Bích Ngân
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời gian là một định lượng bất biến. Không nhanh hơn, cũng không chậm đi. Một phút, một tỉ năm vẫn là 60 giây. Nhưng một phút trôi qua lại không còn là một phút mà ta đang hít thở, đang đi lại, đang làm công việc mà ta chọn lựa. Chỉ có nhịp thở và bước chân của mỗi chúng ta là khác đi, theo ngày, theo giờ, theo tháng, theo năm.
Bảy tuần trước, nhiều nhà văn hẹn nhau đến nhà tang lễ Bộ quốc phòng để lần cuối được tiễn đưa nhà thơ Lam Giang về cõi vĩnh hằng.
Trước lúc vào viếng nhà thơ Lam Giang, nhà thơ Trần Mai Hường, mắt rưng rưng, nói với tôi: “Em định đến thăm anh Lam Giang lần nữa, mà…đã không còn kịp…”. Tôi nắm tay Hường, buột miệng: “Dường như chúng ta luôn bị trễ…”.
Chúng ta, dĩ nhiên, là tôi, là anh, là chị… Chúng ta được sinh ra, lớn lên, trưởng thành với chuỗi chuỗi những tháng ngày bận rộn, rượt đuổi, vấp ngã, thương tích, băng bó, tự lành và lại rượt đuổi…
Thời gian là một định lượng bất biến. Không nhanh hơn, cũng không chậm đi. Một phút, một tỉ năm vẫn là 60 giây. Nhưng một phút trôi qua lại không còn là một phút mà ta đang hít thở, đang đi lại, đang làm công việc mà ta chọn lựa. Chỉ có nhịp thở và bước chân của mỗi chúng ta là khác đi, theo ngày, theo giờ, theo tháng, theo năm.
Những dồn đuổi của trách nhiệm, của những tham vọng thiện lành (tôi thấy tình cảm với từ thiện lành) và của cả những gồng gánh trên vai, đã trì kéo chúng ta, làm chúng ta chậm đi.
Mỗi giờ, mỗi ngày chúng ta lại chậm thêm. Chậm và lỡ nhịp. Chậm và trễ tràng. Chậm và lỡ hẹn. Lỡ hẹn với cả chính mình.
Tôi cứ thấy mình có lỗi với cha mình. Lúc ông còn làm việc thì gần như tất cả thời gian tâm lực ông dành cộng đồng, cho xã hội. Lúc ông về hưu, nhiều lần tôi tự hứa là sẽ sắp xếp công việc và thời gian để về nhà cha mẹ ít nhất là năm ba ngày, trò chuyện cùng cha, đi chợ nấu cho cha mẹ một bữa ăn mà mình để hồn vía vào đó. Nhưng rồi, tôi và chị em tôi chỉ về với cha khi ông đã nằm trên giường bệnh. Và giờ thì chỉ còn cơ hội về với cha vào ngày giỗ ông và ngồi bên mộ ông thầm thì lời hối lỗi.
Tôi cũng từng thấy mình có lỗi với nhà văn Trang Thế Hy khi nhớ lại cú điện thoại của ông: “Bản thảo thì chú chưa hứa, nhưng cứ xuống đây rồi tính…”.
Nhà văn Trang Thế Hy
Tôi gặp nhà văn Trang Thế Hy tại ngôi nhà của ông bốn lần. Đó là chuyến thăm ông cùng với những đồng nghiệp đàn anh. Chuyến thăm ông khi mang quyển nhật ký Lê Anh Xuân về quê nội Bến Tre nhân ngày giỗ của nhà thơ. Chuyến mang sách và nhuận bút đến cho ông. Chuyến thăm ông vì muốn Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ được in thêm một quyển sách của ông.
Nhà văn Trang Thế Hy cùng chị Huỳnh Thị Xuân Hạnh, nguyên Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ cùng nhà văn Bích Ngân và nhà thơ Kim Ba, nhà văn Trường, nhà báo Thanh Hùng (Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu). Ảnh chụp trước nhà của nhà văn Trang Thế Hy.
Lần nào đến thăm nhà văn Trang Thế Hy tôi cũng thấy buồn. Nhìn đâu cũng thấy buồn. Mảnh vườn trồng dừa khá rộng nhưng ít được chăm sóc. Tàu dừa khô rơi rụng ngổn ngang. Cỏ dại mọc um tùm. Bếp núc nguội lạnh. Ngay kệ sách với một ít đầu sách (vài ba quyển sách văn học thế giới và sách của một số tác giả yêu quý ông gởi tặng) cũng mờ lớp bụi. Ký ức rỡ ràng nhất của ông là những đau buồn mất mát của ngày hôm qua. Những câu thơ, những đoạn văn mà ông thuộc làu bằng tiếng Pháp, cũng của ngày hôm qua. Và tôi cũng nhận ra nhà văn Trang Thế Hy, tác giả của “Vết thương thứ mười ba” không quá khó tính khi chọn người trò chuyện như lời đồn đại. Có lẽ ông luôn thèm những cơn “Mưa ấm”. Và ông cũng không giấu được nỗi khao khát được gặp gỡ, được hàn huyên. Lúc đó, cũng qua điện thoại, tôi hứa: “Dạ, hôm nào cháu rủ vài người bạn xuống thăm chú!”. Và rồi, lần tôi “gặp lại” ông cũng là ngày ông vĩnh biệt cõi trần.
Tôi cũng không khỏi day dứt khi nhớ hôm tôi một mình từ quận 8, lúc đó tôi còn ở cuối đường Phan Ngọc Hiển, quận 8, chạy xe đến thăm nhà văn Lê Văn Thảo tại nhà anh ở Bình Thạnh. Dọc đường trời mưa rất to phải trú mưa mấy chặp. Tôi nhớ trên đường tôi mua mấy bó hoa Thạch thảo tím. Tới nơi người tôi ướt sũng. Hoa cũng ướt. Và mưa vẫn rơi.
Nhà văn Lê Văn Thảo
Trong chiều mưa đó, dù bị cơn đau hành hạ, nhà văn Lê Văn Thảo vẫn cố giữ vẻ tươi tỉnh khi ngồi thẳng người trên ghế salon và khi kể chuyện “ở rừng” thì cơn đau như trốn mất. Anh nói về một thời mà ở đó sự hăm hở dấn thân luôn song hành với sự giằng xé của những người cầm bút được cho là “tiểu tư sản”. Anh kể về nhà văn Thủy Thủ mà anh nói “nó có tài” và cái kết cục buồn của cuộc đời một bạn văn mà anh chưa đưa vào tác phẩm của mình.
Anh Thảo cũng nhắc nhiều tới nhà văn Trang Thế Hy. Với nhà văn Trang Thế Hy thì nhà văn Lê Văn Thảo hỏi: “Em biết vì sao ông Trang Thế Hy được nhiều người thương không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì anh Thảo nói luôn: “Vì ông ấy thật, rất thật. Thật với cả những tổn thương, mất mát do mình gây ra”. Rồi anh lại kể tiếp những kỷ niệm với nhiều nhà văn đàn anh. Trời sập tối. Tôi nhớ khi tôi chuẩn bị ra về, nhà văn Lê Văn Thảo nhìn ra ngoài trời và nói: “Trời vẫn còn mưa mà!”. Tôi hứa với anh Thảo: “Lần sau em đến, em đem theo viết giấy để ghi lại những điều mà anh chưa kịp viết, chưa kịp ghi”.
Nhưng rồi, cũng như đối với cha tôi hay đối với nhà văn Trang Thế Hy; với nhà văn Lê Văn Thảo, tôi cũng đã không còn một dịp nào để gặp lại anh, ngoại trừ lần cuối cùng tiễn biệt nhà văn về nơi chín suối.
Thời gian vẫn tiếp tục trôi. Không nhanh hơn cũng không chậm hơn. Chỉ có chúng ta với cái ảo tưởng của sự tham lam cố hữu, cứ nghĩ mình sẽ trì hoãn được bước đi của thời gian.
Chúng ta cứ tưởng có thể làm được được những điều gì đó quan trọng hơn, cần thiết hơn mà bỏ quên những điều mà ta có thể làm được trong tầm tay của mình; những điều quả thật là vô giá, bởi thời gian không bao giờ ngừng lại.