Bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm” của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là một công trình đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra mắt dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2025).
Năm 2022, sau nhiều năm dày công tích lũy tư liệu, khảo cứu trong và ngoài nước, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chính thức bắt tay vào viết song song 2 bộ tác phẩm lớn cùng mang tên Nước non vạn dặm: Một bộ trường thiên tiểu thuyết và một bộ sử thi nghệ thuật.
Bộ sử thi đã hoàn thành phần I với nhan đề Nợ nước non, nằm trong tập kịch bản 5 phần quy mô, và đã được dàn dựng, biểu diễn rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị trên cả nước.
Trong khi đó, bộ trường thiên tiểu thuyết được xuất bản đều đặn mỗi năm 1 tập: Nợ nước non (2022), Lênh đênh bốn biển (2023), Từ Việt Bắc về Hà Nội (đầu 2024), Đường lên Điện Biên (cuối 2024), và tập cuối Việt Nam – Hồ Chí Minh, ra mắt bạn đọc vào ngày 17/5, nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025).
Dựa trên quá trình nghiên cứu công phu về lịch sử, chính trị, văn hóa cùng vốn sống phong phú tích lũy từ quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng nên một hình tượng chân thực, giản dị mà sâu sắc về nhân vật trung tâm – Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trong không gian lịch sử – xã hội sinh động và giàu chất nhân văn.
Các đại biểu tham dự sự kiện ra mắt trọn bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm” của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ (Ảnh: Hoàng Hoàng).
20 năm ấp ủ và nỗi trăn trở về một tiểu thuyết đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại sự kiện ra mắt trọn bộ tiểu thuyết sử thi Nước non vạn dặm, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với những người đi trước đã có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều loại hình văn học, nghệ thuật.
Tuy nhiên, ông vẫn luôn trăn trở: “Tại sao đã có rất nhiều tiểu thuyết hay về đề tài chiến tranh, được viết công phu và nghiêm túc, nhưng lại chưa có một bộ tiểu thuyết thực sự đồ sộ, toàn diện về Chủ tịch Hồ Chí Minh – một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, của Đảng, của Nhà nước ta, và là người bạn lớn của nhân dân thế giới?”.
Trong cuộc trò chuyện, giao lưu với các khách mời, đại biểu tới dự sự kiện ra mắt bộ tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhắc đến nhà văn Sơn Tùng với sự trân trọng đặc biệt.
Ông kể rằng, khi nhà văn Sơn Tùng còn sống, ông thường xuyên đến thăm nhà, có nhiều dịp trò chuyện thân tình. Ông cũng từng bày tỏ sự khâm phục đối với các tác phẩm viết về Bác Hồ mà nhà văn Sơn Tùng đã để lại – đặc biệt là những trang viết xúc động về thời thơ ấu đến thời niên thiếu, thanh niên của Người.
Tuy vậy, trong một lần trò chuyện, khi được hỏi vì sao không tiếp tục viết về Bác một cách toàn diện hơn, nhà văn Sơn Tùng đã thành thật cho hay, ông không còn đủ sức khỏe và điều kiện để tiếp tục hành trình thu thập tư liệu – một hành trình vốn rất gian nan.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ thêm rằng, ý định viết về những anh hùng dân tộc, đặc biệt là những người ông cảm thấy gần gũi, đã nhen nhóm trong ông từ 20 năm trước, khi ông còn là Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Nghệ An (2000-2003).
“Quá trình làm báo và công tác tại địa phương đã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận nhiều vấn đề thực tiễn, trong đó có lịch sử vùng đất Nam Đàn – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi được phân công về làm việc tại đây (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, (2003-2005) – PV) tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về vùng đất vốn từ lâu được xem là “địa linh nhân kiệt” mà với tôi còn là vùng đất đặc biệt”, ông nói.
PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ – tác giả bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm” – chia sẻ (Ảnh: Hoàng Hoàng).
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, để viết về Bác Hồ, ông đã có 20 năm để tìm kiếm, chuẩn bị tư liệu lịch sử. Trong quãng thời gian ấy, ông cũng viết nhiều bài báo, tham gia các hội thảo khoa học, trong đó có bài Bác Hồ của chúng ta – một bài viết được chia sẻ rộng rãi, được nhiều cơ quan, ban ngành và địa phương sử dụng trong công tác tuyên truyền, giáo dục.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bộc bạch: “Từ những bài viết đó, ý tưởng viết một bộ tiểu thuyết lớn về Bác Hồ dần hình thành. Ban đầu, tôi dự định viết khoảng 3 tập, nhưng càng viết càng thấy cần nhiều hơn để thể hiện trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đến nay, bộ tiểu thuyết đã hoàn thành đủ 5 tập”.
Nói về những thuận lợi và khó khăn, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ rằng, một trong những thuận lợi lớn nhất khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn tư liệu phong phú và sâu sắc. Bác Hồ là nhân vật lịch sử được nghiên cứu nhiều nhất, với hàng nghìn đầu sách trong và ngoài nước.
Đối với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, lợi thế còn đến từ chính quá trình công tác 20 năm tại Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), nơi ông tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và có điều kiện tiếp cận tư liệu từ nhiều kênh khác nhau.
Ông tâm sự: “Tôi may mắn được làm việc lâu năm trong lĩnh vực tuyên giáo, có nhiều bạn bè, học hỏi được từ các bậc tiền bối. Tôi cũng đi nhiều nơi. Tôi đã xuống tận nơi Bác sinh ra ở Nam Đàn để cảm nhận. Tôi cũng đến ngôi nhà của Bác ở làng Sen, rồi đến các nơi Bác từng sống và làm việc ở Liên Xô, Anh, Quảng Châu (Trung Quốc), Thái Lan…
Mặc dù không đi được hết, tôi cũng cố gắng tìm hiểu, và chính những chuyến đi đó giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về con người và hành trình cách mạng của Bác”.
Tuy nhiên, với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, chính sự dồi dào về tư liệu cũng mang đến không ít thách thức. Việc chắt lọc, lựa chọn thông tin phù hợp là một quá trình công phu.
Ông ví von: “Đôi khi cũng giống như người đang đói mà trước mặt lại có quá nhiều món ăn, không dễ để biết nên chọn gì”.
PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, khó khăn lớn hơn cả là cách tiếp cận và thể hiện hình tượng nhân vật. Bởi, viết về một con người vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi sự thấu hiểu toàn diện, vừa tôn vinh được tầm vóc lịch sử của Người, vừa khắc họa được những nét đời thường, gần gũi.
“Tôi nghĩ rằng, các nhà văn hiện nay muốn viết về Bác mà vẫn thu hút được độc giả, phải có cách viết khác, không thể theo lối cũ. Và tuyệt đối không được thần thánh hóa Bác.
Phải viết sao cho vừa thể hiện được tầm vóc của Bác, vừa để người đọc – nhất là thế hệ trẻ – nhìn thấy một con người với những phẩm chất cao quý mà ai cũng có thể học tập”, ông bày tỏ.
Trọn bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” (Ảnh: Nhà xuất bản).
Nhiều lần khóc trên những trang viết vì thương Bác
Lý giải về tên gọi Nước non vạn dặm, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, nhiều người từng thắc mắc vì sao không phải là “ngàn dặm” như trong câu thơ quen thuộc, mà là “vạn dặm”.
Theo ông, đây không chỉ là cách hình dung về độ dài, mà còn là một ẩn dụ sâu sắc, gợi lên chặng đường cách mạng bền bỉ, đầy gian khổ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua.
Nhà văn nhấn mạnh: “Hãy thử hình dung: Hành trình Bác ra đi tìm đường cứu nước – từ bến Nhà Rồng, lên con tàu Amiral Latouche-Tréville, bôn ba khắp năm châu, hoạt động ở nhiều quốc gia – thì không thể chỉ tính bằng ngàn dặm được.
Vạn dặm ở đây không đơn thuần chỉ khoảng cách địa lý, mà còn là chiều sâu và độ dài của một hành trình cách mạng vĩ đại, đầy hy sinh và thử thách”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, không có vị nguyên thủ quốc gia nào đi bộ nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, khi trở về Tổ quốc vào ngày 28/1/1941, Bác vẫn tiếp tục qua lại biên giới rất nhiều lần để nắm bắt tình hình, gây dựng phong trào cách mạng.
Bối cảnh lúc bấy giờ chưa có điện, chưa có radio, nên việc đi lại là cách duy nhất để tiếp cận và chỉ đạo cách mạng.
Mỗi lần sang Trung Quốc, Bác không chỉ liên lạc, kết nối mà còn trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng. Tại Côn Minh, các tổ chức do Bác gây dựng đã lan rộng, thậm chí ảnh hưởng tới cả lực lượng trong quân đội Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh.
Không chỉ là người dấn thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, đặc biệt là học ngoại ngữ. Ngay từ khi còn theo tàu Amiral Latouche-Tréville sang Pháp, dù phải làm việc mười mấy tiếng mỗi ngày, Bác Hồ vẫn tranh thủ từng giờ để học tiếng Pháp. Suốt những năm tháng bôn ba nơi đất khách, Người đã kiên trì học thêm nhiều ngoại ngữ khác.
“Qua quá trình tìm hiểu, tôi thấy Bác thuần thục 8 ngoại ngữ, còn số ngoại ngữ mà Bác có thể sử dụng để giao tiếp chắc chắn vượt quá con số 10. Tất cả đều là thành quả từ việc tự học. Không có một ý chí sắt đá và nghị lực phi thường như Bác, thì khó ai có thể đạt được như thế”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.
TS Bùi Thế Đức (ngồi giữa) phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Hoàng Hoàng).
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết, trong quá trình bắt tay viết tiểu thuyết Nước non vạn dặm, ông thường tranh thủ những khoảng thời gian ít người làm việc, như đêm khuya hoặc cuối tuần.
Ông có thói quen dậy sớm vào khoảng 2-3 giờ để viết. Buổi tối, sau khi hoàn thành các công việc khác, ông lại ngồi vào bàn để tiếp tục viết lách. Hai ngày cuối tuần là khoảng thời gian ông tập trung cao độ cho sáng tác, hạn chế tối đa các cuộc gặp gỡ bạn bè hay những hoạt động không thực sự cần thiết.
Nhà văn tiết lộ rằng, có một “bí quyết” nhỏ giúp ông chống lại cơn buồn ngủ khi làm việc xuyên đêm đó là luôn đặt trên bàn làm việc những lọ ngô rang và lạc rang để nhấm nháp.
Ông cho hay: “Có những ngày tôi làm việc gần 20 tiếng. Nếu không thật sự cần thiết phải ra ngoài, tôi thường ngồi yên trong phòng làm việc để tập trung cho những trang viết”
Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình sáng tác bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ rằng, một trong những đoạn khiến ông nghẹn ngào nhất là khi viết về nỗi mất mát trong gia đình Bác.
“Mẹ Bác là bà Hoàng Thị Loan mất khi Bác mới lên 10 tuổi. Lúc đó, anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang cùng cha Nguyễn Sinh Sắc đi chấm thi ở Thanh Hóa, còn em út là Nguyễn Sinh Nhuận mới chỉ vài tháng tuổi. Không lâu sau, người em nhỏ ấy cũng qua đời.
Hình ảnh Bác cùng cha và anh trai trở về quê nhà sau khi mẹ mất, đứng trước bàn thờ bà ngoại và chị Thanh, mỗi người mang một nỗi đau xót riêng, thực sự khiến tôi nghẹn ngào”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ xúc động nói.
Nhà văn bộc bạch thêm: “Tôi cũng từng mất mẹ khi còn nhỏ, nên khi viết những đoạn này, tôi cảm nhận rất rõ nỗi đau mất mát ấy. Có lúc tôi phải dừng lại, rời khỏi bàn viết để trấn tĩnh lại cảm xúc. Tôi tin rằng, những dòng viết về tình cảm gia đình và sự cô đơn của Bác sẽ chạm đến trái tim nhiều độc giả”.
TS Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Tiểu ban Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh rằng, bộ tiểu thuyết lịch sử Nước non vạn dặm của tác giả Nguyễn Thế Kỷ được công bố trọn bộ gồm 5 tập là một sự kiện rất đặc biệt để dâng lên Bác vào đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người.
Đây là bộ tiểu thuyết có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
theo Hương Hồ/DT