Xác tín lời ru – Trong tập thơ Khâu tình của Phạm Phương Lan

721

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái tựa sách Khâu tình của Phạm Phương Lan quả khiến cho người đọc có một chút tò mò. Tình của nàng ra sao nhỉ, nó “rách” thế nào, và cái sự khâu tình là lạ, nghe cũng có vẻ đa đoan rồi. Nàng khâu được không đây? Bởi, tình yêu không phải lúc nào cũng cơm ngon canh ngọt như người ta mơ ước, nhất là với những người đẹp, lại có cá tính mạnh mẽ?

Nhà thơ Phạm Phương Lan

60 bài thơ trong Khâu tình, chủ yếu là thơ tình; một đôi bài viết về mẹ, tình mẹ; một vài bài viết về mùa, mùa thu, vận khí của trời đất trong “thời tiết yêu”, nhiều mơ ước… Và ở đây, Phương Lan sử dụng khá nhiều thơ ngũ ngôn truyền thống, theo lối “thung thăng” kể dẫn và vần điệu, giàu nữ tính, nhiều cảnh ngộ, tình huống, buồn vui giằng xé trong những đợi chờ, nhớ nhung, thất vọng và hy vọng như là thuộc tính của người phụ nữ đa đoan, yêu thương diết dóng.

Nhưng thực ra, tình yêu ở Khâu tình không đến mức chao chát, “ngầu” và “phơi tông” như tôi tưởng ban đầu mà nó “da diết lành”, nữ tính và hồn hậu hơn; như Em & ngày không anh chẳng hạn: “Ngày không anh và gió/ Nắng hờn đôi môi xinh/ Tóc loà xoà sợi nhỏ/ Vương mắt nào long lanh”. Hờn một chút xíu thôi, với thi ảnh đẹp “Nắng hờn đôi môi xinh” và sau đó tự bộc bạch nỗi niềm tâm sự của mình trong bẫng lẫng trống vắng, dễ thương làm sao: “Em tâm hồn cỏ dại/ Em gót chân phố đông/ Lạc loài như cơn gió/ Giữa ngày hè không anh/ Lạc loài như cỏ dại/ Giữa phồn hoa thị thành”.

Thế mà anh không đến, thế là em lạc loài, dù đã “Hây hẩy tóc em thơm mùi tắm gội/ Nức những ái ân” (Thơm mùi tắm gội). Lại đây, một ngày không anh nữa nhưng là “Ngày mai không anh”, nghĩa là cái chưa đến, cái giả định của tình yêu, Phạm Phương Lan đã biểu lộ cảm xúc và trạng huống hiện tại của tương lai. Lúc ấy nàng thơ đang: “Khát cháy ruột gan/ Bờ môi khô vắng nụ cười vang/ Vắng nụ hôn nồng hương say cuồng dại/ Mái tóc mây sóng xoài thẫn thờ khờ dại”. Trong cảm giác cô đơn, trống rỗng vắng tình: “Em đi về phía ấy hương say/ Khật khưỡng ngày không anh/ Không tình yêu/ Không mây chiều/ Không lời hẹn hò, lả lơi luyến ái/ Không một sợi buồn vắt ngang cơn mưa rồ dại/ Chỉ có áng chiều rơi trên hai vai”. Đi mãi, đi mãi trong cái chiều tương lai lạ lùng, khát vọng và cô hoang ấy, đến nỗi: “Chiều nay/ Bờ môi vỡ rạn/ Hạn hán nỗi buồn, trống rỗng mi cay”.

Đến cả nỗi buồn cũng hạn hán, nhưng không khô héo đến tuyệt vọng, bởi có niềm tin tự tại và tiếp tục hy vọng: “Máu chảy mềm tim/ Em ở trong mình/ Ngực tràn hơi ấm/ Như lá hoa đón chờ làn sương ẩm”. Cái làn sương ẩm của tâm hồn, của tính nữ làm dịu đi “hạn hán nỗi buồn”! Chính vì có niềm tin yêu trong tình yêu, rộng lớn hơn là tin yêu vào tình người, mặc dù tình người trong xã hội đương đại cũng đang bị thách thức bởi sự vô cảm, bởi cái ác… làm băng hoại đạo đức xã hội ghê gớm; nhưng người thơ tự “trấn an” mình, tự ru cái sự lận đận, có màu sắc đa đoan, nhiều nếm trải của mình: “Ru tình nào sợi mây/ Ru đời làn môi ấm/ Ru ta thôi lận đận/ Vùi vào giấc mơ ngày./…/ Mi thèm giấc ngủ say/ Tóc thèm hương yên ấm/ Ta thèm mùa sâu đậm/ Giọt yêu thương vơi đầy” (Giọt yêu thương vơi đầy).

Cả đây nữa, dù có nếm trải cay đắng thế nào thì xác tín của lời ru, tức sự tĩnh tại và niềm tin vào cái tình, cái đẹp… thêm một lần được Phạm Phương Lan khẳng định rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, mà vẫn “ngào ngạt” hương vị cuộc đời: “Ru tình nhé một đời ngào ngạt/ Ru mình nhé dẫu lòng tan tác” (Trầm tích không lời). Thơ tình Phạm Phương Lan nhiều ru, nhiều say, nhiều mùa bảng lảng, nhiều thảng thốt của trái tim dịu dàng, ẩn giấu “trầm tích” nữ hơn là sự “dấn thân” bạo liệt. Nói thế, không phải Phạm Phương Lan thiếu mạnh mẽ, thiếu nhiệt năng bùng cháy của tình yêu, và đây là một hiển lộ như vậy: “Em muốn là con sóng/ Vùi giấc ngủ mệt nhoài/ Sau đêm tình bỏng cháy/ Ai cứ cười mặc ai” (Tình ơi tha thiết).

Ai cũng biết làm cả một tập thơ tình là rất khó, nếu không tinh, dễ bị lặp trạng huống, mô típ. Khâu tình là một nỗ lực của Phạm Phương Lan, hy vọng những mũi khâu đan của chị cho tấm thảm thơ, cho tấm thảm tình yêu… ngày càng đẹp lên.

TRẦN QUANG QUÝ