Đi một vòng thế giới để nhớ vị quê nhà

690

Trên hành trình tới thăm miền đất lạ, người ta không chỉ ngỡ ngàng vì thiên nhiên kỳ vĩ, một tách trà nóng thơm hương hoa cỏ cũng khiến người lữ khách ấm lòng.

Hơn mười năm cầm bút, chinh chiến qua nhiều thể loại, không chỉ được biết đến như một người ham viết và luôn nỗ lực làm mới mình, trong mắt bạn bè văn chương nhà văn Di Li còn là một người khá “ham chơi”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói vui rằng: “Phải phong cho Di Li danh hiệu nữ nhà văn đi chơi nhiều nhất Việt Nam”.

Từ thành Rome cổ kính đến sa mạc Sahara bỏng rát, những chuyến đi với nhiều dư vị ấy đã mang đến cho tác giả của Trại hoa đỏ nguồn năng lượng tươi trẻ để tái tạo và làm mới bản thân. Với Di Li du lịch không chỉ là nhìn ngắm cảnh đẹp ngay trước mắt. Mỗi chuyến đi là một cơ hội để khám phá và học hỏi điều mới lạ. Trong đó, những trải nghiệm về ẩm thực luôn là điều khiến nữ nhà văn thích thú.

Vị ngọt từ nước dùng của tô phở ăn nơi xứ lạ, hay mùi thơm của một tách trà ướp đẫm hương hoa đã để lại trong chị nhiều ấn tượng khó phai. Bộ đôi tùy bút ẩm thực Nửa vòng Trái Đất uống một ly tràTôi đã ăn cả cánh đồng hoa được chắt chiu từ những chuyến đi khắp xa gần ấy.

Bộ đôi tùy bút ẩm thực Nửa vòng Trái Đất uống một ly trà và Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa của nhà văn Di Li. Ảnh: Thái Hà Books

Mới đây, nhà văn Di Li đã có buổi trò chuyện về hai cuốn sách mới tại Khuôn viên Nhà Đại sứ Palestine, số 7 Lê Phụng Hiểu- Hà Nội. Talkshow này có sự góp mặt của: Nhà văn Di Li, Ngài Saadi Salama- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Plestine tại Việt Nam, TS Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Được ăn ngon cũng là hạnh phúc

Nhà Văn Di Li tâm sự: Cô là người “có lộc” về đường ăn uống, thích ăn ngon và hay được người khác mời đi ăn uống. Đã thế, khi được mời ăn đúng món mình thích con người ta thấy hạnh phúc lắm. Bởi vậy, trong những chuyến đi, chị thường cố gắng nếm thử các món ăn truyền thống hay đặc sản vùng miền của địa phương để biết mình có yêu ẩm thực nơi đó không.

Nửa vòng Trái Đất uống một ly trà tập hợp các tùy bút về món ăn của nhiều nước trên thế giới, những vùng đất mà Di Li may mắn được đặt chân tới. Độc giả sẽ cùng nhà văn nếm thử những miếng thịt bò ngọt mềm trứ danh của Kobe, bánh xòe nức tiếng của Osaka cổ kính, hay bỏ qua một chút rùng mình để ăn thử những con cá trích sống ở Rotterdam. Ẩm thực là không giới hạn và nó mang đến cho chúng ta những trải nghiệm khó quên.

Nhà văn Di Li và các khách mời trong buổi trò chuyện. Ảnh: Trịnh Mai

Ngược lại, cuốn sách Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa, lại mang đến cho độc giả những cảm xúc rất thân thuộc, khi đọc những trang viết của Di Li về ẩm thực quê nhà. Đã đi nhiều nơi, nếm thử nhiều món ngon thức lạ, nhưng tác giả vẫn yêu nhất là đồ ăn Việt Nam. Từ những món ngon nổi tiếng vang danh khắp năm châu như phở hay bún chả, đến ly nước sấu thơm lừng nơi vỉa hè, hay bát tào phớ ngọt thanh… tất cả đều quyến rũ vô cùng.

Viết về ẩm thực là cả một nghệ thuật

Trong buổi trò chuyện, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: Viết về ẩm thực khó nhất là dùng từ ngữ làm sao cho độc giả cảm nhận được mùi thơm, hay hương vị ngọt lành của món ăn. Chỉ đọc trang sách mà người ta có cảm giác như đang được ngồi ở quán đó để nếm thử. Có những người viết về ẩm thực tài tình đến nỗi dụ được độc giả ăn món đó. Dù có người ăn xong thấy không ngon như mình đã đọc trong sách.

Di Li tâm sự: Với cô việc diễn tả hương vị của món ăn không khó, cái khó là làm sao vượt qua cái bóng của những bậc tiền nhân đi trước như: Vũ Bằng, Băng Sơn. Dù viết về ẩm thực, nhưng nữ nhà văn vẫn giữ cái “chất” của riêng mình, đó là sự hài hước pha chút ly kì trong trang viết.

Trong buổi trò chuyện này, Ngài Saadi Salama- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Plestine tại Việt Nam muốn gửi tới nhà văn Di Li một lời cảm ơn, ông cho rằng: Những bài viết về ẩm thực của Di Li đã truyền tải những thông điệp đầy nhân văn và tốt đẹp về văn hóa.Qua trang sách, người ta hiểu thêm về đất nước, con người Palestine.

Một số món ăn truyền thống của Palestine được giới thiệu tới độc giả. Ảnh: Thái Hà Books

Song hành với buổi trò chuyện này là Ngày giao lưu văn hóa Palestine, độc giả có thể nếm thử các món ăn truyền thống của quốc gia này, đã được nhà văn nhắc tới trong sách như: hummus, moutabel, tabbouleh… và thưởng thức các điệu múa dân gian, âm nhạc và hội họa của các nghệ sĩ đến từ quốc gia Tây Á này.

Người ta có thể không nhớ rõ những cảnh đẹp đã lướt qua trước mắt, nhưng những món ăn ngon sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng người lữ khách. Dù cho đó là đĩa sushi cầu kì, tinh tế trong một nhà hàng nổi tiếng của Nhật, hay chỉ là quả sấu chín vàng ươm làm người ta dịu di cơn khát trong một hành trình dài.

Hy vọng bộ đôi tùy bút ẩm thực Nửa vòng Trái Đất uống một ly tràTôi đã ăn cả cánh đồng hoa sẽ là món quà tinh thần ý nghĩa cho những độc giả yêu ẩm thực. Mỗi món ăn không chỉ là sự kết hợp của các nguyên liệu, ẩn sâu trong đó là lịch sử, văn hóa và những kí ức khó quên.

Thụy Oanh

(Theo Zing)