Đi tìm Motif huyền thoại trong truyện ngắn đương đại Việt Nam

1582

Phạm Khánh Duy


Tác giả Phạm Khánh Duy.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn học hiện đại và hậu hiện đại là văn học của những ẩn dụ, biểu tượng, thấm đẫm dấu ấn của huyền thoại. Khái niệm huyền thoại (có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là mythos/ muthus) đã được E.M.Meletinsky nêu ra trong quyển Thi pháp của huyền thoạiHuyền thoại là truyện về các vị thần, các nhân vật được sùng bái, hoặc có quan hệ nguồn gốc với các vị thần; về các thế hệ xuất hiện trong thời gian ban đầu, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tạo lập thế giới, tạo lập những nhân tố của thế giới – thiên nhiên và văn hóa.

Điểm cốt yếu của cách lí giải trên là các vị thần  tạo lập thế giới. E.M.Meletinsky đã ngầm khẳng định thời đại xuất hiện của huyền thoại là thời nguyên thủy, khi con người vẫn còn đang mơ hồ về thế giới tự nhiên và tìm mọi cách để lí giải nó bằng những hình tượng, hiện tượng siêu nhiên như thần linh, thủy tổ,… Quan điểm của Plato – nhà triết học Hy Lạp cổ đại – đưa ra có phần đi ngược lại Melentinsky, nói đúng hơn là phê phán. Trong bài viết Để góp phần nghiên cứu Huyền thoại và thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học, Chu Xuân Diên có khẳng định: Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon cũng đã từng có thái độ phủ nhận huyền thoại vì cho rằng huyền thoại làm cho con người lạc lối, lầm đường. Thái độ phủ nhận huyền thoại của Plato cũng có cơ sở bởi hình tượng các vị thần, những câu chuyện thần bí lí giải sự tạo lập của thế giới dễ khiến con người sùng bái, mụ mị nếu niềm tin của họ vượt qua mức cho phép. Mircea Eliade cũng đã đưa ra định nghĩa huyền thoại bằng cách nhấn mạnh mối quan hệ giữa tính chất linh thiêng và có thật của huyền thoại: Huyền thoại được coi là một câu chuyện linh thiêng, và vì thế là “một câu chuyện đúng thật” (vrai), bởi vì nó luôn luôn dựa vào những hiện thực. Huyền thoại về sự sáng tạo vũ trụ là “đúng thật” bởi vì sự hiện hữu sờ sờ ra đó của Thế giới là đã nhằm chứng minh điều đó; huyền thoại về nguồn gốc cái chết cũng “đúng thật” bởi vì sự chết của con người chứng minh điều đó, và cứ tiếp tục như thế. Khác với Meletinsky, Mircea Eliade đã bản lĩnh đứng về “một phía” để khẳng định huyền thoại là có thật và cuộc sống con người đã chứng minh cho sự “đúng thật” của huyền thoại.

Định nghĩa của nhóm học giả theo quan điểm Macxit lại cho rằng huyền thoại là hiện tượng văn hóa nguyên thủy có tính nguyên hợp, là mầm mống của các hình thái ý thức xã hội: triết học, tôn giáo, nghệ thuật. Huyền thoại là nghệ thuật không/vô ý thức, là tiền sử của văn học. Văn học có cội nguồn từ huyền thoại, và trong tiến trình phát triển của văn học luôn sử dụng, phát triển, chuyển hóa huyền thoại, dẫn đến sự hình thành những phương thức, kỹ thuật sáng tạo của huyền thoại. Vào thế kỉ XX, các nhà văn đã sử dụng huyền thoại như một chất liệu để sáng tác văn học. Từ đó hình thành một số xu hướng, phương pháp sáng tác như: huyền thoại hóa, nhại huyền thoại, giải huyền thoại, phê bình huyền thoại. Ở Việt Nam, huyền thoại đã có từ thuở hồng hoang, khi con người còn băn khoăn trong việc lí giải thế giới nên đã sáng tạo nên những câu chuyện mang tính thần bí để hình thành “đức tin” trong tâm thức của mình.

Tương tự, huyền thoại hóa là quá trình tạo lập huyền thoại, chuyển hóa huyền thoại trong văn chương. Nói như Rolland Barthes: Huyền thoại hóa là một vận hành có nhiệm vụ biến những hiện tượng ngẫu nhiên mang tính lịch sử trong một nền văn hóa hình thành những câu chuyện, những điều thiêng liêng, thần thánh, hoặc những chân lí hiển nhiên, không còn gì thắc mắc hay đáng nghi ngờ. Huyền thoại hóa tạo nên “Doxa” (Doxa: giọng nói của tự nhiên). Trong bài viết mang tên Huyền thoại của Daniel – Henri Pageaux (Nguyễn Thị Thanh Xuân lược dịch) cũng đã lí giải khái niệm huyền thoại hóa là quá trình huyền thoại thâm nhập vào văn học và như một vật liệu đi vào văn bản. Quan niệm này cũng khẳng định huyền thoại là một chất liệu của sáng tác văn học. Những tác phẩm văn học sau này mượn huyền thoại để đưa vào văn chương, hình thành nên phương thức sáng tác huyền thoại. Ngược lại với quá trình huyền thoại hóa là giải huyền thoại. Ở đây, con người đã tìm cách xóa bỏ những huyền thoại vô lí, lệch lạc hoặc phần không thực của nó, hóa giải những sai lầm để tìm ra sự thật. Nói như Roland Barthes: Giải huyền thoại chính là nỗ lực chống lại sức mạnh khống chế của doxa

Thế kỉ XIX, nhà nghiên cứu người Nga A.N.Veselovsky trở thành người đầu tiên sử dụng khái niệm motif. Veselovsky là đại diện của trường phái thi pháp học lịch sử trong nghiên cứu folklore học. Trong quyển Thi pháp học lịch sử, Veselovsky khẳng định motif là yếu tố cố định và luôn có trước cốt truyện, các motif kết hợp với nhau tạo thành cốt truyện đặc sắc trong tác phẩm văn học. Phát hiện của Veselovsky được xem là phát hiện quan trọng trong nghiên cứu văn chương. Nhà nghiên cứu folklore người Nga E.M. Meletinsky trong công trình Nhân vật truyện cổ tích thần kì – nguồn gốc hình tượng đưa ra nhận định, đại ý: motif là hạt nhân của hành động. Meletinsky đã chia motif thành hai loại: motif cổ xưa và motif sinh hoạt xã hội, trong đó các motif cổ xưa là cái cốt lõi còn các motif sinh hoạt thì thường làm thành đường viền, cái khung của cốt truyện. Motif huyền thoại là những yếu tố cố định có khởi nguồn từ những câu chuyện kể về các vị thần, nó là một “công thức” mang tính ước lệ, đồng thời cũng là biểu trưng nghệ thuật của một cốt truyện. Motif huyền thoại được các tác giả văn học hiện đại kế thừa và sử dụng một cách sáng tạo.

Motif giấc mơ, dự báo, linh cảm

Thời xa xưa giấc mơ đã đi vào tâm thức của người nguyên thủy gắn với ý niệm về linh hồn. Điều này đã được E. Tylor chứng minh trong quyển Văn hóa nguyên thủy. Đầu thế kỷ XX phân tâm học ra đời, Freud là đại diện xuất sắc của lĩnh vực phân tâm học, ông cho rằng: giấc mơ trọn vẹn là sự thay thế của một biến cố vô thức bằng một biến cố đã biến dạng. Giải mộng tức là khám phá ra vô thức này (Dẫn theo Thụy Khuê, Phê bình văn học thế kỉ XX, 2017, NXB Hội nhà văn, tr.94). Trong truyện ngắn đương đại Việt Nam, giấc mơ xuất hiện với nhiều dạng thức và ý nghĩa khác nhau. Những giấc mơ này vừa là sự kế thừa từ văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, vừa gắn liền với việc khắc họa đời sống nội tâm của nhân vật. Đồng thời giấc mơ trong văn chương đã làm thay đổi đáng kể phương thức trần thuật của nhà văn. Giấc mơ chính là một motif xuất hiện nhiều trong văn chương nghệ thuật.

Motif giấc mơ trong văn học đôi khi xuất hiện khi nhân vật đang ngủ say, mơ về một điều gì mà khi thức nhân vật đó suy nghĩ, lo lắng; đôi khi lại xuất hiện bằng dạng thức của sự báo mộng, dự báo trước những chuyện sẽ xảy đến trong hành trình sắp tới (minh chứng là giấc mơ của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, mộng thấy Đạm Tiên về báo trước tai ương). Hay giấc mơ xuất hiện qua dạng thức của linh cảm về chuyện chẳng lành hoặc điều may mắn. Motif giấc mơ xuất hiện trong truyện ngắn Người sót lại giữa rừng cười của Võ Thị Hảo, bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, xuất sắc, Võ Thị Hảo đã tái hiện lại tâm hồn và khát khao của những cô gái sống và chiến đấu trong khu rừng mang tên “rừng cười”. Người đọc ngỡ rằng “rừng cười” vì nó tràn đầy niềm vui, nhưng không, tên là “rừng cười” nhưng đó lại là khu rừng đau thương đầy những vết tích của chiến tranh. Khu rừng đó đã cướp đi mái tóc đẹp, nước da hồng hào của năm cô gái và sau này Thảo là cô gái thứ sáu bị tước đi những gì tươi đẹp nhất của một người con gái. Ở khu rừng đó, năm cô gái (trừ Thảo) đã bị mắc căn bệnh quái ác  vừa cười vừa xé áo, bị ba anh bộ đội trông thấy, các cô xấu hổ và chạy trốn vào trong rừng. Chiến tranh đã cướp đi của những người con gái trẻ trung ấy tuổi thanh xuân, những khát khao, mộng mơ tưởng chừng như bình dị nhất. Chiến tranh cũng cướp đi mạng sống của năm cô gái trẻ, khắc lên Thảo hình hài nhếch nhác, xác xơ: Thảo vẫn giữ được những đường nét bẩm sinh. Nhưng đôi mắt cô như mắt của người đang đi trong một giấc mộng dài. Làn da xanh tái vì những cơn sốt rừng. Khuôn mặt chỉ sinh động lên mỗi khi côcười, mà những nụ cười thường hiếm hoi.Cô thường so đôi vai gầy,nép mình trong góc giường tầng để viết nhật ký. Trong những cuộc đối thoại, cô thường lơ đễnh. Giấc mơ được nhắc đến trong truyện ngắn Người sót lại giữa rừng cười là giấc mơ của Thảo, đó là hai loại giấc mơ: một loại giấc mơ thời thơ bé, cô thấy may mắn nhất là nhặt được cặp ba lá, khá nữa là nhặt được trứng vịt đẻ rơi. Còn trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của chị Thắm, và từ trong đám tóc rối ấy lấy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thuỷ tinh, đập mãi không vỡ. Đến đây, cô hét lên và tỉnh dậy, nắm chặt lấy hai thành giường lạnh buốt. Những dấu ấn đẹp và trong sáng của thuở ấu thơ và những đau thương, khổ hạnh thưở thanh xuân đã ám ảnh trong đời sống vô thức của nhân vật Thảo để khi Thảo sống sót (sót lại giữa rừng cười), Thảo đã không thể trở lại với hiện thực được nữa mà cứ sống về quá khứ đau thương, về những vết thương chiến tranh để lại trên cơ thể của đồng đội cô và chính cô. Ám ảnh đó đã tạo thành những giấc mơ, thành hành vi tâm lí, thúc đẩy thành hành động dữ dội: cô hét lên và tỉnh dậy, nắm chặt lấy hai thành giường lạnh buốt. Rõ ràng ẩn ức của Thảo đã dâng lên đỉnh điểm. Thông qua motif giấc mơ trong truyện ngắn Người sót lại giữa rừng cười, nhà văn Võ Thị Hảo đã gióng lên tiếng kêu đau xót của những người bước ra từ cuộc chiến. Bên cạnh những vinh quang thì đau thương cũng là điều mà họ mang gánh. Đó là những vết thương sâu và không thể nào chữa lành được. Những ám ảnh và khổ đau của người sống sót sau cuộc chiến đã khiến họ khó có thể hòa nhập được với cuộc sống mới như nhân vật Thảo.

Trong bài viết Những giấc mơ sinh bệnh ở các xã hội ngoài phương Tây, Georges Devereux có nhấn mạnh: Tôi thật sự tin rằng không hề có một nghiên cứu nào thật đầy đủ về các lý thuyết bản xứ có liên quan với các giấc mơ, ngay cả về người River Yuman thường hướng tới giấc mơ và bị nó ám ảnh – mặc dầu các nhà tộc người học cổ điển cũng như các nhà tộc người học theo thuyết phân tâm đã nghiên cứu một cách có hệ thống về đời sống chiêm bao của họ. Thực tế là mỗi cuộc nghiên cứu mói lại cho thấy rằng lý thuyết về chiêm bao của họ phức tạp hơn nhiều so với điều ta thưởng thức trước đó. Thật chất giấc mơ là một điều không dễ dàng để nghiên cứu bởi nó xuất hiện trong tiềm thức con người. Khi đó, việc khai thác, lí giải đời sống vô thức của nhân vật dựa trên cơ sở những ẩn ức tính dục, những khao khát có tính bản năng của con người chính là một thách thức của các nhà nghiên cứu, nhà phân tâm học.

Sự ám ảnh vô thức của nhân vật chính trong truyện ngắn Ánh trăng của Nguyễn Bản là một minh chứng cho vấn đề vô thức chứa đựng bản năng sinh tồn và tính dục mà Freud từng đặt ra. Hình ảnh người chị dưới ánh trăng trở nên xinh đẹp và đầy quyến rũ đã đánh thức những rung cảm và bản năng của nhân vật “tôi”. Dưới ngòi bút miêu tả độc đáo của Nguyễn Bản, người chị hiện lên như một nàng tiên thôi miên nhân vật “tôi” từ cái thuở thiếu thời: ánh trăng tràn qua màn tuyn tưới lên mái tóc và cơ thể chị. Chị nằm nghiêng, quay về phía tôi, khuôn mặt tuyệt đẹp hơi ngửa lên để hứng trăng, hai tay vươn ra như đang đón ai, đùi nọ ấp hờ đùi kia, hơi thở nhẹ nhàng. Từ người chị tỏa ra mùi phấn rôm và ánh trăng cũng như tràn ra từ đấy. Hình ảnh và mùi vị ấy đã đánh thức các giác quan của đứa con trai đang tuổi tò mò chuyện xác thịt, nó ám ảnh trong giấc mơ niên thiếu của cậu: có lần nhân vật “tôi” đã mơ thấy chị và gọi chị. Những khao khát có tính bản năng đã thúc đẩy thành hành vi giải tỏa trong giấc mơ của nhân vật “tôi”. Hơn hết, hình ảnh và mùi hương của chị dưới ánh trắng đã ám ảnh cả vào cuộc đời của nhân vật “tôi” đến khi “tôi” có vợ và bỏ vợ cũng chỉ vì mãi hồi tưởng về cái hình ảnh xinh đẹp của người chị năm nào. Kết thúc truyện là hình ảnh nhân vật “tôi” đi tìm chị trong ánh trăng, tìm mùi hương đã từng đánh thức bản năng đàn ông của “tôi”, tìm hình ảnh khiến nhân vật “tôi” say đắm suốt một đời: tôi vẫn đi tìm trong ánh trăng, ánh trăng từ chị hắt ra đêm hôm ấy, cái đêm tôi còn làm một thiếu niên trong trắng, ngây thơ, ánh trăng và mùi phấn rôm làm tôi xao xuyến, lao đao mãi trong đời.

Đặt giấc mơ của nhân vật Thảo trong truyện ngắn Người sót lại giữa rừng cười của Võ Thị Hảo và giấc mơ của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Ánh trăng của Nguyễn Bản, người tiếp cận nhận ra những trải nghiệm cuộc sống trong một thời điểm nhất định đã ám ảnh mãi trong đời sống vô thức của cả hai nhân vật. Giấc mơ của nhân vật Thảo hướng về ấu thời tươi đẹp, về tuổi trẻ tham gia vào cuộc kháng chiến và chứng kiến những thương đau mà mình và đồng đội phải hứng chịu, những mất mát, thương đau. Giấc mơ của nhân vật “tôi” hướng về thời niên thiếu, giấc mơ ấy cứ theo mãi nhân vật này và nhân vật này chỉ mơ duy nhất một hình ảnh đẹp. Giấc mơ của “tôi” trong truyện Ánh trăng do những ẩn ức tính dục, khao khát bản năng gây ra; còn giấc mơ của Thảo trong truyện Người sót lại giữa rừng cười lại mang thiên tính nữ, mang hình hài của nỗi đau. Và dù là giấc mơ nào đi nữa cũng dẫn nhân vật đến cái kết xót xa: Thảo không thể hòa nhập được với cuộc sống mới, đánh mất tình yêu; “tôi” đổ vỡ trong hôn nhân, sống cuộc đời đơn độc và hoài niệm quá khứ. C.G. Jung đã lí giải thuyết phục những ẩn ức thơ ấu mà khi đặt hai nhân vật trên (Thảo và “tôi”) vào lý thuyết đó thật thích hợp: Ẩn ức là một quá trình hình thành từ tuổi ấu, nó giống như tiếng vang bên trong đáp lại ảnh hưởng tinh thần của những người thân thích và kéo dài suốt đời.

C.G. Jung đã từng nói: Giấc mơ chứa đựng những hình ảnh, những cấu trúc và những chuỗi ý tưởng không được tạo ra bằng những ý định hữu thức. Chúng nảy sinh tự phát, mà không có sự góp phần của cái Tôi, chúng biểu hiện một hoạt động tâm thần không có sự chủ động và sự chi phối của ý thức. Vì thế, giấc mơ là sản phẩm tự nhiên của tâm thần. Đồng thời Jung cũng khẳng định: Theo lý thuyết của Freud, những yếu tố này chỉ được tạo nên từ xu hướng trẻ con, và do những xu hướng này không thể đi đôi với những nhân tố hữu thức của tâm thần nên bị dồn nén (ẩn ức). Ẩn ức là một quá trình hình thành từ tuổi ấu, nó giống như tiếng vang bên trong đáp lại ảnh hưởng tinh thần của những người thân thích và kéo dài suốt đời. Lí giải motif giấc mơ trong truyện ngắn đương đại Việt Nam là giải quyết vấn đề đời sống vô thức của nhân vật, rộng hơn là của nhà văn. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu văn chương theo xu hướng phân tâm học, từ đó phát hiện ra chiều sâu của tác phẩm và cái tài của nhà văn.

Motif đợi chờ

Sự chờ đợi cũng là một motif trong sáng tác văn học. Tiếp cận truyện ngắn đương đại Việt Nam, người đọc nhận ra motif đợi chờ đã được các nhà văn vận dụng để xây dựng cốt truyện của một tác phẩm văn học. Cũng như motif giấc mơ, motif sự đợi chờ xuất hiện trong văn chương với nhiều dạng thức. Các nhà văn lớn trên thế giới đã từng vận dụng motif đợi chờ để sáng tác nên những tác phẩm có giá trị, một trong những tác phẩm đáng kể đến là Waiting for Godot (dịch ra là: Chờ đợi Godot hay Trong khi chờ Godot) của nhà văn Samuel Backett (nhà văn này đã từng đoạt giải Nobel Văn học). Tác phẩm kể về hai người đàn ông suốt một đời chờ đợi Godot đến nhưng chẳng biết Godot là ai (Godot ở đây có thể hiểu là God – Chúa Trời). Đây là tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa phi lí trong văn chương.

Sự chờ đợi có thể diễn ra trong một khoảnh khắc, một ngày, một giờ, một năm hoặc suốt đời người. Đối tượng của sự chờ đợi có thể được hình dung cụ thể, cũng có thể không phải là một hình dung chính xác như Godot trong tác phẩm kể trên, song nó có tác động rất lớn đến cảm xúc, quan điểm nhân sinh, mục đích sống của nhân vật mang tâm thế chờ đợi. Ở Việt Nam, huyền thoại về sự chờ đợi không phải là hiếm hoi. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã từng viết:

Giọt sương vai áo đầm đìa

Hay là nước mắt thảm thê hỡi nàng?

Vời trông xa tít mênh mang

Mòn con mắt đợi bóng chàng biệt tăm

Lời thơ trên gợi nhắc đến huyền thoại nàng Tô Thị bồng con đợi chồng trở về, một trong những khởi nguồn của motif chờ đợi trong sáng tác văn học. Nàng Tô Thị có chồng đi lính chiến, nàng ở nhà thủy chung chờ đợi mỗi ngày bồng con ra đứng ngóng chồng về, nhưng chồng nàng bặt vô âm tín. Nàng đợi mãi, cuối cùng nàng cùng con hóa đá, người đời sau gọi là đá Vọng Phu (Hòn Vọng Phu). Sự chờ đợi thể hiện lòng thủy chung son sắt, một mực giữ tròn đạo nghĩa vợ chồng của nàng Tô Thị. Nàng Tô Thị là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng. Sự hóa đá thân thể thực chất là vĩnh cửu hóa sự chờ đợi của người phụ nữ.

Tiểu Quyên đã vận dụng motif đợi chờ trong truyện ngắn Tìm – một truyện ngắn lấy bối cảnh sông nước miền Tây. Nhân vật chính trong truyện ngắn này là Ngần – người đàn bà có chồng, có con nhưng chồng chị say đắm những người đàn bà khác bỏ mẹ con chị mà lang bạt khắp nơi. Ngần mang trên mình những nỗi đau, có nỗi đau xác thịt mà Ngần nhận lấy trong cái ngày bị người ta kẹp dao lam trong kẽ tay đi ngang vuốt mặt làm máu chảy ròng ròng với một lí do hết sức vô lí: vợ bé của chồng Ngần ghen tuông với người vợ mà chồng Ngần hỏi cưới đúng phong tục hôn nhân của người Việt. Có nỗi đau tâm hồn mà Ngần gánh chịu, nỗi đau này còn nặng hơn cả nỗi đau xác thịt: Vết sẹo khuôn mặt không đau bằng vết sẹo theo năm tháng vẫn không chịu lành mà rướm máu hoài trong tim Ngần. Những tưởng Ngần sẽ từ bỏ người chồng không xứng đáng là chồng đó, nhưng không, chị vẫn đợi chờ chồng trở về. Motif chờ đợi đã được Tiểu Quyên xây dựng theo lối truyền thống, nghĩa là người đàn bà đợi chồng quay về trong một thời gian dài. Tuy cách kết cấu không mới nhưng cảm xúc mà Tiểu Quyên trao cho nhân vật lại ám ảnh tâm can người, khiến người đọc vừa trách lại vừa thương xót cho Ngần vì chị cứ mãi đợi chờ người chồng bội bạc. Thời gian chờ đợi được Tiểu Quyên nén lại và khắc họa bằng chi tiết những nhát dao phay (mỗi nhát dao tượng trưng cho một mùa trăng Ngần chờ đợi): Góc cột trước hiên nhà hằn lên những dấu vạch suốt mấy mùa trăng. Những đêm con ngủ say trong mùng, Ngần bắc ghế ngồi ngoài hiên nhìn lên bầu trời, vầng trăng quê sáng vằng vặc rọi qua hiên nhà một góc cô liêu. Ngần mang con dao phay ra chặt một nhát thật sâu lên cột nhà. Sự đợi chờ của nhân vật Ngần không phải mù quáng, nó thoát thai từ lòng vị tha, bao dung, sự độ lượng của một người vợ. Bởi nhà văn Tiểu Quyên là người phụ nữ miền Tây, hồn đất và nét người miền Tây hồn hậu, thủy chung và dễ thứ tha đã ăn sâu vào tâm hồn của chị, nó định hình thành quan điểm nghệ thuật của chị. Khi đọc những truyện ngắn của Tiểu Quyên, người đọc nhận ra sự vị tha là một nét tính cách của nhân vật nữ, dù trải qua bất cứ hoàn cảnh nào thì người phụ nữ của chị vẫn vị tha. Tính nhân văn trong sáng tác của Tiểu Quyên nhờ sự vị tha là đôi cánh để đi vào lòng người.

Motif chờ đợi được các nhà văn bước ra từ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ tâm đắc trong quá trình xây dựng thân phận con người thời hậu chiến. Cả một thế giới đàn bà đã sống trải bao thời gian qua, chiến binh dường như đang hội tụ về đây, mỗi người một ngọn núi, đang đứng một mình vò võ, chon von trên các chóp núi đá cao ngất, người ôm con bên nách, người bế con trước ngực, người cõng con sau lưng, người hai tay buông thõng xuống, mặt quay về đủ các hướng, các ngả chân trời có súng nổ, lửa cháy – Đó là câu văn xúc động trong truyện ngắn Cỏ lau của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ông là một trong số những nhà văn tái hiện xuất sắc thân phận con người sau cuộc chiến. Thai là nữ nhân vật chính trong câu chuyện này. Nỗi đau của con người thời hậu chiến được tác giả khắc họa xúc động khi đặt nhân vật Thai vào một hoàn cảnh vô cùng éo le, bi đát: Thai và chồng là Lực cưới nhau chưa bao lâu thì Lực đi tập kết. Vợ chồng Thai xa nhau suốt tám năm ròng, tám năm Thai vò võ trông tin chồng nhưng vô vọng, Thai tưởng chồng đã bị địch giết hại trong một lần thâm nhập lại quê hương và xác Lực bị quăng xuống sông, không nhận ra nhân dạng. Sau đó, Thai đã kết hôn với Quảng – người đàn ông một lần đổ vỡ trong hôn nhân. Lấy Quảng nhưng chưa bao giờ Thai nguôi nhớ Lực, chưa bao giờ Thai thấy mình hết lỗi lầm với người chồng cũ, Thai đã chờ đợi Lực trở về. Nếu người đàn bà đó không tái giá mà ở vậy chờ chồng thì có lẽ sẽ đúng kiểu đợi chồng hóa đá như trong huyền thoại về núi Vọng Phu. Nhưng người đàn bà ấy đã tái giá, dẫu sao cũng không vẹn lòng thủy chung với người chồng của mình. Thai đã đợi chờ trong cảm giác tội lỗi. Với Quảng, Thai là một thứ đàn bà cổ. Những người đàn bà chờ chồng có thể hóa đá, nhưng Thai không thể hóa đá để góp mình vào cái thế giới đàn bà đã sống trải bao thời gian qua, chiến binh dường như đang hội tụ về đây, mỗi người một ngọn núi, đang đứng một mình vò võ, chon von trên các chóp núi đá cao ngất, người ôm con bên nách, người bế con trước ngực, người cõng con sau lưng, người hai tay buông thõng xuống, mặt quay về đủ các hướng, các ngả chân trời có súng nổ, lửa cháy. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu được xem là người mở đường cho tinh anh và tài năng nhất nước ta. Ở sáng tác của Nguyễn Minh Châu, người đọc luôn tìm thấy điều bất ngờ, đôi khi trái khoáy, khác hẳn với suy nghĩ thông thường của nhiều người. Người đọc không thể tìm thấy mẫu hình người đàn bà chờ đợi chồng và hóa đá ở Thai như nàng Tô Thị năm xưa, Nguyễn Minh Châu đã mượn motif chờ đợi và làm mới nó cho phù hợp với thời đại. Nhà văn này đã chính thức viết lời ai điếu cho một nền văn học minh họa để đi sâu vào góc khuất của con người, cả những mảng tối tăm mà văn học thời kì trước hạn chế khai thác. Vì thế motif người đàn bà đợi chồng trong truyện ngắn Cỏ lau không phải là sự sao chép, bê nguyên xi motif nàng Tô Thị đợi chồng đi đánh trận trở về mà hóa đá dù nhà văn tiếp thu motif đợi chờ từng được các tác giả khác tái hiện rất đạt trong sáng tác của họ.

Motif đợi chờ còn được Võ Thị Hảo xây dựng trong truyện ngắn Người sót lại giữa rừng cười. Nhân vật Thảo – cô gái trẻ đi chiến đấu ở Trường Sơn vẫn có niềm tin mãnh liệt vào sự đợi chờ của người yêu (Người yêu em chung thủy lắm nhé. Em thế này chứ giá như có bị trọc đầu thì anh ấy vẫn yêu cơ mà). Niềm tin đó đã giúp Thảo vượt tất cả những chông gai trong cuộc sống, nỗi đau, sự mất mát hi sinh. Sự thật là người yêu của Thảo vẫn chờ đợi cô trở về, vẫn dang rộng vòng tay đón đợi: Họ cũng hẹn hò, đưa nhau đi chơi mỗi tối thứ bẩy, trên con đường trồng phi lao ngập đầy ánh trăng. Thành đã giữ lời thề thốt yêu đương ngày trước. Anh săn sóc Thảo chu đáo, ân cần. Song, kết quả của sự đợi chờ đó không phải là cái kết viên mãn của một mối tình đã vượt qua sự thách thức của chiến tranh. Tình cảm mà Thành dành cho Thành cũng không còn là tình yêu lứa đôi thuở trước nữa mà trở thành niềm thương hại. Kết quả của sự đợi chờ trong tình yêu của Thành và Thảo là tình yêu nhạt nhòa, sự thương hại trở thành tình cảm chủ đạo: mỗi lần gặp nhau, cả hai đều ngượng ngập, như cảm thấy có lỗi, như không còn chuyện gì để nói. Mỗi thứ bẩy, Thảo vừa mong lại sợ. Cô không còn thấy lại ánh mắt long lanh vụt sáng mỗi lần Thành gặp cô như ngày xưa. Và rồi họ đã xa cách nhau như một điều tất yếu. Chiến tranh đã làm cho đôi lứa phải xa cách, khiến những mối tình đẹp đẽ đã tan chiến như mây khói, con người ôm vào lòng những nỗi đau không thể nào chia sẻ được. Nhân vật Thảo may mắn sống sót, cô được quay về quê hương, được gặp lại người mình yêu thương. Nhưng đằng sau cuộc gặp gỡ ấy là những chuỗi ngày đau thương còn kinh khủng hơn những chuỗi ngày sống trong rừng cười cùng năm cô gái mắc chứng bệnh quái ác. Thân phận con người thời hậu chiến và nỗi đau mà chiến tranh gây ra (cả về thể xác lẫn tinh thần) đã được Võ Thị Hảo gợi lên qua câu chuyện.

Motif nạn hồng thủy

Từ lâu, đại hồng thủy vốn là nỗi lo lắng của con người. Người ta sợ những trận đại hồng thủy bởi vì họ quan niệm vị thần nào đó bất bình trước hành vi ứng xử của con người nên đã gây ra cảnh ngập nước, khắp nơi chìm trong biển nước. Đại hồng thủy đã hủy diệt mọi thứ, xóa nhòa đi bóng dáng của sự sống, nhấn chìm con người. Bởi thế, con người thường sợ hãi khi nghe nhắc về đại hồng thủy, đồng thời liên tưởng đến một vị thần nào đó trong huyền thoại xa xưa gắn liền với nguồn gốc của nạn đại hồng thủy. Thời gian trôi qua, lớp bụi thời gian đã phủ mờ những huyền thoại xưa cũ được tạo thành từ tâm thức, suy nghĩ, sáng tạo của người nguyên thủy. Song huyền thoại về nạn đại hồng thủy vẫn còn được nhắc lại. Đại hồng thủy đi vào trong văn chương từ cổ chí kim, từ xưa đến nay, nó trở thành một motif trong sáng tác văn chương của văn nghệ sĩ.

Huyền thoại về đại hồng thủy được khởi phát từ đâu, nguyên căn của nó như thế nào? Đào Ngọc Chương đã tìm cách lí giải nguồn gốc của đại hồng thủy trong quyển Phê bình văn học. Tác giả này đã khám phá tư duy nguyên thủy của nhiều cộng đồng dân tộc trên thế giới về nạn đại hồng thủy, với người Hy Lạp, nạn đại hồng thủy bắt đầu từ việc thần Zeus muốn tiêu diệt loài người vào thời đại Đồ Đồng, Promete khuyên con trai Deucalion hãy làm một chiếc rương hoặc thuyền, chất đầy thức ăn vào bên trong sau đó nhốt mình và vợ vào. Zeus dội mưa xuống hạ giới và cuốn trôi hầu như toàn bộ Hy Lạp, số người chết rất nhiều, riêng Deucalion và Pyrrha (con gái thần Epimete) không chết. Huyền thoại của người Bhil (sống ở Ấn Độ) gắn với chuyện người em gái múc nước từ dòng suối, kết bạn với con cá Ro và cho cá ăn thóc, con cá mách cho cô việc toàn bộ nước trên Trái Đất sẽ bị đảo lộn, khuyên người em gái và người anh trai nên bước vào lồng, mang theo hạt giống và nước cùng một con gà trống. Mưa trút xuống thành từng luồng nước dữ dội, trời và đất nhập lại thành một, loài người chết sạch chỉ riêng người anh trai và người em gái không chết. Họ đã vượt qua thử thách của nạn đại hồng thủy, loạn luân và trở thành tổ tiên của loài người.

Mỗi quốc gia dân tộc sẽ có cách lí giải về nạn đại hồng thủy khác nhau, trở lại với Việt Nam, thời xa xưa người Việt Nam cũng tìm cách để giải thích về những cơn đại hồng thủy. Người Khơ – mú có Chuyện quả bầu là một trong những sự lí giải về nạn đại hồng thủy này: Ngày xưa có hai vợ chồng đi rừng bắt được một con dúi, dúi xin tha và báo cho hai vợ chồng trời sắp mưa to, khuyên hai vợ chồng nên khoét rỗng ruột cây, chui vào và mang theo thức ăn nước uống. Lời dúi nói đúng như sự thật, sau khi hai vợ chồng đã trú ngụ an toàn trong cái ruột cây thì trời đất bão giông, cây cối, người vật chết hết cả, chỉ còn hai vợ chồng sống sót. Người vợ sinh ra quả bầu và từ trong quả bầu các dân tộc anh em lần lượt bước ra. Câu chuyện giản đơn và nhuốm màu huyền thoại, song đó là một trong số ít những câu chuyện huyền thoại ở Việt Nam lí giải nạn đại hồng thủy kinh hãi này.

Nhiều truyện ngắn đương đại Việt Nam xuất hiện với motif đại hồng thủy. Nước như nước mắt – câu chuyện tưởng chừng như dung dị của Nguyễn Ngọc Tư vẫn đủ sức ám ảnh người đọc. Đó là những ám ảnh sông nước, ám ảnh về cái mùa nước lũ là một motif biến hóa từ nạn đại hồng thủy nhưng ở mức độ thấp hơn. Thông qua cốt truyện gay cấn, Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện sự xâm thực của nước biển, người nông dân bị đẩy vào tình cảm trớ trêu. Bằng những chất liệu lấy từ đời sống hằng ngày cùng văn phong mộc mạc, giản dị nhưng giàu sức gợi, Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện bức tranh mùa nước nổi với những nét vẽ rất thực, thiên nhiên đến lúc phải nổi giận và lấy lại những gì nó đã cho con người: Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn Tết trên ghe. Motif đại hồng thủy trong truyện ngắn Nước như nước mắt không phải là một trận vần vũ đất trời như Kinh Thánh hoặc những huyền thoại xa xưa kể lại, nước trong truyện Nguyễn Ngọc Tư biến tính qua nhiều giai đoạn, mỗi ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống con người. Cái tình cảm thảm hại vì nước lũ đã được Nguyễn Ngọc Tư lột tả chân thật trong truyện ngắn của mình. Nước lũ như chờ sẵn để hằng năm liên tục đổ về xô đẩy con người đến bước đường cùng, phận người nhỏ nhoi lênh đênh chênh vênh trên dòng nước lũ, dẫu con người đầy khát vọng, muốn bám víu cuộc đời nhưng cũng không hề dễ dàng bởi cứ mỗi năm nước đuổi lại sớm hơn, mùa mỗi năm lại dài hơn; nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, trên bờ bãi, ngấm vào chân ruộng… đắp tới đâu, nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu, nước ngập tới đó. Nước trở thành biểu tượng của sự hủy diệt truy tận cùng đường sống của con người (cơi nhà tới đâu, nước ngập tới đó), mặc dù sự hủy diệt ấy không đáng sợ và nhanh chóng như những trận đại hồng thủy trong huyền thoại xưa cổ. Mượn motif đại hồng thủy trong huyền thoại và biến hóa nó thành một câu chuyện khác giản dị, gần gũi nhưng thấm sâu vào lòng người, Nguyễn Ngọc Tư đã gửi gắm một thông điệp nhỏ liên quan đến sinh thái: con người không biết trân trọng thiên nhiên, mẹ thiên nhiên đang dần lấy đi những gì mà mẹ đã ban phát cho con người. Motif đại hồng thủy trong sự biến tấu của các tác giả đương đại ít nhiều gắn với vấn đề sinh thái bởi nó hợp thời, đúng hoàn cảnh, đúng lúc môi trường đang cất lên tiếng nói tự nó cầu cứu lấy màu xanh và sự trong lành. Bởi thế, lý thuyết phê bình sinh thái cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với người nghiên cứu khi khám phá những vấn đề liên quan đến môi trường mà nạn đại hồng thủy là một phân nhánh của vấn đề rộng lớn: môi trường sinh thái. Dường như việc sử dụng motif đại hồng thủy trong truyện ngắn Nước như nước mắt vẫn chưa đủ, chưa thỏa với Nguyễn Ngọc Tư. Năm 2020, khi tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệm sáng tác của chị ra đời (tiểu thuyết Biên sử nước), một lần nữa motif ấy được nữ nhà văn vận dụng và viết với quy mô lớn hơn, bao quát hơn và ít nhiều tiểu thuyết Biên sử nước nhuốm màu huyền ảo. Nổi bật trong tiểu thuyết này là hình ảnh của một đứa con mất mẹ lưu lạc quay về nhìn gia đình cha mình và người mẹ kế. Một nhà báo theo đuổi một huyền thoại và viết từng kỳ cho tòa soạn đọc theo từng chuyến xe đò. Một cộng đồng giang hồ chung chạ truyền đời ở bến sông lại bất ngờ trở thành khởi thủy cho một huyền thoại kèm theo những đức tin không hiểu nổi. Người thanh niên chuyển giới bị mẹ ruột nhẫn tâm làm ngơ cho bị hành hạ. Những câu chuyện ấy như những mảnh nhỏ rời rạc, nhưng kì thực chúng đã được kết nối với nhau bởi một sự vật quen thuộc đang biến tính: nước. Nước cũng gắn liền với dáng hình của cơn lũ lụt hoành hành tại đồi Tro. Hành trình đi tìm người đàn bà mở vòi nước phong thủy của làng và gây ngập lụt là hành trình vô cùng gian nan nhưng ý nghĩa. Nguyễn Ngọc Tư đã để cho người đàn bà người đàn bà mở vòi nước làm thành một trận “đại hồng thủy” ấy ẵm đứa nhỏ chảy nước và đi lấy trái tim Đức Ngài để chữa bệnh. Với lối viết nhuốm màu sắc của huyền thoại, Nguyễn Ngọc Tư đã ghi dấu ấn mới trên trên văn đàn bằng một phong cách hoàn toàn mới.

* * *

Motif huyền thoại không giống như motif văn học thông thường. Motif huyền thoại khởi phát từ những câu chuyện huyền thoại được tạo dựng bằng suy nghĩ của con người nguyên thủy và lưu giữ đến ngày hôm nay. Văn học đương đại vừa là sự kế thừa từ những motif có sẵn, vừa làm mới, khiến những motif ấy biến hóa liên tục không ngừng nghỉ trên trang viết bằng ngôn từ nghệ thuật. Những motif huyền thoại trong văn chương đương đại đã gợi cho tác phẩm không khí cổ kính, thiêng liêng, đôi khi kì bí, song lại dễ dàng hòa vào không khí của thời đại mới.

P.K.D

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, 2004, NXB Lao Động, Hà Nội.
  2. Đào Ngọc Chương, Phê bình huyền thoại, 2009, NXB Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  3. Lê Văn Chưởng, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, 1999, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Trần Thanh Giang và Đỗ Minh Hợp (đồng chủ biên), Văn hóa và Khoa học về Văn hóa, 2017, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Đỗ Lai Thúy (biên soạn và giới thiệu), Phân tâm học và tính cách dân tộc, 2007, NXB Tri Thức, Hà Nội.
  6. Đỗ Lai Thúy (biên soạn), Phân tâm học và Văn hóa tâm linh, 2002, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  7. Huyền thoại và văn học(nhiều tác giả), 2007, NXB Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  8. 60 năm Văn nghệ Quân đội – Tuyển truyện ngắn đoạt giải cao 30 năm đổi mới(nhiều tác giả), 2017, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  9. Tiểu Quyên, Cỏ đồi phương đông, 2014, NXB Văn hóa Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
  10. Tiểu Quyên, Cỏ lau vạn dặm, 2015, NXB Văn hóa Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
  11. Tuyển tập truyện ngắn, 2005, NXB Phụ nữ, Hà Nội.