Chuyện tình so đũa – Truyện ngắn của Lê Hoàng Kha

1808

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm nay gió chướng về sớm, nước ở sông cũng bắt đầu lên nhanh. Chắc dăm ba bữa nữa, mấy cây so đũa trồng ở mé sông, gần nhà Tư Ếch cũng sẽ trổ bông.

Tác giả Lê Hoàng Kha 

Ông Chín với ông Bảy ngồi uống nước trong cái chòi lá, năm ngoái Tư Ếch lợp để giữ vịt. Mà giờ có thấy con nào đâu, Tư Ếch nó buồn mà bán đi hết rồi. Trên cái bàn cây xiêu vẹo, lỡ tay mà lắc mạnh. Chắc nó cũng gãy mà đổ hết cái dĩa đường phèn, bình trà với mấy cái ly.

Hai ông già ngộ đời, chỉ thích mỗi món đường phèn, nhâm nhi uống nước trà là đúng gu. Ông Bảy rụng răng cái miệng thì móm, đưa mắt nhìn ra mấy cây so đũa rồi bảo:

– Mùa này coi bộ, so đũa trổ nhiều hén anh Chín?

Ông Chín cười khì:

– Nó mà đem nấu với mớ cá đồng, thêm xị đế thì hết chỗ chê nghen anh Bảy.

Tư Ếch ngồi bệt dưới đất cạnh mép cửa, đang khâu tấm lưới cũ mèm. Nói trổng vào:

– Con không thích so đũa, chiều con ra chặt bỏ hết.

– Thằng này bậy, không thích sao hồi đó mày trồng? Ông Bảy hỏi.

Tư Ếch chưa kịp trả lời, ông Chín đã vội thêm lời:

– Tại người ta thích, nên nó mới trồng.

Mà cũng tại người ta thích, nên Tư Ếch mới trồng. Mà giờ, người ta đi rồi. Chặt cũng phải, chứ để rồi mất công lại nhớ người ta. Mà nhớ, thì chỉ có thêm buồn thêm tủi mà thôi.

“Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Chị Thảo Uyên có chồng gần ấy năm trời, mà Tư Ếch chưa chịu lấy vợ. Nhiều người đến mai mối, mà anh có chịu mối nào đâu. Người ta bực bỏ về, tưởng anh chê con gái nhà người ta. Nhưng anh đâu có dám chê khen ai, chỉ thằng Út Đẹt mới biết chuyện, anh còn thương chị Thảo Uyên.

Hồi đó, Út Đẹt hay đưa lời của Tư Ếch cho chị Thảo Uyên. Mà không biết sao lại đặt tên là Út Đẹt, chứ nó cũng cao người đâu có đẹt. Còn chuyện tình giữa Tư Ếch với chị Thảo Uyên, nó biết ráo trọi.

Tư Ếch thương chị Thảo Uyên, chị cũng thương anh. Mà hai người không dám công khai, chỉ úp mở nửa vời. Cứ đi chơi là rủ cả chục đứa đi cùng, để ba má chị Thảo Uyên không đổi nghi ngờ. Vì ba chị Thảo Uyên giàu có tiếng ở làng, đó là ông năm Giàu. Cái tên thôi cũng đã thấy giàu, ổng khó tính lắm. Năm Giàu chỉ ho một tiếng, là má chị Thảo Uyên phải riu ríu mà bỏ xuống nhà sau.

Có lần, cả đám đi ăn chè ở quán bà ba Tình. Đang cười nói vui vẻ, thằng Vĩnh hỏi trêu Tư Ếch:

– Hồi đó, sao tía mày đặt tên Ếch. Nghe kì kì, cứ nghĩ đến là tao lại thèm món ếch xào lá cách.

Câu hỏi trớt quớt y như thằng Vĩnh, cả đám cười to.

– Ừ! Thì hồi mang bầu tao, má tao thèm ếch. Nên tía đi soi, chưa kịp về là má tao trở dạ sinh.

Chưa dứt câu, thằng Hải xen vào:

– Thế là tía mày đặt tên là Ếch.

Cả đám cười trừ, riêng chị Thảo Uyên không cười mà nhìn anh với ánh mắt trìu mến. Trong bụng chị thấy thương Tư Ếch, thương cái tính thật thà. Nhà nghèo mà chịu khó làm ăn, chứ không có giống mấy đứa con trai chơi bời lêu lổng, chuyên trêu ghẹo con gái nhà lành.

– Thôi! Mấy chế chớ ghẹo người ta hoài, người ta buồn cho coi.

Chị Thảo Uyên vừa nói xong, chị Lan ghẹo:

– Chứ không phải, Thảo Uyên buồn thay cho Tư Ếch à?

– Chế này! Tôi không có à nghen.

Vừa nói, mà má của chị Thảo Uyên đỏ ửng hai bên. Tư Ếch không nói gì, mà cứ nhìn chị miết. Cái nhìn của kẻ say tình, dành cho người mình thương.

Có lần chị nói, chị thèm bông so đũa. Nhưng mùa gió chướng chưa về, nên bông chưa trổ. Mà có trổ thì cũng phải qua bên sông hái, Tư Ếch nói:

– Thảo Uyên chờ đi! đến mùa Ếch bơi xuồng qua sông, hái đem về cho Thảo Uyên đầy xuồng luôn hén.

– Chèn đét ơi! Nhiều chi dữ, đầy cái rổ được rồi. Mà anh nhớ hén, Thảo Uyên đợi đó nghen.

Rồi chị Thảo Uyên vén mái tóc dài thơm mùi bồ kết, tựa đầu vào vai Tư Ếch. Tư Ếch vội nắm bàn tay trắng nõn, của người con gái đôi mươi dưới ánh trăng mơ hồ. Hai người ngồi nhìn ra mé sông, cạnh con nước đang lớn dần. Gió cũng bắt đầu thổi xào xạc, qua bụi tre mọc ở mé sông.

Rồi mùa gió chướng cũng về, Tư Ếch tranh thủ trời chưa sáng. Một mình bơi xuồng ra sông giăng lưới, rồi rẽ ngang hái mớ bông so đũa về cho chị Thảo Uyên. Mà sợ ba của chị Thảo Uyên biết chuyện, nên Tư Ếch nhờ Út Đẹt đưa cho chị Thảo Uyên. Tình cảm của chị Thảo Uyên dành cho Tư Ếch ngày một lớn dần.

Bữa ra chợ huyện, chị mua cho Tư Ếch mấy cái áo sơ mi. Rồi nhờ Út Đẹt đem qua cho anh, nó hỏi:

– Rồi chị với anh Tư Ếch, chừng nào mần cưới?

Chị Thảo Uyên cười e thẹn:

– Chèn ơi! Chừng nào, chị cũng chưa biết nữa Út.

Chị Thảo Uyên tỏ ra mắc cỡ, mà trong lòng thì cũng muốn lắm chứ. Út Đẹt nó biết, nên cũng chẳng buồn hỏi nữa. Nó nghĩ bụng: “Khi nào Tư Ếch vượt qua ải của ông năm Giàu, thì chắc mới cưới được. Cái ông già cỗ hủ đó, thật là…!”

Có lần, chị Thảo Uyên đi chợ ngang. Thấy Tư Ếch đang cặm cụi trồng cây so đũa, chị hỏi:

– Anh Tư trồng cho ai vậy hén?

Tư Ếch nhìn lên thấy chị, mà cười khoái chí:

– Trồng cho Thảo Uyên chứ ai! Sau này gió chướng về, là Tư sẽ hái cho Thảo Uyên ăn hoài luôn nghen.

Chị khẽ đáp lời anh:

– Mấy người nói thì nhớ à nghen, Thảo Uyên chờ!

Rồi chị Thảo Uyên cười duyên với Tư Ếch, vội kéo cái nón lá trên đầu cho ngay. Rồi bước vội, sợ người ta nhìn thấy. Tư Ếch thì dõi theo dáng của chị Thảo Uyên, khuất sau bụi tre.

Mấy ngày sau, Tư Ếch bắt vịt con về nuôi. Đang đào cột, làm cái chòi giữ vịt. Ông Chín đi ngoài ruộng về, giả đò hỏi:

– Tư Ếch, nuôi vịt lấy vợ hả mày?

Đang loay hoay đào đất người nhễ nhại mồ hôi, Tư Ếch ngước lên nhìn:

– Ai chịu, mà cưới ông Chín ơi!

Ông Chín cũng biết, đâu phải riêng ông. Mà cả làng ai cũng biết, mà đành để bụng không dám nói ra.

Bữa Tư Ếch đi giăng lưới ở ngoài sông, ông năm Giàu sang nhà gặp ba má Tư Ếch.

Chắc là ổng biết chuyện của Tư Ếch với chị Thảo Uyên, nên mới đến nhà. Út Đẹt núp bên hông nhà nghe lén, ông năm Giàu nói:

– Tôi nói ít, mong anh chị hiểu nhiều. Con Thảo Uyên nhà tôi, đã có hôn ước với người ta. Cuối năm, tôi sẽ gả nó. Còn thằng Tư Ếch nhà anh chị nghèo rớt mồng tơi, không xứng với con gái của tôi. Mà chắc gì tôi cho lấy, khéo kiếm đứa con gái nhà nào nghèo như Tư Ếch, rồi cưới cho nó nghen.

Ông Mười giận lắm, nhưng cũng ráng kìm nén mà nói:

– Dạ! Thưa anh năm Giàu, mấy đời nhà tôi nghèo khó. Tôi biết phận mình, không dám trèo cao. Tuy nghèo, nhưng nhà tôi cũng có lòng tự trọng. Nếu con tôi không phải phép với anh, tôi thay mặt con dại xin lỗi anh năm Giàu.

Năm Giàu vội đáp lời:

– Tôi không dám nhận lời xin lỗi của anh, thôi tôi về nghen.

Ông năm Giàu gằn giọng, rồi khinh rẻ bỏ về.

Bà Mười nghe mấy câu nói của ông năm Giàu mà uất ức, rồi ngất xỉu. Ông Mười la lên, hàng xóm chạy qua phụ nhau cạo gió xoa bóp chân tay bà mới tỉnh lại.

Lúc đó, Tư Ếch mới tấp chiếc xuồng vào bến. Thằng Út Đẹt hớt hải chạy ra, nó thở hổn hển. Chưa kịp nói, Tư Ếch hỏi:

– Bộ ma đuổi hay sao? Mà mày chạy dữ vậy Út Đẹt.

– Anh Tư về nhà gấp, bà Mười ngất xỉu rồi!

Út Đẹt chưa nói dứt câu, Tư Ếch đã nhảy lên bờ chạy một mạch về nhà. Mà quên luôn mớ so đũa, giỏ cá còn ở dưới xuồng.

– Má không sao chứ?

Tư Ếch nắm tay bà Mười mà khóc, bà Mười cũng khóc:

– Má không sao hết, trời ơi! Tội cho con tôi.

Ông Mười bước lại gần đầu giường, kể đầu đuôi câu chuyện cho Tư Ếch nghe. Tư Ếch nghe xong mà nước mắt lưng tròng, ông Mười bảo:

– Thôi, con tính sao thì ba má nghe vậy.

Tư Ếch nghĩ hồi lâu, rồi “Dạ” một tiếng. Mà nghe như nghẹn đắng ở cổ, chua chát thật sự.

Tư Ếch ra chòi vịt, lấy chai rượu uống một hơi dài. Men rượu cay nồng, như xé tâm can. Tư Ếch muốn quên đi sự đời bạc bẽo, muốn quên đi người con gái anh yêu. Vì càng nhớ, lại càng đau thắt ở tim. Tư Ếch lẩm bẩm thành lời:

– Nghèo! Chắc tại tôi nghèo!

Anh cười lớn trong cơn say, thằng Út Đẹt biết anh buồn mà trốn ngoài đó. Nên nó ra xem thử, thấy nó anh bảo:

– Hứa với anh, là không nói chuyện này cho chị Thảo Uyên biết nghen. Để người ta, cứ coi như anh là kẻ phụ bạc còn hơn.

Thằng Út Đẹt tuy còn nhỏ, nhưng nghe câu nói của anh nó hiểu, mắt nó đỏ hoe như muốn khóc. Rồi anh bảo nó về nhà, kẻo mà trời tối. Trước khi về, Tư Ếch dúi vào tay Út Đẹt tờ giấy. Kêu nó đưa cho chị Thảo Uyên giúp anh, chứ anh không đành lòng mà gặp chị.

Sáng hôm sau, người ta không thấy Tư Ếch giăng lưới dưới sông, hay ra chòi giữ vịt nữa. Chị Thảo Uyên đọc tờ giấy của Út Đẹt đưa, mà tay chị cứ run, chị Thảo Uyên bật khóc nức nở. Nước mắt chị rơi làm lem hết chữ, chị Thảo Uyên nói trong sự nghẹn ngào:

– Út Đẹt ơi ! Anh Tư bỏ chị thật rồi.

Thằng Út Đẹt buồn, nó cũng muốn nói với chị Thảo Uyên, là không phải tại anh Tư Ếch đâu. Nhưng lỡ hứa với Tư Ếch, nên nó đành thôi. Lúc đầu, chị vẫn hy vọng Tư Ếch sẽ về. Tư Ếch dắt chị đi đâu cũng được, chị cũng ưng lòng. Nhưng rồi đợi hoài, không thấy tăm tích của Tư Ếch đâu nữa. Nghe người ta nói, Tư Ếch đã có vợ ở miệt trong rồi. Chị Thảo Uyên khóc, thương mình đã uổng công chờ anh. Rồi trách Tư Ếch là kẻ bạc tình, kẻ đã ruồng bỏ chị. Từ người thương, mà giờ chị đã hóa hận con người đó.

Cái ngày nhà trai qua rước dâu, chị Thảo Uyên khóc dữ lắm. Người ta thấy có người đàn ông, đứng bên cây so đũa đã trổ bông. Nhìn theo hướng chiếc xuồng đưa dâu, chở chị Thảo Uyên về bên kia sông mà Tư Ếch đau muốn nát cõi lòng. Vậy là người ta đồn thổi, chứ Tư Ếch đâu có vợ, tại Tư Ếch muốn tránh mặt chị Thảo Uyên, nên mới đi mần xa. Thằng Út Đẹt thấy anh về, nó mừng dữ lắm. Nó kể cho anh nghe câu chuyện mấy năm nay, trong đó có chuyện của chị Thảo Uyên. Làm mắt anh đỏ hoe mà nước mắt chực trào ra, trong lòng chắc đau dữ lắm mà không nói được. Dù gì, giờ chị Thảo Uyên cũng đã có chồng. Chắc là, chị Thảo Uyên sẽ cố quên anh Tư Ếch thôi. Cái con người mà chị hận, mà gọi anh là kẻ bạc tình.

Bông so đũa đã nở, mà người cũng đã đi xa. Đâu ai mà kêu Tư Ếch hái cho ăn nữa, nước mắt tuôn rơi mà thấy mặn chát ở đầu môi. Người ta đi ngang qua, thấy Tư Ếch chặt mấy cây so đũa mà tiếc lắm. Nhưng mà chặt cũng phải, tại hồi đó người ta thích nên anh mới trồng. Giờ người ta đi rồi, còn ai nữa mà hái bông so đũa. Thấy chỉ thêm buồn thêm sầu, mà thêm tủi hờn thôi. Có ai hiểu nỗi lòng anh Tư Ếch, rồi ai sẽ thương cho chị Thảo Uyên đây chứ.

“Dí dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

Bậu ra cho khỏi tay ta

Cái xương bậu nát, cái da bậu mềm”

L.H.K