Đinh Lăng về mái nhà xưa tìm thời đã mất

1008

30.9.2017-12:00

 Nhà thơ Đinh Lăng

 

Về mái nhà xưa tìm thời đã mất

 

PHAN HOÀNG

 

NVTPHCM- Hơn mười năm sau tập thơ đầu tiên Dòng sông về muộn (NXB Văn Nghệ TP.HCM – 2004), nhà thơ Đinh Lăng mới xuất bản tập thơ thứ hai Mái nhà xưa. Điều đó cho thấy anh hết sức cẩn trọng, khó tính với thơ. Tuy nhiên, cũng có thể do công việc bề bộn của một giảng viên đại học, nghiên cứu, quản lý đã làm cho anh không còn nhiều thời gian dành cho thơ. Dù sao thì người yêu thơ, nhất là bạn đọc ở quê nhà Phú Yên không thể quên thơ Đinh Lăng và vẫn chờ đón ở anh những nguồn cảm hứng sáng tạo mới mẻ.

 

Mái nhà xưa là một hành trình thơ vừa cũ vừa mới. 62 bài thơ được anh sáng tác trải dài từ đầu thập niên 1990 cho đến tận cuối năm 2016. Một hành trình dài gần 25 năm. Cũ và mới không chỉ tính ở mốc thời gian mà còn thể hiện ở cảm xúc, tâm thế, ngôn ngữ và cách thể hiện trên con đường thơ trở về mái nhà xưa, trở về với ký ức để tìm lại một thời đã mất với vô vàn kỷ niệm, nỗi khắc khoải trước đời sống luôn chuyển động đổi mới và trước hỉ nộ ái ố thế thái nhân tình.

 

Đinh Lăng như một nghệ sĩ nhiếp ảnh bằng thơ khi mỗi bài thơ trong Mái nhà xưa thường là những khoảnh khắc hứng khởi được “chộp” bất chợt. Đôi khi anh còn như một nghệ nhân công phu và tài hoa với những bài thơ giàu chất suy tưởng từ trải nghiệm về lịch sử, quê hương, tình yêu, cuộc sống. Mái nhà xưa mà Đinh Lăng trở về có gì thú vị?

 

“Ở nơi đây,

Hoa cỏ cũng buồn vui,

Cũng ngọt ngào nỗi nhớ mong khắc khoải.

Khi một chiều ta cuống cuồng về lại,

Lặng thầm ngồi bên bức tường rêu,

Tìm lại dấu chân của năm tháng cũ,

Vết xưa vẫn còn,

Nhắc ta một thời lam lũ…!”

 

Mái nhà xưa ấy còn lồng lộng gió lùa, cây khế nở những bông hoa đầu tiên, giàn thiên lý, mùi bùn, con cá, con cua… như bao mái nhà quen thuộc nơi thôn quê Việt, nhưng điều khác biệt là Đinh Lăng có cách cảm nhận, nghẹn nhớ và lòng biết ơn của riêng mình, để từ đó giúp anh “lớn” hơn:

 

Những vạch than trên nền gạch cũ,

Những lằn roi trưa hè và cánh diều bay tận trời cao,

Hơi thở đồng quê như mới hôm nào,

Nuôi ta lớn trong lặng thầm, thổn thức!

 

                              (Mái nhà xưa)

 

Nếu như mùa hè có vạch than, lằn roi, cánh diều thơ mộng thì mùa đông với mái nhà xưa là những hình ảnh đối nghịch quặn lòng:

 

“Nước tràn qua khung cửa nhỏ,

Mênh mông nước, những con đường!

Có con chim non lẻ bạn,

Nghẹn ngào cất tiếng trong đêm.

 

Mắt mẹ buồn trông vời vợi,

Mây đen mắt mẹ buồn hơn,

Bão xa bão gần ái ngại,

Đêm dài, đêm bỗng dài hơn!”

 

         (Đông về trên mái nhà xưa)

 

Một hình ảnh đẹp đến nao lòng:“Mắt mẹ buồn trông vời vợi/ Mây đen mắt mẹ buồn hơn”. Nói tới mái nhà xưa không thể quên tình mẫu tử, mà đôi mắt nhớ mong, lo lắng của mẹ ẩn chứa bao nỗi niềm sâu thẳm, nếu không phải là thơ thì khó mà diễn tả được hết vẻ đẹp ấy. Đôi mắt buồn của mẹ trong thơ Đinh Lăng làm tôi nhớ đến tiếng thở nhọc nhằn đêm đêm của mẹ trong thơ mình, cũng là khi tôi trở về mái nhà xưa trong nỗi ân hận và sợ hãi:

 

“Ngoài vườn côn trùng mê mải reo ca

đón chào những mầm non cựa mình vươn từ lòng đất

tôi rón rén nép mình hơi ấm se sắt sinh thành 

nước mắt lặng lẽ cứa vào lòng đêm

rơi theo từng tiếng thở mẹ nhọc nhằn dự báo

trận bão đau thương lớn nhất thế gian âm ỉ tràn về”

Tập thơ Mái nhà xưa của Đinh Lăng

 

Bên cạnh đấng sinh thành, nhà thơ Đinh Lăng trở về mái nhà xưa còn tìm lại thời trai trẻ nóng bỏng khao khát tình yêu lứa đôi tưởng chừng đã mất dấu:

 

“Những mùa trăng trong xanh nỗi nhớ,

Đi về đâu cũng có bóng em,

Vun vén mãi để bây giờ đổ vỡ,

Bao khát khao trôi thật êm đềm!

 

Trăng vẫn lẻ như bao người cô độc,

Xa nhau rồi vẫn nhói những vết thương,

Em kiêu sa nơi góc trời phố thị,

Một mình ta lau sậy, gió bên đường!

 

                         (Thời đã mất)

 

Những bài thơ tình yêu chiếm phần lớn trong tập Mái nhà xưa, với nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau. Đó là điều bình thường với một chàng trai đa cảm trước khi đi đến hôn nhân, với một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình và không thể không rung động trước cái đẹp chợt đến chợt đi giữa cõi đời này.

 

“Lá bàng cháy đỏ vẫn rơi,

Chiều cong góc phố, em ngồi… mùa đông!”

 

                       (Tìm lại mùa đông)

 

“Thôi em cứ về và nhớ một vầng trăng

Một mảnh vỡ cơ hồ như chiếc lá

Một con đường hóa quen hóa lạ

Đốt nỗi buồn ta giẫm lại những bước chân”

 

                             (Thu giã biệt)

 

Còn nhớ không em bậu?

Đêm ở hội quán PySa,

Nẫu dìa xứ nẫu,

Đá Bia mây phủ chiều chiều,

Tiếng chim gọi bạn, qua đèo xốn xang…

 

                (Đêm ở hội quán PySa)

 

Chẳng nhiều như thơ tình yêu tình bạn nhưng những bài thơ mang sắc màu triết lý nhân sinh trong tập Mái nhà xưa của Đinh Lăng rất đáng chú ý, như: Tiếng đàn đêm, Ngẫu hứng bốn câu, Viết ở thành phố hoa hồng, Nếu thời gian không trôi qua, Mênh mông, Không thể, Những bài thơ trong một ngày, Không đề mùa xuân,… Những bài thơ khác biệt do anh sáng tác trong thời gian tập trung làm luận án tiến sĩ triết học và bảo vệ thành công năm 2016. Tư duy của một người nghiên cứu triết đã giúp anh từng bước thay đổi tư duy thơ để tạo dựng những tứ thơ mới:

 

“Nơi dòng sông gặp gỡ,

Cánh buồm tan vào mắt nhau,

Nụ cười nhẹ như cánh hồng buổi sớm,

Bài hát ướt đêm sâu…”

 

      (Viết ở thành phố hoa hồng)

 

Và khi nhà thơ lắng nghe tiếng đàn ngân lên từ những ngón tay êm ái của người đẹp giữa đêm mênh mang, anh chợt thức nhận:

 

Ta đã biết cuộc đời dài lắm,

Ta đã biết con đường xa lắm,

Ta đã biết bông lục bình tím ngát những chiều đông,

Ta đã biết hoa cải vàng rực rỡ những triền sông,

Nhưng làm sao biết được tiếng đàn kia,

tiếng đàn đêm…

trôi mênh mang, vang mênh mang, giữa vô cùng”

 

                                 (Tiếng đàn đêm)

 

Tiếng đàn không chỉ là tiếng đàn, đó là tiếng lòng, tiếng nói của số phận một kiếp người. Cũng là âm nhạc nhưng với thiên tài Beethoven, anh lại suy nghiệm xa hơn về không gian và thời gian cõi người:

 

“Khi Beethoven viết tình ca cho Alice,

Tim rung lên trên những phím dương cầm.

Bao thế kỷ, âm thanh gõ nhịp,

Dâng cho đời giọt lệ tri âm”

 

              (Ngẫu hứng bốn câu)

 

Đinh Lăng là một con người sâu nặng nghĩa tình nên anh đã không nỡ lìa xa những bài thơ gắn liền với những kỷ niệm đáng nhớ. Đó là cái hay mà cũng là cái không hay của nhà thơ trong tập Mái nhà xưa. Bởi kỷ niệm dù sao cũng chỉ là kỷ niệm, còn thơ là thơ, đòi hỏi dấu ấn của xúc cảm, tư duy và cả kỹ thuật tay nghề. Hy vọng rằng với mạch thơ mang tính triết lý duy cảm đã được khơi nguồn, Đinh Lăng sẽ có bước chuyển mạnh mẽ trên hành trình sáng tạo đầy vẫy gọi phía trước, như trong Xuân sớm anh viết:

 

“Nắng đã sáng, lộc xanh chồi mới,

Chút lạnh se, chờ những nồng nàn,

Mắt khẽ chớp, sau làn sương mọng nước,

Nụ cười nồng ấm, chở mùa sang”

 

Sài Gòn cuối năm 2016

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt – Lưu Khánh Linh

>> Nhỏ mà không nhỏ – Phạm Đình Phú

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Hoa mãi trong bàn tay – Tô Hoàng

>> Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng – Trần Hoài Anh

>> Bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt – Võ Quê

>> Chế Lan Viên – Ngọn tháp thi ca hiện đại – Đoàn Trọng Huy

>> Ngôn ngữ độc thoại trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ – Lộc Hoàng Lê Na

>> Thân thể như tinh thần và thế giới – Nguyễn Chí Hoan

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

>> Giật mình… Mai Hương – Nguyễn Minh Khiêm

>> Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – Huỳnh Như Phương

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…