Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và lời thề của nhạc sĩ Phú Quang

478

Vào năm 2011, cách ngày ông ra đi tròn chục năm, ông bị loại khỏi cuộc bầu chọn của một hội đồng nào đó và không được cấp cao hơn xem xét để trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Lời điếu mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc tại lễ truy điệu nhạc sĩ Phú Quang sáng 13/12, tôi nghe mà thấy bùi ngùi và thương tiếc cho một bậc tài danh về âm nhạc nước nhà nay đã đi xa.


Nhạc sĩ Phú Quang xứng đáng là tượng đài với những bài hát khắc khoải chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này.

Càng tiếc thương người nhạc sĩ ấy bao nhiêu, tôi càng thấy buồn và thấy cần nói cho hết quan điểm của mình.

Sau này, mỗi lần, khi hội đồng nào đó tổ chức bỏ phiếu bầu chọn ra những người xứng đáng để nhận giải thưởng cũng như các danh hiệu cao quý (buộc phải qua quy trình 2 bước bỏ phiếu kín và đều phải được 80% phiếu bầu trong hội đồng từ cấp cơ sở cho đến cấp nhà nước đồng thuận) thì cũng nên xem xét cho có trách nhiệm hơn trước lá phiếu của mình.

Theo lời điếu mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc, “nhạc sĩ Phú Quang xứng đáng là tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này”.

Có lẽ chúng ta cũng không cần liệt kê cả trăm nhạc phẩm, từ nhạc giao hưởng đến nhạc phim và các ca khúc trữ tình với nhiều góc độ, cảm xúc trong gia tài âm nhạc đồ sộ mà ông để lại để nhận biết ông là bậc tài danh mức nào.

Tiếc rằng vào năm 2011, cách ngày ông ra đi tròn chục năm, ông lại bị loại khỏi cuộc bầu chọn của một hội đồng nào đó và thế là không được cấp cao hơn xem xét để trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Và sau lần đó, nhạc sĩ Phú Quang đã thề rằng, đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng trong đời ông làm hồ sơ.

Buồn và chua chát

Tôi cũng không biết trường hợp nhạc sĩ Phú Quang khi được một hội đồng nào đó bầu chọn liệu có ai nói với ông rằng “tôi vừa bỏ cho cậu một phiếu”, giống như một số trường hợp mà tôi biết.

Tôi được một vị giáo sư kể cho nghe về người bạn của ông mà cười ra nước mắt.

Số là trong một hội đồng bầu học hàm giáo sư năm nọ, có nhiều vị tham gia và khi ra khỏi phòng họp, họ đã nhắn tin chúc mừng vị phó giáo sư (PGS) đang có cơ hội đủ phiếu phong giáo sư. Rồi có người còn gặp ông PGS bắt tay rất chặt và chúc mừng ông như xong cả rồi.

Thế nhưng, khi biết kết quả thì than ôi! Ông PGS nọ chỉ được đúng 1/5 phiếu bầu chứ không phải được 4/5 thành viên hội đồng bữa đó, họ hoặc nhắn tin, hoặc bắt tay nói rằng vừa bỏ phiếu ủng hộ ông.

Thế mới biết, một khi không công khai lá phiếu của mình thì rất dễ có chuyện như vậy.

Nhạc sĩ Phú Quang đã tâm sự với bạn bè khi họ bức xúc thay cho ông và hỏi ông có định đi làm cho ra lẽ vì sao không. Phú Quang đáp hài hước: “Bị loại rồi, kiện cáo, thắc mắc mà làm gì”.

Theo quy định hiện hành, thời gian trong kế hoạch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trước mỗi đợt xét tặng giải thưởng nhà nước về văn học, nghệ thuật sẽ thực hiện 5 năm một lần, vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

Như vậy, đã thêm 2 kỳ bỏ phiếu bầu, nhạc sĩ Phú Quang vẫn không được xét lại để trao.

Vị nhạc sĩ của công chúng đã chia sẻ rằng mình cũng  không buồn vì hội đồng xét giải thưởng. Cái được lớn nhất với ông là được khán giả ghi nhận.

Để không phải làm “đơn xin giải thưởng”

Một nhạc sĩ có không biết bao nhiêu tác phẩm để đời như Phú Quang, khiến bao người nghe say đắm sao vẫn khó được xem xét để nhận giải thưởng về văn học nghệ thuật đến vậy nhỉ!

Nên chăng, cần có những ngoại lệ. Họ là những trường hợp không cần phải làm “đơn xin giải thưởng” mà chúng ta vẫn nên xem xét nếu họ có những tác phẩm còn mãi với thời gian và đi vào lòng người. Theo tôi, chỉ cần cơ quan có trách nhiệm đề xuất với tác giả và tác giả trả lời có chấp nhận hay không khi được tặng. Như vậy là đủ, phòng khi họ bất ngờ từ chối thì cũng dở.

Một cách khác, chúng ta có thể tổ chức thăm dò dư luận xã hội bằng cách thông báo trên một số phương tiện truyền thông hoặc phát phiếu ở một số đối tượng khán giả, thính giả, độc giả về người nghệ sĩ đó. Khi họ đảm bảo các tiêu chuẩn là cũng có thể xét đặc cách. Bởi một khi họ là “tượng đài trong tâm trí người dân” thì đã thừa xứng đáng.

Trong thực tế, đất nước ta có rất nhiều người tài năng và nổi tiếng đặc biệt. Họ có đủ tư cách và uy tín để Nhà nước chủ động tiến hành xem xét, không bắt buộc phải làm đơn cứng nhắc như nhau. Nên hiểu rằng, người nghệ sĩ thường có cá tính mạnh, lòng tự trọng cao.

Không nên cào bằng mà phải có những đặc cách nhất định với những tài năng nổi trội, xuất chúng.

Theo Quốc Phong/Vietnamnet