Đọc lại ‘Những thằng già nhớ mẹ’

1158

Võ Văn Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Các bạn hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần…

Vũ Thế Thành – tác giả tập sách “Những thằng già nhớ mẹ” là người ngoại đạo văn chương. Năm 2011 mẹ mất, có người bạn xúi dại và ông cầm bút. Mùa vu lan năm đó ông đã viết “Những thằng già nhớ mẹ”. Đó là tạp bút đầu tiên trong đời một người làm khoa học. Chuyện cũng bình thường nếu trong các bài viết của ông không ánh lên những tia sáng văn chương bộc xuất từ tấm lòng và mang đến sự sẻ chia, nhắc nhở, an ủi cho bao tấm lòng khác trên thế gian này. Câu chuyện của chính gia đình tác giả: Ba mất sớm, mẹ anh là người đàn bà không biết chữ, bán xôi dạo, nuôi con ăn học. Nay kiến thức dù to lớn đến đâu cũng chỉ là phương tiện, chỉ có tấm lòng đơn sơ mới tạo ra nhân cách. Anh chợt thấy mình nhỏ bé, quá nhỏ bé so với bà (đừng như tôi còn ray rứt với những gì thiếu sót).

Chuyện một người bạn tác giả nổi tiếng quậy phá lúc nhỏ, từng bị thầy quở phạt cả tiếng đồng hồ mà người chịu trận vì con lại là người mẹ. Nay lớn khôn làm việc tận nước Mỹ xa xôi, không dưng uống rượu xong lại lướt “net” đọc đâu được bài “Cá bống kho tiêu” nào đó trên mạng, xúc cảm gọi điện về cho bạn, nói rằng tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu hu. “Cả đời tao làm khổ bà già. Bà bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần không về chăm sóc được. Bà mất, tao về, không kịp nhìn mặt… tiền bạc bây giờ có ích gì. Mẹ mất cũng 10 năm rồi. Càng quậy phá sẽ càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi!”

Mẹ tác giả mất hồi đầu năm. Thấy buồn có người bạn rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho cho khuây khoả. Chén thù chén tạc say tuý luý, cả bọn rủ đi hát karaoke. Thằng bạn cầm micro: Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi đây ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài “Bông hồng cài áo”…” Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một nghệ sỹ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run… Nó khóc nấc lên… Cách đây hai năm tác giả về quê Châu Đốc dự đám tang mẹ nó. Nó hát cho tôi hay hát cho nó?…

Chuyện đến đây tôi lại nhớ khi còn trọ học ở Huế, tôi có anh bạn lớn tuổi hơn đang học bên Trường Y (viết tắc thế này anh em có thể biết Huỳnh. Ng. Tr) cũng vì khá thân thiết nên hay đi chơi cùng. Anh hòa đồng vui tính, máu me văn chương nhưng cuộc rượu nào cũng có tật. Đủ độ ngà ngà anh cáo lui, ra về. Lần hồi rồi tôi cũng phát hiện ra, nếu cho anh ôm đàn hát một bài duy nhất, được khóc nấc lên đôi lần… thì anh có thể ngồi chơi sáng đêm với anh em, bạn bè. Bài hát đó là “Bông hồng cài áo” của Nguyễn Thế Mỹ.

Có thằng con nào, dù có làm tới ông gì vĩ đại đến đâu đi nữa, lại trưởng thành dưới con mắt của mẹ mình đâu chứ. Ai cũng vậy, tuổi càng cao càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá như. Chuyện cũng lâu nhưng tôi liên tưởng, mình từng đọc cuốn sách văn học Nga hồi học 12. Chuyện có tên đề hình như là “20 phút với một thiên thần” kể về một người đàn ông rời xa gia đình, xa mẹ hiền để mưu sinh. Anh quyết tâm làm cho được thật nhiều của cải để về giúp mẹ… do số tiền kiếm được khó khăn, nên anh lần lữa chưa về… đến khi anh có đủ số tiền để về thì mẹ anh không còn nữa. Đau buồn, thế là anh bỏ nhà lang thang với bó tiền kiếm được trên tay chẳng biết làm gì. Và sau đó hình như anh ta đến một điểm công cộng gần đấy hét lớn là ai cần số tiền lớn ấy thì anh sẽ cho ngay. 20 phút sau có một người đàn ông khác đến vì anh ta đang cần số tiền lớn ấy. Nhìn người đàn ông cho tiền mình anh cứ ngỡ đó là một thiên thần…

Chuyện cũng của chính tác giả, có lần vào siêu thị, thấy bày mấy chai nước mắm cỡ nhỏ 30ml, đạm cao, giá đắt liền mua năm sáu chai nhét túi quần mang về biếu mẹ. Anh thì thầm, nước mắm thượng hạng đấy, mẹ đừng dùng nêm nếm, để chấm với rau bí… Thế là bà giữ kỹ mấy chai nhỏ xíu đó, mỗi ngày dùng một ít, không quên khoe với mấy bà hàng xóm, nước mắm thượng hạng thằng con mua biếu. Bẳng đi thời gian, tác giả cao hứng mến thử nước mắm. Trời đất như muốn sụp khi anh biết bị bịp. Anh phát cuồng, ăn học làm gì, bằng cấp làm gì mà mua chai nước mắm cho mẹ cũng không nên thân. Vậy mà cũng bày đặt đi dạy, viết sách, viết báo… Anh nài nỉ mẹ đổi nước mắm khác ngon hơn. Bà gạt đi nước mắm này ngon, anh biết gì mà rộn lên. Bà vẫn tiếp tục dùng nước mắm chết tiệt đó, vẫn tiếp tục khoe với mấy bà hàng xóm, mà không bao giờ cho họ nếm thử. Tiêu chuẩn chất lượng nước mắm của bà khác với đời thường… (Thằng ăn hại).

Đúng là những câu chuyện, những câu văn của Vũ Thế Thành cứ ám tôi bởi những gì rất thật, giản dị mà sâu sắc. “Tóc tôi đã bạc quá nửa. Rồi đến ngày phải ra đi. Không biết ở cảnh giới khác, hai mẹ con có gặp nhau không? Nếu gặp nhau thì có nhận ra nhau không? Tôi chắc mẹ tôi sẽ nhận ra tôi, bà nhận ra tôi bằng trái tim muôn kiếp của người mẹ. Còn tôi, tôi cũng nhận ra mẹ tôi, tôi nhận ra bà từ bản năng của thằng ăn hại” (Thằng ăn hại). Thôi thì đó cũng là niềm an ủi, bởi có người mất mẹ nhưng có mẹ để nhớ, có những người không biết mặt mẹ từ lúc chào đời…

Thông điệp tác giả gửi gắm qua tập sách cũng rất chân thành là dành tặng cho các bạn trẻ U30, U40… gì đó. Các bạn hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần…

V.V.T