Đọc “Nước mắt đàn ông” của nhà văn Võ Thị Kim Liên

1285

    Nhật Hồng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong những ngày giãn cách theo NQ 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống Covid 19, tôi may mắn được đọc quyển tiểu thuyết Nước mắt đàn ông của nhà biên kịch, nhà văn nhà thơ Võ Thị Kim Liên, sách do nhà Xuất Bản Hồng Đức phát hành vào quí I năm 2021. Đây là quyển tiểu thuyết tâm lý xã hội thứ 19 trong sự nghiệp sáng tác của chị.

Tiểu thuyết Nước mắt đàn ông của nhà văn Võ Thị Kim Liên 

Tiểu thuyết lấy bối cảnh xã hội miền Bắc từ những năm 1964 đến nay, khi đất nước hoàn toàn độc lập tự do và thống nhất, đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Xoay quanh cuộc đời, tình yêu, hạnh phúc, chiến công thầm lặng và cả sự tha hóa, sai lầm trong cuộc sống đời thường của một chiến sĩ Công an dẫn đến kết cục đau lòng khi người vợ thân yêu ôm đau thương ra đi mãi mãi. Để người đàn ông chưa bao giờ khóc phải nghẹn ngào nước mắt vì sự ân hận muộn màng của mình.

Nếu như trong Vết thương thứ mười ba của cố nhà nhà văn Trang Thế Hy là một nỗi đau bất tận của người phụ nữ trong thời chiến tranh, thì trong Nước mắt đàn ông của nhà văn Võ Thị Kim Liên là nỗi đau thầm lặng của người đàn bà trong đời sống gia đình thời bình.

Tiểu thuyết Nước mắt đàn ông dày 297 trang, mở đầu bằng tình yêu trong sáng, đẹp đẽ và lãng mạn của đôi trai tài gái sắc giữa chàng sinh viên Trường sĩ quan Cảnh sát Nhân dân và nàng sinh viên Trường Đại học Sư phạm. Đó cũng là những năm tháng Mỹ tăng cường ném bom bắn phá Miền Bắc. Cả nước có chiến tranh. Quân dân hai miền quyết hy sinh tất cả để bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với những hy sinh và chiến công hiển hách. Với ngòi bút bao quát, sắc sảo, tác giả đã miêu tả khá chuẩn xác, sinh động về những cột mốc lịch sử đầy biến động và cao đẹp của thời đại mình sống, mình chứng kiến.

Cũng như bao đôi lứa khác, khi đã yêu thương và nhất là đã thành vợ thành chồng họ bỏ lại phía sau tất cả những tình cảm yêu thương bạn bè của một thời thơ ấu. Nhân vật tôi và Nhi cũng không ngoại lệ. Họ có một tình yêu đẹp, một kết quả hạnh phúc mà nhiều người mơ ước. Dù vậy tận trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn đau đáu một nỗi niềm khát khao là vợ chồng được sống cùng nhau trong một mái nhà để sớm tối có nhau, chăm sóc con cái… Nhưng vì yêu cầu công việc của một chiến sĩ Công an, vợ chồng họ luôn phải sống xa nhau. Người chồng vào Nam ra Bắc, chiến đấu quên mình vì bọn tội phạm. Nhiều lần anh được cấp trên khen thưởng, nâng cấp bậc. Con trai sáu tuổi rồi họ mới thực sự có một căn phòng hạnh phúc trong khu tập thể của cơ quan. Tưởng hạnh phúc từ đây tròn đầy, mãn nguyện đối với họ. Ai ngờ vừa sum vầy chưa được bao lâu thì nhân vật tôi đã sa vào vòng tay của người đàn bà khác. Bi kịch của họ bắt đầu từ đấy. Với bản tính nhẫn nhịn Nhi đã tha thứ cho chồng. Nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy. Hạnh phúc của họ luôn neo bên bờ vực thẳm.

Rồi chuyện gì đến đã đến. Tình yêu của họ ngày càng phai nhạt dần. Đỉnh điểm là khi anh bị bệnh HIV do lây nhiễm trong một lần truy quét tội phạm ma túy. Anh vô cùng đau đớn và giấu vợ về bệnh tình của mình. Chuyện chăn gối vợ chồng từ đó cũng chấm dứt hẳn. Nhi vốn biết chồng mình trăng hoa, bây giờ lại không “ngó ngàng” gì đến vợ, thậm chí còn có ý xa lánh nữa nên cô cứ nghĩ anh lại có người khác. Nhi buồn một nỗi buồn thăm thẳm, không biết chia sẻ với ai. Cô trở nên câm lặng như chiếc bóng bên cạnh chồng. Thỉnh thoảng cô lại làm thơ, những bài thơ đầy khao khát yêu thương. Thế là tôi bắt đầu nghi ngờ vợ. Anh cho là cô đã ngoại tình với ai đó nên lạnh nhạt với chồng. Mà ngoại tình với ai? Từ khi yêu đến hơn nửa đời làm vợ anh không thấy vợ mình có bất cứ người đàn ông nào đáng nghi ngờ. tôi vội lục trong trí nhớ và nhớ đến hắn. Hắn có thể coi là mối tình đầu của cô. Hắn giàu có và thành đạt. Vậy là anh ta cho rằng vợ mình đã luyến tiếc mối tình cũ và luôn mơ tưởng đến hắn, ngoại tình với hắn. Của đáng tội, anh ta không có bất cứ bằng chứng gì để kết tội vợ, dù đã theo dõi gắt gao, đã kiểm soát cả điện thoại và mọi phương tiện liên lạc khác của cô. Vậy là anh kết luận vợ ngoại tình tư tưởng.

Cái kết luận oan nghiệt ấy cứ lớn dần lên trong tâm thức của tôi, đến mức như một vòng kim cô anh tự xiết chặt lên đầu mình và vợ. Nhất là khi biết hắn đã chuyển công tác về cùng thành phố, anh như điên lên. Anh không thể chịu đựng được nữa với ý nghĩ “hắn vào thành phố là vì vợ mình”. Tôi hầm hầm về nhà, thấy vợ đang ngồi viết bên bàn vi tính, anh nóng giận dụi đầu vợ xuống bàn phím, hét lên: “Mày không làm gì có tội à. Con đĩ nó còn trinh trắng, thanh cao hơn nhà văn như mày. Mày biết chưa?”. Nhi đau đớn, tuyệt vọng đến cùng cực: “Không còn gì để nói nữa. Chúng ta ly hôn đi!” (trang 277).

Thế rồi bệnh tim của Nhi tái phát. Biết mình khó qua khỏi, Nhi cố nuốt nước mắt viết thư để lại cho chồng: “Đúng là em không bằng một con đĩ, một con đĩ không có đàn ông, một con đĩ văn chương. Một con đĩ gần nửa thế kỷ yêu và tận tụy hy sinh cả cuộc đời mình cho chồng con”. Rồi Nhi dứt khoát: “Em quyết định ly hôn để trả tự do cho anh và vớt vát chút danh dự còn lại của mình khi anh chưa hề chà đạp hết. Đó là tình yêu cuối cùng em dành cho anh, cho bố của các con em, cho ông của các cháu. Em cũng cám ơn anh đã cùng em lo toan, nuôi dạy các con nên người (trang 286). Và: “Bây giờ giữa sự sống và cái chết em lại nghĩ về anh. Em biết anh yêu em, yêu đến mức ích kỷ, cay nghiệt, cả tàn nhẫn đối với em nữa”. Rồi cô ước: “Giá như anh yêu em ít hơn, tôn trọng và tin em nhiều hơn thì có lẽ chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Bây giờ thì muộn rồi. Nếu tòa gửi giấy mời giải quyết ly hôn mà em còn nằm trên giường bệnh thì anh hãy đi một mình nhé. Còn nếu em đã chết rồi thì tòa không phải xử nữa” (trang 290).

Không may, Nhi vĩnh viễn ra đi. Bốn chín ngày của vợ, tôi mới được người bạn thân kể về hắn và anh hiểu: “Có nghĩa là từ trẻ tới già hắn chẳng yêu, chẳng cần vợ tôi. Vợ tôi cũng chẳng quan hệ, chẳng biết gì về hắn” (trang 284). Tôi lại đọc lại bức thư để lại của vợ. Anh càng đau đớn đến vò nát tâm can. Bởi anh đã ghen oan cho vợ. Xét cho cùng cô đã chết tức tưởi vì anh. Anh gào khóc trong ân hận muôn màng: “Trời ơi! Tại sao? Tại sao tôi lại tàn nhẫn đối với nàng như thế? Tại sao tôi lại điên cuồng ghen tuông? Tại sao tôi lại ngoại tình? Tại sao tôi không dám nói căn bệnh của tôi cho nàng hiểu để ít nhất nàng cũng còn một chút lòng tin đối với tôi. Tại sao? Tại sao lại như thế? Trời ơi! Tại sao? Tại Sao?” (trang 3). Câu hỏi: “Tại sao?” cứ lặp đi lặp lại nhiều lần ấy không phải chỉ của nhân vật tôi trong truyện mà là câu hỏi cho tất cả chúng ta, những người muốn có cuộc sống hạnh phúc, ấm êm với chính người thương yêu của mình. Phải chăng đó cũng là thông điệp đau đáu của tác phẩm?

Với bút pháp tinh tế, văn chương nhuần nhuyễn, Nước mắt đàn ông là quyển tiểu thuyết đương đại có giá trị thực tiễn và nhân văn sâu sắc. Đặc biệt sách hấp dẫn người đọc từ trang đầu đến trang cuối bởi những tình tiết gay cấn, chọn lọc và cách kể chuyện súc tích, lôi cuốn của tác giả. Được biết tác giả là một nhà văn từng ra Bắc vào Nam và làm nên sự nghiệp trên trên thành phố mang tên Bác, nên văn chương chị hàm chứa một tư chất văn học pha trộn ba miền Bắc, Trung, Nam, trong bối cảnh xã hội nửa chiến tranh và hòa bình trên cả hai miền đất nước.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn gần xa Nước mắt đàn ông, tiểu thuyết đáng đọc của nhà văn Võ Thị Kim Liên.

Cần Thơ, ngày giãn cách 9/8/2021

                                                                        N.H