Được sinh lần thứ hai – Truyện ngắn của Vũ Việt Thắng

607

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tỉnh lại lần này, anh thấy đang nằm dưới mái nhà tranh mát mẻ. Xung quanh là những người mặc quân phục Giải Phóng. Ngóc đầu lên nhìn, cái đầu gối chân phải đã được quấn băng trắng; cả cái ống quần bẩn thỉu máu me cũng đã được cắt bỏ…

Nhà văn Vũ Việt Thắng 

Lệnh trên tiểu đoàn từ Cồn Tiên xuống đại đội, đang đóng rải rác trên trục đường từ Lao Bảo tới Khe Sanh: Các trại phải cấp tốc dựng những nhà dù của Liên Xô, trạm xá tiểu đoàn túc trực 24/24; vì số tù binh chở lên rất đông. Cả đêm tiếng xe tải chạy ầm ì vào các đại đội, (Mỗi đại đội khung là một trại giữ tù binh). Trạm xá cũng đón đủ các loại tù binh bị thuơng. Hỏi ra mới hay toàn bộ số tù bị thương này là dạt vào bờ biển khi tàu há mồm đã rút chạy khỏi cửa biển Thuận An, Thừa Thiên Huế. Sau khi quân Giải Phóng tiếp quản và thu gom các tù binh bị thương đem lên bệnh xá tiểu đoàn. Suốt cả đêm các y, bác sĩ trạm xá làm việc không nghỉ tay. Tiếng rên rỉ, kêu la đủ các thứ giọng Bắc, Trung, Nam… cứ vang lên từ các khu nhà. Quần áo các tù binh thì thôi đủ các loại binh chủng: Đồ rằn ri thì anh cả đỏ Nhảy Dù, Thủy Quân Lục chiến, Biệt Động Quân, Biệt Kích… Lớp mặc quân phục xanh thì từ Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, tới sư đoàn 1 bộ binh… Bước vào các phòng xông ra nồng nặc mùi cồn, mùi thuốc, máu, mồ hôi… người muốn lợm giọng.

Lưu ý nhất là ca cưa một chân bên phải cho tù binh mặc áo rằn ri thủy quân lục chiến có cái tên là Chiến. Anh ta cứ luôn miệng: “Các ông Giải Phóng cứu con…!”. Phát bực mình bác sĩ trưởng ca mổ phải quát lên:

– Anh có im mồm đi không, nếu không cứu anh thì quân Giải Phóng chở anh lên đây làm gì.

Ca bệnh này bị bắn vỡ đầu gối chân phải, qua mấy ngày nhiễm trùng, các cơ đã bị hoại tử. Bắt buộc phải cưa tới sát hông đùi. Bệnh xá dã chiến chỉ toàn cưa tay, sau khi cưa và may xong cũng mất mấy tiếng đồng hồ.

Nhiều ca bị thương do uống nước biển nhiều, đã hút hết nước biển trong phổi ra nhưng vẫn chết; vì nước biển đã thẩm thấu hủy hoại các cơ quan nội tạng hết rồi.

Ngày ngày tôi phải tiêm thuốc cho những tù binh nằm bệnh xá. Cái anh lính thủy quân lục chiến, người cao to, sức đề kháng cao. Vài ngày sau anh ta đã khỏe mạnh, vết mổ tiến triển tốt. Khắp trên cơ thể anh ta xăm đủ thứ hình hài và chữ. Nhất là dòng chữ “Sát Cộng” trên cánh tay phải. Sau lưng xăm nguyên cả cái quan tài, trên nắp quan tài có hai cây nến đang cháy. Dưới quan tài là hai câu thơ: “Khi tôi chết ai là người xây nấm mộ, cỗ quan tài ai nhỏ lệ tiễn đưa tôi?”. Cả cái ngực xăm hình đầu con cọp dữ rằn đang nhe răng.

Qua những lần thay băng và tiêm cho anh lính này. Tôi tò mò tìm hiểu và anh đã kể cho tôi…

Anh tình nguyện vào binh chủng Thủy Quân Lục chiến, thuộc lữ đoàn 369 này sáu bảy năm rồi. Trong đầu luôn luôn được nhồi sọ: Cộng Sản là vô thần, là nhà tù khổng lồ, không có tình người… Nên anh căm thù và quyết chiến đấu để bảo vệ nền cộng hòa tự do. Do thâm niên và thành tích trong các trận đánh. Anh được cất nhắc lên trung sĩ nhất chức tiểu đội trưởng. Đã từng tham chiến bao nhiêu lần, ngay cuộc giải vây Cổ thành Quảng Trị mà tử thần vẫn tha anh. Cứ tưởng quân Giải Phóng đánh đợt này cũng chỉ như lần tấn công Cổ Thành Quảng Trị mùa hè năm 1972. Ai ngờ họ đã đánh chiếm Tây Nguyên, miền đông Nam Bộ thì Bình Long, An Lộc thất thủ. Nên khi họ chiếm Quảng Trị rồi Thừa Thiên Huế ngày 25 tháng 3 năm 1975. Sáng ngày 26 tháng 3 tất cả các loại lính tráng, đều bỏ chạy tan tác như rắn không đầu, chỉ còn cái đuôi ngoe nguẩy. Đường bộ trên đèo Hải Vân đã bị quân Giải Phóng chốt chặn. Chỉ còn con đường thủy là cửa biển Thuận An; từ Huế ra tới biển gần ba chục ki lô mét. Thôi thì đủ các loại binh chủng ô hợp, cùng dân chúng hỗn loạn chạy hùa theo. Những cụ già thiểu não chống gậy, trẻ con thì mếu máo nhếch nhác… Dọc đường đi không thiếu gì những cảnh đập phá, cướp bóc của lính áo rằn ri. Người như nêm lại thêm một số loại xe tăng, bọc thép: M48, M41, M113, xe tải GMC, xe jeep… Càng ra gần đến cửa biển, dòng người càng chật cứng. Có những lúc xe tăng chạy bừa vào dòng người, đằng sau xích sắt xe là máu thịt người văng ra. Tiếng gào thét, kêu khóc rên la thảm thiết.

Dọc trên đường đi các loại xe bị vứt nằm chỏng chơ hai bên vệ đường. Những xác chết, bị thương hoặc kiệt sức nằm la liệt. Chẳng còn ai chỉ huy ai. Đoàn người cứ rồng rắn cả ngày và đêm hôm đó, sáng hôm sau anh ta mới mò ra tới bờ biển. Trời sáng rõ nhìn thấy phía ngoài khơi mờ mờ là mấy chiếc tàu há mồm, và xà lan tàu kéo đang neo đậu, cách bờ chừng 200m. Gió hơi mạnh đẩy những cơn sóng chồm lên xô vào bờ cát. Bất chấp người ta cứ thi nhau nhảy xuống nước mà bơi ra tàu. Họa lắm mới có người có phao. Cả những chiếc xe lội nước M-113 cũng chạy ra tàu. Từng đợt sóng trùm lên những cái đầu đen thui. Sau những đợt sóng do xe lội nước và gió, nhiều cái đầu chìm nghỉm. Tiếng máy tàu ầm ì gầm rú mà vẫn không ra khỏi chỗ neo đậu. Xung quanh tàu người ta bám vào đen nghịt. Có lẽ tàu đã quá trọng tải. Những tiếng chửi bới la hét; những bàn chân đi giày giơ lên đạp mạnh vào những bàn tay, đang bám vào bửng tàu cố leo lên. Anh ta cũng cố ngoi bám vào, đã bị một cái đạp mạnh của đế giày. Buông tay chìm nghỉm, anh cố ngoi lên tính bơi tiếp vào thì nghe những tràng súng liên thanh từ trên tàu bắn xuống; súng trên bờ của những người lính bất mãn bắn ra tàu. Máu loang đỏ cả mặt nước. Tiếng la hét, tiếng gầm rú của con tàu từ từ chạy ra xa.

Chiến chìm nghỉm, cố vùng vẫy ngoi lên. Hình như một chân đã không còn cử động. Là dân sinh ra trong vùng biển, biết bơi từ thuở bé, anh dùng hai tay cố bơi, cũng chả biết sóng đánh vào đâu. Một suy nghĩ chợt thoáng lên trong đầu: “nếu vùng vẫy sẽ mau kiệt sức .” Nên anh ngửa người thả cho sóng đánh trôi.  Xung quanh anh là những xác chết vật vờ: đàn bà, lính áo xanh, áo rằn ri cả những xác trẻ con… tiếng kêu khóc rên la, vùng vẫy, và rồi những cơn sóng ập đến, dìm họ đâu mất. Anh mệt lả mê man…

Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trên triền cát. Dùng hai tay cố lết về phía bờ cát cao hơn. Lúc đã lết tới chỗ sóng không thể chồm tới. Nằm thở lấy lại sức, anh nghiêng mình qua xem cái chân phải bị bắn vào đâu. Thì ra cả cái đầu gối chân phải đã bay đâu mất, lòi ra hai khớp xương đang ứa máu. Xung quanh là những cái xác nằm bất động. Anh lết tới một cái xác đàn bà. Dùng tay và răng xé được một bên cái áo mỏng của chị ta. Cong người lại, anh cố quấn chặt vết thương cho bớt chảy máu. Trời lúc này đã xế chiều, ánh nắng dịu mát; không gian thật tĩnh mịch. Chẳng còn nghe tiếng xe, tiếng máy tàu, tiếng người nữa. Thỉnh thoảng chỉ nghe những tiếng pháo nổ oành đùng… xa xa. Do sốc và mất máu nhiều, anh lại mê man…

Tỉnh lại lần này anh thấy trời ban đêm dịu mát. Khoảng không gian trên cao, sông Ngân Hà sáng rực. Bầu trời muôn ngàn những vì sao đang nhấp nháy. Yên tĩnh quá chỉ nghe tiếng sóng ì oạp vỗ vào bờ. Người anh nóng hầm hập, có lẽ bị sốt do nhiễm trùng vết thương. Ngóc đầu nhìn định hướng, phía trước mặt mé chân núi thấy có ánh đèn; chắc đó là xóm chài. Cố dùng hai tay bám dưới cát, cái chân còn lại làm bàn đạp lết về phía có ánh đèn. Trong đầu lóe lên tia hy vọng: “Chỉ tới nơi có dân họa may được cứu sống”. Nhưng anh chợt nhớ lại những lần đụng trận, chính tay đã bắn chết nhiều Việt Cộng. Nhớ nhất là trận tái chiếm Cổ thành Quảng Trị năm 1972. Sau bao nhiêu lần tái chiếm rồi lại bị đánh bật trở ra. Nằm chờ cho pháo bầy ngoài hạm đội bắn vào, lớp máy bay bỏ bom. Đất, đá, gạch… cứ bị cày tung lên hết lớp này tới lớp khác. Nhớ nhất lần cuối cùng tái chiếm Cổ Thành. Qua đợt pháo hạm đơn vị anh xung phong lên, các hào giao thông của phía Việt Cộng gần như bị san lấp. Có những thương binh nằm ngắc ngoải, thay vì cứu họ, lòng hận thù mà anh đã được bọn sĩ quan tâm lý chiến nhồi sọ bao nhiêu lần bùng lên; anh đã xả súng bắn tất cả. Bây giờ giữa cái sống và chết cận kề. Chẳng hiểu khi mấy ông Việt Cộng thấy anh bị thương và mặc bộ đồ rằn ri này, liệu họ có tha mạng sống cho anh không? Hay họ cũng sẽ bắn anh, như anh từng bắn họ? Chẳng biết lết được bao lâu; anh lại thiếp đi trong cơn mê…

Lần thứ ba tỉnh lại; ánh trăng hạ tuần cong như cái lưỡi liềm. Phía biển đằng đông đang từ từ ửng lên màu hồng. Trời sắp sáng, niềm hy vọng trong anh le lói. Lại dùng hai tay cố lết về phía chân núi, ngẩng đầu lên, anh thấy cơ man là xác người, bị sóng đánh dạt vào bờ. Bắt đầu có những mùi khó chịu từ những xác chết bốc mùi. Cố lết cả đêm vậy mà anh mới trườn tới phần cuối cùng của lớp lớp xác chết. Nằm úp mặt xuống cát để thở, và rồi cũng lịm dần…

Nghe tiếng người léo nhéo, và tiếng một thằng nhỏ khi nắm tay anh tính lật ngửa ra:

– Đù mạ, thằng lính rằn ri ni còn sống bay ơi!

Anh mở mắt ra thấy mấy thằng nhỏ và mấy người đàn bà. Hình như họ đi hôi của. Trên tay ai nấy người thì cầm đồng hồ, dây chuyền vàng, hoặc những đồng tiền còn ướt nhem. Anh giơ tay chỉ vào túi áo ngực, ra hiệu bảo họ kéo hoặc khiêng anh vào trong xóm, có bao nhiêu tiền trong túi áo sẽ cho hết. Vì trước khi tháo chạy, đơn vị đã phát lương cho các anh. Hiện trong túi anh còn khoảng trên bốn ngàn đồng tiền Quốc Gia. Tụi nhóc nhao nhao lên:

– Đù mạ! cho thằng lính ác ôn ni chết luôn. Đừng kéo tụi bay!

Sau câu nói đó, bọn chúng đồng loạt bỏ đi qua những xác khác. Anh nằm đó, nước mắt cứ trào ra. Hình ảnh cha già, vợ và hai đứa con trong xóm chài tỉnh Quảng Ngãi cứ hiện ra trong đầu óc anh. Chả biết có còn sống mà được trở về hay không? Bây giờ anh mới thấm thía cái hư danh của những thằng lính đánh thuê Thủy Quân Lục Chiến oai hùng; một thời được chính quyền Quốc Gia tung hô. Hết thời thì bỏ chạy như đám vịt; chà đạp thí mạng nhau để tranh nhau lên tàu.

Tỉnh lại lần này, anh thấy đang nằm dưới mái nhà tranh mát mẻ. Xung quanh là những người mặc quân phục Giải Phóng. Ngóc đầu lên nhìn, cái đầu gối chân phải đã được quấn băng trắng; cả cái ống quần bẩn thỉu máu me cũng đã được cắt bỏ. Hỏi ra mới biết, tụi trẻ hôi của về báo, bộ phận quân y của đơn vị bộ đội; đã cho người ra cáng anh vào trong xóm. Thấy anh đã tỉnh, một anh quân y vỗ nhẹ vai anh, cười bảo:

– Yên tâm đi, sống về với vợ con rồi!

Anh cứ ứa nước mắt, chắp hai tay lên trước ngực thều thào:

– Vô cùng mang ơn các ông Giải Phóng đã sinh tôi lần thứ hai!

V.V.T