Nguyên Đán – Tạp văn của Kỳ Nam

541

 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những con đường vừa mới trang điểm lại trong mùa Xuân bỗng trở nên rộng thênh thang, không còn ồn ào bụi bặm, dịu dàng trôi theo bước chân như những dải lụa dài nối tiếp nhau giữa không gian yên tĩnh kỳ lạ của buổi chiều mùng 1 Tết. Bắt đầu từ Cồn Khương, qua giao lộ Cách Mạng tháng Tám – Nguyễn văn Cừ, đi tiếp một quãng dài rồi rẽ phải sang con đường mới mở sau khi dừng lại vài ba phút để ngắm cái vòng xoay rực rỡ hoa Xuân và thưởng thức làn gió mát rượi từ phía Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ thổi về.

Tranh minh họa – Tác giả Kỳ Nam

Con đường Võ Văn Kiệt trải rộng suốt chiều dài 7 km, xứng đáng là một trong những con đường đẹp nhất Tây Đô. Mùa Xuân dường như xanh tươi, lộng lẫy hơn trên con đường này, một chùm bong bóng đủ màu sắc bất ngờ bay lên từ những mái nhà lợp ngói công nghiệp đỏ tươi nằm gọn ghẽ trong vuông rào trắng tinh chen đầy hoa cỏ. Khung cảnh giống như trong một phim hoạt hình nào đó với những gam màu tươi sáng và mọi thứ như được tính toán, sắp xếp cân đối đến mức gần như hoàn hảo. Trong cảnh phim hoạt hình đó tôi thấy mình giống một con ngựa vằn non tơ đang gặm cỏ, mơ màng về phương trời cố thổ Zambia và những cánh đồng chân mây xa lạ… chứ không phải một con trâu cui như Má tôi vẫn gọi (trâu cui là giống trâu khỏe mạnh có hai sừng quặp xuống đất).

Năm nay tôi vừa hai mươi bốn tuổi (chưa tính tuổi mụ), một người bạn theo ngành Đông Phương học đã bói cho tôi một quẻ đầu năm và phán rằng mặc dù là năm tuổi lại có sao Kế Đô chiếu mạng nhưng tiền hung hậu kiết, mọi sự bình an, tài lộc bình bình không có gì khởi sắc nhưng có thể sẽ gặp hồng nhan tri kỷ. Còn về công việc thì trâu tôi cứ tự tin cày bừa trên cánh đồng đã chọn và chắc chắn sẽ có thu hoạch lớn bất ngờ!

Người anh song sinh của tôi nhếch môi cười khẩy, bảo cứ mang ách cho chuẩn đã rồi cày, không thì mài sừng cho lắm cũng là trâu (câu này của ông Học Lạc)! Ý anh tôi cái ách cần đóng là tấm bằng thạc sĩ mà tôi đang nỗ lực phấn đấu ở giai đoạn cuối với bản luận án khá chua về đề tài hiện đại hóa nông nghiệp của các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, trong đó thực trạng và giải pháp tại Việt Nam với bối cảnh hiện tại đang làm tôi… ngây dại! Bản luận án tội nghiệp của tôi đã bị Giáo sư Tr., người hướng dẫn tận tình yêu cầu sửa lại đến lần thứ ba rồi mà vẫn chưa đạt! Thầy phiền lòng vì tôi không phân biệt được việc viết một đề tài khoa học với việc viết văn xuôi hay trường ca!

Nào là đã qua rồi cái thời con trâu là đầu cơ nghiệp, giờ thì trâu chỉ được nuôi để sinh sản, lấy da và thịt gác bếp (!)… Cái cày giờ đây nằm nghỉ hưu ở góc vườn hay chái bếp chẳng còn mấy ai nhớ đến, sẽ có một ngày hình ảnh con trâu kéo cày trên đồng ruộng sẽ đi vào cổ tích như cây cầu khỉ quê xưa.

Nào là những con trâu sắt (máy cày) giúp nâng cao năng suất, rút ngắn thời gian lao động đổ mồ hôi trên luống cày, không phải cắt cỏ cho trâu, không phải lo trâu lở mồm long móng hay chết rét… người nông dân có thêm thời gian làm nghề phụ tăng thêm thu nhập… 

(Những đoạn này vì bí quá tôi đã mạn phép copy trên mạng từ một chủ đề khác, có sửa đi đôi chút!).

Cây viết bic mực đỏ trên tay Thầy tôi lúc khoanh tròn, lúc gạch rẹt rẹt trên những trang luận án dày đặc con chữ phông Time New Roman, size 13 (tôi đã tự tin in ra vì Thầy không thích duyệt bài trên computer screen, hoa mắt!). Mặt Thầy đỏ gay còn mặt tôi tái mét, hai nhà khoa học một già một trẻ không nhìn nhau suốt gần tiếng đồng hồ duyệt đề cương chi tiết của luận án (thầy thì mải nhìn những trang giấy còn tôi cứ gằm mặt xuống sàn không dám ngẩng đầu lên, dĩ nhiên là tai tôi đang căng ra hết cỡ để ghi âm những điều Thầy nói), trong khi đó hơi hướm của mùa Xuân đang tràn ngập ngoài cửa giảng đường!

Thực tiễn mơ hồ, giải pháp không khả thi, thiếu tính khoa học hiện đại…

Vậy là tôi ăn Tết với món nợ canh cánh bên lòng, sau Tết làm lại luận án tốt nghiệp lần thứ tư (chuyện này ngoài tôi chỉ có anh tôi biết). Nhưng sao tôi có thể để những thiếu sót của bản thân làm lu mờ ánh Xuân rạng rỡ nhường kia, tôi gói ghém, đóng kín bản luận văn trong laptop, tự nhủ sẽ không động tới nó suốt những ngày Xuân tươi thắm, sum vầy hạnh phúc bên gia đình!

Tôi vẫn đang bách bộ trên con đường thanh tân mượt mà của thành phố, hít thở không khí trong lành ngào ngạt hương Xuân với lòng biết ơn vô hạn đối với đất trời. Bên kia đường một đội lân đang biểu diễn trước ngôi nhà mới xây một trệt hai lầu. Ngôi nhà quét vôi màu xanh châu chấu rực rỡ, hàng rào sơn vàng nghệ trông khá màu mè nhưng đáng yêu như một nông dân đời mới, trẻ tuổi, chủ tịch danh dự của các cuộc hội thảo đầu bờ, vừa mới trúng đất hoặc trúng giá dưa hấu, quýt hồng hay bưởi da xanh… thậm chí bán lúa non vụ đông xuân… để mê man lên đời nhiều thứ cho kịp Tết! Tôi dừng lại, hào hứng theo dõi đội lân và cảm thấy vô cùng hân hoan, hạnh phúc trong ngày đầu năm, mặc dù chỉ còn một khoảng thời gian ngắn ngủi nữa thôi là tất cả cái đầu tiên của 365 ngày sẽ trôi qua theo ánh tà dương vụt tắt.

Đó là một đội lân khá hùng hậu, một lân râu bạc, một lân râu đỏ, một lân râu đen còn lại là lân râu xanh đi giữa đám cờ xí, trống chiêng và tạo hình một số loại vũ khí cổ xưa trông thật hoành tráng. Lăng xăng giữa những con lân đuôi dài sặc sỡ là ông Địa bụng phệ thấp lùn, béo ịt với mặt nạ cực kỳ hài hước, bàn tay múp míp cầm quạt phe phẩy liên hồi, quay tới quay lui, mơn trớn đám lân và trêu chọc bầy trẻ nhỏ. Tiếng trống dập dồn và tiếng thanh la, chập chõa inh ỏi làm tôi lùng bùng cả tai và trống ngực đánh thùng thình không kém (cảm giác giống in hồi tôi còn học tiểu học khi xem múa lân vào dịp Tết hay rằm Trung thu). Con lân râu bạc cùng với ông Địa đang trình diễn một màn lạy chào ngoạn mục trước gia chủ, sau đó con lân lùi ra xa, tiến thoái nhịp nhàng, rồi uốn mình oai dũng phóng lên trụ cổng theo kiểu lên Mai Hoa Thung lừng danh của các đội lân, tiếng vỗ tay vang lên ròn rã như pháo nổ! Con lân di chuyển điêu luyện trên những trụ cổng và trụ ban-công của ngôi nhà như đang bước trên những cọc gỗ mai hoa. Chắc mọi người cũng đang nín thở như tôi khi con lân bỗng thu mình lại rồi bất ngờ phóng lên chớp lấy cái thang dây đung đưa trước ban-công tầng hai và cuối cùng treo mình chót vót ở cột cờ trên sân thượng. Tiếng hò reo, cổ vũ vang dậy cả dãy phố, đám lân dưới đất nhún nhảy, khom lưng, vươn đầu, há miệng, lắc lư theo nhịp trống và thanh la. Sau một hồi biểu diễn thêm những bộ pháp  cực kỳ công phu, chiếc bao lì xì đỏ thắm đã nằm gọn trong miệng con lân râu bạc. Chuyến trở xuống thuận lợi hơn khi gia chủ thương tình quay ròng rọc thả chiếc thang dây xuống chỉ cách mặt đất chừng vài thước. Trong suốt thời gian rạo rực, căng thẳng theo dõi tài nghệ của con lân râu bạc từ khi nó vừa nhảy lên trụ mai hoa đầu tiên, không biết có ai để ý thấy dưới đuôi lân là bím tóc dày đen nhánh của một gương mặt nữ nhi xinh xắn, một ánh mắt nghiêng nghiêng tình cờ chạm phải làm tim tôi loạn nhịp (hay tại tiếng trống dội liên hồi kia?!). Đôi hài cong cong dưới chân nàng nhỏ nhắn như đôi búp sen, khi chạm đất chỉ nhẹ nhàng như lá rụng nhưng hình như đã làm rung rinh cả hồn tôi!

Tôi cứ tà tà thả bộ theo đội lân qua nhiều con đường trong nội ô thành phố, tiếp tục thưởng ngoạn tài nghệ của đội lân, trong đó bộ pháp tả xung hữu đột trong màn Độc Chiếm Ngao Đầu của con lân râu đỏ lại làm đám đông hưng phấn. Dù vậy mắt tôi vẫn không rời cái đuôi đính vảy kim sa của con lân râu bạc đang lấp lánh dưới ráng chiều. Tôi hình dung dáng dấp đó, gương mặt đó, đôi chân đó trong một chiều Xuân nào khác, cùng với tôi nắm tay đi dạo trên con đường ngập tràn hoa đăng, khấp khởi đón chào ánh sáng muôn màu rực rỡ và nói với nhau những lời nồng nàn chân thật như mùa Xuân đang hiện hữu…

Đoàn lân đi tới Hội quán Tây An Đường và lần lượt khuất sau hai cánh cửa to lớn màu đồng thau. Tôi đứng tần ngần trước cổng, ngắm nghía đến thuộc lòng những hoa văn hình long, lân, qui, phụng chạm khắc vô cùng tinh xảo. Một chiếc cổng mang dáng dấp cổ xưa, kiêu kỳ đóng lại như một điều bí mật còn giữ lại cuối chiều Xuân, tôi chẳng biết làm gì tiếp theo bèn men theo lối cũ trở về nơi xuất phát trong tâm trạng bồng bềnh của những đám mây.

Tôi chạy chầm chậm quay trở lại vòng xoay đầy hoa lúc nãy, trong lòng vẫn còn cả niềm vui tươi háo hức  của ngày Xuân chưa lắng đọng pha lẫn chút gì đó bâng khuâng, xao xuyến… dường như tiếng trống múa lân vẫn còn đang dội vào lồng ngực tôi và làm cho trái tim tôi bồi hồi xao động!

Rồi ngày nguyên đán cũng chỉ còn trong khoảnh khắc, những ngọn đèn hai bên đường bỗng rực sáng như những hạt minh châu đính lên hai bên diềm của tấm lụa màu xanh xám khổng lồ. Tôi đi sát vào lề, cành lá mát rượi của nhiều loại cây ven đường lả lướt chạm vào vai, vào tay tôi âu yếm, thân thương như lời tỏ tình của cây cỏ đất đai giữa trời Xuân tràn trề hương mật!

Bài hoan ca mùa Xuân trong tôi chợt trầm lắng dưới ánh sáng giao thoa giữa ngày và đêm trên con phố rộng, trong sự pha trộn giữa tinh khôi và tàn lụi khi những ngọn đèn đường vừa mới được thắp lên và mặt trời lặng lẽ chìm khuất. Lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả về những khoảnh khắc cuối cùng của ngày đầu tiên năm mới, cũng như sự héo tàn đã chớm của loài hoa mang tên vạn thọ dọc khắp phố phường khi trời đất chỉ vừa mới sang Xuân. Những nghịch lý đầy dẫy trong cuộc sống, lẽ vô thường hiển nhiên trên từng sợi tóc, từng bước chân qua, trên nụ xanh, chồi biếc của từng mùa châu ngọc trôi đi… Những điều đó gợi trong tôi một nỗi buồn man mác, một nuối tiếc vô vọng về những gì tươi đẹp sắp trôi qua và sẽ mất đi vĩnh viễn. Những hình ảnh lung linh của cuộc sống sẽ chìm trong ký ức rồi mờ phai sương khói, chỉ còn lại dấu vết mơ hồ dưới lớp bụi thời gian. Hoài niệm của mỗi con người luôn diễn ra trong cõi cô đơn, may ra chỉ có thể chia sẻ được về sự tàn phai của vẻ đẹp và nỗi niềm tiếc nhớ mà thôi.

Dù sao những ý nghĩ đó cũng như những lượn sóng trầm dâng của lòng tôi chỉ thoảng qua nhanh trong cuối ngày mùng một Tết. Đất trời vẫn đang Xuân, mùa của yêu đương đâm chồi nẩy lộc, mùa sinh sôi bất tận của muôn loài vẫn còn nguyên vẹn, dáng Xuân mượt mà chỉ vừa mới đi qua chưa hết ngày đầu tiên với sắc hương nồng nàn còn để lại. Và mùa Xuân của tuổi đời tôi thì còn đang thênh thang phía trước với biết bao ước vọng xanh ngời!

Vậy đó, đôi khi tôi bỗng trở thành ông cụ tuổi hai mươi như lời anh tôi, mặc dù anh chỉ lớn hơn tôi có 5 phút tuổi và cũng có lúc già hơn tôi rất nhiều sau khi anh cùng nhóm bạn chung vốn thành lập công ty sản xuất “Trâu cày Bitcoin” và thăng trầm, điên đảo với những cơn nóng, lạnh điên rồ của đồng tiền ảo. Tôi dám chắc anh cũng chưa đọc tài liệu về ngôi thứ của những cặp song sinh, theo đó có quan điểm cho rằng những em bé sinh sau mới là anh (chị)! Tuy nhiên vì Má tôi đã gọi anh là con trâu chảng (giống trâu lớn dữ dằn có cặp sừng dài và cong vút lên trời) nên anh hẳn nhiên phải là anh hai của tôi thôi!

Tôi đã thức trọn đêm mùng một Tết cùng với anh tôi và một bình rượu nếp cẩm, chúng tôi chuyện trò lan man về đủ thứ đề tài, từ con vi-rút cồ-rô-na và cuộc đua vắc-xin trên thế giới cho tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, từ những điều vụn vặt cho đến chuyện quốc gia đại sự với tư cách của những người trẻ quyết định tương lai đất nước! Bình rượu do chính tay Má tôi ủ với công thức gia truyền từ đời ông tằng tổ nhà tôi chỉ dành cho gia đình và thết đãi họ hàng, thân hữu trong ngày tư ngày tết. Thứ men có một không hai đó đã đưa anh em tôi, hai con trâu của Má, vào giấc ngủ muộn màng rạng sáng mùng hai Tết. Trong mơ tôi thấy tôi cùng cô gái múa lân khiêu vũ trên Mai Hoa Thung với cảm giác bay bổng chưa từng có… Qua một đoạn khác của giấc mơ, hai đứa tôi ngồi rất gần nhau trong một chiếc xe thảo mã chất đầy mai, cúc, vạn thọ… chạy trên con đường liên thôn về nhà ngoại tôi và giữa hương hoa bát ngát tôi đã tặng nàng, không phải một cành hoa, mà là một nhánh lộc non xanh biếc. Tiếng vó ngựa sao nghe giống tiếng trống múa lân trên con đường hoa gấm mà tôi đã đi qua trong chiều mùng một Tết, điều thú vị hơn nữa là người cầm cương con tuấn mã chính là… ông Địa đáng yêu với hai má phúng phính đỏ au và nụ cười bất tuyệt ngoác lên tận mang tai! Tôi vừa nghiêng đầu định lén thơm lên tóc nàng thì tiếng GS Tr. bỗng đâu sang sảng bên tai “Em định làm gì cái đề tài này vậy?!”.

Tôi thức giấc trên bộ ván kê ngoài hiên nhà trong giai điệu bài Happy New Year bất hủ của ban nhạc huyền thoại ABBA phát ra từ điện thoại của anh tôi. Anh đang đứng tựa vào gốc mai đã trải qua ba thế hệ nhà tôi với ly cà-phê thường nhật trên tay. Dưới bóng những cành mai vàng nở hoa rực rỡ, anh nháy mắt cười với tôi như nói rằng đã lại bắt đầu một ngày Xuân mới!

Happy New Year!

Happy New Year!

May we all have a vision now and then

Of a world where every neighbour is a friend

Happy New Year!

Happy New Year!

May we all have our hopes, our will to try(*)

Điệp khúc âm thanh quen thuộc gợi nhớ bao mùa Xuân của cuộc đời, làm bừng dậy kỷ niệm thời niên thiếu từng lắng sâu trong ký ức, ước mơ và hy vọng vụt bay lên như bầy chim én đang chao liệng giữa trời mây xanh thẳm.

Mùa Xuân vẫn đang tràn ngập lòng tôi với tình yêu ngọt ngào say đắm, sẵn sàng hiến dâng trái tim mình cho cả thế giới! Trong niềm vui tươi, háo hức trước bầu trời xán lạn và ánh ban mai trong ngần, tôi thầm gọi…

Mùa Xuân ơi!

K.N

 

(*)

Chúc Mừng Năm Mới!

Chúc Mừng Năm Mới!

Chúc cho chúng ta có một cái nhìn mới trong hiện tại và tương lai

Về một thế giới mà mọi người đều là bạn của nhau

Chúc Mừng Năm Mới!

Chúc Mừng Năm Mới!

Chúc cho chúng ta có nhiều hy vọng, sẵn sàng nỗ lực vươn lên