Đọc tác phẩm Chén ngọc Trương Chi của Nguyễn An Bình

357

 NGUYÊN BÌNH

Trong những năm gần đây, tác phẩm của nhà thơ, nhà văn Nguyễn An Bình xuất hiện đều trên văn đàn trong và ngoài nước với hình ảnh một nhà giáo hiền hòa của miền sông nước Cần Thơ, cùng những bài thơ đằm thắm, ý từ dung dị, vần điệu ngọt ngào, chinh phục tâm hồn bạn đọc gần xa. Thơ anh được các nhạc sĩ phổ nhạc rất nhiều và có lẽ anh là nhà thơ đang giữ kỉ lục về số thơ phổ nhạc, với khoảng 900 bài. Năm ngoái (2020) anh lại vừa xuất bản tập truyện ngắn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà, và năm nay, tôi vinh dự được anh gởi tập bản thảo truyện ngắn Chén ngọc Trương Chi, với hơn 15 truyện, đan xen những truyện dã sử mang màu sắc truyền thuyết, giai thoại lịch sử bên cạnh một số truyện phản ánh những vấn đề của xã hội đương đại.

Qua các tác phẩm đã in và những hoạt động văn nghệ không mệt mỏi của anh, có thể nói rằng, Nguyễn An Bình viết với tất cả sự nhiệt thành của trái tim mẫn cảm, đầy ắp tính nhân văn, với kiến văn sâu rộng, uyên bác trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong văn chương kim cổ. Đại văn hào Tolstoi nói: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng máu nóng của mình cho nhân loại”. Nguyễn An Bình cũng đã dồn hết tâm lực trong quá trình sáng tác để viết về tình yêu đất nước, con người và xã hội với bao khát vọng cao đẹp của một cây bút chân chính. Giọng văn điềm đạm từ tốn thể hiện sự chín chắn của một cây bút đã trải nghiệm qua bao biến chuyển của xã hội.

Tập truyện Chén ngọc Trương Chi bao gồm: nhóm các truyện viết về các truyền thuyết và giai thoại: Chén ngọc Trương Chi,  Chiếc áo thiên nga, Chuyện kể ở Động đình hồ, Rồng đá thành nhà Hồ, Hoa đào vườn cũ, Sương khói Thần phù.

Trong truyện Chén ngọc Trương Chi, Trương Chi – Mỵ Nương là giai thoại lưu truyền rộng rãi trong dân gian với nhiều truyện, thơ, kịch bản sân khấu, điện ảnh của nhiều cây bút qua nhiều thời kỳ văn học. Ở đây, nhà văn Nguyễn An Bình có ý đồ làm mới hồn phách và phẩm chất nhân vật qua góc nhìn của mình: “Từ ngày được kết bạn với Trần Công Tử, tiếng sáo của Trương Chi không còn u oán, buồn bã nữa, tiếng sáo lại cất lên âm điệu réo rắt, yêu đời …”. Để rồi, khi kịch tính xảy ra, cơn gió lốc đột ngột lật tung chiếc nón che mặt khiến nàng Mỵ Nương hoảng loạn rồi lâm trọng bệnh, Trương Chi rơi vào sầu thảm rồi chết trong nhớ thương thì câu chuyện chuyển sang màu sắc huyền thoại:“Khi lấy tro cốt của Trương Chi đi rải sông, lão ngư phát hiện trái tim của chàng không tan thành tro bụi mà lại kết thành một khối đá cứng…, viên đá lấp lánh màu đỏ huyết như viên ngọc…”… Viên đá được chế tác thành chén ngọc và: …“Ngày nọ, Mỵ Nương rót trà vào chén ngọc, bỗng nhiên dưới đáy chén hiện lên hình ảnh con đò, văng vẳng tiếng sáo vi vu như kể lể nỗi nhớ nhung thương tiếc…Cuối cùng cả chén ngọc hóa thành làn khói xanh tan vào khoảng hư không mất dạng.” Chủ đề tình yêu chân thành, chung thủy trong hoàn cảnh ngang trái được tác giả cho kết thúc thật đẹp, lung linh huyền ảo, chuyện tình trở thành bất tử trong lòng bạn đọc.

Khi viết Chiếc áo thiên nga, tác giả lấy chuyện tình Trọng Thủy – Mỵ Châu để quyết liệt lên án tham vọng bá quyền, đề cao phẩm giá con người, bảo vệ tình yêu sắc son chung thủy. Theo tác giả, trái tim yêu đương của Mỵ Châu trong trắng, nàng không mảy may có ý đồ bán đứng tổ quốc cho ngoại bang. Nhân vật Vũ Sinh được tác giả cho đảm nhận vai trò hóa giải oan khiên: “Thiên đình cảm thông cho nỗi oan tình của thiếp cả ngàn năm …nên nhờ chàng giải tỏa những oan tình mà thiếp phải gánh lấy trong lịch sử.”. Phải chăng, Nguyễn An Bình muốn nhận lấy sứ mạng giải nỗi oan ngút trời mà ngay cả thần Kim Quy cũng nhầm lẫn khi phán xét: “Giặc đang ngồi sau lưng ngươi đó !” Truyền thuyết trong dân gian luôn để ngỏ nhiều cánh cửa để lịch sử phán xét.

Chuyện kể ở Động đình hồ lại thể hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc: “Xin ân nhân đừng ngại. Tiệc rượu này thiếp bày ra để chào đón ân nhân đó thôi”…: “Ân nhân ư? Ta với nàng có mối ân nghĩa gì sao?…  “Chàng thật mau quên. Có phải chàng cho rằng thi ân bất cầu báo chăng? Nhưng người thọ ân không thể quên được. Đạo lý thánh hiền từ ngàn xưa đã dạy như thế…”  Bên cạnh đó, tác giả tái hiện vụ án Lệ chi viên với nhiều tình tiết mới mẻ để vạch trần bộ mặt tàn bạo, bất nhân của vua quan ở chốn thâm cung. Tôi khâm phục thái độ làm việc nghiêm túc, dày công tra cứu tư liệu, giai thoại văn học, các địa danh cụ thể: “… Ngoài sông Dương Tử ra, hồ còn được bốn con sông khác đổ nước vào là Tương Giang, Tư Giang, Nguyên Giang và Lệ Thủy. Ngoài ra còn có sông Tiêu đổ vào sông Tương gần Trường Sa trước khi sông Tương đổ vào hồ vì thế khúc sông này được gọi là Tiêu Tương. Sông Tiêu, sông Tương là những con sông nổi tiếng được nói tới rất nhiều trong văn chương Trung Hoa và Đại Việt mà chàng đã từng đọc qua.

Truyện Rồng đá thành nhà Hồ, tác giả rất thành công khi xây dựng hình tượng Hồ Quý Ly, một ông vua có tài, có lòng yêu nước nhưng lại ấp ủ nhiều tham vọng, hung bạo khi thực hiện ý đồ, không màng đến mạng sống của lương dân vô tội. Đối lập với Hồ Quý Ly, hình ảnh nàng Bình Khương dân dã mà chí tình, đầy ắp nhân nghĩa, nhưng không kém phần đanh thép: “Thưa thượng hoàng, đối với người cái chết của một chàng cống sỹ chẳng qua chỉ là con giun cái kiến mà thôi”…”Âm đức của hoàng thượng không dầy, chính chính sách hà khắc, coi sinh mạng dân đen như ngọn cỏ, bao nhiêu xương máu người dân vô tội đã đổ xuống để xây thành đắp lũy…” Đó là một thông điệp mà tác giả muốn gởi gắm cho muôn đời. Đằng sau truyện là những tư liệu lịch sử mà tác giả dụng công truy cứu để đưa ra những dẫn chứng thú vị: … Nếu tính từ năm 1400, khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần, tự lập làm vua, đóng đô ở Tây Đô cho đến tháng 4 năm 1407 khi cha con Hồ Quý Ly bỏ thành chạy về Kỳ La lánh nạn và bị giặc bắt thời gian chỉ hơn 6 năm, phải chăng ứng với lời tiên đoàn nhà Hồ chỉ tồn tại được 6 năm của Hồ Hán Thương hay là ý trời trong bài đồng dao mà nàng Bình Khương đã đọc cho Hồ Quý Ly nghe?(?)

Các truyện còn lại cũng mang màu sắc truyền thuyết, thi thoại, ở đó tác giả vận dụng kiến văn sâu rộng uyên bác của mình về văn học sử, đã đem lại cho độc giả những giây chiêm nghiệm, thưởng lãm và thư giãn bổ ích khi đọc truyện.

Nhóm thứ hai bao gồm 8 truyện, Lãng đãng Mai Châu, Tạm biệt Mimosa, Trên chuyến xe chiều cuối năm, Quỳnh Hương, Lão Quyền, Mùa xuân của Sửu, Dốc đợi, Gửi lại mùa trăng, Đuổi chuột đêm trăng, với thể loại pha trộn truyện ký hay bút ký, cảm xúc chủ đạo bộc phát từ tâm thức người kể chuyện. Chủ đề chính là cảnh sắc tuyệt đẹp của quê hương đất nước lồng trong những chuyện tình sâu lắng, những mối cảm hoài đẹp đẽ, những số phận bi thương, éo le mang tính bi kịch trong xã hội hiện đại với nhiều hoàn cảnh và giai đoạn khác nhau của đất nước.

Lãng đãng Mai Châu ghi lại dấu ấn đặc sắc của vùng núi rừng Tây Bắc điệp trùng núi và hoa, mây và điệu khèn muôn thuở. Có lẽ tác giả là người trải nghiệm nhiều trên vùng đất này, nên dễ dàng khắc họa hình ảnh những nơi mình từng đặt chân đến một cách chân thực, gây ấn tượng mạnh mẽ: Hoa Ban là loài hoa biểu tượng của vùng cao, biểu tượng của tình yêu trong sáng và thủy chung của núi rừng Tây Bắc…..Hoa mận không chỉ đẹp bởi vẻ mỏng manh, tinh khiết mà khi nở nó làm cho cả đất trời cao nguyên nhuộm trắng bởi một màu tinh khiết trong ngần ấy bên cạnh đó lại xen kẽ sắc hồng của những cành đào lung linh trong nắng sớm  khiến bao du khách như lạc vào chốn thần tiên trong chuyện cổ tích……Con người vùng cao trong mắt Nguyễn An Bình đẹp và hồn nhiên như những đóa hoa rừng và cái dạ thủy chung của thiếu nữ ở đây cao quý như hương hoa ban e ấp, thể hiện ở đoạn thoại đắc địa, chủ đề của truyện:

“Chợt Hào thảng thốt sững người, trước mặt anh là cô gái trẻ khá xinh, mặt tươi tắn, nụ cười như luôn gắn trên môi…, …. Hào nhìn Thảo, anh thì thầm: – Anh yêu Thảo. – Em không thể yêu anh được. – Em đã có người yêu.…Nhưng mà thôi cũng không có gì anh ạ, người yêu em đã mất cách đây hơn hai năm rồi”.

Trong truyện Tạm biệt Mimosa, xứ sở ngàn hoa được nhà văn yêu mến, trân trọng như chính quê hương mình. Anh am hiểu từng địa danh, từng bộ tộc bản địa  và thuộc lòng những truyền thuyết của vùng đất của sử thi: “Lang Biang là khu du lịch sinh thái cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 12 km về phía bắc thuộc địa phận thị trấn Lạc Dương, được đánh giá là khu du lịch sinh thái mang vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết nhất vùng sơn cước hoang dã của tỉnh Lâm Đồng, nó được ví như nóc nhà của thành phố Đà Lạt. Lang Biang gắn liền với truyền thuyết về một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết: chàng K’Lang-người dân tộc Cill và nàng H’Biang-người dân tộc Lạch”. Thú vị làm sao khi qua nhân vật bé Vân, tác giả kể cho chúng ta nghe truyền thuyết về loài hoa vàng của thơ và nhạc: “…Từ đó trên vùng núi cao của đất nước Australia thơ mộng, nơi đôi tình nhân chết cho mối tình bất tử xuất hiện một loài cây thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh từng chùm hoa vàng thơm ngát. Đó chính là loài hoa mimosa vàng tràn ngập trên thành phố Đà Lạt này đó.” .Và tình cảm bâng quơ mà sẽ mãi khắc sâu vào kí ức để trở thành hoài niệm dấu yêu giữa chàng và cô bé: “…Tôi ngẩn ngơ giây lát, rồi tự mỉm cười một mình,thầm nghĩ: – Nếu có duyên chúng ta sẽ gặp lại nhau cô bé ạ….Đột nhiên hình ảnh ngôi nhà có hoa mimosa vàng hiện ra trong trí óc tôi và có lẽ đó là hình ảnh  tôi không thể  quên trong cuộc đời của mình”.

Những truyện Trên chuyến xe cuối năm, Quỳnh Hương, Lão Quyền phản ánh bi kịch của cuộc sống xã hội hiện đại.

Trên chuyến xe chiều cuối năm, tác giả phơi bày sự tha hóa của một bộ phận công chức, cán bộ có chút quyền hành, khi tiếp cận với phù phiếm của xã hội đang thay đổi thì tự biến chất lúc nào không hay. Đó là Quân: “Sau nhiều năm tháng làm việc cống hiến, anh ấy được đề bạt lên trưởng công an huyện Đ. Trong công việc thì tận tụy, trong gia đình anh ấy là một người chồng, người cha rất có trách nhiệm…Vậy mà tất cả đều sụp đổ khi anh ấy suốt một thời gian dài che giấu phản bội tôi…”. Tác giả không phê phán trực diện mà chỉ nêu tình tiết để cho độc giả tự suy gẫm về nhân vật này và dành hết thiện cảm cho Ba Hồng, người phụ nữ cam chịu thiệt thòi với niềm tin: “…Cuộc đời không hề bất công với ai bao giờ cả, còn nhiều điều tốt đẹp còn ở phía trước để chúng ta thấy mình còn đáng sống và cuộc sống còn đáng yêu biết bao nhiêu phải không Ba Hồng, em gái của người bạn thân tôi thuở nào?

Quỳnh Hương lại đề cập đến vấn đề nóng hổi, mang tính thời sự rất cao: một nhà báo trẻ, nhiệt tình, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm và cuối cùng bị thế lực đen tối ám hại trong khi tác nghiệp: “…Bọn tội phạm đã theo dõi và dàn dựng, mướn sát thủ hại Quỳnh Hương để bịt đầu mối một vụ ăn chia đất đai rất kinh tởm của bọn quyền thế mà Quỳnh Hương đang theo đuổi để đưa ra ánh sáng.”

Lão Quyền, theo tôi là truyện thành công nhất của Nguyễn An Bình, anh khắc họa khá rõ nét thân phận bọt bèo của cá nhân trong guồng máy chiến tranh: con người luôn bị vùi dập lãng quên cho dù họ phục vụ cho lí tưởng nào. Lão Quyền là một điệp báo viên, mỏi mòn chờ đợi ngày tổ chức nhận ra mình sau nhiều năm âm thầm hoạt động. Lão sống vật vờ như một bóng ma và ôm hy vọng: “…Suốt ngày Lão Quyền lang thang trong xóm …lâu lâu lại ra ngoài đầu đường ngó qua ngó lại như trông ngóng ai, suốt ngày không ai thấy lão nói một tiếng nào giống như một người câm.”…“…lão như người mắc bệnh tâm thần, điên dại nhưng trong sâu thẳm tiềm thức như mách bảo đồng đội cũ sẽ tìm được ông…” Và cuối cùng khi người cùng đơn vị nhận ra lão thì lão đã chết và hình ảnh lão cũng chìm dần vào quên lãng như thân phận lão trong những ngày thấp thỏm chờ đợi.

Tràn ngập trong tác phẩm Chén ngọc Trương Chi là cảnh sắc quê hương đẹp đẽ, chân dung cuộc sống, tình người, tình yêu được nhà văn viết với tất cả sự trân trọng, bằng cái nhìn cảm thông, yêu mến và bao dung, những kết luận khoan hòa khi chạm vào những góc khuất trớ trêu của cuộc đời cho thấy tác giả sáng tác với tâm thế hướng thiền, nhận rõ cuộc đời chỉ là bóng mây. Có thể tìm thấy nét đẹp tình người đầy cảm động trong các truyện Mùa xuân của Sửu, Gởi lại mùa trăng.. v.v.

Tôi gấp lại tập truyện và xin phép nói thêm rằng, một truyện ngắn cần phải hội đủ yếu tố cần thiết để được xem là một tác phẩm thành công. Đó là chủ đề, tư tưởng, tính cách nhân vật, sự xung đột kịch tính, bút pháp và sự súc tích của cách kể chuyện. Nhà văn Sê – Khốp, một bậc thầy của truyện ngắn nói: “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ”. Nhà văn Nguyễn An Bình đang trên bước đường tìm tòi và thể nghiệm bút pháp kể chuyện theo cách riêng của mình. Theo tôi, đó là cách kể chuyện khoan hòa, từ tốn, như cùng bạn bè thưởng lãm văn chương lúc trà dư tửu hậu và tác phẩm CHÉN NGỌC TRƯƠNG CHI là kết quả của quá trình thể nghiệm sáng tạo trong lĩnh vực khá mới mẻ bên cạnh sở trường làm thơ đã định hình và được bạn bè trong và ngoài nước thừa nhận và ngưỡng mộ. Chúc nhà giáo, nhà thơ, nhà văn Nguyễn An Bình tiếp tục sáng tạo sung mãn đóng góp nhiều hơn nữa cho văn chương nước nhà.

Bà Rịa, ngày 10/7/2021

N.B