Cần tạo cảm xúc văn chương cho học sinh

808

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dạy và Học văn ở các trường hiện nay từ bậc Trung học Cơ sở (lớp 6-7-8-9), Trung học Phổ thông (lớp 10-11-12) đến các trường Cao đẳng, Đại học (Khoa học và Xã hội Nhân văn, khoa Sư phạm) đều gặp những khó khăn từ hai phía thầy và trò. Đó là việc chưa tạo được cảm xúc văn chương trong quá trình Dạy và Học.

 

Nhà phê bình Lê Xuân

Cảm xúc văn chương là gì? Nó tác động đến sự tiếp nhận tác phẩm văn chương như thế nào? Để từ đó các em có thể nhớ và sáng tạo cùng tác giả của những bài thơ, bài hịch, bài văn, vở kịch… nằm trong chương trình và từ đó có các em sẽ có những kiến thức tối thiểu để khám phá, tiếp nhận khi đọc các tác phẩm văn học ngoài đời.

Văn chương là một loại hình nghệ thuật đặc thù mà ở đó tác giả dùng ngôn ngữ, hình ảnh và bao chất liệu khác để thể hiện một đề tài, một nội dung nào đó trong cuộc sống theo cảm quan và tư duy của mình.

Khi ta xem một bức tranh, tấm hình, bức tượng, hoặc nghe một bản nhạc ta có thể cảm nhận trực quan từ màu sắc, đường nét, giai điệu hay hình khối bằng mắt, bằng tai với những điều “tai nghe mắt thấy”. Nhưng với một tác phẩm văn học thì khác. Người tiếp nhận trước hết phải có cảm hứng yêu thích, có sự hiểu biết trên nhiều phương diện, phải động não. Đặc biệt phải có năng lực tiếp nhận ngôn từ, tư duy hình tượng và có trí tưởng tượng phong phú để tạo sự liên tưởng tới những gì mà tác giả đã miêu tả, tường thuật, kể chuyện, triết luận… gắn với thời đại lịch sử, tôn giáo, xã hội, dân tộc; gắn với âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, điện ảnh trong hay ngoài nước mà tác phẩm đề cập tới. Nghĩa là người thưởng thức tác phẩm phải có một phông văn hóa tương đối rộng mới cảm hết được các hay cái đẹp mà tác phẩm đem tới. Đó là chưa kể đến cần phải hiểu một số từ ngữ về chuyên ngành khoa học kỹ thuật nào đó nữa mà tác giả sử dụng trong tác phẩm.

Có người nói: “Muốn thưởng thức được nghệ thuật cần phải có hiểu biết về nghệ thuật”. Muốn hiểu biết về nghệ thuật không chỉ là nắm được chất liệu, phương thức xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật mà còn rất cần hiểu biết về hoàn cảnh, bối cảnh ra đời của tác phẩm ấy. Ví dụ, như xem bức họa nàng “Mona Lisa” (còn gọi là Lagiocon) của Leonardo da Vinci (người Ý) phải có hiểu biết về trường phái nghệ thuật thời Phục Hưng ở châu Âu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17.  Nghe nhạc giao hưởng không lời với các bản sonata “Ánh trăng” viết cho đàn piano ở cung Đô thăng thứ của Ludwig van Beethoven (người Đức), hay vở Ballet số 20 “Hồ Thiên nga” của nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky (người Nga) thì đòi hỏi người nghe phải biết về nhạc giao hưởng và phải có trí tưởng tượng, có khả năng thẩm âm mới thấy hết cái hay của nó.

Và khi đến với tác phẩm văn chương muốn hình thành cảm xúc thì không những chỉ cần sự hiểu biết thuộc riêng lĩnh vực văn chương mà còn rất cần sự hiểu biết nhiều ngành nghệ thuật khác nữa. Ví dụ đọc đoạn trích “Kiều đánh đàn cho Kim Trọng” chỉ với 4 câu mà miêu tả được cả ngoại cảnh và nội tâm người đánh đàn và người thưởng thức tiếng đàn:

Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Trong Truyện Kiều có 8 lần Kiều đánh đàn, nhưng đây là tiếng đàn lần thứ nhất rất hay, tiếng đàn của tình yêu và tuổi trẻ với cách so sánh giữa âm thanh – nghe thấy (thính giác), và cái nhìn thấy (thị giác). Các tiếng “trong”, “đục”, “khoan”, “mau” là cảm nhận bằng tai, các hình ảnh “hạc bay qua”, “tiếng suối sa nửa vời”, “tiếng gió thoảng ngoài”, “trời đổ mưa” lại là sự kết hợp về cảm nhận giữa tai và mắt. Vì thế mà tiếng đàn cùa Kiều đã làm cho Kim Trọng: “Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu”… Hay khi Trần Đăng Khoa viết “Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (Đêm ngủ ở Côn Sơn) thì ở đây cũng có sự cảm nhận thông qua sự chuyển đổi từ thị giác sang thính giác. Chỉ nghe tiếng lá rơi “rất mỏng”, rất nhẹ mà tác giả như nhìn được trong đêm tối  “như là rơi nghiêng”. Hoặc khi miêu tả cảnh sắc bốn mùa ở Việt Bắc, Tố Hữu chỉ viết tám câu mà có đủ màu sắc, âm thanh của Xuân, Hạ, Thu, Đông và sinh hoạt của con người:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Có thể xem đây là bức tranh “tứ bình” bằng thơ của Tố Hữu, vẽ mỗi mùa chỉ bằng một cặp câu lục bát: Mùa đông với hoa chuối đỏ tươi và hình ảnh người đi rừng ở đèo cao. Mùa xuân với hoa mơ nở trắng và người đan nón chuốt giang. Mùa hè với tiếng ve kêu, rừng cây phách lá chuyển vàng và hình ảnh cô em gái hái măng. Mùa thu với ánh trăng trong và tiếng hát ân tình của ai đó… Tất cả đã tạo nên bức tranh thơ đẹp có họa, có nhạc. Phải có cảm quan nghệ thuật của tâm hồn thi sĩ, họa sĩ mới thưởng thức hết được vẻ đẹp thơ ấy ở chiều sâu của thẩm mỹ.

Bản thân tôi hồi còn dạy học thì những bài thơ, truyện ngắn có liên tưởng tới nhạc, họa là tôi cố gắng truyền cho học sinh một số kiến thức về âm nhạc, hội họa tối thiểu để các em có cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm ấy.

Rất tiếc là bây giờ một số thầy cô giáo và đa số các em ít có điều kiện hưởng thụ văn hóa trong xu thế hội nhập toàn cầu, mà luôn bị gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên đôi vai, không còn thời gian và sức khỏe và hứng thú để bồi đắp các kiến thức thuộc nền tảng văn hóa.

Người thầy luôn mong muốn học sinh có cảm xúc văn chương để có thể dung nạp thông tin ở nhiều lĩnh vực, nhưng trong một tiết dạy ngắn ngủi chỉ 45 phút làm sao có thể truyền thụ hết được. Nhà giáo Trần Hà Nam (Bình Định) đã có câu nói hay: “Có cảm xúc trước một tác phẩm văn chương, ta như đứng trước một hình hài tràn căng sức sống. Thiếu cảm xúc, chỉ giống như đứng trước một bộ xương khô mà thôi”.  

Đọc tùy bút “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới, hay tùy bút “Đường chúng ta đi” của Nguyễn Trung Thành (bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc) hoặc những tản văn hay của nhà văn Hồ Huy ta như được đọc một bài “thơ văn xuôi” rất giàu tính họa, tính nhạc. Karl Marx – vị lãnh tự thiên tài, đã nói “Bản nhạc dù hay đến đâu cũng không có giá trị với người không biết thẩm âm”.

Dạy và học văn là quá trình giao tiếp giữa thầy và trò qua văn bản là bài thơ, bài văn, vở kịch… mà người thầy luôn giữ vai trò chủ động để “truyền lửa”, truyền đam mê đến học sinh. Muốn làm tốt được điều này rất khó. Người thầy phải đọc, phải xem, phải nghe nhiều thứ ngoài văn bản, và để khi giảng đến những gì mà tác phẩm nói đến đều phải cảm nhận, rung động từ con tim và phát ra qua lời giảng, truyền cảm hứng cho học sinh. Đặc biệt những kiến thức tối thiểu vầ âm nhạc, hội họa, điện ảnh, lịch sử… cần nắm được để giúp cho việc phân tích thơ văn có chiều sâu, để làm sáng tỏ được thông điệp mà nhà thơ, nhà văn gửi vào tác phẩm.

L.X