành nhàm chán như thế, thì những người có tâm huyết với nghề sẽ lên tiếng về cái “văn” thôi! Trên giá sách của tôi vẫn còn chuyên luận rất dày xuất bản năm 1976 của ông B.I. Bursov, một nhà nghiên cứu người Nga, có nhan đề: Phê bình văn học là văn học.

Thứ hai: Không nên đồng nhất cái “văn” của phê bình với lối viết “văn vẻ”, sao cho bài viết được réo rắt, hay kiểu “vặn câu”, “bẻ chữ” kì khu tỉ mẩn, đọc lên thấy “sướng”, nhưng chẳng nói được ý gì.

Thứ ba: Như tôi đã nói, phê bình có nhiều thể. Cần phân biệt cái “văn” của thể phê bình tiểu luận, phê bình chân dung, với phê bình khoa học thuần túy.

* Một số nhà phê bình cũng hay nhấn mạnh đến phẩm chất khoa học của của một bài phê bình. Ý kiến của ông về vấn đề này?

– Vấn đề này cũng chẳng có gì phải bàn cãi. Còn nhớ, ba chục năm trước tôi từng viết bài đăng trên báo Văn nghệ với tiêu đề: Phê bình văn học phải trở thành khoa học. Hai năm trước, tôi dịch một bài của J.M. Lotman, bài dịch đã đăng trên Nghiên cứu văn học và nhiều trang mạng có nhan đề: Nghiên cứu văn học phải trở thành khoa học.

Tuy nhiên, không nên đồng nhất tính khoa học của phê bình văn học với tính khoa học của các khoa học chính xác. Tính khoa học của các khoa học chính xác thể hiện ở chân lí như những nhận xét, kết luận có thể kiểm chứng. Tính khoa học của phê bình và nghiên cứu văn học thể hiện ở những chân lí như là chiều sâu của nhận thức. Một công trình phê bình văn học có tính khoa học là công trình tiếp cận đối tượng phân tích trên nền tảng một lí thuyết, một phương pháp và những thao tác khoa học, để từ đó đưa ra những kết luận đích đáng. Nên nhớ, phê bình là khoa học định giá, tiên đoán, dự báo về các giá trị nghệ thuật. Lí thuyết, phương pháp, thao tác được vận dụng có khoa học đến đâu mà tiên đoán, dự báo sai về tương lai của các hiện tượng nghệ thuật thì công trình phê bình cũng sẽ thiếu tính khoa học….

* Ông có thể trả lời vắn tắt về câu hỏi: Thế nào là một bài phê bình hay?

– Cái “hay”, cũng như cái “đẹp” nằm ở nơi giáp ranh giữa cái “lạ” và cái “quen”. “Quen” quá hóa nhàm. “Lạ” quá thành bí hiểm, khó hiểu. Nó là phạm trù đầy tính chủ quan, luôn có sự tham gia của thị hiếu và tầm tri thức. Bài phê bình được nhiều độc giả khen hay, với người này hoặc người kia, chưa chắc nó đã hay. Với tôi, bài phê bình hay là bài gợi ra một cách đọc mới, một cách hiểu mới đối với tác phẩm văn học. Hay, như trên kia tôi đã nói, bài phê bình hay là bài tạo ra một sự kiện giao tiếp nghệ thuật.

* Có thể dễ dàng thừa nhận với nhau rằng Phê bình văn học cũng rất cần phải mang tính chuyên nghiệp. Vậy ông quan niệm như thế nào là một nhà phê bình văn học chuyên nghiệp?

– Xin nói ngay, về điểm này tôi có ý hơi khác. Tôi không thích, thậm chí dị ứng với cách phân loại phê bình thành “nghiệp dư” và “chuyên nghiệp”. Cách phân chia ấy dễ khiến người ta nhầm lẫn. Liệu có phải nhà phê bình chuyên nghiệp là người suốt đời chỉ làm mỗi một nghề ấy là phê bình, giống như nghề dạy học, nghề thày thuốc, hay nghề chế tạo máy? Tôi nhớ, Giáo sư Trần Đình Sử từng có bài viết lấy nhan đề là Phê bình kiểm chứng, trong đó, nhà phê bình “chuyên nghiệp” được ví với “cán bộ thú y” chuyên xem lưỡi lợn để phát hiện lợn lành và lợn bị dịch. Hiểu theo nghĩa như thế, thì ở nước ta làm gì có nhà phê bình chuyên nghiệp. Đa số nhà phê bình ở ta là nhà nghiên cứu, hoặc nhà giáo. Trong ý thức, tôi chỉ phân biệt phê bình đại chúng, phê bình tự phát và phê bình khoa học. Nếu vẫn thích dùng danh xưng “phê bình chuyên nghiệp, thì theo tôi, nhà phê bình chuyên nghiệp là nhà khoa học, nhà văn từ trong tư tưởng và hồn cốt của anh ta.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Văn Giá/Văn Nghệ số 16 bộ mới 2021