Cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ

946

Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Sinh ra và lớn lên tại một “làng chài” ở vùng quê Quảng Ngãi thuộc duyên hải miền Trung, nhưng lại trưởng thành, sống, gắn bó đời mình với phố núi Buôn Ma Thuột ở Cao Nguyên, vì vậy hai chủ đề ám ảnh thi giới Bùi Minh Vũ như một tâm thức hiện sinh là “Biển” và “Rừng”. Đây là sự ám ảnh của vô thức và tâm linh, là thi liệu để Bùi Minh Vũ viết những tập thơ về biển khá “mặn mà”, găm lại trong lòng người đọc những cảm xúc dạt dào như: Ngủ mơ trên cát (1996); Lão ngư Kỳ Tân (2014); Biển và quê hương (2020). Phần còn lại trong hành trình sáng tạo thi ca của Bùi Minh Vũ là những thi phẩm kết tinh quá trình nghiệm sinh của anh với những suy niệm về các giá trị sinh thái văn hóa của Tây Nguyên huyền thoại với các tập thơ như: Tình một thuở (2004); Dòng sông mùa xuân (2009) Chim Sơn ca (2010); Chìa khóa mở vào thế giới (2018); Màu thổ cẩm (2019); Nhớ và kể lại giấc mơ (2020); Nơi bắt đầu lời nguyền (2021)…

Song, nếu Biển trong thơ Bùi Minh Vũ chỉ là mỹ cảm về những ký ức, hoài niệm của thuở “thiếu thời” thì Rừng, biểu tượng của vùng sinh thái văn hóa Tây Nguyên là những ẩn ngữ thi ca hằn sâu trong tâm thức sáng tạo văn chương và hành trình sống của anh ở những tháng năm lăn lộn với vùng đất Tây Nguyên đầy huyền thoại nhưng cũng lắm khó khăn, nhất là những ngày đầu ở thập niên Tám mươi của thế kỷ XX, khi anh giã từ thời sinh viên trường Đại học Tổng hợp Huế về Tây Nguyên công tác và trở thành người của Tây Nguyên. Thế nên, không phải ngẫu nhiên trong Nơi bắt đầu lời nguyền, tập thơ mới nhất của anh (Nxb. Hội Nhà văn, 2021), trong bài thơ Mở mắt, anh đã xác quyết: “Bài thơ tôi viết/ Giấy là đất/ mực là nước/ phụ âm là rừng/ Nguyên âm là biển/ Thanh âm là dòng sông/ Ngữ âm là tổ tiên ta đó/ Bài thơ tôi viết/ Khởi đầu hy vọng/ Bật lên trang giấy/ Những núi chữ quê hương”.

Bài thơ là sự kết tinh những biểu tượng văn hóa của dân tộc, trong đó, có cả ảnh hình: Đất; Nước; Biển; Rừng; Sông; Núi… và, bao trùm lên những sinh thể ấy là Tổ Tiên. Thơ Bùi Minh Vũ, vì thế là thơ được nuôi dưỡng từ bầu khí quyển sinh thái văn hóa của dân tộc và anh sáng tạo thi ca cũng trên chính cái “hồn” văn hóa ấy. Nói cách khác, thơ trong suy niệm của Bùi Minh Vũ là chiếc thuyền chuyên chở tâm thức văn hóa dân tộc, mà biểu hiện rõ nhất trong thơ anh là những cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên, vùng đất với những trầm tích văn hóa mà thi nhân đã có những tháng năm sống và trải nghiệm…


Nhà thơ Bùi Minh Vũ.

2. Nói đến sinh thái văn hóa là nói đến một hệ hình lý thuyết luận bàn về những vấn đề của môi trường sinh thái trong đời sống văn hóa của con người và mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái. Trong đó, con người hiện hữu như một thực thể văn hóa và là thành tố của môi trường sinh thái, bình đẳng với các thành tố khác. Theo các nhà sinh thái học văn hóa thì con người đã gắn bó chặt chẽ với các quá trình trên bề mặt trái đất từ ​​rất lâu trước khi phát minh ra máy ủi và máy nổ. Vì vậy, theo nhà nhân loại học người Mỹ, Charles O. Frake, sinh thái văn hóa là “nghiên cứu về vai trò của văn hóa như một thành phần năng động của bất kỳ hệ sinh thái nào”. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm sinh thái học nhân bản xem con người là một thành tố của môi trường sinh thái có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường tự nhiên, xem sự tồn sinh của môi trường tự nhiên cũng là sự tồn sinh của chính con người. Vì vậy, nhiệm vụ của con người không phải là chinh phục tự nhiên, khai thác tự nhiên phục vụ cho lợi ích của mình mà phải biết dựa vào quy luật tự nhiên, vận dụng linh hoạt vào hoạt động thực tiễn, sống hòa hợp, hài hòa với tự nhiên, xem đây là những nguyên tắc căn bản để luận giải vấn đề môi trường sinh thái văn hóa. Bởi, nói như Ph.Ăngghen: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác… chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác”. (1)

Và từ điểm nhìn sinh thái văn hóa, ta thấy thơ Bùi Minh Vũ đã thể hiện khá tinh tế và sâu sắc cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên, một vùng đất còn ẩn chứa nhiều trầm tích văn hoá cần được bảo tồn và phát triển nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại và tàn phá khủng khiếp, nếu không được giữ gìn thì sẽ bị hủy diệt. “Tội phạm” không phải do một “thế lực thù địch nào”, mà do chính những con người đang sống và thụ hưởng những gì tự nhiên mang đến cho họ trên vùng đất giàu tiềm năng này. Ta hãy nghe nhà thơ Bùi Minh Vũ cảnh báo: “Rồi một ngày tiếng kèn không còn nữa/ Sừng trâu buồn, tiếng gió thổi sương rơi/ Rẫy bao mùa, cái áo tua tua còn đó/ Thương tiếng kèn lướt qua che khuất bóng người” (Người thổi kèn kipah). Hay những điều day dứt trước “một câu hỏi lớn” đang cần lời giải đáp một cách “sòng phẳng”: “Lạy yang, cho con xin cái nước/ Không có, hay là để môi khô?/ Một mai, bến nước không còn nước/ Ta bắt đền yang/ hay đền ta?” (Hỏi). Và nỗi đau về sự mất dần những giá trị sinh thái văn hóa ở Tây Nguyên trước sự hủy diệt của con người luôn là sự tự vấn đối với trách nhiệm mỗi chúng ta, mà bài thơ Bến nước là một xác chứng: “Khi bên nước bị đút túi/ Tôi không tin/ Khi bến nước bay về trời/ Tôi vẫn đến/ Khi bến nước trườn vào sách vở/ Tôi hỏi tôi, bến nước ở đâu, đi đâu/ Tôi hỏi tôi, hỏi tôi, bến nước về đâu/ Bến nước đâu rồi, tôi hỏi tôi…” (Bến nước).


Một số tập thơ của nhà thơ Bùi Minh Vũ.

Có thể nói vùng đất Tây Nguyên, với những giá trị văn hóa đầy bí ẩn được các nhà nghiên cứu xem là vùng đất huyền thoại. Và những huyền thoại ấy ẩn chứa trong các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được kết tinh trong các truyện cổ, sử thi, luật tục, các tín ngưỡng dân gian, các lễ hội truyền thống và đặc biêt hơn cả là các biểu tượng văn hóa gắn với cuộc sống hằng thường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: rừng; bến nước, núi, rẫy, sông, thác, suối, cồng chiêng, rượu cần, nhà mồ, nhà rông, nhà dài… Và những giá trị văn hóa mang tính biểu tượng này đều hiện hữu trong thơ Bùi Minh Vũ với một cảm quan sinh thái sâu sắc, phong phú và độc đáo. Điều này, ta có thể cảm nhận qua các bài thơ của anh mà ở đó cảm quan sinh thái văn hóa được thể hiện ở ngay thi đề như: Hạt cà phê; Nghe cây hát; Màu thổ cẩm; Cùng em lên nương; Đường về nương rẫy; Bến nước; Về buôn làng; Hương rừng; Nhảy múa bên bếp lửa; Rừng ngủ; Heo rừng; Lời khấn cái Xà gạc; Con voi Buôn Đôn; Mùa rẫy mới; Đêm nghe tiếng khóc trâu; Cây; Về núi,… trong tập thơ Màu thổ cẩm (Nxb. Hội Nhà văn, 2019). Hay các bài thơ: Ngôi mộ lạ; Gió lửa; Nước múa; Tiếng chim; Ánh trăng đêm; Những tảng đá lớn; Tiếng gà; Giọt sương; Cõng trăng; Nước ngủ; Trên hồ; Tiếng ho thiên nhiên… trong tập thơ Nhớ và kể lại giấc mơ (Nxb. Hội Nhà văn, 2020). Và các bài thơ: Rẫy hồn làng; Ama ngồi bên hồ mặt trăng; Bài ca khấn thần lúa; Xà gạc; Bên bếp lửa nhà dài; Con gái ở buôn; Con thú; Đi tìm Lêng Kon Rung; Tek suar; Người thổi khèn kipah; Chim djêt; Hát trên nương; Bên bến nước buổi chiều; Xuống suối; Lên núi; Bông lúa; Họ mới trồng cánh rừng… trong tập thơ Nơi bắt đầu lời nguyền (Nxb. Hội Nhà văn, 2021) …

Không chỉ có thi đề, trong các bài thơ này còn có những câu thơ thể hiện một cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên độc đáo và sâu sắc mà nếu không sống, dấn thân, không hiểu, không yêu mãnh đất này thì không thể viết được những câu thơ giàu phẩm tính sinh thái văn hóa nhân văn, thể hiện sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên đẹp và lung linh như thế!?: “Trên gương mặt đất đai/ Dấu vân tay/ Trườn dài giọt mồ hôi tròn con mắt/ Trườn qua ký ức già làng/ Qua hơi thở ama/ Qua ước mơ amí/ Những đêm trăng / Nghe tiếng hò reo của lúa (…) Bên dòng suối/ Rẫy như bàn tay / Xòe ra ánh sáng / Nắm lại gùi môn/ Rẫy ít nói như amí/ Hát hay như nghệ/ Thơm như gừng/ Đỏ như ớt/ Tròn như hồn làng/ Rẫy ngủ trong truyện cổ tích/ Trong lời nói vần/ Sử thi/ Và trong ché rượu tang/ Rẫy không định cư nơi thành phố/ Thường ngủ trong bụng người già (…) Họ thương rẫy bao mùa/ Ăn ở rẫy/ Ngủ ở rẫy/ Buồn vui ở rẫy/ Họ tin không có rẫy/ Những giọt sương không có linh hồn/ Không đầu thai/ Cái xà gạc buồn không có nơi chia sẻ/ Họ gặp nhau từ rẫy/ Sinh ra những đứa con biết chinh phục rừng/ Bắt con voi quỳ/ Con khỉ nhặt lúa/ Kể chuyện Dăm Săn/ Chuyện Mdrõng Dăm/ Từ những đêm trăng giã gạo” (Rẫy hồn làng).

3. Tôi nghĩ, chỉ ngần ấy bài thơ với những câu thơ mang tâm thức văn hóa Tây Nguyên như thế, Bùi Minh Vũ xứng danh là một thi sĩ viết văn hóa Tây Nguyên bằng thơ. Nếu không có một tấm lòng yêu văn hóa Tây Nguyên và hiểu được chiều sâu triết học đậm chất nhân sinh từ những công trình văn hóa Tây Nguyên thì không bao giờ anh viết được những câu thơ giàu triết lý nhân bản và mỹ cảm văn chương sâu sắc như thế!? Và với cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên sâu sắc, thơ Bùi Minh Vũ không chỉ tôn vinh các giá trị văn hóa cao đẹp mà còn cho thấy những ẩn số về tinh thần sinh thái nhân văn của đồng bào Tây Nguyên cần được giải mã. Không những thế, qua thơ mình, Bùi Minh Vũ muốn thức nhận người đọc cần phải hiểu đúng về văn hóa Tây Nguyên, biết trân quý nền văn hóa ấy và có thái độ ứng xử đúng mực với những giá trị văn hóa đó, để làm thế nào, thật sự gìn giữ những giá trị văn hóa ấy. Vì lâu nay, chúng ta vẫn luôn nói bảo tồn, luôn nói gìn giữ văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, thế nhưng hàng ngày rừng Tây Nguyên vẫn bị “chảy máu”; Cồng chiêng Tây Nguyên vẫn bị mất dần; Nước của sông, suối, thác, hồ ở Tây Nguyên vẫn trong tình trạng khô cạn và ô nhiễm, lễ hội Tây Nguyên không còn sống trong khí quyển văn hóa cội nguồn của nó…. Nói điều này để thấy rằng làm được cái gì cho Tây Nguyên để “giành giật” và “giữ lấy” những giá trị sinh thái văn hóa của Tây Nguyên huyền thoại, một phần không thể thiếu trong hồn thiêng sống núi của đất nước, dân tộc thì chúng ta cần phải làm. Vì việc giữ gìn văn hóa của mỗi cộng đồng, điều tiên quyết phải do chính chủ thể cộng đồng văn hóa ấy, không ai có thể làm thay được. Xét trong bình diện này, cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ là một hệ giá trị cần được ghi nhận. Bởi “không có rẫy/ Những giọt sương không có linh hồn/ Không đầu thai/ Cái xà gạc buồn không có nơi chia sẻ”. (Rẫy hồn làng)

Niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên “hồn nhiên” và “đơn giản” như thế nhưng cũng không kém phần sâu sắc những ý vị nhân sinh. Chúng ta đừng quá nhân danh những “mỹ từ”: công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các thời kỳ công nghiệp 4.0; 5.0 gì đó mà nhẫn tâm giết chết niềm tin thiêng liêng ấy của đồng bào các dân tộc người Tây Nguyên vẫn lặng lẽ, sống trong những ngôi nhà dài, nhà rông, chấp nhận xa ánh sáng thị thành để may ra còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của họ.

Tiếp nhận văn minh là cần thiết, thậm chí rất cần thiết nhưng đừng để những cái “văn minh” ấy “nghiền nát” những giá trị văn hóa cao đẹp được kết tinh từ ngàn đời của dân tôc. Ta hãy suy ngẫm “lời dạy con” rất chân mộc, gần gũi với đời sống, chẳng có gì cao siêu như các lý thuyết “huyễn hoặc” mà ta vẫn nghe “rao giảng”, để cảm nhận tinh thần nhân văn sinh thái trong các giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên: “Cha dạy con /Không được chặt cây trong rừng/ Không được phát rẫy làm nương trong rừng/ Làm nhà không được chặt cây/ Chặt một cây phải trồng bảy cây … Cha dạy con/ Không được chặt cây con/ Chặt cây con như chặt cổng buôn làng/ Như chặt bến nước/ Chặt chiêng/ Chặt ché,/ Chặt gùi,/ Chặt sắc màu thổ cẩm …/ Cha dạy con/ Không mang lửa vào rừng/ Rừng sáng lửa, nhà dài tăm tối / Rừng sáng lửa, hạn hán kéo dài/ Cái nước trong bầu không có/ Cái bụng không no/ Cái chòi trên rẫy bay về trời/ Làm sao con còn nghe hát ay rei/ Làm sao con ngồi nghe kể khan trong gian khách/ Cha dạy con/ Rừng là nguồn sống/ Là tài sản của tổ tiên, ông bà/ Nơi đó, con thú trú ngụ/ Nơi thần linh tìm về/ Nơi con gặp cha mùa ăn năm uống tháng … Cha dạy con/ Nuôi sống rừng như nuôi bản thân mình/ Như vẽ ra bức tranh bằng luật tục làng buôn”. (Cha dạy con) Không hiểu những kẻ phá rừng và những người chủ trương phá rừng có nghe thấu lời dạy và cũng là tiếng kêu đứt ruột phải giữ rừng nầy không, để họ đừng vì cái “lợi” của mình mà tàn phá cả một nền văn hóa và gieo rắc thảm họa đau thương hàng giờ, hàng ngày cho biết bao người con dân nước Việt, nhất là trong những trận bão lũ, sập núi, sạt đường…!?

Có thể nói, Bùi Minh Vũ là người nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên từ góc nhìn sinh thái bằng thơ chứ không chỉ bằng những công trình nghiên cứu mang tính học thuật, anh đã dày công tìm hiểu khi còn làm ở Sở Văn hóa Thông tin ĐakLak như: Cụm công trình sử thi M’nông: Lêng Kon Rung bị bắt cóc bán, Cướp máy kéo chỉ của Ndu Kon Măch, Tiăng bán tượng gỗ (2001); Truyện cổ M’nông: Nữ thần Blân Hiăt (2008); Truyện cổ M’nông (2018). Cụm tác phẩm truyện cổ M’nông: Hai chị em Ji Băch và Ji Bay, Nàng Ji Dết L’Nghê… Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu văn hóa dân gian này chính là nền tảng tri thức văn hóa bản địa để hình thành cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ anh mà mỗi bài thơ sẽ là một di chỉ về những giá trị văn hóa Tây Nguyên từ góc nhìn sinh thái, giúp các nhà nghiên cứu văn hóa và những người yêu văn hóa Tây Nguyên có tư liệu để tìm hiểu về vùng văn hóa đầy bí huyền này.

4. Hiểu và cảm được điều này mới có thể thấy được giá trị của thơ trong việc phục vụ nhân sinh, đặc biệt là việc góp phần bảo vệ “dòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc chứ không phải là những lời sáo ngữ, tụng ca, ví von, sáo rỗng, xu phụ nhiều khi “nhạt” đến vô nghĩa ở không ít bài thơ (nhất là thơ in ra để điểm phấn tô son khi cuộc đời không còn son phấn), khiến người ta lạnh nhạt với thơ, quay lưng với thơ”!? May quá! Những câu thơ thể hiện cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên của Bùi Minh Vũ đã góp phần trả lại cho thơ giá trị vốn có và phải có của thơ mà tôi thấy cần phải trích dẫn ra đây để chia sẻ với những người còn xem thơ là lời “kinh cầu” trong cuộc sống. Chúng ta hãy lắng lòng, trở về với thánh đường thi ca để đọc những câu thơ mà từ điểm nhìn cảm quan sinh thái văn hóa đã cho thấy một tình yêu vô bờ giữa con người với tự nhiên: “Họ yêu rẫy như yêu con / Gọi rẫy thiêng liêng như tên buôn, tên vợ, tên chồng / Có rẫy, ngày bình an / Có rẫy, đêm ngon giấc / Những ngọn cây xanh và tán lá / Như môi hôn / Rẫy ở lại với họ từ thời tổ tiên, ông bà / Rẫy không bán / Không tranh phần / Không cắt xén / Rẫy cười trong bộ lễ mùa xuân.” Và yêu rẫy, gắn bó với rẫy, vì “rẫy như hồn làng”. Mất rẫy đối với Đồng bào Tây Nguyên là mất sự sống, cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần, cho nên họ vô cùng đau đớn trước thực trạng mất dần những giá trị văn hóa của mình từ việc không còn rẫy, tức là không còn đất, không nơi sinh tồn: “Rẫy như hồn làng /Mất rẫy không còn đường về buôn/ Sương trên hồ mặt trăng không bơi/ Gió trên hồ bầu trời không thổi / Các con đường bị rào lại/ Hồn lúa không về chòi/ Hồn bắp không về túp/ Những con thú hoang buồn như mất vợ / Còn cách nào để cái rẫy còn /Cái lúa còn / Cái khoai còn/ Trái cà còn/ Còn đường đi ra rẫy/ Còn nghe tiếng hát gọi nhau tuốt lúa đêm trăng” (Rẫy hồn làng). Nói về tình cảm gắn bó thiêng liêng giữa con người và tự nhiên, một bình diện mà lĩnh vực sinh thái học văn hóa rất quan tâm, có còn lời nào cao cả và đẹp đẽ hơn như những câu thơ sau đây của Bùi Minh Vũ: “Rẫy là cuộc tình /Nơi bắt đầu lời nguyền/ Thà mất trăng sao/ Rẫy còn ở lại/ Amí ama nhìn không biết chán/ Trên gương mặt đất đai/ Tấm gương linh hồn họ, nhân đôi.” (Rẫy hồn làng). Còn đây là một hình ảnh không có gì đẹp bằng, không có gì thơ bằng và không có gì mình triết bằng, nói về mối giao cảm giữa con người và tự nhiên, điều mà chúng ta nghĩ chỉ có trong thần thoại thì nay ta lại bắt gặp trong thơ Bùi Minh Vũ, một con người hiện đại, đang sống trong một xã hội hiện đại, ở một thành phố hiện đại của Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, thế mà anh lại viết được những câu thơ, chỉ có thể lý giải bằng vô thức trong sáng tạo: “Chiều một mình ở góc rừng thiêng / Amí gùi nước lên triền dốc/ Ngẩng đầu hôn chùm nắng chói ngược / Cúi đầu tay một vốc thiên nhiên”. (Amí) Hay: “Con thú gào xé thân bụi lúa/ Như tiếng mọt thời gian cắn vào mùa xuân/ Tay này cầm ná, tay kia cầm đá/ Con thú tội nghiệp làm sao”. (Con thú) Và “Mưa trôi mặt trời/ Không trôi giọt mồ hôi mẹ/ Mưa trôi giấc mơ cất trên chòi lúa/ Nảy mầm dọc suối mùa xuân”. (Mùa xuân)

Khác với cái nhìn của những người theo quan điểm “nhân loại trung tâm luận”, xem con người là quyền uy duy nhất, là chúa tể muôn loài, còn tự nhiên là những vật sở hữu của con người, phục vụ cho cuộc sống của con người, nên họ ra sức khai phá, tận diệt thiên nhiên. Trong cái nhìn của những người theo quan điểm sinh thái học văn hóa và sinh thái học nhân văn, con người là một phần của môi trường sinh thái, không phải là một thế lực bên ngoài tác động vào. Vì vậy, họ lên án những hành vi hủy hoại, tàn phá môi trường tự nhiên đã để lại những “nỗi đau sinh thái”. Điều nầy, cũng thể hiện rõ ở cảm quan sinh thái văn hóa trong thơ Bùi Minh Vũ.  Đó là tiếng kêu quặn thắt trước hình ảnh những cánh rừng bị hủy diệt “Lũ như cây chổi quét nhà cửa, mùa màng/ Cây chổi ai cầm, ai giữ/ Thảng thốt đêm cháy sém/ Rừng, rừng ơi…” (Ngỏ ý); là tiếng khóc nghẹn ngào của Đất trước sự nhẫn tâm tàn phá bởi con người đối với mảnh đất ngàn đời ông cha để lại mà không chút xa xót: San bằng một mảnh đất / Dù biết/ Đó là nơi tổ tiên họ ở/ Cách đây nhiều ngàn năm”. (Nơi tổ tiên họ ở), nên: “Nghe đất khóc /Từ bến bờ nham nhở/ Những mảnh vỡ đất vương vãi dọc đường/Máu của đất đen như đêm ba mươi/ Đầy những linh hồn / Miệng hát / Tất đất tất vàng/ Muốn còn mua đất/ Muốn mất đi chơi/ Đêm nghe đất khóc/ Thèm khát bảo tồn/ Mai sau con cháu trùng tu.” (Điền dã); là tiếng kêu thảng thốt trước tình cảnh, những sinh thể tự nhiên không còn ngôi nhà của Mẹ thiên nhiên để an trú, để trở về: “Cây rừng đi đâu?/ Dòng suối về đâu?/ Con thú hoang ở đâu?” (Trả nợ); là hình ảnh những chú heo rừng bị bắn chết để biến thành những món ăn đặc sản phục vụ cho các “gu” ẩm thực của con người, đến nỗi thần linh cũng bật khóc: “Những chú heo rừng/ Như cái cây trên đá /Chai lì và nhẫn nại/ Ai đã bắn/ Cắn ăn/ Thần linh khóc / Nước mắt thẳm đen/ Che ánh nắng giả tạo / Sợ mặt trời lẻ loi”. (Heo rừng); là hình ảnh những “Con voi nhớ rừng gào rống /Hoàng hôn/ Ai nhổ những cọng lông đuôi/ Cuối cùng”. (Ngà) Để rồi: “Nước không về bến nước/ Con nai khát ven rừng/ Chiếc gùi khóc rưng rưng/ Tiếng chiêng rơi lưng chừng/ Nước không về bến nước/ Những quả bầu / Quả bầu/ Lăn xuống bờ vực sâu/ Ông bà ơi, ông bà hỡi!” (Nước). Ôi! Có phải đây là tiếng kêu cứu vô vọng đối với tiền nhân và những câu hỏi đầy sự tra vấn này rồi có rơi vào hư không!?…

Liệu con người sẽ sinh tồn như thế nào khi những gì thiêng liêng nhất của Mẹ thiên nhiên bị con người nhẫn tâm tàn phá không một chút xót thương. Đây không còn là “nỗi đau sinh thái” mà là một câu hỏi lớn đang cần sự giải đáp của con người, nhất là những con người có trách nhiệm quản trị đất nước, nếu con người không muốn mình bị hủy diệt. Vì thế, có thể xem lời cảnh báo của Đức Giám Mục Jean – Louis Brugues khi luận về sinh thái học nhân bản là một sự định hướng cho việc thay đổi ý thức con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái khi ông cho rằng: “Sự thay đổi não trạng trong lãnh vực này bao gồm cả các trách nhiệm kèm theo, phải làm chúng ta nhanh chóng lựa một nghệ thuật sống chung, biết tôn trọng giao ước giữa con người và thiên nhiên, nếu không gia đình nhân loại có nguy cơ biến mất”. (2) Bởi, trong cái nhìn của chủ nghĩa nhân văn sinh thái, con người không phải là một chủ thể quyền uy thống trị muôn loài, mà con người và tự nhiên phải hòa hợp, nương tựa vào nhau, gắn kết với nhau, hướng đến một sự hài hòa. Đây là một bình diện thể hiện khá sâu sắc ở cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ.

5. Xuất phát từ “Thuyết Vật linh” cho rằng “linh hồn hay sự linh thiêng có trong mọi vật (người, động vật, thực vật, đá, sông, núi…), trong mọi hiện tượng tự nhiên (sấm, chớp, mây, mưa) hay các thực thể khác trong môi trường tự nhiên. (…) Thuyết vật linh cũng gán linh hồn cho các khái niệm trừu tượng như lời nói, các ẩn dụ trong thần thoại”. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) Còn luận thuyết “Thiên nhân hợp nhất” thì cho rằng con người là một sinh vật trong vũ trụ (Nhân thân tiểu thiên địa) do đó, chịu mọi ảnh hưởng và chi phối của vũ trụ. Đây cũng là những luận thuyết cơ bản trong triết học phương Đông để khu biệt với triết học phương Tây. Vì vậy, người phương Đông, trong có người Việt Nam luôn trân quí cái đẹp của tự nhiên; sống hòa hợp, gắn bó với tự nhiên theo tinh thần sinh thái nhân văn. Điều nầy đã được xác tín trong tác phẩm Chúng tôi ăn rừng của Georges Condominas (Nxb. Thế giới, H, 2008), khi ông cho rằng theo tín ngưỡng của người Mnông: “Mỗi cá nhân có nhiều “hồn” (hêeng), mỗi hồn có hình dạng và có thể nói có cách ứng xử riêng: hồn thạch anh trú ở ngay sau trán, hồn nhện thoát ra khỏi đầu trong khi ngủ, Hồn trâu được các Thần (Yaang) nuôi dưỡng ở trên trời, nơi đó còn có cả hồn tre khổng lồ, hồn thuyền và nhiều hồn khác nữa… Cuộc đời con người gắn bó chặt chẽ với cuộc đời các hồn, nêu hồn bị nạn thì con người bị ốm; nếu hồn chết thì con người cũng chết theo” (3).

Như vậy, trong tâm thức văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, cuộc đời con người có sự gắn bó với tự nhiên qua các hồn và sự tồn sinh của những sinh thể trong tự nhiên luôn gắn với sự tồn sinh của con người. Và từ góc nhìn sinh thái học, đây là quan niệm có tính nhân văn sâu sắc. Bởi, con người không thể đứng ngoài môi trường sinh thái, đứng trên môi trường sinh thái mà phải ở trong môi trường sinh thái. Nói theo Phật kinh: “Vũ trụ là một toàn thể, vạn vật đều liên lạc mật thiết với nhau như các bộ phận trong châu thân ta”. (4) Và có lẽ, Bùi Minh Vũ đã nhận thức sâu sắc quan niệm trong các luận thuyết nầy nên đã thể hiện rõ trong vũ trụ thơ của anh.  Song, cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ, không chỉ đơn thuần là việc nói lên cuộc sống hài hòa giữa con người và tự nhiên, thức nhận ý thức trân quí tự nhiên, chỉ ra sự tàn phá của con người đối với những giá trị văn hóa sinh thái hay cảnh báo về sự mất dần những giá trị sinh thái văn hóa truyền thống trong tự nhiên ở Tây Nguyên mà quan trọng hơn, nhà thơ còn lên án những hành động “ngông cuồng”, “vô ý thức” của con người đối với tự nhiên, chỉ ra hệ quả khủng khiếp của những việc làm ấy, mà theo nhà thơ, đây là nguyên nhân dẫn đến sự hủy diệt sự sống của chính con người và là món nợ phải trả nếu con người không muốn bị diệt vong. Và để trả món nợ này, với sứ mệnh của người cầm bút, nhà thơ đã tự nhận trách nhiệm về mình, khi đặt ra hàng loạt câu hỏi mang tính tự vấn: “Cây rừng đi đâu?/ Dòng suối về đâu?/ Con thú hoang ở đâu?/ Em đã hỏi / Mặt trời trốn sau đồi/ Bầy chim rừng ngậm mấy giọt trăng rơi/ Ôi trang viết buồn biết bao nhiêu hả trời/ Giá như rừng là mực/ Ta chấm vào viết nên trang sách/ Tự do cho muôn loài / Ôi nếu em đòi / Một đóa lan rừng/ Một tiếng mang kêu/ Một dòng suối hát/ Ta mất một đời để trả nợ cho em.” (Trả nợ). Bài thơ như một lời tự thú đớn đau vì bất lực của thi nhân trước những món nợ không dễ trả cho dẫu dành cả một đời. Bởi, nếu con người mãi nhẫn tâm tàn phá tự nhiên thì dù có dành đến ngàn đời cũng không “trả nợ” được “em”!?. Bởi thực tế bao giờ cũng không như mơ ước, và cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống hài hòa giữa con người và tự nhiên trong cuộc sống hiện tồn, chỉ có trong mộng mị mà thôi. “Rừng ngủ” là bài thơ phản ảnh cái thực tế đau lòng ấy: “Cây hóa đá trong nhà/ Gợi nhớ cánh rừng thức/ Hồn ngủ cái bụng to / Hai chiếc răng sữa trong phòng khách/ Cây hóa đá, đá hóa người.” (Rừng ngủ) Và càng đau lòng hơn khi từng ngày, từng giờ, môi trường sinh thái đang dẫy chết trước sự vô tâm của con người, mà lại là những người trẻ, chủ nhân của cuộc sống tương lai.

Bài thơ “Nàng công chúa trở về” là một lời cảnh báo thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ trước thảm trạng của việc tàn phá môi trường sinh thái nhưng đồng thời cũng là một thông điệp đầy tính nhân văn thức tỉnh mọi người trong việc chung tay gìn giữ môi trường xanh, sạch, cũng như bảo tồn các giá trị sinh thái văn hóa của Tây Nguyên hùng vĩ và huyền thoại để làm sao đón “nàng công chúa” trở về với con người: “Ơ những chàng trai, cô gái xinh đẹp /Sao lại quăng rác thải ra lòng suối Ea Nuôl/ Sao lại xả nước thải ra lòng suối Đốc Học/ Sao lại lấn chiếm lòng suối Xanh / Sao lại xây kè bên lòng suối Ea Nay / Sao lại vứt xác động vật lềnh bềnh trên suối Ea Tam / Suối là dòng chảy của ông bà để lại cơ mà? /Ơ những chàng trai, cô gái xinh đẹp của thành phố /Muốn làm nhà, phải hướng ra suối/ Muốn nô đùa bơi lội, suối phải xanh trong/ Muốn chụp ảnh, phải có cây xanh/ Muốn dạo bộ, phải làm tuyến đường nhỏ/ Nàng công chúa Ea Nuôl ngủ trong rừng/ Đã thức dậy và đi về sông Srepoc/ Bỏ lại những đống rác bốc mùi/ Những rãnh, những khe nước rỉ ra đục ngầu/ Nước mắt của sơn nữ buồn/ Tiếng than của giàng vắt qua thành phố/ Những tòa nhà, khách sạn, sân tennis / Mọc lên trên những con suối/ Như lưỡi dao nhọn chọc vào ngực nàng công chúa/ Tiếng rên của nàng vọng khắp buôn làng/ Ơ những chàng trai, những cô gái xinh đẹp/ Hãy tháo hết những bờ kè/ Bóc gỡ diện tích lấn chiếm/ Di dời sân tennis, những tòa nhà bên suối/ Nạo vét lòng suối, hốt sạch những đống rác/ Nhặt hết những xác chết động vật/ Khơi thông dòng chảy bị tắt nghẽn/ Và đừng xả nước thải chảy qua buồng phổi nàng/ Trồng cây xanh hóng mát/ Làm con đường dọc suối cho người già đi bộ/ Đêm qua /Mơ thấy nàng công chúa trở về/ Tiếng nàng róc rách/ Tóc nàng vắt qua thành phố xanh trong mãi mãi.” (Nàng công chúa trở về).

Bài thơ không chỉ có ý nghĩa thời sự mà còn thể hiện khá sâu sắc tư tưởng của chủ nghĩa sinh thái nhân bản. Không ai hiểu Tây Nguyên cho bằng chính những con người sống và gắn bó cuộc đời mình với Tây Nguyên. Bùi Minh Vũ bằng chính sự nghiệm sinh gần cả cuộc đời “dấn thân” vào cuộc sống và khí quyển văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, với trái im nhạy cảm của một nghệ sĩ anh không chỉ hiểu mà còn cảm nhận sâu sắc những giá trị nhân bản của nền văn hóa ấy và dùng thơ như một diễn ngôn để ghi lại những giá trị văn hóa kết tinh từ một môi trường sinh thái độc đáo đến lạ thường, đó là vùng văn hóa Tây Nguyên giàu tính nhân bản nhưng cũng đầy bí ẩn, một nền văn hóa của tâm linh. Không những thế, qua thơ mình, Bùi Minh Vũ muốn góp phần bé nhỏ vào việc thức nhận ý thức giữ gìn giá trị thiêng liêng của vùng văn hóa này với tinh thần, không chỉ bảo tồn mà còn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy trong một môi trường sinh thái trong lành như nó vốn có tự ngàn năm qua. Bởi, theo quan điểm của Đam Bo (Jacques Dournes) trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa ở Tây Nguyên là phải làm thế nào: “cho vận động đang diễn ra có được những điều kiện một mặt vẫn giữ được một diện mạo truyền thống và mặt khác, ứng dụng vào một ngày mai mới mẻ, tìm thấy được sự tiến bộ làm cho Truyền thống ấy nảy nở.” (5)

6. Cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ đã phản ảnh một cách sâu sắc và trung thực những phẩm tính sinh thái văn hóa độc đáo, trên nền tảng của một chủ nghĩa sinh thái nhân bản nên có ý nghĩa nhân sinh đáng được ghi nhận. Suy cho cùng, cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ vẫn là ước mơ một cuộc sống hài hòa trong an lành giữa con người và tự nhiên. Vì chỉ có điều ấy mới tránh được nỗi cô đơn bản thể của con người trước cái mênh mông vô cùng của tự nhiên. Bởi, một điều không thể phủ nhận, Mẹ tự nhiên bao giờ cũng là nơi an yên nhất để con người trở về trú ngụ sau những tháng ngày “phiêu lãng” trong cõi nhân sinh đầy bất an như lời tự tình giàu tính triết luận nhân văn ở bài thơ “Cây” của Bùi Minh Vũ: “Cây không bao giờ lẻ loi / Sợ con người cô độc/ Bóng mát bao dung mãi/ Như niềm vui / Đỡ con người đứng dậy/ Cây không thích triển lãm/ Sợ lẻ loi/ Mặt người”. (Cây). Và trong suy niệm của Bùi Minh Vũ: “Thơ / / một cánh rừng”. (Thơ). Thơ Bùi Minh Vũ là Thơ sinh ra từ những cánh rừng ở môi trường sinh thái văn hóa Tây Nguyên huyền thoại và nó phải trở thành một cánh Rừng sinh thái văn hóa trong Thơ để làm “xanh trong” cuộc sống con người và tự nhiên như ước mơ trong veo cảm thức sinh thái: “Mưa rơi/ Mây cõng mặt trời / Về núi/ Cây lá nắm tay, dạo chơi”. (Về núi) Bởi, thơ là tình yêu, là cuộc sống, và môi trường sinh thái văn hóa Tây Nguyên chỉ có thể tồn sinh trong tình yêu của con người đối với Tây Nguyên. Nói như Dam Bo (Jacques Dournes), khi ông khám phá vùng văn hóa Tây Nguyên: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu.” (6) Cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ cũng không nằm ngoài tinh thần nhân văn trong thông điệp mà Dam Bo đã nhắn gửi với chúng ta ở tác phẩm nỗi tiếng của ông viết về Tây Nguyên, mà ông gọi bằng cái tên rất lạ nhưng rất đáng yêu: Miền đất huyền ảo

                                               Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 3/6/2021

                                                     Sài Gòn, Mùa Đại dịch Covid lần 3

T.H.A

Chú thích:

  • Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tr. 655
  • ĐTC Biển Đức XVI, Vì một Sinh thái học nhân bản, (ThS. Nguyễn Thái Đông & TS. Nguyễn Hồng Giáp chuyển ngữ) Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.11
  • Georges Condominas, Chúng tôi ăn rừng, Nxb. Thế giới, H, 2008, tr.139
  • Hoàng Xuân Việt, Danh ngôn từ điển, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.509
  • (6) Dam Bo (Jacques Dournes Miền đất huyền ảo, NXb. Hội Nhà văn, H, 2003, tr.9; 11

 *Thơ trong bài viết đều trích trong các tập thơ của Bùi Minh Vũ, do Nxb. Hội Nhà văn ấn hành từ năm 1996 đến 2021