Chợ tết xưa trong cảm hứng thi nhân

827

Nguyễn Văn Luyện

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xuân về, những phiên chợ tết lấp lánh vẻ đẹp riêng mang điệu hồn của xứ sở. Hòa nhịp cảm xúc trong những bài thơ viết về những phiên Chợ tết ngày xưa, nét đẹp văn hóa cổ truyền của quê hương đất Việt bỗng nhiên hiện hữu trong tâm trí bào người.

Ảnh minh họa

“Chợ Đồng” buồn vắng trong thơ Tam Nguyên Yên Đỗ

Nguyễn Khuyến là một người tài năng, cốt cách thanh cao, cuộc đời ông chỉ làm quan hơn mười năm, còn phần lớn là dạy học và sống thanh bạch ở quê nhà (làng Và, xã Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tình cảm gắn bó nặng sâu ấy nâng bước, giúp ông trở thành nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Nhiều bài thơ ông viết chở nặng ân tình với quê hương, với người dân quê khổ cực, thuần hậu, chất phác. “Chợ Đồng” là bài thơ hay của Tam Nguyên Yên Đỗ, thi phẩm giúp ta ngược dòng thời gian, cảm nhận một phiên chợ tết nghèo hơn trăm năm về trước:

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.
Nếm rượu, tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

Xưa làng Vị Hạ quê hương Nguyễn Khuyến có chợ họp ở trong làng, gọi là chợ Và. Hàng năm cứ đến phiên chợ cuối tháng Chạp nhân dân lại dời chợ ra họp ở một ruộng mạ phía sau làng, nên gọi là chợ Đồng. Từ năm 1949, quân Pháp về đóng đồn ở làng Vị Hạ thì chợ Và cũng thôi không họp nữa, và tục họp chợ Đồng vào cuối năm cũng mất. Phiên chợ quê hương đã đi vào tứ thơ Nguyễn Khuyến một cách độc đáo mang hình sắc riêng không bao giờ trộn lẫn.

Bài thơ phảng phất nét buồn của một phiên chợ nghèo nơi miền quê lam lũ, đói kém. Như thường lệ, chợ vẫn họp vào ngày hai bốn tháng Chạp, nét đẹp quê hương vẫn còn. Có điều trái với sự tấp nập kẻ bán người mua những năm được mùa khấm khá, chợ năm đói khác hẳn. Bài thơ thất ngôn mà có tới hai câu hỏi tu từ gợi nhiều suy nghĩ: Năm nay chợ họp có đông không? Nếm rượu, tường đềnđược mấy ông? Câu hỏi nghe như một tiếng thở dài buồn đến nao lòng. Chợ vắng, nét đẹp văn hóa các bô lão làng Vị Hạ ngồi tựa lưng vào tường đền “nếm rượu”, xem thứ nào ngon để mua lễ tết đầu xuân cũng chỉ “được mấy ông” sao mà thưa vắng. Mấy câu thơ thực cảnh mà cũng thực tình. Sau cái vắng, cái thưa là cái nghèo túng hiển hiện. “Hàng quán người về nghe xáo xác. Nợ nần năm hết hỏi lung tung”. Thành thử, chợ Đồng đâu chỉ buồn trong mưa rét, mà còn buồn hơn bởi cái thanh âm “xáo xác, lung tung” của tiếng thúc nợ, đòi nợ cuối năm. Cái nghèo túng đang đè nặng xóm làng quê. Ẩn sau lời thơ là nỗi lòng tâm trạng của một nhà nho gắn bó với bao nỗi vui buồn của nhân dân giữa thời loạn lạc, đói rét, lầm than. Dường như nhà thơ đã nghe được bao nỗi đời cay cực của nhân dân trong xã hội cũ, nên ông mới viết thâm thía, cảm động đến như vậy. Đúng là thơ hay bắt rễ từ cuộc đời. sau câu thơ là  ân tình người cầm bút.

Bài thơ tám câu thì sáu câu đầu nghiêng về cái tĩnh, cái lạnh, cái vắng, cái buồn. May thay câu kết mở ra một tín hiệu vui: “Dăm ba ngày nữa tin xuân tới. Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”. Có lẽ sau âm thanh tiếng pháo là niềm ước mong, hi vọng của một tấm lòng đẹp. Tác giả vận dụng tài tình điển tích về tiếng pháo trúc xua đuổi ma quỷ của Lý Điền ngày xưa bên Trung Quốc để tạo ra một ý mới. Tiếng pháo trúc “nhà ai” nổ “một tiếng đùng” như muốn xua đi cái nghèo đói của năm cũ, cuộc sống năm sau sẽ no đủ  hơn đôi phần.

Bài thơ hay cũng bởi một tấm lòng sâu nặng yêu thương của nhà thơ Bình Lục – Hà Nam ngày nào dành cho người dân nghèo đói quanh năm. Dường như cái hồn quê, tình quê  còn đọng mãi trong tâm trí người Việt muôn đời qua những vẫn thơ da diết “năm nay chợ họp có đông không?”…

“Chợ Tết” đông vui trong thơ Đoàn Văn Cừ

Hè năm 2004, Đoàn Văn Cừ giã biệt cuộc đời về cõi vĩnh hằng, thi sĩ của “Chợ Tết” đi xa, nhưng vần thơ ông viết vẫn được nhắc tới, mến yêu mỗi khi tết đến xuân về. Xuất hiện từ Phong trào thơ mới, nhà thơ đất Nam Trực – Nam Định tạo dựng cho mình một vẻ đẹp riêng. Ông viết về thôn quê với bút pháp rất riêng: tả chân. “Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt”( Hoài Thanh). Những cảnh quê như Đám hội, Đám cưới mùa xuân,… và đặc biệt là phiên Chợ Tết nông thôn của ông vẫn sẽ còn mãi với thời gian, níu giữ hồn quê trong tâm trí mỗi người.

Nhiều lần nghe nghệ sĩ Hồng Ngát ngâm nga “Chợ tết”, tôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào cõi nhạc, cõi thơ nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cõi họa. Bài thơ “đẹp như một bức tranh cổ, trầm lắng mà thâm thúy, rực rỡ thắm tươi mà dịu dàng hồn nhiên, như chứa đựng được cái hồn quê đã tồn tại tự muôn đời của dân tộc”.

Mở đầu là buổi mai hồng “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi, Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh”, bình minh thức giấc, ngày mới khởi đầu. Khác với “Chợ Đồng” thưa vắng trong thơ Nguyễn Khuyến, Chợ Tết trong thơ thi sĩ họ Đoàn nhộn nhịp,tươi vui: “Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”. Lòng người hân hoan trên nẻo đường quê đổ về chợ tết, nhà thơ quan sát, miêu tả dáng vẻ riêng của từ đối tượng: Nam phụ lão ấu đủ cả. Trong những bước chạy “lon xon” của các cậu bé là cả một tâm trạng háo hức, một niềm vui ngây thơ của trẻ nhỏ trong ngày chợ Tết được mặc áo mới, được chơi đùa thỏa thích. Cô gái quê “che môi cười lặng lẽ” như đang khép nép làm duyên giữa chốn đông người . “Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ” có chút gì đó  rụt rè, nhút nhát, bỡ ngỡ bởi lần đầu được đến với một phiên chợ Tết. Dường như, sau mỗi vần thơ những con người quê mộc mạp, giản dị, hiện lên thật gần gũi mến thương. Giữa cái náo nhiệt trên con đường đi chợ, cảnh vật thiên nhiên dường như phơi phới xuân thì: Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa, Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh. Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”… Khung cảnh hiện ra vừa đơn sơ, vừa tinh tế, vừa bình dị lại vừa huy hoàng, sống động. Tất cả đều rộn ràng, đều hối hả vận động, cựa mình chuyển sang xuân. Khung cảnh lại được tắm trong ánh bình minh nên càng rực rỡ, lấp lánh trong sự tinh khôi, trong trẻo, mướt mà say đắm lòng người. Cảnh bình minh đi chợ tết thật ấn tượng, khó phai trong tâm trí mọi người.

“Chợ Tết” là một bài thơ dài, mười lăm câu đầu có thể xem như là phông nền của bức tranh về phiên chợ đông vui khi mùa xuân gõ của tâm hồn. Hai mươi ba câu giữa là tâm điểm bức tranh mang điệu hồn xứ sở, nét đẹp văn hóa quê hương lưu giữ ngàn đời. Hào hứng, say mê những lời thơ của Đoàn Văn Cừ, người ta như lạc bước trở về với một thời chưa xa theo mẹ đi chợ tết. Cái tấp nập của Chợ tết được tạo nên ngay từ cổng vào: “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”. Câu thơ tả thực mở ra không khí nhộn nhịp của phiên chợ cuối năm. Kẻ bán, người mua đông đúc: người khách nói bô bô; Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ; thầy khóa gò lưng viết thơ xuân; Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà; Mấy cô gái ôm nau cười rũ rợi… Sản vật bán mua phong phú: tranh, câu đối, vàng mã, pháo, cam, gạo nếp, gà… Sắc màu lại càng đa dạng: màu vàng hương của chú hoa man, màu nâu của khăn áo, màu của những bức tranh gà, lợn, màu đỏ hồng của sắc pháo, màu đỏ chót tựa son pha của những mẹt cam, màu trắng như tuyết của thúng gạo nếp… Những sắc màu của cuộc sống đều hiển hiện vô cùng sắc nét.

Và trong muôn vàn sắc màu cuộc sống ấy, ấn tượng bậc nhất vẫn là sắc đỏ của câu đối tết. Hình ảnh “Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm, Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ” gợi nét đẹp ngàn đời của điệu hồn đất nước. Tết đến xuân về, thiếu sao được hàng câu đối tết mang phong vị ngày xuân. Cái chữ, cái nghĩa là vẻ đẹp ngàn xưa. Hai mấy câu thơ, tác giả họa nên bức tranh Chợ Tết đầy đủ sắc màu, náo nhiệt vui tươi. Ẩn sau câu chữ là nét đẹp văn hóa quê hương. Cảnh và người nơi Chợ Tết là cả một thế giới linh hoạt. Nét vẽ nào cũng sống động, lung linh rực rỡ sắc màu, hóm hỉnh, đáng yêu. Cảnh chợ tết đông vui mở ra nhiều hi vọng cho hạnh phúc bình an khi xuân sang tết đến với mọi nhà. Nhà thơ đã rất thành công khi họa nên bức tranh Chợ Tết mang vẻ đẹp gió nội, hương đồng của non nước Việt Nam.

Khép lại bức tranh Chợ Tết là mấy câu thơ đủ để người đọc tiêng tiếc, vấn vương: “Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm, Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh, Trên con đường đi các làng hẻo lánh, Những người quê lũ lượt trở ra về. Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê, Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Cái “tưng bừng” của phiên Chợ Tết qua đi sau tiếng chuông chùa “văng vẳng” . Song nỗi nhớ niềm mong về chợ tết đông vui còn mãi không quên. Mấy mươi năm đi qua, nhà thơ viết “Chợ Tết” đã nghìn trùng xa cách nhưng hồn quê nơi chợ tết còn đọng mãi trong tâm thức người dân Việt.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, chợ quê đổi thay thành siêu thị. Đọc lại những tứ thơ “Chợ Tết” của người xưa, người ta càng thêm yêu mến tự hào nét đẹp văn hóa Việt Nam. Giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, nhân sinh cần giữ lấy giá trị cổ truyền cho thế hệ mai sau. Có lẽ vậy mà bài thơ “Chợ Đồng” (Nguyễn Khuyến), “Chợ Tết” (Đoàn Văn Cừ” vẫn vẹn nguyện giá trị đâu chỉ hôm nay mà cả mai sau.

N.V.L

(GV THPT Hậu Lộc 4 – Thanh Hóa)