Xứ sương giăng: Ông già bán xôi ở cây số 6 – Truyện dài của Võ Anh Cương

185

Chương 7

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. ”Thế mạnh” của Bằng – 2019 – Cây số sáu không biết từ lúc nào người ta không gọi là ngã ba nữa. Cái tên đó đã lùi xa vào quá khứ. Bây giờ người ta gọi nơi này là vòng xoay số sáu hay bùng binh số sáu. Con đường cũng thay tên, không còn mang tên đường Dankia như ngày trước. Vật đổi sao dời là quy luật muôn thuở của tự nhiên huống chi chỉ là một địa danh?


Nhà văn Võ Anh Cương.

Có biết bao nhiêu sự thay đổi ở nơi này, cái mới thay cái cũ và theo thời gian rồi sẽ bị thay thế bởi cái mới hơn. Tiệm xôi Lá chuối là kế thừa của gánh xôi ông Tuất. Xôi là một món ăn sáng phổ biến và cũng là một món luôn có mặt trong các đám giỗ, đặc biệt là đám đầy tháng và thôi nôi xôi và chè là hai món lễ vật để cúng ba vị Tiên nương và mười hai bà Mụ luôn là món người ta nghĩ đến đầu tiên. Món ăn do con người nghĩ ra lẽ dĩ nhiên cũng do con người phát triển thêm. Ngày trước ông Tuất chỉ bán vài loại xôi còn bây giờ ở Lá chuối có cả chục loại xôi để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.

Thắm ngày càng già đi, ở cái tuổi sắp lên bà người ta hay nghĩ đến cháu. Phải chi Thắm có được đứa cháu ẵm bồng thì hay biết mấy? Khi Thắm hỏi dò hai thằng con trai thì cả hai đều trả lời na ná như nhau:

– Chuyện đó chưa đâu mẹ ơi, người yêu chưa có lấy đâu ra để cưới làm vợ?

Thắm thầm ngạc nhiên, không lẽ nó không để ý đến đứa con gái nào hay sao. Cái thằng Thông hồi lớp năm làm giúp bài toán cộng trừ nhân chia tiền phân bón, nhân công, giống má… rồi tính ra lời lỗ cho ba nó một cách nhanh chóng cũng khá đẹp trai và men lỳ như chúng bạn nó nói với nhau mà không kiếm nỗi một đứa con gái để yêu?

Còn thằng Minh đang học lớp mười một tối tối bán trà sữa con gái bu quanh nó cũng nhiều nhưng mỗi khi Thắm hỏi vụ bồ bịch nó đều cười phá lên và nói:

– Mẹ ơi mấy con ranh đó mà xứng với con sao?

– Bộ con tưởng con là thiếu gia đại gia chi chi hả?

Minh cười:

– Con không phải đại gia “đa dại” gì nhưng bọn đó con không lấy đâu, con gái gì mà vừa lười vừa hỗn… thôi, chừng nào con lấy vợ mẹ biết liền!

Thắm đem chuyện này kể với chồng, Bằng lắc đầu nói kệ nó, vợ chồng là chuyện duyên số. Nói xong Bằng im lặng mặc cho Thắm cứ càm ràm hoài. Sáng sáng Bằng vẫn đi vườn, anh chăm chút xăm soi từng cành cây và cả thân cây bơ bởi loài sâu đục thân ưa gỗ cây bơ lắm, phát hiện ra con sâu nào là anh tìm cách diệt bằng được. Mười mấy năm trồng bơ, Bằng đã có ba giống bơ đang “ăn khách”, kiếm tiền cũng khá hơn hồi xưa nhiều. Vậy mà thằng Thông đòi chặt bớt một ít để nó trồng xà lách!

Thông học được, tuy không giỏi vượt bậc nhưng cũng là đứa thông minh. Nó học một lèo từ tiểu học lên đại học, chọn ngành nông lâm để học. Bằng không rành chuyện học hành nhưng cũng như ông Tuất, Bằng muốn con ra đời làm bàn giấy, nói theo kiểu ông Tuất là làm “sĩ quan” với người ta. Nay thấy con đòi ở nhà làm vườn, Bằng khá sốc! Không đủ lý lẽ để nói “chiện” với con, Bằng thực hiện quyền im lặng, vả chăng đây cũng là “thế mạnh” của Bằng!

2. Cơ hội – 2019

Hôm đó Thắm bán xôi sáng xong, Thắm đang chờ bà Chi ra lấy xôi đặt trước thì Hương xuất hiện. Hương không đi một mình mà còn dẫn theo một đứa con gái chừng mười hai, mười ba tuổi. Con bé rất lanh, đó là nhận xét đầu tiên của Thắm, nó cúi đầu khoanh tay chào Thắm rất lễ phép:

– Con chào cô ạ!

Thắm chào lại:

– Cô chào con!

Rồi Thắm đưa mắt ngầm hỏi Hương. Từ ngày giao “làm quen” 20 phần xôi hạt sen cho Hương, Thắm gặp Hương nhiều lần và dần dà cả hai trở thành bạn của nhau. Thật ra hôm đầu tiên lên nhà Thắm, ý của Hương thử coi mặt bà xã ông Bằng “đen” ra sao, Hương thấy Thắm xởi lởi nên trong lòng có cảm tình với Thắm rồi. Thỉnh thoảng Hương đánh chiếc Mazda 2 từ Đức Trọng lên nhà Thắm, cô rủ Thắm đi chơi. Đàn bà ai mà không thích shopping, bây giờ Thắm cũng rủng rẻng tiền, tuy không nhiều như người ta nhưng muốn mua thỏi son là có thỏi son hay hộp mỹ phẩm O Hui mà Hương giới thiệu, là Thắm có Ô Hui. Thắm cũng không phải lăn tăn so thiệt tính hơn như hồi con gái đứng đóng đinh ở hàng mỹ phẩm, thấy cái gì cũng ưng nhưng tiền thì hẻo!

Hương cười:

– Con bé Bơ, cháu chị. Tên đi học của nó là Võ Đông Giao.

Nói xong Hương quay qua chuyện khác, cố giấu một nụ cười nơi khoé miệng. Con bé Bơ ban đầu hơi bỡ ngỡ nhưng chỉ một lát sau nó “hội nhập” ngay với thằng Minh. Không biết nó nói gì đó với Minh mà thằng nhỏ cười phá lên ra vẻ khoái chí lắm. Nói chuyện với Hương mà Thắm thỉnh thoảng vẫn đánh mắt nhìn con bé, tự nhiên cô quan tâm đến bé Bơ dù chỉ mới gặp lần đầu. Thắm thấy con bé dường như có chuyện gì đó buồn buồn, tuy nó nói cười với anh Minh nhưng trong đuôi mắt nó nét buồn vẫn hiển hiện! Chắc có lẽ mình quá mẫn cảm, Thắm nghĩ, rồi cô tiếp tục nói chuyện với Hương.

Hương hỏi thăm:

– Thằng Thông bây giờ làm gì?

Như gãi đúng chỗ ngứa, Thắm thao thao kể chuyện thằng con:

– Tốt nghiệp xong nó về liền, không chịu ở lại Sài Gòn tìm việc làm. Chị coi, nó nói như vầy, đi xin việc là làm công cho người ta, nhà mình có đất sao không làm ông chủ, tuy chỉ là chủ nhỏ? Ông Bằng giận lắm nhưng không nói ra, ổng nói với em nuôi con ăn học hết hơi nay nó về đòi làm vườn, không chịu làm phòng máy lạnh! Chị biết sao không, bạn nó xin cho nó một việc phù hợp với ngành học ở Sài Gòn mà nó không nhận, chị thấy có tức không?

Nhấp một ngụm nước ép trái thơm, Thắm tiếp:

– Thằng Thông nói ba nó chặt bớt đám cây bơ trên cao cho năng xuất thấp chừng hai sào để nó trồng rau xà lách thuỷ canh, một nửa trồng theo kiểu cái gì canh đó, à… khí canh, em mới nghe nó nói lần đầu!

Hương hỏi:

– Rồi ông Bằng có chặt không?

– Ông Bằng nhà em chị biết rồi, ổng chăm bơ còn hơn chăm con nên đâu có chịu? May mà chú Thận hàng xóm muốn bán mấy sào cà phê cỗi nên ổng mua cho thằng Thông làm vườn.

– Cô chú cũng khá hả, chúc mừng nghen!

Thắm chỉ cười, nói cảm ơn chị mà không giải thích gì thêm. Chuyện ông nội thằng Thông để lại một số vàng cho Bằng với 6  chữ “tự thắng, cần kíp, cơ hội” không lẽ đi nói với người ngoài cho dù cũng khá thân? Bằng áp dụng ngay hai chữ “cơ hội” mua miếng vườn chú Thận như ông Tuất hồi trước mua vườn cây tạp của ông Thử vậy.

3. Má Hai – 2019

Hương nói:

– Thắm nè, chị gởi con bé Bơ ở lại chơi với thằng Minh, chị chở em đi với chị một lát được không?

Thắm cười:

– Đi đâu hả chị… mà thôi đi với chị là em yên tâm rồi, sao lại gởi bé Bơ ở nhà em, chị dẫn nó theo cho vui?

Thắm ngước nhìn Hương chờ câu trả lời, Hương cười mỉm ra vẻ bí hiểm:

– Không, để con bé ở nhà chơi với anh Minh đi, chuyện phụ nữ với nhau có mặt nó không tiện, em hiểu không?

Có gì mà không hiểu nhưng trong lòng Thắm nẩy lên một thoáng nghi ngờ. Bà Hương “ù” này hôm nay sao sao á, Thắm nghĩ, có gì bí mật mà phải cách ly con bé vậy. Thắm ngại bé Bơ lạ nhà nhưng khi Hương hỏi nó, nó vui vẻ  nói:

– Con chơi với anh Minh được mà, anh Minh dạy con pha trà sữa!

Hương chở thắm đi… cà phê. Tưởng đi đâu chứ lại cà phê, Thắm nghĩ. Hương nói:

– Quán này nhỏ nhưng ấm cúng, chị có chút chuyện muốn nói với em!

Thắm thấy lòng mình gờn gợn, cô linh cảm có chuyện gì sẽ đến bới mình. Quả là như vậy, khi mới nghe Hương nói bé Bơ là con của chồng mình, cô như lọt thỏm xuống một…hố băng! Thấy vẻ mặt thất thần của Thắm, Hương hốt hoảng:

– Em làm sao vậy, chị đã nói hết chuyện đâu!

Thắm không ngăn dòng nước mắt tủi nhục:

– Em đã nghi rồi, hồi đó người ta đồn ổng ngủ với con Thuỷ bị chồng nó bắt tại trận. Thằng Trung ra giá bắt ổng phải chung cho nó hai mươi triệu thì nó để yên cho… ai dè giờ lại lòi ra con bé Bơ này! Đồ phản bội, em là em ly dị, mà chị ơi sao em khổ thế này hả chị?

Hương vừa cười vừa vuốt vuốt ngực Thắm:

– Em hiểu lầm rồi, tuy chị biết chồng em sau này nhưng lại là người biết rõ mọi chuyện liên quan tới chú Bằng! Em coi, con bé Bơ mới mười hai, mười ba tuổi còn chuyện kia đã hơn hai chục năm rồi mà, mà em hãy bình tĩnh, chị chưa nói hết đâu!

Thắm ngớ người, chị Hương nói đúng. Chuyện kia nếu tính ra thì con bé đã có thể lấy chồng mà bé Bơ mới dậy thì, hai cái vú mới chỉ nhú lên như hai quả cau, vậy là sao? Hay con bé này là con của bà Hương “ù” với ông chồng bội bạc của mình? Cô quắc mắc nhìn Hương như thể muốn nuốt trộng “địch thủ” của mình vào bụng. Đàn bà là giống ưa độc quyền, chỉ muốn chồng mình ăn nằm với mình, chồng mà lang chạ với người nữ khác thì dù có hiền như ma soeur khi biết sự thật cũng sẽ trở thành hổ dữ!

Như đoán được tâm lý của Thắm, Hương cười:

– Em đừng nghĩ lung tung có được không, đời chị ước ao được làm mẹ mà ông trời có cho đâu?

Thắm đỏ mặt, Thắm đã nghi ngờ Hương. Câu nói của Hương vang lên trong căn phòng vắng của quán cà phê nghe mới đau đớn làm sao! Hương nuốt nước bọt rồi tiếp câu chuyện dỡ dang:

– Mẹ nó đúng là Thuỷ, con bé chị coi như em mà giờ em có ghen với Thuỷ cũng không được đâu….

Sao lại không được, ai ngăn cấm Thắm gọt đầu bôi vôi cái con người cướp chồng cô? Ngay ngày mai, mà không chiều nay thôi Thắm sẽ tìm đến nhà con Thuỷ để xé xác nó ra hả giận…. Hương không để Thắm phải chờ lâu, cô nói:

– Mà em ơi, con Thuỷ nó chết mất rồi!

Rồi Hương kể lại toàn bộ câu chuyện ra đời của bé Bơ, lúc này Thắm thôi không giận dữ ra mặt nữa, cô im lặng nghe Hương nói. Trong lòng Thắm bây giờ đang ngổn ngang trăm mối, cô giận chồng mình thì đã đành nhưng Thắm cũng mủi lòng trước cái chết thương tâm của Thuỷ. Hương nói:

– Đàn bà em ạ, ai cũng muốn mình có được đứa con chăm sóc, nuôi nấng nó lớn lên. Con Thuỷ cuộc đời nó thiệt là tội, từ Nha Trang nó nghe lời đường mật của thằng chồng lên Đà Lạt sống. Nó gặp phải thằng chồng không ra gì, bài bạc, gái gú, hút sách đủ cả. Khi ly dị chồng rồi nó về sống với chị, nó nói định ở vậy cho tới già tới chết. Ai ngờ đâu trời sui đất khiến nó gặp lại chồng em, nó nẩy lên ý định “xin” một đứa con để hủ hỉ cho đỡ buồn. Cái này chồng em không biết, nó cho uống rượu bổ dương… mà thôi chị đoán chồng em lâm thế không cưỡng lại được dục vọng của mình… và bé Bơ ra đời. Thuỷ giữ lời hứa không bao giờ nó gặp lại chồng em, mọi chuyện buôn bán với chồng em đều qua tay chị….

Hương rất khéo, cô một tiếng “chồng em” hai tiếng “chồng em”, cơn giận trong lòng Thuỷ cũng nguôi quá nửa nhưng nói rằng cô bỏ qua cho chồng chắc là…không bao giờ!

Hương kết luận:

– Chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi, điều chị muốn nói với em là tương lai con bé Bơ. Chị xin em cho anh em nó nhận mặt nhau, đi lại với nhau để nó có một gia đình, nếu em mà để bụng chuyện của người lớn thì con bé sẽ không có người thân. Chị hứa với em là chị sẽ chăm con bé cho đến khi nó trưởng thành, chị coi nó như con nhưng không muốn nó gọi chị bằng mẹ vì chị chỉ chờ cái ngày này!

Đàn bà hay mềm lòng, mà trong trường hợp này chuyện Thắm nhận con riêng của chồng lại làm bùng nổ một câu chuyện làm quà ở bùng binh số sáu, dân bùng binh dựng lên một câu chuyện có đầu có đuôi đến nỗi Bằng nghe cũng…giật mình!

Trở về nhà, Hương kêu con bé Bơ lại nói:

– Dì đã nói chuyện với má con rồi, con chào má đi con?

Bé Bơ vòng tay cúi đầu:

– Dạ, con chào má Hai!

4. Cơn bão trong… ly nước – 2019

Đêm đó Bằng không ngủ được. Thắm đay nghiến chồng từ lúc lên giường đến nửa đêm, Bằng chỉ nói được một câu “anh bị con Thuỷ gài độ” rồi im lặng giống như bản tánh hồi giờ của Bằng. Thắm bắt nọn:

– Hừ… gài độ à, tui biết tỏng ông mà, chê gái già này đi tìm của lạ chứ gì. “Một cái lạ bằng một tạ cái quen” người ta nói cấm có sai!

Bằng nghe nói vậy giật mình, chuyện tưởng chìm vào quên lãng giờ bỗng nhiên nổi dậy, mà người ta còn biết nữa mới chết chứ. Nhưng oan cho Bằng quá, Bằng chỉ… có một lần ấy chứ đâu có nhiều mà người ta lại “phăng” ra cả… 100 cái, ở đâu ra vậy hở trời?

– Anh nói thiệt mà anh bị gài độ chỉ một lần, làm gì tới cả trăm cái?

Thắm buồn cười nhưng cố mím môi để tiếng cười không bật ra, Thắm la:

– Ông nói nhỏ nhỏ một chút, con nó nghe bây giờ!

Nhắc chồng như vậy nhưng trong lòng Thắm chữ “con” khiến cô dịu lại. Một tình cảm lạ lẫm xuất hiện trong tâm hồn Thắm khi bé Bơ vòng tay thưa “dạ, con chào má Hai”, tình cảm đó ngoài cảm giác lạ Thắm còn thấy… đằm thắm nữa. Hồi mang bầu thằng Minh, Thắm những mong mình có thêm đứa con gái thì… quá đã. Ai mà không mơ như vậy, trừ những kẻ làm ra vẻ lạ thường không thèm con gái khi không sinh nỗi đứa con gái mong muốn hay ngược lại, Thắm sắm dần vài thứ quần áo con gái nhưng ai dè sinh ra một thằng cu. Nay bỗng dưng bé Bơ xuất hiện, nụ cười con nhỏ thiệt đẹp giống y ba nó lại một điều má Hai hai điều má Hai khiến Thắm nhớ nó khi nó chào cô theo dì Hương ra xe về Đức Trọng. Thắm chạy theo nhắn “chị Hương ơi hôm nào rảnh chị chở bé Bơ lên chơi nghen!”.

Thắm nói tiếp:

– Tui nói cho ông biết, con bé Bơ nó kêu tui là má Hai rồi đó, nói vậy chớ tui không tha tội cho ông đâu!

Bằng thở phào tạ ơn Trời Phật, Thắm đã có vẻ nguôi rồi, Bằng quay qua nắm tay vợ bóp nhẹ. Thắm la lên:

– Bỏ tay em ra, người gì đâu mà tay cứ như sắt á!

Một trường dông bão tưởng làm lung lay ngôi nhà của Bằng ai ngờ tan biến nhờ một đứa con gái!

Sáng ra thằng Thông hỏi mẹ về bé Bơ khi ngồi ăn xôi. Thông về hồi tối nghe thằng Minh kể chuyện đứa em gái từ trên trời rơi xuống, Thông hào hứng nói:

– Mẹ ơi bé Bơ giống ai hả mẹ?

Thắm ngạc nhiên:

– Ai nói cho con biết?

– Ai ngoài thằng Minh hả mẹ, hoan hô ba, ba dắt về một đứa em gái, chuyện mà mẹ không làm được!

Thắm tức tối, quắt mắt nhìn con:

– Con nói cái gì, ba mày mà dắt về à, còn khuya, là nó tự lên nhận anh em với tụi con, biết chưa?

Rồi Thắm say sưa kể tỷ mỉ chuyện bé Bơ với Thông, cô còn dự định sắm cho con bé mấy bộ đồ mô đen một chút chớ dì Hương của nó nói phải tội, dù sao cũng là dân huyện nên sắm sanh gì mà nhuốm màu… huyện quá, tội con nhỏ!

Thằng Thông nói:

– Mẹ à, con cũng thích có một đứa em gái từ lâu, nay khi không lại có con bé Bơ thì quá đã. Nhưng mẹ này mẹ cũng đừng càm ràm ba nữa, dù sao chuyện cũng xảy ra rồi!

Thằng Thông mắc sai lầm mà nó không biết, từ nửa khuya tới giờ Thắm đã hơi nguôi ngoai, nay cô nghe con nói vậy, cơn tam bành lục tặc trong lòng cô nổi dậy:

– Con nói xảy ra rồi là bỏ qua à, mẹ là còn hiền đó chớ gặp người dữ tỷ như cô Vân con bác Bảy ba mày chết từ bảy đời vương!

– Là sao hả mẹ?

– Là cắt cái “của nợ” của ba mày quăng cho chó ăn!

Thông tròn mắt nhìn mẹ, người mẹ hiền lành thương con trong nó giờ biến đổi quá nhiều, mắt long sòng sọc, môi mím chặt như thể sẳn sàng tung chiêu “sát thủ” vào kẻ bội bạc và người tình! Thông doạ:

– Mẹ mà làm vậy là phạm luật hình sự tội cố ý giết người, đi tù chí ít cũng chục năm…mà cô Thuỷ đã chết rồi, ba con cũng đâu có tơ vương gì?

Thắm nhìn con:

– Con thì chỉ được cái binh cha thôi!

Thông biết cơn bão trong lòng mẹ bắt đầu tan, đó cũng chỉ là cơn bão trong… ly nước. Dù sao mẹ mình cũng thích con bé Bơ, mình phải đi coi mặt nó sớm mới được, Thông nghĩ. Điện thoại reo, Thông đưa máy lên tai nghe và trả lời:

– Anh đón tui ở số… đường Nguyễn Siêu… đúng rồi, bùng binh số sáu chạy xuống dốc!

Thông nói với mẹ:

– Con đi gặp chú Văn, nếu không về kịp con không ăn trưa nghe mẹ, con sẽ báo cho mẹ biết!

Thắm ngạc nhiên nhìn theo con, thằng này bấm bấm cái điện thoại nãy giờ tưởng vừa nói chuyện vừa chơi điện tử, ai dè nó gọi xe. Hôm trước Thông nói với mẹ:

-Con làm vườn để mẹ coi chỉ cần ngồi một chỗ bấm điện thoại là muốn làm cái gì trong vườn cũng được, thời buổi công nghệ bốn chấm không mà!

Thắm ngơ ngác nhìn con, bốn chấm không với không chấm bốn Thắm biết được….chết liền!

5. Tối bác nhớ đến nhé, em chờ – 2019

Đại tá Lê Chí Long về đến nhà liền điện thoại cho Văn. Lúc ấy Văn vừa bước ra từ phòng tổng biên tập, anh bắt máy và phi xe liền đến nhà ông đại tá. Đại tá Lê Chí Long niềm nỡ đón anh nhà báo nhà văn từ ngoài cửa:

– Vào đây chú, tôi mới xuống máy bay bắt tắc xi về đến nhà là điện ngay cho chú!

Ông Long đổi tông, từ cậu sang chú chắc là đã xem mình như người em trong nhà sau chuyện phả ký nhà họ Lê, Văn nghĩ. Văn cười hỏi thăm:

– Anh khoẻ không?

Ông đại tá trả lời:

– Ơn giời… tôi vẫn ăn được ngủ được. Chú vào nhà ta đàm đạo nhiều!

Văn theo ông Long vào phòng khách. Đó là một căn phòng không rộng lắm, bộ sô pha màu xám được đặt chính giữa phòng. Ông đại tá pha trà mời khách, đó là thứ trà Thái Nguyên ông mang từ Bắc vào trong chuyến công tác này, ông mời:

– Chú dùng trà, đây là trà Tân Cương loại hạng nhất đấy!

Văn nhắp một ngụm nhỏ, quả là trà Bắc có khác, vị đậm lại có hậu, uống vào một lúc mới cảm nhận được vị ngọt trong cuống họng. Văn hỏi thăm ông Long về chuyến đi họp ở Liên hiệp hội, ông Long trả lời:

– Thì cũng là một cuộc họp hàng năm thôi, chủ tịch Hữu Thỉnh đọc báo cáo, vài ba tham luận như mọi khi. Tôi cũng góp vào một bài… mà này bộ chú không định nghe lý do tôi mời chú thăm nhà sao hay lại chú ý đến thời sự văn nghệ hả?

Ông đại tá cười ý nhị, Văn cũng cười đáp:

– Ấy, thì cũng phải mào đầu vài câu chứ anh, em chuyên nhập đề lung khởi từ hồi còn học phổ thông anh ơi!

Cả hai cười xoà. Chẳng là nghe tin ông bạn vong niên đi họp ở Hà Nội, Văn nhờ ông đại tá, một người có mối quan hệ rộng trong quân đội hỏi giúp anh chuyện ba của Bằng.

Hôm ấy trong cuộc rượu, với sự gợi ý khá thẳng thắng của Kim, ông Tuất lần đầu tiên nói ra sự thật. Có lẽ rượu là tác nhân quan trong trong chuyện này nên ông Tuất không đưa đẩy như những lần trước nữa. Nghe xong câu chuyện đời, tối đó Văn về viết mấy trang để làm tư liệu. Văn dự tính lấy chuyện của ông Võ Đình Đệ để xây dựng một đề cương tiểu thuyết viết về tình báo quân đội trong chiến tranh nhưng rất tiếc người kể lại là một anh hạ sĩ quèn, lại bị tình cảm chi phối nên nhân vật chính không mấy rõ nét. Có lẽ mình sẽ hư cấu thêm, và nhất là tìm hiểu xem cuộc đời thật của viên trung tá Võ Đình Đệ, có phải là điệp viên không và sự thật ông là ai, lập được chiến công gì? Văn chợt nhớ đến ông đại tá và một ý loé lên: sao mình không nhờ anh Long với mối quan hệ rộng thử tìm hiểu về chuyện này? Nghĩ là làm, Văn tới nhà ông đại tá, anh kể toàn bộ câu chuyện từ góc nhìn của ông Tuất cho ông Long nghe và nhờ ông Long xác minh sự thật. Ông đại tá lấy làm thú vị qua chuyện của cha con nhà Bằng, chàng thanh niên có bộ râu quai nón ông có dịp uống rượu cùng. Ông Long là một nhà văn nên chia sẻ ngay với ý tưởng của chàng phóng viên, ông hứa sẽ cố gắng hết sức…

– Họp xong tôi đến Tổng cục tình báo quân đội, tại đây tôi có quen đại tá trưởng phòng E. Cậu này là em con cô của nhà tôi nên tôi nghĩ chắc là tôi sẽ giúp được chú trong chuyện này. Cậu Tiệp tiếp tôi khá thân mật, anh em lâu ngày mới gặp nhau nên hàn huyên nhiều chuyện. Khi nghe yêu cầu của tôi, cậu Tiệp lộ vẻ khó xử, thấy vậy tôi hỏi. Cậu ấy đáp:

– Anh ạ, em xin chia sẻ với anh và anh bạn của anh về chuyện này. Quả thật chiến tranh thường để lại nhiều hệ luỵ với cả xã hội và gia đình, nhiều khi không thể bù đắp được. Thú thật với anh, tàng thư tổng cục có lưu trữ đầy đủ thông tin về các cán bộ tình báo của ta, có hồ sơ đã giải mật, có hồ sơ hạn chế người truy cập, có hồ sơ chưa hết hạn giải mật…nhưng nói chung muốn tiếp cận với loại hồ sơ này phải có giấy phép của Bộ Quốc phòng!

Nhìn vẻ mặt áy náy của đại tá Tiệp ông Long đành nói:

– Cậu ạ, cái gì đã có quy định thì ta cứ thế mà thi hành. Đây cũng chỉ là câu chuyện riêng cậu cũng không nên áy náy làm gì. Tôi không quen Bộ trưởng, vả lại nếu có quen chăng nữa chắc cũng không xin được giấy phép bởi có phải là chuyện công đâu?

Tiễn ông Long về, đại tá Tiệp nhắc đi nhắc lại hai, ba lần:

– Nhất định tối nay bác phải đến nhà em dùng cơm đấy, họ hàng mấy khi có dịp gặp nhau, bác nhớ nhé!

Khi ông Long đã ngồi hẳn vào trong chiếc xe tắc xi, đại tá Tiệp còn gõ cửa nhắc lại:

– Tối bác nhớ đến nhé, em chờ!

Ngồi trên tắc xi đại tá Lê Chí Long ngẫm nghĩ về lời mời cơm của Tiệp. Thực ra trong cuộc sống hiện đại, mời cơm khách nhằm ngày thường là một việc… xa xỉ! Ai cũng quay cuồng với công việc của mình đến nỗi số người bị xì trét ngày càng tăng. Ông Long mơ hồ nhận ra lời mời của đại tá Tiệp có ẩn ý nhưng ông Tiệp muốn nói gì với mình, có lẽ cậu ấy không tiện nói chỗ làm việc?

6. Chỉ tiếc cái đề cương tiểu thuyết của chú sẽ không ra đời được – 2019

Văn vẫy tay với Thông. Từ xa Thông đã cười chào Văn:

– Cháu chào chú, chú chờ cháu có lâu không?

– Chú cũng mới đến thôi. Cháu ngồi xuống đi, uống gì nào?

Khi cả hai yên vị với ly cà phê phin trên bàn, Văn mới bắt đầu câu chuyện anh cần gặp Thông:

– Thông này, chắc cháu đã biết chuyện ông nội cháu rồi phải không, hôm nay chú muốn gặp cháu có liên quan đến chuyện đó….

Thông hơi ngạc nhiên khi nghe ông chú phóng viên đi nhiều biết lắm nói như vậy. Chuyện này xảy ra hai năm rồi, Thông có nghe mẹ to nhỏ cho biết chứ ba thì không bao giờ hé răng, tính cha mình Thông biết rõ. Khi nghe đến 6 chữ phương châm để lại của ông nội, Thông thầm thán phục. Nay nghe ông chú nói về chuyện này không biết có chú Văn có ẩn ý gì, Thông nghĩ.

Như nắm được ý nghĩ của Thông, anh nhà báo nhà văn cười mỉm:

– Chắc cháu nghĩ chú có ý gì phải không? Đúng là chú có ý định tìm hiểu xem sự thật từ những lời kể khá mơ hồ của chú Tuất, muốn xem thử toàn bộ hoạt động của ông nội cháu ra sao nên hai năm nay chú để tâm tìm hiểu…

Văn kể câu chuyện anh nhờ đại tá Lê Chí Long nhân dịp ông đi họp ở Hà Nội cho Thông nghe, anh nói tiếp:

– Tối ấy khi anh Long đến nhà ông đại tá Tiệp, sau khi cơm nước xong xuôi ông Tiệp mời ông Long lên trên sân thượng nói chuyện…

… Đêm Hà Nội trời đầy sao, một cơn gió mát từ phía sông Hồng thổi về tạm thời xua tan oi bức. Thành phố bên dưới vẫn sôi động với những dòng xe cộ  chạy như bất tận, ông Long ngồi trên sân thượng nhìn xuống con đường đầy ánh sáng ông không thể nào nhận ra con đường hồi thanh niên mình thường xuyên đi qua. Bỗng nhiên trong lúc này ông nhớ lại ngày mình còn là sinh viên ông hay hẹn cô người yêu dân Hà Nội gốc đi dạo ven hồ tây. Con đường Thanh Niên lúc đó rất yên tỉnh, tràn ngập trong bóng râm của hàng cây cổ thụ tạo nên một vẻ đẹp khá cổ kính. Lúc đó chiến tranh bắt đầu ác liệt, chàng sinh viên tạm gát bút nghiên lên đường ra mặt trận. Cuộc hẹn hò giữa anh Long “miền Nam” với cô sinh viên khoa văn ngoài vẻ bịn rịn là tâm sự hai trẻ yêu nhau kẻ ở người đi còn vương vất chút lãng mạn. Cô tặng anh chiếc khăn tay thêu hai con chim chụm đầu vào nhau như thầm nhắn nhủ anh hoàn thành nhiệm vụ trở về để cô được cùng anh chụm đầu như đôi chim này vậy. Đêm đó anh sinh viên cũng chụm đầu vào cô gái nhưng không như đôi chim chỉ so mỏ anh khẽ khàng đặt lên môi cô một nụ hôn của mối tình đầu. Anh ra trận mang theo mùi vị của nụ hôn trong tâm khảm nhưng không bao giờ anh nghĩ ra được rằng đó là nụ hôn cuối cùng của họ, cô gái biến mất giống như chưa bao giờ có mặt trên cõi đời này sau trận bom trút xuống phố Khâm Thiên Nô en 1972…

Đại tá Long giật mình trở về thực tại khi nghe ông Tiệp mời nước:

– Mời anh xơi nước, chà… hình như anh đang nghĩ ngợi gì?

Ông Long cười:

– Cậu tính, tôi từ bé sống ở Hà Nội nên lần nào về thủ đô cũng có cảm giác như trở về nhà!

Đại tá Tiệp trầm ngâm:

– Em thì không có cảm xúc nhạy bén như nhà văn các anh nhưng đôi khi sự trở về cũng khiến cho em trăn trở. Anh ạ, buổi sáng mời anh về nhà dùng cơm em còn có chuyện muốn trao đổi riêng với anh về chuyện anh nhờ vã….

Nhấp ngụm nước trà, đại tá Tiệp nói tiếp:

– Đúng là em có tiếp xúc với hồ sơ của thượng tá Võ Đình Đệ, về nguyên tắc của tổ chức em không được phép tiết lộ với anh nhưng những chuyện ngoài lề về con người này em có thể cho anh biết vài chuyện.

Ông Long ngồi im tập trung nghe ông Tiệp:

– Ông này hoạt động đơn tuyến, sau giải phóng được đưa đi học tập cải tạo như chính sách đối với sĩ quan từ cấp uý trở lên. Mãi 3 năm sau ta mới xác minh và cho ông ta ra khỏi trại. Năm 1980 ông vượt biên qua Mỹ định cư với vợ và hai cô con gái. Ông tên thật là Trương Biên Hoà hiện nay hai ông bà đã về nước sống những ngày cuối đời sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đây, em cho anh địa chỉ của thượng tá Hoà và điều cuối cùng em có thể tiết lộ với anh là dường như vị thượng tá đang mắc phải căn bệnh của người già là bệnh Alzheimer!

Văn nói tiếp sau khi kể cho Thông nghe chuyện của ông nội nó:

– Có địa chỉ chú tìm đến nhà nhưng rất tiếc ông thượng tá không nhớ gì cả. Bà vợ thì vẫn bình thường nhưng lại không biết hoạt động của chồng.

Tin ông nội của mình còn sống khiến Thông sửng sốt, Thông hấp tấp hỏi:

– Thiệt vậy hả chú, chú cho con địa chỉ ông bà nội đi?

Văn đáp:

– Tất nhiên là chú sẽ cho cháu biết nơi ở của ông bà con nhưng Thông này, việc làm gì ta cũng cần phải cẩn thận để tránh hậu quả đáng tiếc. Về lý thì chú thấy ông ấy đúng là ông nội của con nhưng điều này cần phải được kỹ thuật gene chứng thực. Đúng ra chú phải nói chuyện với ba con nhưng chú biết ba con ít nói, cục tính lại không hiểu xét nghiệm ADN là gì nên chú quyết định gặp con là vậy. Khi gặp ông Hoà chú thưa thiệt với ông bà chuyện ông có người con trai ở Đà Lạt, ông không nhớ gì cả còn bà thì rất mừng dòng họ Trương có người nối dõi nên ông bà cho phép chú lấy mẫu để làm xét nghiệm. Bây giờ cháu cần bí mật lấy mẫu tóc, móng tay của ba cháu và của cháu với thằng Minh đưa chú để chú mang đi xét nghiệm. Chừng nào có kết quả chính xác chú sẽ báo chính thức cho ba mẹ cháu. Ok chứ hả?

Thông cười, nói:

– Yeah! Con cám ơn chú nhiều!

Văn đưa tay ra chạm với tay Thông, anh nói:

– Chỉ tiếc cái đề cương tiểu thuyết của chú sẽ không ra đời được!

7. Đây là cơ hội chớ còn gì nữa…- 2019

Thấy Thông tỏ vẻ ngạc nhiên, Văn liền giải thích cho nó hiểu ý định của anh viết cuốn tiểu thuyết về cuộc đời ông nội nó bất thành như thế nào, thằng Thông ra vẻ thông cảm:

– Ra vậy, làm cha thì phải sinh con, sinh không được thì khổ tâm, con hiểu chú!

Văn ngạc nhiên với lời phát biểu của thằng cháu, anh cười:

– Cuộc sinh đẻ nào cũng đau đớn cả, cháu nói đúng đã vướng vào nghiệp viết như chú thì phải có tác phẩm, còn việc tác phẩm đó ra sao lại là chuyện khác. Thôi thì chú để đó về già viết tiểu thuyết còn bây giờ thì viết truyên ngắn  cho có “con” với người ta chứ phải không?

Thông nhìn anh nhà báo nhà văn với ánh mắt hơi là lạ, thấy vậy Văn hỏi:

– Bộ cháu muốn nói gì sao?

Thông gật đầu xác nhận:

– Nếu chú cho phép con mới dám nói?

Văn khích lệ:

– Cháu cứ nói đi, mày trở nên khách sáo hồi nào vậy?

– Bởi con sợ bị chú giận. Chú Văn nè, cho con nói lên ý nghĩ của mình chút nghen, về mấy ông nhà văn nhà thơ đó mà. Con thấy mấy ông nhà văn, đặc biệt là nhà thơ rất… khác người! Các ông ấy mặt mũi thì lúc nào cũng đăm chiêu, tóc tai dài thậm thượt, quần áo lôi thôi lếch thếch. Dường như ngoài chuyện viết là quan trọng còn ngoài ra không chuyện gì đáng để quan tâm. Con công nhận với chú, có nhiều nhà văn nhà thơ sống trong nghèo khổ mà viết được những tác phẩm để đời. Nhưng hiện giờ con thấy phải có cuộc sống đàng hoàng cho bản thân mình mới tính đến chuyện văn chương, chữ nghĩa! Cơ hội chia đều cho mọi người mà chú!

Văn ngạc nhiên:

– Những chuyện đó ai nói cho cháu biết?

Thông cười:

– Một phần con đọc sách, phần khác do…chú nói, con hóng chuyện!

Văn nhướng mày, hoá ra là vậy. Những lần lên nhà Bằng, trong câu chuyện anh thường kể chuyện vui mấy ông văn nghệ sĩ, thằng Thông ngồi nghe lóm. Văn ngẫm nghĩ xét theo khía cạnh nào đó thằng Thông cũng… có lý. Như mình, anh nghĩ, đầu óc nhiều khi nghĩ đến chuyện đâu đâu trong tác phẩm đã viết hoặc định viết hơn là chăm lo cho chuyện cơm áo gạo tiền của nhà mình. Văn giật mình, lâu nay anh không để ý đến cảm xúc của vợ mình, nhiều khi bỏ mặc cho cô ấy tính toán sao thì tính để anh toàn tâm làm… chuyện lớn! Anh an phận với số tiền nhuận bút mình nhận được hàng tháng và không nghĩ mình phải đầu tư sao cho sinh lợi để điều kiện sống tốt hơn?

Nhưng sĩ diện một nhà văn nổi dậy, Văn nói:

– Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh một truyện dài của ổng tiền nhuận bút tính bằng…

Văn chưa nói hết ý thằng Thông đã ngăn lại:

– Chỉ là con nói cái ý riêng của con thôi, con không định tranh luận với chú nên chú cũng đừng phản biện hay dẫn chứng gì…. Chú ơi, điều mà con muốn bàn với chú trong lần được ngồi cà phê nói chuyện với chú là điều khác kia!

Câu trả lời của thằng Thông khiến Văn ngẩn người ra, anh chưa kịp nắm vấn đề thằng cháu định nói. Thông nói tiếp:

– Là con định mời chú cùng cộng tác làm một cú start up nông nghiệp với con!

Không để ông chú hỏi, Thông trình bày liền:

– Con phát thảo mấy ý như vầy. Ba Bằng sang lại 6 sào đất cà phê cỗi của chú Thận ở Nam Bang để con làm vườn và cho phép con muốn làm gì thì làm chỉ cần phải làm theo ý ông nội sao cho nó nở ra như bột làm bánh mì chớ không được phép mất vốn. Con lên kế hoạch trồng xà lách công nghệ cao, 3 sào thuỷ canh còn 3 sào khí canh. Về kỹ thuật con nắm vững, con đã được học, trải nghiệm qua các lần đi thực tế, tiếp cận được nguồn tài liệu, nắm được các phương tiện kỹ thuật… cái con không có lại là nơi tiêu thụ, nói thẳng là con trắng tay ở chỗ này!

Văn nhìn Thông hỏi:

– Vậy cháu cần chú giúp chuyện gì?

– Ba bạn con giới thiệu siêu thị City mart cho con nhưng kinh nghiệm thương thuyết kinh doanh con yếu. Con mời chú tham gia giúp con khâu tiêu thụ, nghiên cứu thị trường, tiếp thị, ký kết hợp đồng với khách hàng, trước mắt với siêu thị City với tư cách là cổ đông của một công ty, con mời chú góp vốn cùng tham gia kinh doanh với con?

Văn khá bất ngờ với đề nghị của Thông, anh nói:

– Chú cảm ơn cháu đã mời chú, để chú suy nghĩ thêm đã!

Thằng Thông cười:

– Suy nghĩ thêm gì nữa hả chú, chú đã từng viết thành văn chương chuyện ông nội con ra phương châm hành động là Tự thắng – Cần kíp – Cơ hội. Đây là cơ hội chớ còn gì nữa hả chú?

Thằng cháu láu quá, Văn nghĩ, nhưng sao nó biết? Văn hỏi:

– Sao cháu biết chuyện đó?

Thông cười:

– Ông nội kể cho cháu nghe mà, tối tối khi về nhà cháu đều lên nhà ngủ với ông nội!

Văn cười và bất ngờ giơ tay ra:

– Yeah!

Hai chú cháu cười to khiến vài người uống cà phê đưa mắt nhìn. Thông nói tiếp:

– Để cháu nói thêm, chú đồng ý là cổ đông rồi thì cháu sẽ mời chú Kim cùng tham gia chuyên lo vận chuyển cho công ty, đúng nghề của chàng rồi phải không chú?

8. Xứ sương giăng – 2020

Xứ sương giăng nơi anh nhà báo nhà văn sinh sống vẫn vô tư như vốn có. Thiên nhiên dưới bàn tay vun đắp của con người ngày càng xinh đẹp hơn và điều đáng nói nhất là nó có “hồn”. Người nghệ sĩ thổi hồn vào một khúc gỗ biến nó thành một pho tượng sinh động cũng giống như chuyện hàng vạn bàn tay vun đắp tô vẻ cho một vùng đất ngày càng khởi sắc hơn.

Năm 1893, Xứ sương giăng chỉ là một vùng đất hoang sơ khi ông bác sĩ Yersin xác định vị trí xây dựng nơi này thành một thành phố và định hướng cho vùng đất này phát triển. Lúc ấy sương mù là “đặc sản” của tự nhiên, phải 9 giờ sáng bà chúa sương mù mới rút lui để lộ ra khuôn mặt xinh đẹp của người thiếu nữ, chính là đồi cao lũng thấp, là tiếng reo vi vu bất tận của ngàn thông, là hương hoa thấm đẫm, là nơi hội tụ của những người dũng cảm…. Đến nay sương mù có ít đi nhưng vẫn hàng đêm và sáng sớm sương vẫn giăng giăng che phủ những thung sâu cho đến lúc mặt trời chiếu xuống mặt đất ánh sáng và sức nóng sương mù mới rút lui.

Xứ sương giăng ngày càng nở nồi đúng như quy luật phát triển của một sinh thể. Vùng đất này là nơi sinh sôi của nhiều sản vật trong nước và trên thế giới. Đó là rau, là hoa, là cà phê, là trà, là tơ tằm, cá nước lạnh…

Bây giờ người ta đang hướng tới một thành phố rộng hơn nhiều lần với những tên gọi gợi cảm. Xuân Hương, Liên Khàng, Dran, Lạc Dương, Lâm Hà.

Nhưng đó là chuyện vĩ mô của các công chức có trách nhiệm, còn với người bình thường sương giăng vẫn là sương giăng. Anh nhà báo nhà văn lại nghĩ khác hơn một chút, khuôn mặt thật của một người con gái sẽ lộ ra sau khi tẩy trang giống như mặt đất xinh đẹp xuất hiện khi sương mù không còn che khuất. Cái đẹp từ bên trong mới thật sự là đẹp và điều đó cứu rỗi chúng ta trong thế giới ta bà này!

Văn bây giờ vẫn là anh nhà báo kiêm thành viên công ty TNHH VTK chuyên cung cấp xà lách cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn 5 sao và anh vẫn viết truyện ngắn, anh đang gom “vốn” viết tiểu thuyết khi về già.

Hôm đó đại tá Lê Chí Long điện thoại cho Văn:

– Chú Văn à, “Về sứ sương giăng” “đi” trong tạp chí Lâm Viên số tháng tới, tôi báo cho chú biết. Hôm nào mời chú ghé nhà thưởng trà, tôi mới có gói trà ô long Ha Yih bạn biếu, tôi chờ chú đến mới khui. Thôi nhé tôi đang vội, chúc chú vui!

Văn mỉm cười nhớ lại truyện ngắn của mình….

9. Về xứ sương giăng

Khi tôi dọn đến chung cư này, thằng bé đã ở với bà ngoại nó từ lâu. Thiện có gương mặt sáng sủa, mới học lớp hai nhưng nó to con hơn bạn bè đồng trang lứa. Thiện là một thằng bé ngoan, sau giờ học nó quanh quẩn chơi ở công viên nội khu với đám trẻ con. Nhà chỉ có hai bà cháu, bà ngoại nó làm nghề môi giới nhà đất nên bận tối ngày nhưng bà vẫn bỏ thời gian nhất định để chăm sóc cháu, ít nhất tôi nhận thấy như thế.

Chung cư Hưng Vượng là một chốn bình yên, tôi nghĩ như vậy sau hơn một tháng thành dân ngụ cư. Hì, thì là ngụ cư đứt đuôi con nòng nọc rồi còn gì: bỏ nhà cửa ở Đà Lạt để về xứ nóng ở trông cháu giúp con. Ai cũng nói “Đà Lạt không ở, sao uổng thế?”. Biết nói thế nào mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà!

Chung cư nhỏ, tầng thấp lại là trung tâm một quận nên người Việt dễ quen biết nhau. Nói vậy bởi người nước ngoài vào đây thuê nhà nhiều lắm, những ngày đầu nhiều lúc tôi cứ tưởng một cô gái đi trên phố là gái Việt dè đâu không phải. Sau một thời gian lân la với anh chàng bảo vệ hay cười, tôi mới biết nơi này là nơi “trung chuyển” của nhiều người Việt. Ấy là số người sống ở đất nước mình mà mộng để ở trời tây. Trời tây đây là Mỹ, là Úc… chí ít cũng là Sing! Khi công ty PMH bắt đầu xây dựng, nghĩa là cách đây mười mấy năm, nhà giầu xuống quận này mua liền tay. Mà không dễ mua đâu nhé, chuyện kể rằng lúc mở bán bạn chỉ cần đi sớm bốc được một cái số thứ tự gần với số 1 nhất là có thể sang tay cầm chắc dăm chục triệu. Bây giờ thì khác rồi, họ – người giầu chuyển qua những khu phố quy hoạch đâu ra đấy và sống trong những biệt thự có giá mấy chục nhiều khi cả trăm tỷ đồng còn một số khác thì qua bên trời tây như mộng ước!

Không sao cả, đời là một cõi vô thường, chẳng phải Phật đã dạy như vậy sao? Đó là một chút suy tư của tôi khi sáng sáng đi ngang qua những con đường râm mát bóng cây, nghe tiếng chim ríu rít chuyền cành, không gian im ắng tĩnh lặng để đến với công viên Cảnh Đồi cũng trong lành không kém. Trong một sáng như vậy tôi quen một ông bác sĩ về hưu người Hà Nội chính gốc, ông chở cháu bằng chiếc xe đạp có cái ghế nhựa chuyên chở em bé đặt trên yên sau. Sau vài ba lần trò chuyện tôi biết ông từng là quân y, lúc ấy chiến tranh ác liệt lắm, ông nói vậy. Rồi ra quân, rồi làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn, rồi về hưu… cuộc đời bình lặng trôi qua, giờ an phận sống trong ngôi biệt thự yên tĩnh chỉ có ông và bà. Con cái ư? Ông bà đủ nếp đủ tẻ nhưng đến tuổi hưu chỉ còn họ với nhau, nay lại phải trông cháu nhỏ nữa! Số là con gái ông ôm mộng trời tây và rồi mộng cũng thực hiện được, cô theo chồng qua “bển” dù phải học lại để lấy cái bằng dược sĩ mà bên này cô đã có và đã làm ra tiền với nghề cô được đào tạo. Chồng cô cũng như cô vì cả hai là bạn học lại là đồng nghiệp của nhau. Vậy thì cô nhóc “An nì”, một công dân Mỹ thứ thiệt được gởi về quê nhờ ông bà chăm sóc vậy. Thỉnh thoảng nhớ con quá mẹ bé về rồi lại bay qua xứ ấy. Cứ thế… cứ thế, “có lẽ khi bố mẹ cháu ra trường đi làm gia đình cháu mới ổn định được”, ông bác sĩ nói.

Tôi hỏi “sao anh chị không qua luôn bển có tiện hơn không?”. Ông bác sĩ trầm ngâm sau câu hỏi của tôi, thấy vậy tôi nghĩ hay là mình chạm vào nỗi niềm của ông rồi chăng? Tôi nói “xin lỗi anh…” chưa kịp nói hết câu ông đã khoát tay. “Không có gì đâu ạ… là tôi chợt nhớ chỗ tôi và anh đang ngồi trong chiến tranh là vùng oanh kích tự do, tôi không chiến đấu ở đây nhưng có đi ngang qua. Vùng này trước kia chỉ có sình lầy và cây dừa nước là nhiều nhất, chính loại cây này cứu tôi mấy lần hút chết đó”. Người già hay hồi tưởng, tôi im lặng nghe ông bác sĩ kể chuyện trong chiến tranh mà ông là nhân vật chính. Chiến tranh tất có máu, máu của ông, của đội phẫu và của cô du kích dẫn đường. Cuối cùng thì tôi cũng nhìn thấu được điều ông muốn nói, lời hứa sẽ về nhà cô giao liên ấy ra mắt cha má và nói lời xin lỗi…. “Thằng nhỏ chắc giờ trên bốn mươi tuổi rồi mà tôi  chưa biết mặt, không biết giờ này má con nó ra sao?”. Trời ạ, hơn bốn mươi năm mà chiến tranh còn để lại một chuyện nặng lòng đến vậy, tôi chỉ biết im lặng nghe ông bác sĩ nói tiếp. “Tôi không đổ cho hoàn cảnh, dù sao thì tôi cũng có lỗi khi không tìm cô ấy ngay mà vùi đầu vào học đại học, cậu ạ lúc ấy nhà tôi không có nỗi trăm bạc làm lộ phí vào Nam…”. Ông bác sĩ đổi tông, gọi tôi bằng cậu thay cho tiếng anh khách sáo.

Đàn bà bao giờ cũng thua thiệt, tôi cay đắng nghĩ nhưng không nói ra mà quay qua hỏi về cậu con trai ông bác sĩ. “Nó ở luôn bên Pháp sau khi đi du học, giờ thành công dân…Mỹ rồi!”. “Nó cũng bảo con bảo lãnh bố mẹ qua sống với con, nó nói bên này cái gì cũng tốt, cũng hơn Việt Nam mình…. Này, tôi hỏi cậu nước người ta gần hai trăm năm không biết chiến tranh là gì, người ta xây dựng đất nước của họ mà không hơn mình mới lạ chứ, phải không?”. Tư lự một lúc ông bác sĩ tiếp “giáo dục của chúng nó chuẩn….Đấy, cái chính là điều ấy!”.

“Tôi không qua Mỹ sống với chúng đâu, nếu có sức khoẻ qua du lịch rồi về”, ông bác sĩ nói như kết luận.

Hôm nay là ngày bà Tám hay sao mà khi về đến chung cư tôi lại được nghe chuyện ba mẹ thằng Thiện. Là bà Dư tâm sự với vợ tôi khi cô ấy hỏi mẹ cháu đâu mà bà phải nuôi? Chuyện đời nay cũng đau lòng như chuyện đời xưa vậy. Con gái bà Dư là một đứa đẹp người lại giỏi giang, “một tay cháu gầy dựng lên một công ty xây dựng cũng khá tên tuổi, nó chết vì ung thư…”. Bà Dư kể với vợ tôi như thế. “Bố cháu đâu?”. “Tôi vô phước gặp thằng rể không ra gì. Khi con gái tôi còn sống không hiểu thằng đó nói thế nào mà nó sang tên một căn hộ cho nó, tháng sau con bé chết. Thằng rể tôi đi tới giờ luôn bỏ mặc con chúng cho tôi nuôi…”.

Tôi thở dài ngao ngán khi nghe bà xã kể chuyện người ta. Tôi thầm trách người bố vô tâm, con mình đã không có mẹ giờ lại không có cả bố. Còn vợ tôi thì hoài nghi “bây giờ ma ma phật phật… biết đâu thằng Thiện không phải con của thằng Tài rể bà Dư?”. “Không lẽ lại có người vô lương tâm đến độ bỏ luôn con mình, nếu không nuôi nỗi thì thỉnh thoảng cũng phải ghé thăm con chứ?”, vợ tôi bình luận tiếp. Làm sao biết được hết chuyện đời, chỉ có con gái bà Dư mới biết rõ ai là bố đứa bé nhưng cô ấy đã chết rồi…mà thôi, có vậy mới ra chuyện đời, tôi nghĩ thầm như vậy.

Và cuộc đời vẫn trôi theo thời gian với vẻ bộn bề vốn có. Tôi cũng không bỏ Đà Lạt được như nhiều người ở chung cư tiếc rẻ hộ tôi, tôi vẫn đi đi về về trên cung đường giờ được đầu tư khá bài bản. Đó là sự kết hợp giữa cao tốc với quốc lộ, giá gì tất cả đường về Đà Lạt của tôi đều là cao tốc bảo đảm chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ bạn có mặt ở xứ sương giăng, tôi thích gọi Đà Lạt với danh xưng ấy. Đó là những ý nghĩ vụn trên đường về, tôi mỉm cười tự thưởng cho ý tưởng của mình. Ấy vậy mà khi vừa đến xứ sương giăng tôi được bà vợ báo tin nóng sốt ở chung cư.

“Ba thằng Thiện mới về thăm nó, chị Dư mời vợ chồng mình ăn bữa cơm mừng sum họp mà anh lại không ở dưới này!”. Tôi mừng cho gia đình họ, qua điện thoại không tiện hỏi nhiều vì sao mà bẳn đi từng ấy năm ba nó giờ mới về thăm con. Thôi thì chuyện đâu còn đó, tôi phải ngủ sớm để hai giờ sáng mai đi với ông bạn hoạ sĩ ngắm sự sương giăng ở Tuý Sơn. Tuý Sơn, mới nghe tên thôi đã muốn… say. Tôi “say”  nơi này không phải vì rượu mà vì sương. Sương sớm Tuý Sơn ngoài sự bàng bạc bao khắp chốn – những ngôi nhà cửa kính như chụm lại với nhau vì lạnh, rau hoa trong nhà kính dường như cũng run rẩy theo, Tuý Sơn còn cho tôi biết thế nào là sự tinh khôi của…cà phê! Tôi và ông bạn hoạ sĩ sáng sớm được cô em họ mời ly cà phê. “Cà phê mô ka thứ thiệt, mời hai anh uống thử!”. Không thể nói là “uống thử” mà chính xác tôi đắm hồn mình trong hương cà phê. Bên trong thứ nước nâu nhạt ẩn chứa sự bí hiểm của mùi hương vừa dụ hoặc lại vừa kích thích gần giống như hương thơm con gái dậy thì đánh thức nam tính của gã trẻ trai mặt đầy mụn bọc. Tôi suýt cười với một sự so sánh… vớ vẩn nhất trong sớm mai như thế!

Tôi mang theo mùi sương giăng – phải, chính là sương giăng từ ba bốn giờ chiều đến khi mặt trời mọc cao tầm ngọn thông mới khiến cho cà phê Tuý Sơn và cả vùng Cầu Đất đượm hương như thế – về lại chung cư nơi cháu tôi bi bô trông chờ ông và trong hành lý mang theo có ký cà phê Tuý Sơn cô em ông bạn hoạ sĩ biếu. Cà phê tôi chưa kịp uống thì vị đắng của nó tôi được nếm qua chuyện của Tài. Chẳng là vừa biết tôi về, bà Dư lên nhà mời vợ chồng tôi xuống nhà bà “dùng bữa cơm thân mật, mai bố con nó đi sớm rồi”, bà Dư mời khách mà cặp mắt thì hoe đỏ. Tài là một người thân thiện, qua dăm ly bia Tài kể cho tôi nghe cuộc đời của mình.

Câu chuyện làm ăn thời nay na ná giống nhau, tôi nghĩ vậy khi nghe Tài kể chuyện. Ừ, nếu muốn làm ăn lớn phải có thế lực “chống lưng” mới giành phần thắng, rồi thì “biết điều”… các kiểu! Tôi gật gù làm bộ chăm chú nghe. Cuối cùng rồi Tài cũng kể đến việc tôi quan tâm. “Cô ấy mất nên được đình chỉ điều tra, còn cháu thì không. Bảy năm trong tù cháu không báo cho bà ngoại, cháu mang ơn bà ngoại nhiều lắm…”.

Tôi rót đầy ly bia mời Tài cạn trăm phần trăm “để quên những chuyện ấy đi, nhớ làm gì cho nặng lòng. Giờ tập trung lo cho thằng Thiện!”. “Cháu phải nói lắm bà ngoại mới cho mang thằng Thiện đi, cũng may  sắp vào năm học mới, mấy hôm nay cháu xin rút hồ sơ của thằng Thiện để chuyển về Tuý Sơn”. Tôi thật sự ngạc nhiên vì sự trùng hợp kỳ lạ này, thấy nét mặt tôi mang hình dấu hỏi Tài giải thích “sau khi ra tù cháu lên thôn Tuý Sơn làm vườn, trồng rau hoa và cà phê với một người bạn, giờ tạm ổn mới tìm về bà ngoại…, cháu mê Tuý Sơn chú ơi, đó là xứ sương giăng đẹp lạ lùng”.

Tôi chợt hỏi “cháu người đâu ta?”. Tài hơi ngẩn người, tôi bắt gặp một vẻ gì đó rất lạ nơi mắt nó. Tài đáp “nếu tính đúng thì quê cháu là Hà Nội, còn giấy tờ là Đồng Tháp”. Tôi chưa kịp hỏi Tài đã nói tiếp “cháu sinh năm 75, đúng vào ngày thống nhất đất nước… nghe nói bố cháu là người Hà Nội”. Sao lại nghe nói? Chẳng là người bố không vào Nam như đã hứa với má nó, má Tài không biết chuyện gì đã xảy ra, bà ẵm con lên Sài Gòn sống từ bấy đến nay. Lại chuyện con rơi, tôi nghĩ. Nhưng không phải vậy, anh y tá đó hứa với má thằng Tài sẽ vào Nam ra mắt cha má vợ. Chờ hoài chờ huỹ không chút tăm hơi, má nó chỉ biết bố thằng Tài người Hà Nội, vậy thôi!

Tôi cụng với thằng Tài ly nữa, rồi ly nữa. Chuyện của nó sao tôi thấy quen quen nhưng sự hưng phấn bia rượu cộng với mồi bén khiến tôi không để tâm đến cái sự quen quen ấy là chỗ nào. Tài nói “hôm nào rảnh chú lên Tuý Sơn chơi nữa đi, hỏi thằng Tài râu là người ta chỉ nhà cháu cho chú!”. Tài đã mua được nhà, không cần tôi hỏi nó giải thích liền “cháu bán căn hộ mới có tiền mua đất mua nhà đó chú”.

Đêm đó tôi hơi say, bà xã giục mấy lần tôi mới chịu về. Sáng hôm sau tỉnh giấc thì đã tám giờ, tôi đi bộ ra công viên Cảnh Đồi tập vẫy tay.

V.A.C