Đọc lại thơ vua tìm lấy bóng

1156

 

                                                     Phạm Xuân Hùng

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Thơ Vua & Suy ngẫm” là cuốn khảo cứu đáng đọc trong góc nhìn lịch đại. Đọc thơ vua rồi suy ngẫm thời cuộc sẽ thấy lịch sử thường hay lặp lại, trong nỗi niềm của của đấng bậc quân vương trước hiện tình đất nước và đời sống muôn dân.

Tiến sĩ Nguyễn Phước Hải Trung xuất thân học ngành ngữ văn, giỏi Hán Nôm, lại là nhà thơ nên việc nghiên cứu thơ văn thời kỳ trung đại với anh không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, với công trình khảo cứu vừa ra mắt bạn đọc “Thơ Vua & Suy ngẫm” (Nhà xuất bản Văn học, 2021) đã cho thấy lần nữa những cố gắng miệt mài của anh trong việc tìm hiểu lịch sử văn chương thời Nguyễn, đặc biệt là những thi phẩm của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… Chọn những tác giả “vua” này là bởi theo anh, trong khoảng hơn 60 năm (1820-1883), các vị vua này đã “ngự chế” hơn 15.000 bài thơ văn dài ngắn khác nhau (tổng cộng hơn 25.000 trang chữ Hán Nôm), trong đó riêng thơ có đến gần 12.000 bài. Một di sản trước tác đồ sộ như thế rất dễ dẫn các nhà nghiên cứu vào “mê trận” của chữ nghĩa, với nhiều “ngõ ngách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, Nguyễn Phước Hải Trung không sa đà vào học thuật (mặc dù những khảo nghiệm của anh vẫn đầy chất học thuật), anh quan niệm đọc thơ của các vị vua là để “thấy được cái tình, cái ý của tiền nhân gửi vào mai hậu”, “thấy giá trị nhân văn của đấng bậc hoàng đế trước nỗi thống khổ của người dân” (Khai từ, trang 12). Với cách nghĩ, cách cảm như thế, ngoài những giá trị học thuật thu gặt được như việc minh định một vài “nhầm lẫn cố hữu” của văn chương thời Nguyễn nói riêng và thời trung đại nói chung, “Thơ Vua & Suy ngẫm” là cuốn khảo cứu đáng đọc trong góc nhìn lịch đại. Đọc thơ vua rồi suy ngẫm thời cuộc sẽ thấy lịch sử thường hay lặp lại, trong nỗi niềm của của đấng bậc quân vương trước hiện tình đất nước và đời sống muôn dân.

Trong tổng số 23 khảo luận về thơ của các vị vua đã in trong tác phẩm, có nhiều khảo luận cho thấy bậc quân vương một khi đã giữ mình “quang minh chính đại” thì luôn ưu tư với thời cuộc, mong muốn duy trì chính sự khoan hoà làm gốc rễ để giữ yên xã tắc và triều đại mình đang trị vì. Làm được điều đó, trước hết, bậc quân vương phải tu thân, tự răn mình (“Vua Minh Mạng tự răn mình qua bài thơ “Tự huấn”-trang 13, “Qua thơ, nói chuyện đọc sách của các hoàng đế”-trang 214), tề gia (“Lý tưởng triều đại qua hiện tượng sử dụng nhiều chữ Nhật trong thơ”-trang 23), trị quốc (“Khát vọng tìm được Trạng Nguyên qua bài thơ của vua Minh Mạng ban cho sĩ tử” – trang 63, “Thơ vua về lễ Tiến Xuân – một điển lễ trọng nông” – trang 109) để cuối cùng vươn tới giấc mơ thiên hạ thái bình, quốc thái dân an (“Thơ vua viết về lễ Ban sóc” – trang 164, “Nhân đọc một bài thơ trường thiên luật đặc sắc, thêm mấy dòng về “Ngự đề đồ hội thi tập” – trang 199)…

Vậy đọc thơ vua rồi ngẫm thế sự là ngẫm chuyện gì? Trước hết, đã mang chân mệnh thiên tử, vua phải thường trực nỗi ưu tư về giang sơn xã tắc. Đạo làm vua là lắng nghe bách tính, nhận biết chính tà và ngày đêm cầm cương gìn giữ chính đạo. Như vua Minh Mạng đã tỏ bày trong bài “Tự huấn” (Tự răn mình”: “Quân đạo quý nạp ngôn/ Nhưng phân biệt tà chính/ Chính ngôn tất miễn tàng/ Tà ngôn vật khả thính/…Hào li thiên lí sai/ Nhật dạ trừng tâm kính” (Dịch thơ: “Đạo vua phải lắng nghe/ Luôn phân biệt tà chính/ Tin dùng lẽ thẳng ngay/ Chớ nghe lời xu nịnh/…Sai một li – một dặm/ Ngày đêm lòng như kính”). Gìn giữ chính đạo là không nghe theo đám nịnh thần chỉ biết vinh thân phì gia, là tìm kiếm những lời trung ngôn ái quốc, bởi “…Gian quỹ vi thân gia/ Trung thành mưu quốc chính” (Minh Mạng, bài Tự huấn) dịch thơ: Kẻ gian lo nhà mình/ Người trung chăm triều chính. Cũng chính vua Minh Mạng đã chỉ rõ “vương đạo” lấy tu thân làm gốc, nắm giữ thiên hạ thì phải dốc lòng lo cho thiên hạ khiến muôn phương vững bền: Nhất nhân thụ mệnh trị thiên hạ/ Thiên hạ nguyên phi phụng nhất nhân/ Cán thực tiêu y cần tối chính/ Tiêu can tịch dịch cẩn trì thân/ Tất kỳ vạn tính an canh tạc/ Thí nguyện thiên phương miễn khổ tân/ Cảm bất miễn tư ngôn cố hạnh/ Uý thiên phó tí mục lê dân (Minh Mạng, bài Vạn phương ninh mật), dịch thơ: Một người phụng mệnh trị thiên hạ/ Thiên hạ không riêng phụng một người/ Áo cơm muộn màng chăm việc nước/ Tu thân chiều sớm chẳng chây lười/ Ắt mong dân ổn yên canh tác/ Vẫn nguyện muôn phương hết khổ thôi/ Nào dám không ngừng tu dưỡng hạnh/ Nuôi dân phù hợp ngóng uy trời (Minh Mạng, bài Muôn phương yên ổn).

Đọc thơ các vị vua cũng vỡ vạc thêm nhiều điều. Bậc quân vương uy danh thiên tử không chỉ lắng nghe trung thần trong đám bầy tôi mà còn cầu mong hiền tài tứ xứ, bằng chứng là lời kêu gọi sĩ tử trong những kỳ khảo hạch: Tuyết trung tống thán kim triệu hữu/ Thổ tận anh ba tác trạng nguyên/ Tùng bách tuế hàn phương thức hảo/ Các tu miễn lễ đáp quân ân (Minh Mạng, bài Khẩu hiệu khuyến Hội thí sĩ) dịch thơ: Hôm nay rét lạnh đã ban than/ Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên/ Năm lạnh bách tùng lên tươi tốt/ Cùng nhau gắng sức báo ơn trên (Minh Mạng, bài Kêu gọi khích lệ sĩ tử tại kỳ thi Hội). Thời nhà Nguyễn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vậy nên các vị vua có tư tưởng trọng nông, nói theo ngôn ngữ hiện đại là chú trọng đến phát triển nông nghiệp. Qua những bài thơ các vị vua để lại, có nội dung gắn với nghi lễ mùa vụ như lễ Tiến Xuân ngưu, lễ Tịch Điền… càng thấy rõ hơn tấc lòng của minh quân với giang sơn và trăm họ, “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Để tránh dài dòng câu chữ, cần khẳng định luôn những trích dẫn nêu trên (cả văn bản gốc và dịch thơ) đều của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung viện ra trong tác phẩm “Thơ Vua & Suy ngẫm”. Người viết bài này chỉ chia sẻ góc nhìn lịch đại về những nội dung đã chỉ ra. Bài học từ “thơ các vị vua’’ cho thấy người lãnh đạo ở đâu, thời nào… cũng phải “lấy dân làm gốc”, chính tâm trong lời nói, việc làm. Phải biết cầu người hiền tài, loại trừ bọn quan tham xu nịnh, xây dựng bộ máy chính quyền thân dân, vì dân. Có như thế, mới mong đời sống người dân ngày càng nâng cao, đất nước ngày càng phồn thịnh.

Lịch sử có nhiều minh quân, hiền vương thì cũng không hiếm những hôn quân, bạo chúa, có vương đạo thì cũng có bá đạo. Đọc lại thơ vua trong “Thơ Vua & Suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung, ngoài gặt hái cảm hứng thi ca, với tôi còn là sự tiếp nhận về những mảng sáng trong di sản thơ văn trung đại, để rồi “đi từ những chứng cứ lịch sử để minh định, xác quyết vấn đề, làm “hiện lên một cách sinh động bóng hình của lịch sử, soi chiếu thêm vào sử liệu để thấy được những chân giá trị” như lời PGS, TS Hồ Thế Hà đã giới thiệu tác phẩm (“Thay lời tựa” – trang 8, 9).

Nhiều hơn những gì độc giả mong muốn, “Thơ Vua & Suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung đáng để tìm đọc, để suy ngẫm vì tính nhân văn, tính thời sự và cả giao cảm thẩm mỹ trong địa hạt văn chương.

                                                           Đà Nẵng, 24.7.2021

                                                                 P.X.H