Đỗ Thích kỳ án – tiểu thuyết của Phan Khánh

1294

07.5.2018-11:30

 Tiểu thuyết Đỗ Thích kỳ án của Phan Khánh

 

Một tiếng nói góp phần

khôi phục sự thật lịch sử

 

NGUYỄN KHẮC PHÊ

 

NVTPHCM- Một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật có ý nghĩa: Vào đúng lúc tỉnh Ninh Bình chuẩn bị kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và mở Lễ hội Hoa Lư, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành Đỗ Thích kỳ án – tiểu thuyết lịch sử của Phan Khánh.

 

Tuy tên sách là Đỗ Thích kỳ án, nhưng qua hơn 300 trang sách, tác giả đã đưa người đọc “sống lại” một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt cách đây trên ngàn năm với sự kiện trung tâm là Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt với kinh đô là Hoa Lư, nhưng rồi bị Đỗ Thích ám hại dẫn tới việc nhà Đinh kết thúc và mở đầu thời Tiền Lê…

 

Trong “Lời giới thiệu” tác phẩm, nhà văn Ma Văn Kháng viết:

 

“Đỗ Thích là kẻ đã giết hai cha con vua Đinh Tiên Hoàng năm Kỷ Mão (979). Và Phan Khánh không phải là người đầu tiên viết về kỳ án này. Có điều là, trong khi để tâm nghiên cứu, lặn lội vào chiều rộng và bề sâu của sự việc… không thỏa mãn với những gì người trước đã viết mà ông cho là phi logic, quá dễ dãi… Phan Khánh đã cất công tìm hiểu thêm Việt sử lược, Tổng sử Giao Châu truyện cùng nhiều tài liệu văn bản khác, để từ đó và cuối cùng trình bày, miêu tả lại sự kiện, với mục đích chân thành là góp một tiếng nói nhằm khôi phục lại sự thật lịch sử như nó vốn có…”.

 

Một thời kỳ xa tít tắp, một vùng đất thường gọi là “quận Giao Chỉ”, liên tục bị sự đô hộ của đế quốc Trung Hoa, mặc dù liên tục có những cuộc khởi nghĩa giành độc lập, từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đến Lý Bí, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ…; mãi đến sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở Cổ Loa, thiết lập một chính quyền tập trung – nhà nước Việt Nam thực sự độc lập. Tiếc rằng ngay khi Ngô Quyền mất năm 944, 12 lãnh chúa chia nhau đất nước và xâu xé lẫn nhau.

 

Nhắc qua thời “tiền sử” trước khi nước Đại Cồ Việt ra đời để thấy công lao dẹp loạn 12 sứ quân của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Nói cho công bằng, trong 24 năm làm nên cơ nghiệp họ Đinh (từ 944 đến 968), những tướng lĩnh “bạn cờ lau” như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, rồi Lê Hoàn và Đinh Liễn (con trai cả của Đinh Bộ Lĩnh) đã đổ không biết bao nhiêu là công sức đánh đông dẹp bắc mới có ngày cậu bé lấy hoa lau làm cờ bày trận ở Đàm Thôn được xưng là “Đại Thắng Minh hoàng đế”.

 

“… Mùa đông năm Mậu Thìn, hoàng thành Hoa Lư cơ bản xây xong, Vạn Thắng Vương quyết định đặt tên nước là Đại Cồ Việt… Nhà vua cũng chấp nhận danh hiệu “Đại Thắng Minh hoàng đế” mà quần thần tôn xưng… Rằm tháng chạp năm Mậu Thìn, Vạn Thắng Vương làm lễ đăng cơ, cả nước vui mừng lễ hội cho đến hết Tết Nguyên đán. Kinh thành Hoa Lư cờ hoa rực rõ, lễ hội liên miên. Các quan thứ sử, trấn thủ cùng các tướng lĩnh trụ cột đều được triệu về kinh đô, đất nước đã yên bình…”

 

Do chính sử viết về giai đoạn này khá sơ lược, nên đọc Đỗ Thích kỳ án, độc giả thú vị được Phan Khánh “lôi kéo” vào mọi “ngõ ngách” rối rắm, phức tạp của “hậu cung đình”, “tận mắt” chứng kiến rất nhiều những sự tích cả ngàn năm vẫn là những “khoảng mờ” trong lịch sử, trong đó có “nghi án” Đỗ Thích – tất nhiên là theo tưởng tượng (hay “hư cấu” của tác giả). Theo dã sử và giai thoại thì nhân vua say yến ban đêm, Đỗ Thích đã dâng vua đĩa lòng lợn rất ngon có tẩm thuốc độc! Như thế thì quả là “quá dễ dãi”; hơn thế, còn “dung tục hóa” (nếu không muốn nói là hạ thấp) vị thế nhà vua. Cả Đại việt sử ký toàn thư cũng chép: Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích nghĩ là mình có mạng đế vương, nên ám hại cha con họ Đinh để lên ngôi nhưng rồi bị Đinh Quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết… Sử gia viết thế cũng khá là “dễ dãi” nên tác giả Phan Khánh đã dày công xây dựng Đỗ Thích là một tên Hán gian khôn ngoan giấu mình bao năm chờ cơ hội nhà Đinh có mâu thuẫn sẽ ra tay, tạo cớ cho nhà Tống động binh tiến đánh Đại Cồ Việt.

 

Sự “hư cấu” như thế là có cơ sở vì các triều đình Trung Hoa không bao giờ từ bỏ âm mưu thống trị hoặc đồng hóa nước ta. Chính sư phụ Bá Nguyên – người chủ trò “gài” Đỗ Thích (tên thật của y là Hầu Nhân Đức) sang đất Giao Chỉ đã huỵch toẹt mưu đồ đó:

 

“… Lần này Nhân Đức sang Giao Chỉ là mang lệnh của Hầu Nhân gia hiện là kiềm hiệu Thái sư miền Lĩnh Nam của Tống triều. Không những là bao gồm toàn bộ đất đai của Nam Hán mà cả Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Lâm ấp cho đến Phù Nam, Xiêm La… Tống triều quyết dùng mọi thủ đoạn… có thể cả đánh dẹp. Nhưng chủ yếu là đồng hóa tư tưởng. Chú trọng cả hai mặt: Đồng hóa dòng máu và đồng hóa tư tưởng. Trong đó đồng hóa tư tưởng là quan trọng nhất, một lúc làm được nhiều người. Ngàn năm sau cũng không có chuyện nổi dậy vì nổi dậy để chống ai? Nổi dậy có nghĩa là phản quốc, “bài Hoa là phản quốc”…”

 

Đọc chuyện ngàn năm trước, ngẫm lịch sử xưa nay mà thấy ghê sợ với mưu đồ Đại Hán. Với toan tính thâm hiểm ấy, Đỗ Thích đóng vai thầy tu đi khắc kinh Phật khắp nơi, tỏ ra thông tuệ vô cùng nên đã được Đinh Tiên Hoàng coi như “cố vấn”, nhưng hắn tỏ ra khiêm nhường chỉ nhận chức “Chi hậu nội nhân”, có thể vào ra cung cấm như người thân của Hoàng đế. Đó chính là điều kiện mà tên Hán gian ao ước. Chỉ còn chờ cơ hội…

 

Cơ hội đó là lúc Đinh Tiên Hoàng “mắc mưu” Đỗ Thích “cố vấn” theo gương các vua Tàu lập đến mấy hoàng hậu, từ đó “bỏ trưởng lập ấu”, chọn thái tử kế vị là cậu bé mới 4 tuổi, yếu ớt; rồi “không may” cậu ta rơi xuống giếng chết. Thế là tiếng đồn lan truyền rằng Đinh Liễn – người con cả tài giỏi có công đầu dựng nghiệp nhà Đinh vì ghen tức không được phụ hoàng chọn kế vị đã mưu sát em trai! Không ai biết chắc dư luận ấy khởi phát từ Đỗ Thích hay Lê Hoàn, vị tướng giỏi đang chờ cơ hội lên ngôi! Thật may là Đinh Tiên Hoàng tỉnh táo, không nghe những lời đồn ác ý đổ tội cho Đinh Liễn. Đỗ Thích lo ngôi vua kế vị vào tay Đinh Liễn tài giỏi thì triều Tống khó nuốt được Đại Cồ Việt, nên lợi dụng đêm khuya vắng vẻ, bất ngờ tung “chưởng” ác hiểm (mà bấy lâu y dùng phép “tán khí” để che giấu võ công thượng thặng của mình) giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, rồi dùng khinh công vượt khỏi cấm cung, chạy thoát về phương Bắc… Sau đó thì “tấn kịch” Thái hậu Dương Vân Nga với Lê Hoàn diễn ra như trên các sân khấu những năm gần đây, tuy cách đánh giá về hai nhân vật này từ xưa đến nay còn nhiều khác biệt. Ngay cả sử gia Ngô Sĩ Liên cũng cho Lê Hoàn “bất trung, ép vua, cướp thái hậu”; nhưng lại có người ca ngợi Lê Hoàn là tướng tài và có công đánh bại quân Tống cả thủy lẫn bộ…

 

Trở lại với Đỗ Thích kỳ án, nhà văn Ma Văn Kháng, trong “Lời giới thiệu” đã dẫn, cũng cho rằng: “Cũng là hợp với logic lịch sử và cuộc sống, theo thiển nghĩ, khi tác giả lý giải Đỗ Thích chính là gián điệp nhà Tống…”

 

Điều này hẳn là bạn đọc và các nhà nghiên cứu còn có những kiến giải khác nhau. Đó cũng là chuyện thường, khi sự thật đã bị cả ngàn năm che phủ…

 

Cho dù vậy, Đỗ Thích kỳ án – ngoài sức hấp dẫn của lối viết theo kiểu tiểu thuyết võ hiệp với khung cảnh huyền ảo những núi cao vực thẳm, hang động, chùa chiền và “góp một tiếng nói nhằm khôi phục lại sự thật lịch sử” – còn gợi chúng ta suy ngẫm về những điều khá hệ trọng trong cuộc sống hôm nay. Đó là sự cảnh báo rằng khi thế giới còn những kẻ ôm mộng bá quyền thì chúng ta không bao giờ chủ quan, mất cảnh giác – không chỉ với mưu đồ xâm lược bằng vũ khí mà cả với những âm mưu thôn tính, đồng hóa bằng truyền bá tư tưởng, văn hoá, di dân, núp dưới các chiêu bài đẹp đẽ. Và việc hai triều Ngô và Đinh, từ đỉnh cao chiến thắng mau chóng suy tàn cũng là sự cảnh báo nạn “nội xâm” khởi phát từ tệ mê đắm quyền lực, giàu sang của các gia tộc, phe nhóm dẫn đến bị kịch “bó đũa” khi bị tách ra từng chiếc! 

 

Câu chuyện ngàn năm xưa mà nóng hổi tính thời sự!

 

VĂN NGHỆ, 15/2018

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…