Nghệ sĩ sống mãi với hồn xuân

589

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong quan hệ giao tiếp nơi cơ quan, tư gia hoặc ở nơi công cộng ngoài xã hội, người ta có nhiều cách xử lý theo tập quán không giống nhau. Khi gặp gỡ tại các buổi lễ hội, tiệc tùng, sau cái bắt tay truyền thống, là những lời chào hỏi thông lệ. Nhưng có một hiện thực trong quan hệ giao tiếp bằng ngôn ngữ thái độ có thể nên tránh là hay hơn. Đó là thói quen thường hay hỏi tuổi người trước mặt mình khi mới gặp nhau lần đầu. Điển hình là với nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ,… những người làm văn học nghệ thuật ở bình diện thượng tầng kiến trúc. Họ vốn thuộc đội ngũ những người làm công tác đặc biệt thuộc lĩnh vực phi vật thể nên ta nhìn và đánh giá họ không thể như với bao nhiêu người bình thường khác trong thiên hạ.

Tác giả Nguyễn Thanh 

Nghệ sĩ chân chính hay những con người có tài năng và nhân cách đáng ngưỡng mộ thực ra không thể gọi là những người mãi mãi ở tuổi hai mươi. Vì mỗi người trong đời chỉ có một lần tuổi hai mươi và một thời thanh xuân kéo dài chỉ trong vài thập niên. Nếu trân trọng họ, ta nên nói là đó là những sống bất diệt với một hồn xuân, tức là những người bất tử vì sự nghiệp, tài năng và nhân cách của họ đối với đồng bào, quê hương và nhân loại. Do vậy, không cần thiết khi mới gặp nhau đã vội vàng hỏi họ về tuổi tác làm một điều mà người chẳng may bị vấn nạn sẽ đánh giá về sự trải đời và nhân cách của mình.

Tuổi tác đến tự nhiên với mỗi người trong đời chỉ là một con số khô khan, rất mực đời thường mà không một ai tránh được. Sinh lão bệnh tử là cái vòng tròn lượng giác lẩn quẩn theo một chu kỳ 360 độ mà ai cũng phải chịu: Khổng tử, Platon, Einstein, Nguyễn Du… Bao nhiêu vĩ nhân xuất chúng, thiên tài lỗi lạc khác trên thế giới cũng ít khi sống hơn trăm tuổi huống chi gọi là sống mãi với tuổi hai mươi hay tuổi xuân!

Trong môi trường công tác ở những nơi có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn nước ngoài đủ các loại quốc tịch, tôi đã chứng kiến không ít chuyện ngộ nghĩnh đáng buồn cười.

Michel Legall, bạn nước ngoài của tôi công tác tại một thư viện Đại học lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, một hôm đến trung tâm ngoại ngữ của tôi với một người con gái nhỏ tuổi vừa mới quen. Trong văn phòng làm việc của tôi bây giờ có tôi và Tuấn, một cậu sinh viên đến xin ghi danh học ngoại ngữ. Sau lời chào xã giao bằng tiếng Anh về sức khỏe, bốn người bắt đầu đi vào chuyện làm quen hỏi thăm nhau về chuyện riêng tây.

– Ông bao nhiêu tuổi? (How old are you?/ Quel âge avez-vous?). Tuấn vui vẻ nhìn Michel buộc miệng chỉ một câu.

Michel ở tuổi hưu lại là người lãng tử đó đây, ra vẻ dửng dưng làm lơ như không nghe và không trả lời Tuấn. Nếu trải nghiệm và tế nhị, không ai mới làm quen nhau trong trường hợp này lại đi hỏi về tuổi tác người đáng cha chú của mình đang đi chơi với người bạn gái tuổi  còn quá nhỏ. Câu nói không cần thiết của Tuấn vừa thể hiện sự hạn chế về số vốn hiểu biết về ngoại ngữ vừa ngô nghê, một cách gián tiếp đã cù lét vào nách ông bạn Michel: – Michel là thằng cha già dịch sao lại có cô bồ nhí đang tuổi cháu nội mình!

Cạnh nhà tôi, gia đình có Việt kiều. Thỉnh thoảng, bà con từ nước ngoài về Việt Nam có bạn bè ngoại quốc theo chơi không biết tiếng Việt. Mấy đứa nhỏ trong nhà cứ hồn nhiên vô tư đeo bám theo người bạn mới phương xa mới về ở nhà mình mà lập lại câu hỏi về tuổi tác như một điệp khúc vì không biết câu nào khác hơn!

Đôi lúc, trong lúc tôi loay hoay làm linh tinh với nhiều công việc khác nhau trước trường học thì cũng có cơ hội gặp những ông bạn lạ hoắc tính khá đặc biệt. Đang đi với người thân trên lề phố, trông tôi gầy ốm có tuổi, ông ta bỗng thong dong đừng lại, nhìn trân trố vào mặt tôi hỏi một cách vô tội vạ không khác nào cảnh sát tình nghi đối tượng hình sự mà tra hỏi:

– Ông bao nhiêu tuổi rồi vậy? Mới gặp lần đầu, không quen biết gì nhau mà lại đi hỏi tuổi rõ thật là vô duyên!

Người ta cũng hay nhắc lại chuyện ông hoàng thơ tình Xuân Diệu trong một lần nói chuyện về thơ *. Nhà thơ Xuân Diệu đi bình thơ ở một trường học tại một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú, nay thuộc Mê Linh Hà Nội. Bên ngoài hội tường, những giáo viên yêu thơ vây lấy tác giả Thơ Thơ giữa hành lang.

Một nữ giáo viên trẻ tuổi xinh đẹp hỏi:

– Thưa nhà thơ, năm nay nhà thơ bao nhiêu tuổi ạ?

Xuân Diệu giật mình, nét mặt ngơ ngác:

– Trời ơi, em! Ai nỡ đi hỏi tuổi một nhà thơ. Nhà thơ luôn sống mãi với hồn xuân mà!

Một nam giáo viên đến gần thi sĩ lại ngây thơ:

– Thưa bác Xuân Diệu. Ba cháu đọc…

Tác giả Gửi hương cho gió trố mắt ngạc nhiên ngắt lời:

– Giời ôi! Lại gọi nhà thơ bằng bác. Bác gì, bác phó cối à…

Tóm lại, với văn nghệ sĩ, ít ai đặt vấn đề tuổi tác trong quá trình tác giả hình thành tác phẩm nghệ thuật. Có khi tài không đợi tuổi nhưng không phải lúc nào cũng “gừng càng già càng cay”. Trên con đường vươn lên tới tiêu chí “Chân-Thiện- Mỹ” cao đẹp của thế giới nghệ thuật thanh cao, người làm công tác văn nghệ cố giữ sao cho ngoài kiến thức tài năng là tấm lòng trong sáng của người nghệ sĩ. Với hồn xuân đích thực đọng mãi ở nghệ sĩ như một nhà thơ đã nói: Anh mãi là mùa xanh xưa (Quang Dũng), tài năng và nhân cách của người cầm bút, cầm cọ, ôm đàn… kết tinh thành những danh tác nghệ thuật. Đó là tác phẩm bậc thầy, kinh điển có giá trị thực sự về nội dung nghệ thuật, vượt không gian thời gian và mang tính nhân văn khả dĩ lưu lại cho muôn đời sau.

06.02.2021

N.T

* Theo Giai thoại Văn học – NXB Văn hóa Dân tộc