Gánh lũ đi qua mùa thu bằng dòng máu Việt

636

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vốn được mệnh danh là xứ sở của “Gió lào và cát trắng”, “Khúc ruột Miền Trung” như eo lưng thắt oằn của người mẹ Việt Nam, đã bao đời nay chịu thương, chịu khó, đã bao đời cơ cực, trải qua bao nỗi truân chuyên của chia cắt, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, địch họa… trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Và trong năm 2020 này, ngay từ tuần đầu, đến những ngày cuối tháng 10/2020, liên tiếp các cơn bão nhiệt đới dồn dập đổ bộ vào “Khúc ruột miền Trung”, gây ra những trận mưa lớn, kéo dài triền miên hơn nửa tháng trời. Thiên nhiên gần như đang thách đố với lòng quả cảm của con người miền Trung, với một phần thân thể người Mẹ Việt Nam, luôn phập phồng hơi thở của núi rừng và mặn mòi của biển cả. Nhưng, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dẫu có đau thương, gian nan đến độ nào, thiên nhiên không thể khuất phục được tình người, như ai đó, dùng sức mạnh không thể làm gục ngã ý chí và tinh thần dân tộc của người dân nước Việt. Sau cơn đại hồng thủy, đồng bào cả nước luôn hướng về miền Trung thân yêu, với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Dòng xe, dòng người, những con sóng nhỏ đã kết thành từng đợt sóng lớn, như dòng máu Việt khắp mọi miền của Tổ Quốc mến yêu, kết nối với miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Trong hoàn cảnh đó, có mặt tại những vùng rốn lũ, nhà thơ Nguyễn Tiến Nên – Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình đã cho ra đời bài thơ “Dòng máu Việt”, với những ca từ gần gũi nhưng thắm đượm tình người.

Mở đầu bài thơ, tác giả “bần thần” khi cùng anh em văn nghệ sĩ quê nhà đi làm từ thiện, gom yêu thương của văn nghệ sĩ cả nước về với đồng bào vùng rốn lũ thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch: “Tôi bần thần giữa vùng rốn lũ/ Khó hình dung biển nước hôm nào/ Nhưng di sản hồng thủy còn hiển hiện/ Bức tường, rặng tre, cặp mắt đỏ ngầu/ Tất cả ra đi để lại mọi người/ Cuộn chỉ rối, việc gì sau, trước/ Đám lục bình hững hờ nhàu úa/ Đàn cò đói chơ vơ cánh biếng se lòng…”

Vâng, trước khung cảnh tiêu điều, hoang tàn ấy, trong sâu thẳm cặp mắt mọi người còn thất thần, ngầu đỏ, đến cánh cò đói cũng biếng nhác, không còn tha thiết “bay lả bay la”, đứng “chơ vơ” chẳng khác lũ cò mồi, thì người nghệ sĩ không se lòng sao được. Khi vườn tược, cánh đồng tan hoang, rặng tre xơ xác treo đầy rác rưởi,“đám lục bình hững hờ nhàu úa”, hửng hờ trôi theo dòng “lũ rớt” nhưng tâm tư những cọng cây nhàu úa ấy vẫn trì níu chốn sinh thành… Không úa nhàu sao được, khi từ cảnh đến người luôn phải đối mặt với sự giày xéo của lũ lụt từ bao đời…

Nhà thơ không cố níu kéo cặp mắt lâu với những “rặng tre”, “đàn cò”, “lục bình” với những “đỏ ngầu”, “nhàu úa”. Ông đã nhanh chóng bắt gặp một bức tranh đẹp, bức tranh ấy như thôi thúc người nghệ sĩ có những cảm nhận riêng, đó là những cảm nhận về tình người, tình đồng bào, đồng chí, vốn như những đoàn xe nối đuôi nhau ở những ngày tiền tuyến đỏ lửa trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Kìa những đoàn xe hối hả qua cầu/ Tìm về miền trung tìm nơi gửi gắm/ Không thể dùng cộng trừ số học/ Mỗi tỉnh thành lắm lắm những địa danh. Những ai đã chứng kiến, mới cảm nhận được sự xúc động dâng trào trong huyết quản, nhìn những đoàn xe hối hả ngược xuôi để đem đến cho người dân vùng lũ những gói mì tôm, những cái bánh tày, bánh tét, hay những bộ quần áo… Nhìn những căn nhà chơi vơi giữa dòng nước lũ, không khỏi nao lòng, nhưng với tinh thần “tương thân tương ái”, các đoàn thiện nguyện họ đã tìm mọi cách để đem đến được thức ăn, nước uống kịp thời, thậm chí họ quên cả tính mạng của mình để sẵn sàng cứu sống từng người dân nơi rốn lũ. Mỗi con người, mỗi chuyến xe dồn về miền Trung những ngày này là mang theo bao tình yêu thương, bao sự sẻ chia của đồng bào cả nước.

Ăn một bát mì tôm, một miếng bánh chưng, bánh tét lúc này, lòng xúc động, nước mắt rưng rưng, trước nghĩa tình của con người Việt Nam, chịu thương, chịu khó, đoàn kết, thân ái. Chính sự cộng hưởng ấy, đã làm nên tính cách con người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… Và, cũng khí phách ngoan cường ấy, mà dân tộc Việt Nam không dễ bị khuất phục bởi một thế lực hùng mạnh nào từ trước đến nay. Tinh thần đoàn kết, tinh thần cách mạng, tinh thần tương thân tương ái của con người Việt Nam thường thấy rõ qua những lúc khó khăn, thử thách. Chẳng thế, ông cha ta đã đúc kết “qua gian nan, thử thách mới thấy rõ lòng người”. Tác giả đã tinh tế khi nhìn nhận những đoàn xe, những con người như mạch nguồn của sự sống, như dòng máu trong cơ thể chảy về tim. Mạch máu ấy đang lay động trái tim của bao người dân Việt. Mạch máu giúp trái tim những con người miền Trung, gồng lên nhịp đập sinh tồn khi phải sống chung với lũ.

Con người Việt Nam nói chung rất nhân ái, nhân văn, con người Quảng Bình lại càng như thế, và nhà thơ đã xác tín điều đó: “Những chuyến xe không đồng, chuyến đò không phí/ Rộn ràng góp quyên, rộn ràng di chuyển/ Hoạn nạn kết hoa hai tiếng đồng bào/ Tôi cùng bạn ấp ôm dòng máu Việt/ Huyết quản tươi hồng trong sóng gió tai ương”.

Hai tiếng “đồng bào” nghe sao trìu mến, thiết tha vô cùng. Con người luôn có cái nhìn hướng thiện, cái nhìn bằng gam màu sáng, trong bài thơ “Thiện nguyện”, tôi đã từng viết “Níu mặt trời về phía thâm u/buộc sợi chỉ đỏ…”. Không ủy mị, không bi quan trước mọi sóng gió, tai ương, đó là dũng khí, là khí chất của con người Việt Nam ta, người thơ đã chuyển từ gam màu u uất “hoạn nạn” sang gam màu tươi trong “kết hoa”. Dòng xe, dòng người làm từ thiện như những đường hoa đang kết thành khúc tráng ca tuyệt đẹp để “Huyết quản tươi hồng trong sóng gió tai ương”.

“Dòng máu Việt” của Nguyễn Tiến Nên là một bài thơ giản dị, dễ hiểu nhưng chứa những gam màu sáng, sáng trong sự đùm bọc của tình người, của lòng nhân ái. Sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, khi sử dụng những gam màu ấy vào bài học làm người cho thế hệ trẻ hôm nay. Đó là bài học từ “người cho” và những “người được cho”. Và cứ thế, nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác, để làm nên bao điều kì diệu trong hành trình chinh phục cuộc sống của người dân đất Việt mến yêu.

Hoàng Xuân