Dòng thác ánh sáng trong thơ Ko Huyng-Ryul

868

Mai Văn Phấn

(Đọc tập thơ song ngữ Việt – Hàn “Thác mặt trời” (Nxb Hội Nhà văn, 2019) của Ko Hyung-Ryul do Nguyễn Thị Thu Vân dịch)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ Ko Hyung-Ryul (Hàn Quốc) tràn ngập ánh sáng, vẻ đẹp của nhân ái, lòng vị tha cao thượng. Vẻ đẹp ấy được hiển lộ trong hình tướng thanh sạch của nước, của khí trời, thẳm sâu lòng đất, lòng biển, của bản tính tự nhiên, hồn nhiên của cỏ cây, muông thú, côn trùng… Những hình tướng ấy rạng lên, soi tỏ nhau, tan hòa vào nhau tựa những giọt nước, hạt nắng kết thành dòng thác ánh sáng, chuyển dịch mạnh mẽ, liên tục. Chúng tạo thành áp lực lớn, mở ra một thế giới thơ phồn sinh và trong suốt. Tôi cảm nhận dòng thác ấy đang xối mạnh, thanh tẩy, làm hồi sinh vạn vật khi đọc tập thơ của ông, Thác mặt trời” (NXB Hội Nhà văn, 2019), qua bản dịch từ tiếng Hàn của tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân.

Bìa tập thơ “Thác mặt trời” của nhà thơ Ko Hyung-Ryul

“Ẩn sâu trong cây

Sự chấn động và dòng chảy một cấu trúc khác”

(Lắng nghe hoa than khóc)

“Thác mặt trời” cho tôi hình dung tác giả là một người đàn ông lịch duyệt và kín đáo. Sắc diện ông luôn thanh thản với đôi mắt ưu tư, nhìn chậm, giấu sau gọng kính. Thơ ông ưa đọc chậm, thật chậm. Nếu bất chợt nhìn vào một hình ảnh, hoặc chỉ dừng lại một vài hình ảnh trong đó, người đọc dễ tưởng chúng đang trong trạng thái tĩnh lặng, hay ngưng đọng. Nhưng khi đọc cả bài thơ, tập thơ, bạn đọc thấy ngỡ ngàng vì được nhà thơ dẫn vào một không gian rộng lớn, vừa quen vừa lạ. Quen, với tôi, vì gặp một không gian văn hóa phương Đông, thân thuộc từ cách sắp đặt thiên nhiên đến trang trí nội thất. Lạ, có thể cả xa lạ, bởi, tôi đã gặp trong đó những liên kết hình ảnh mới mẻ, khác biệt và cả những sắc màu chưa từng nhìn thấy. Sắc màu ấy chính là linh hồn của ánh sáng. Ánh sáng trong tập thơ này được tỏa rạng từ trái tim Thi sĩ Ko Hyung-Ryul.

Thủ pháp nổi bật trong “Thác mặt trời” cần nhắc tới trước tiên, là tác giả liên tục tạo ra những chuyển động bất ngờ. Sự bất ngờ ấy thường được đặt trong những kết nối xa, hoặc những tình huống rất khó đoán định. Chính sự bất ngờ ấy đã làm tăng tốc mọi chuyển dịch trong thơ ông và làm thay/ biến đổi mọi sắc màu trong đó. “Sân ga và con chim tu hú” là một bài thơ tiêu biểu cho lối viết này. Những hình ảnh trong bài thơ, như cổ họng, con ễnh ương, lễ động thổ, chiếc máy xúc, chiếc xe tải, miệng hố, dàn dây thép, xi măng, chiếc cầu thang, lồng ngực, nhà chung cư, ruộng đồng… đều là những hình ảnh đứng xa nhau, đơn lẻ trong đời sống sinh hoạt. Nhưng ở đây, chúng đã kết nối với nhau bằng ánh sáng đặc biệt. Và, những thi ảnh bất ngờ xuất hiện trong một mạch thơ khó đoán định đã gây cho bạn đọc cảm giác ngỡ ngàng, hồi hộp như nhìn theo đường bay của một cánh chim, một mũi tên. Riêng bài thơ này đã mang cho tôi cảm giác như đứng dưới chân một dòng thác đang xối mạnh. Tiếng kêu khóc của con chim tu hú vọng lên từ khổ thơ đầu, và sau đó, tác giả cho nó biến mất khi kết thúc bài thơ, thực sự đã mang đến nỗi ám ảnh về một thiên nhiên tươi đẹp hoang dã ngày càng bị quá trình đô thị hóa xâm thực.

Để những chuyển dịch trong bài thơ gây được bất ngờ và đột biến, Ko Hyung-Ryul đã kiến tạo những khoảnh khắc đặc biệt trong từng bài thơ, tựa như người chế tạo ra những ổ khóa riêng để bạn đọc có thể tự do bước vào không gian huyền hoặc, kỳ lạ của ông. Những ổ khóa ấy chính là nước trong chiếc can ở độ cao 25cm (Nước trên bàn), âm thanh của tiếng nhổ cỏ giữa ánh mặt trời (Mặt trời lặn trên cánh đồng lạc Ko Hyung-Ryul). Có lúc, bạn đọc như vô tình nhặt được những vì sao sinh sống trong đám cỏ, và thật kỳ lạ “Có chú châu chấu đang duỗi thẳng chân, vắt lên ngôi sao và chết” (Anh ấy, người đặt chân đến vương quốc của cỏ).

Đọc “Thác mặt trời”, ta ngỡ những chuyển động trong đó được Ko Hyung-Ryul cho chạy qua một chiếc phin lọc khổng lồ. Nó cho bạn đọc cảm nhận về một dòng thác ánh sáng lung linh và trong suốt: “Giống như đứa con gái bước đến cạnh trăng và chợp mắt ngủ giấc buổi sớm” (Hòn đảo nhỏ Marsli N.O thương nhớ).

Dòng thác của thơ Ko Hyung-Ryul thường chảy xiết, tác tạo những vương quốc cho mỗi sự vật, cho từng không gian riêng của ông. Và cũng thật lạ kỳ, có lúc “vương quốc” ấy như chỉ mình ông được bước vào và chiêm ngưỡng. “Dập dềnh/ Ta đã đến vương quốc của nước, gió, ánh nắng, ánh sao, và của cỏ” (Anh ấy, người đặt chân đến vương quốc của cỏ).

Thơ Ko Hyung-Ryul đôi khi hiển thị những vết cắt sắc ngọt để bạn đọc nhìn thấy cốt lõi sự vật. Tuy những khoảnh khắc ấy không nhiều, thậm chí hiếm hoi, nhưng đó chính là sự tiết chế, tối giản, làm nên thi pháp độc đáo của ông. Thủ pháp này góp phần khơi thông dòng chảy ánh sáng, đồng thời cũng hé lộ phần nào những bí mật tạo nên sự cuốn hút trong tập thơ. “Tôi nằm tựa lưng vào trục quay cực điểm/ Ném con dao về phía bầu trời” (Indonesia buổi xế chiều). Bóng đêm như “Miệng một ngọn núi lửa phun trào của một hành tinh nào đó” (Sự kì quặc của một ngọn núi nào đó không thể quên được). Hay “Khoảng giữa trưa khi màu xanh và màu đỏ thẫm quằn quại đan xen” (Khung cửa mưa tuôn). Đôi khi nhà thơ cảm nhận như có ai đang hiện hữu trong chiếc ấm điện đang sôi (Hôm nay, ai đó trong chiếc ấm điện đun nước). Đây thực sự là hình ảnh độc đáo, có sức thôi miên rất mạnh.

Thủ pháp thiết lập không gian trong thơ Ko Hyung-Ryul là sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa các thi pháp hiện đại với bản sắc văn hóa Hàn Quốc. Ta dễ nhận ra cách thiết lập không gian đa chiều, xoay đảo các chiều thời gian trong một mạch thơ, bài thơ của ông. Cách xoay đảo giữa quá khứ, hiện tại và vị lai đã mở rộng thêm đường biên của tưởng tượng với đa tầng cảm xúc. “Đóa hoa nở trong chiếc lỗ kim khâu đã không hề cất tiếng” (Không thể quay trở lại từ bến tàu ngày hôm qua). Hoặc trong bài thơ “Thơ của con sâu bướm lộn xộn” cho thấy sự liên tưởng táo bạo và phong phú của nhà thơ đã mở cho bạn đọc một không gian lập thể với đa chiều đều tràn ngập ánh sáng: “Chỉ có tế bào của tôi/ Đã trở thành chất lỏng trong con sâu bướm rồi đang vụt bay lên/ Ai đó đã lấy trộm bóng tối trong tim và mang đi mất”.

“Có một vầng trăng liêu xiêu trồi lên trên mặt đất hàng ngày” (Mũi lao ngày ngày lao tới). Thủ pháp liên thông và xoay đảo các chiều không-thời-gian được nhà thơ sử dụng triệt để trong bài thơ “Thứ mãi chẳng thể đến”: “Từ khi cổ họng bị khô khốc vì cơn khát nước/ Những bậc thang và công tơ điện đã đứng dậy/ Và có một chiếc thang máy đang đi lên trên đỉnh núi”.

Cấu trúc thơ Ko Hyung-Ryul gợi cho bạn đọc liên tưởng đến lối kiến trúc nhà ở hiện đại kết hợp truyền thống, gọi là kiến trúc “Hàn Ốc” (Hanok) của Hàn Quốc. Theo kiến trúc “Hàn Ốc”, ngôi nhà là nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Tính hài hòa và phù hợp với cảnh quan môi trường của những ngôi nhà Hàn Quốc cũng gần với kiến trúc của Việt Nam, dĩ nhiên đặc điểm khí hậu và địa lý của chúng ta có nhiều nét khác biệt. Từ những liên tưởng đó, tôi thấy thơ Ko Hyung-Ryul khá gần gũi với thơ thế hệ 5X, 6X của Việt nam. Tôi đồng ý với nhận định của dịch giả – tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân: “Thơ Ko Hyung-Ryul trình hiện đầy ngẫu hứng đa tầng những cung bậc cảm xúc khi nhà thơ lang thang đến những miền đất, đầy mộng tưởng của xứ Đẹp. Đó có thể là nơi từng hiện hữu trong đời sống sinh tồn hay cả trong mê mị ẩn sâu trong tâm tưởng thi sĩ. Thơ ông đậm tính triết học, phồn sinh giá trị nhân văn trong cuộc mưu sinh tồn tại của cõi người và những mối tương giao vạn hữu”.

“Thác mặt trời” của Ko Hyung-Ryul tái lập sinh động trước mắt tôi một địa chỉ văn hóa, nơi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi đã từng đến đó dự Festival Thi ca và Văn học Hàn Quốc – Asean “Korea – Asean Poets Literature Festival” vào cuối năm 2010. Giờ đây “Thác mặt trời” đang đưa tôi trở lại dãy núi Seoraksan, nơi có đỉnh Daecheong-bong cao 1708m so với mực nước biển với đa dạng cảnh quan kỳ thú. Dãy núi này gối đầu lên thành phố Sokcho – quê hương tuyệt đẹp đầy mê hoặc của nhà thơ Ko Hyung-Ryul. Những bài thơ của ông cho tôi gặp lại dòng suối trong vắt chảy qua những hàng đá cuội trắng, một khu vườn yên tĩnh, một cây cao không biết tên đã trụi lá, những chùm quả màu đỏ còn treo trên đó trong suốt mùa đông…

Nhà thơ Ko Hyung-Ryul đã từng đến Việt Nam và thơ ca đã cho ông trở thành một công dân thân thiện của Hà Nội. Nơi đây ông như gặp lại một Hàn Quốc xa xăm của ông trong quá vãng, đang sống động trở lại, bận bã và gần gũi, lấm láp và mến yêu vây bọc lấy ông: “Giờ tôi đang bước đi qua con đường tối/ Đến một ngôi nhà nhỏ của ánh sao, và khi tôi quay lại, tôi chính là một con người trong vũ trụ, một con người Hà Nội” (Những chiếc xe máy phủ sắc vàng cam). Tôi cảm động biết ơn ông đã dành tặng tôi bài thơ đáng yêu này!

“Trong nước không có xương, không não và không nội tạng

Nhìn rõ tận tường, sao lại sóng sánh được thế kia

Có phải chăng là ngọn lửa trong lòng địa cầu đang truyền đến”

(Nước trên bàn)

Ko Hyung-Ryul nhắc nhiều đến nước. Nước tồn tại ở hai dạng, tĩnh và động. Nhà thơ đã khắc họa rõ nét thần thái của nước, cũng là gam màu chủ đạo làm nên diện mạo ánh sáng trong tập thơ “Thác mặt trời”.

Tôi xin dành lời kết bài viết nhỏ này để cảm ơn nhà thơ Ko Hyung-Ryul đã gửi tập thơ “Thác mặt trời” cho NXB Hội Nhà văn, thông qua giáo sư – tiến sĩ Bae Yang Soo, người bạn thân thiết của nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Đặc biệt, xin cảm ơn dịch giả – tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, người đã dành thời gian và tâm huyết cho bản dịch. Với tôi, đây là bản dịch hay, chính xác và cuốn hút. Nhiều bài trong “Thác mặt trời” cho tôi ấn tượng, ngỡ như chính Ko Hyung-Ryul đã sáng tác bằng tiếng Việt – một ngôn ngữ đa thanh, nhiều ẩn dụ và giàu tính biểu cảm. Thơ Ko Hyung-Ryul đã góp một giọng nói làm giàu có thêm nền thơ đương đại chúng ta, đặc biệt, đóng góp xứng đáng vào quá trình cách tân thơ Việt hiện nay.

M.V.P