Ba “kép lão” tỏa sáng đêm chung kết 2 cuộc thi Trần Hữu Trang

582

Tối 27/10, đêm chung kết 2 của cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020” diễn ra sôi nổi, ba diễn viên: Nguyễn Thanh Toàn, Hải Linh, Trần Linh chiếm trọn cảm tình của khán giả với vai kép lão.

Nguyễn Thanh Toàn (Chuông vàng vọng cổ 2015) đã thể hiện xuất thần vai ông Tám Khỏe trong trích đoạn cải lương Người ven đô (tác giả Minh Khoa, chuyển thể cải lương Nguyễn Gia Nghiệm). Anh nhận được nhiều tràng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo khán giả và đồng nghiệp.


Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Toàn vai ông Tám Khỏe (trích đoạn “Người ven đô”)

Vốn có làn hơi khỏe, giọng ca sâu lắng, lời thoại khẳng khái, Nguyễn Thanh Toàn đã chọn cho mình một hướng đi riêng, đó là thể hiện vai kép lão có số phận ngang trái.

Nhân vật ông Tám Khỏe bị địch bắt, dùng đủ cực hình tra tấn buộc ông khai cơ sở cách mạng trong 18 thôn vườn trầu nhưng ông vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Biết không thể khuất phục tinh thần hiên ngang của ông Tám Khỏe, chúng bắt các cô gái trong làng để gây áp lực – nếu ông không tuyên bố ly khai cách mạnh, chúng sẽ hãm hiếp các cô gái, trong đó có Nghĩa, con gái ông.

Nguyễn Thanh Toàn để lại dấu ấn đẹp trong đêm thi chung kết thứ hai, thể hiện xuất sắc trích đoạn này, khiến nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, đại diện Hội đồng Giám khảo đặt câu hỏi vấn đáp cho anh đã bật khóc vì xúc động.

Nhân vật ông Tám Khỏe của Nguyễn Thanh Toàn khiến khán giả mộ điệu cải lương nhớ đến “Đệ nhất danh ca” NSND Út Trà Ôn – người diễn vai này năm 1976 với phong cách diễn xuất đạt đến mức thượng thặng. Anh đã xử lý rất điệu nghệ bài “Ái tử kê”, một bài bản rất khó mà không phải diễn viên trẻ nào cũng thể hiện được khi hóa thân “ông Tám Khỏe”.

Hải Linh mang từ miền đất Tây Đô đến cuộc thi nỗi niềm của một ông bầu (trích đoạn “Miền nhớ”) thà chết chứ không bẻ cong ngòi bút, sáng tác những vở tuồng phỉ báng lòng ái quốc. Công tác tại Nhà hát Tây Đô nhiều năm, Hải Linh tiến triển trong nghề rất nhanh. Anh đã vượt qua nhiều chặng đường chông gai để sống với sân khấu cải lương.


Nghệ sĩ Hải Linh nhận được hoa và sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả dành cho anh sau đêm thi.

Hải Linh diễn xuất tài tình, vận dụng vũ đạo với võ thuật, khiến khán giả yêu mến nhân vật và nhớ đến tác giả Lê Duy Hạnh – người sáng tác kịch bản cải lương Miền nhớ, đồng thời là người giữ vai trò quan trọng trong Ban chỉ đạo “Giải thưởng HCV Trần Hữu Trang” của Hội Sân khấu TP HCM suốt 12 lần tổ chức (1991-2014) – tiền thân của cuộc thi năm nay.

Trần Linh vốn là anh kép hiền lành, nhút nhát, gắn bó với sân khấu cải lương nhiều năm. Tối qua, anh làm khán giả bất ngờ khi thể hiện vai lão Quý trong trích đoạn Hòn vọng phu (tác giả Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Mộc Linh).

Trần Linh đã được đạo diễn Chí Linh dốc sức, dàn dựng khá chi tiết để anh thể hiện đầy cảm xúc vai kép lão vốn là nhân vật để đời mà nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã thể hiện thành công trước đó.


NS Hải Linh (vai lão Quý) và Tô Tiểu Long (vai Vịnh) trong trích đoạn “Hòn vọng phu”.

Đây là thành quả của sự phấn đấu đáng khen mà Trần Linh mang đến cuộc thi, sau thời gian dài gắn kết với sân khấu Chí Linh – Vân Hà. Anh đặt mình đúng vào vị trí một diễn viên biết vận dụng đúng sở trường của mình. Khán giả dành cho Trần Linh lời khen ngợi bởi lòng yêu nghề, miệt mài gắn bó với những vai phụ, không nề hà so đo, bám chặt niềm đam mê sân khấu cải lương.

Vòng chung kết 2 còn sự tranh tài của các diễn viên: Hằng Ny (Đoàn Cải lương Hương Tràm – vai Nguyễn Thị Hạnh, trích đoạn “Người không cô đơn”); Trúc Hương (Nhà hát Trần Hữu Trang – vai Hiền, trích đoạn “Huyền thoại một tình yêu”); Diễm Thanh (Nhà hát Trần Hữu Trang, vai Nhớ, trích đoạn “Diều ơi”); Hải Yến (thí sinh tự do, vai Lý Chiêu Hoàng, trích đoạn “Đêm cuối Lý Chiêu Hoàng”) và Như Huỳnh (Hội Sân khấu Bạc Liêu, vai Trang, trích đoạn “Trà Hoa Nữ”).

Thanh Hiệp/Người lao động