Góc bếp của má – Tạp bút Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

1518

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Thị Xuân Quỳnh còn có bút danh khác là Thy Khoa, sinh năm 1997 tại huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Chị đang theo học lớp sư phạm Văn, Trường Đại Học Quy Nhơn. Quỳnh yêu văn chương và có năng khiếu viết truyện ngắn từ rất sớm (khi còn học phổ thông). Ngoài ra, chị còn viết tản văn, tạp bút… Tác phẩm của chị đã được chọn đăng trên nhiều báo, tạp chí văn nghệ. Văn Chương Phương Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, bạn viết tạp bút “Góc bếp của má” của chị. Đây là tác phẩm được giải khuyến khích cuộc thi viết “Tạp bút gia đình tôi” do tập san Áo Trắng phối hợp với NXB Trẻ tổ chức năm 2018.

BBT Văn Chương Phương Nam

Cây bút trẻ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

Ngày xưa còn nhỏ, mỗi lần trời mưa ròng, mấy chị em tôi cứ chui vào bếp, ngồi bên bếp lửa ấm nóng, má đặt chảo, thả bắp vào rang cho chị em ăn. Những món ăn quê nhà ấy là một phần kỷ niệm của mấy chị em chúng tôi. Giờ các chị đi lấy chồng, nên góc bếp không còn rộn ràng như trước. Nhưng mỗi lần đi đâu về, tôi cứ chui tọt vào bếp, yên lặng ngắm nhìn má lui cui nấu ăn, dọn tủ. Xung quanh má là cả một thiên đường với nồi, niêu, xoong, chảo. Trên gác bếp, má để một hũ rượu chuối, một hũ đựng hạt giống và treo lủng lẳng mấy cái gióng sắt để cá khô, ruốc khô, phòng mấy con mèo nhà hàng xóm. Phía sau bếp, má đặt mấy bao trấu, kế cạnh là vài ổ gà mái ấp. Khi nấu ăn, má hay nói những chuyện luyên thuyên…

Cả gia tài của ba má là năm chị em tôi, tất thảy gái. Ai cũng bảo con gái là lũ vịt trời. Nhưng ba má tôi tự hào về lũ vịt trời này. Có những lúc cãi nhau ỏm tỏi, con em dỗi con chị, con chị mắng con em. Mỗi lần vậy, ba lôi cả năm chị em ra đánh đều, không tội ba cũng kể có tội. Nhưng kể từ ngày chị Hai đi lấy chồng, ba không đánh đứa nào nữa. Ngày mấy chị em dắt díu đi học xa, đứa vào đại học, đứa học cấp ba trường huyện, tôi mấp mé vào lớp một trường làng, má bận bịu hơn, nhưng không bữa nào má để chị em bụng đói đi học. Chiều về, đi từ đầu ngõ đã nghe mùi cá kho bay lảng ra khắp nhà. Bữa cơm tối bên bếp lửa ấm, ba má hỏi han việc học tập, gắp đồ ăn đều cho từng đứa, tôi con út được miếng ngon nhất, lại được ngồi gần má để má chăm ăn. Và những kí ức đẹp như vậy đều gắn liền với góc bếp yêu thương.

Năm nhất đại học, tôi khóc nức nở, bỏ về nhà. Má không la nữa, mà ôm con rưng rưng, khuyên nhủ, nào là không học đại học thì không nên người, không học đại học, làm công nhân sẽ cực lắm, không học đại học, chồng con sẽ khinh thường con ăn bám chồng… Rồi hôm sau, má xếp đồ, bắt xe cho lên lại. Bữa cơm trưa ở nhà, má lại nấu món cá kho tôi thích, tôi ăn mà thấy đắng, òa lên nức nở. Trước khi lên xe, tôi nhìn về góc bếp xiêu xiêu, má quay vội vào trong bếp, mà nước mắt cứ như tuôn. Kể từ lần đó, hình ảnh má với góc bếp đã chiếm lĩnh trong đầu tôi như một lời nhắc nhở. Mười mấy năm, vẫn cái bếp ấy, các con đã lớn lên như thế nào.

Rồi tôi biết yêu. Tuổi hai mươi, yêu một cậu con trai thị thành. Một ngày, tôi dẫn cậu ấy về nhà chơi. Má nhìn nhìn nhưng cũng bắt chuyện. Cậu ta con trai thị thành, không quen với lối sống thôn quê, không quen ăn cơm trên phản, không quen với khói bếp cay rực, cũng không quen với cảnh vài con gà choai, lóc chóc chạy vào nhà… Bước xuống bếp, cậu lớ ngớ và tỏ vẻ khó chịu khi va đầu vào mấy cái gióng sắt. Ở chơi hai ngày một đêm, cậu ta lên thành phố trước. Tối đó má tôi chuyện trò: “Má không cấm con yêu con trai thành phố. Nhưng hãy yêu người tương xứng với con, yêu người hiểu biết và chấp nhận con”. Nghe má nói tôi lan man suy nghĩ về cậu ta. Ngày hôm sau, tôi bắt xe lên thành phố học. Cậu lấy xe ra đón tôi. Nhưng không đon đả, hỏi han tôi nữa. Một tuần sau, tôi thấy cậu chở cô gái cùng lớp đi về.
Tôi không nói gì, chỉ lẳng lặng ngoảnh mặt bước đi…
Lòng buồn nặng trĩu, tôi bắt xe về nhà. Vẫn bóng hình ấy, vẫn cái góc bếp ấy làm tôi muốn khóc thật to, thật nhiều vì những đau khổ mà tôi phải trải qua. Nhưng tôi cố cười, cố nén những giọt nước mắt vào trong. Bữa cơm hôm nay có thịt gà. Con gà choai hay vào nhà, mổ phá lúa bị đem thịt. Tôi nhớ tới lời cậu nói hôm ấy: “Sao gà cứ chạy bừa vào nhà, không nhốt lại”. Có lẽ vậy mà hôm nay đi đời con gà. Bữa cơm xôm tụ cùng luyên thuyên nói vài chuyện gà qué làm tôi thấy đỡ muộn phiền hơn. Phải rồi! Khi có chuyện buồn, cứ về nhà, mọi muộn phiền sẽ tan biến. Chỉ cần nhìn má loay hoay với bếp núc, với mấy con gà mái là thấy bình yên trào dâng trong lòng. Nhìn theo dáng má lom khom soi trứng, tôi nhớ về ngày xưa…

Hồi trước, mỗi lần má thắp đèn hột vịt, vào trong góc tối, là chị em chụm đầu vào xem má soi trứng đến cháy xém cả mảng tóc. Má biết nhiều thứ lắm. Má biết giăng câu, mỗi lần giăng câu là đem về hai xâu cá kho gừng. Đặc biệt, ở với má là biết được đủ các món ăn ngon: thịt kho mắm ruốc, canh khoai nấu với cá thác lác, cá lóc om dưa… Có lẽ má quen với cảnh lui cui trong bếp khói nghi ngút chờ các con về và tôi cũng vậy. Cái bếp khói nghi ngút ấy đã ăn sâu vào trong tâm hồn tôi, nên tôi thích má nấu bếp. Vừa nấu má vừa nói chuyện gà qué, chuyện nhà cửa, chuyện chị và mấy đứa cháu. Tôi sợ một ngày nào đó, những điều đó không xảy ra nữa, tôi sẽ sống chơi vơi giữa dòng đời này…

Tình yêu tan vỡ nhưng tình cảm gia đình thì không bao giờ. Chúng ta trưởng thành nhờ những điều kì diệu, phi thường ấy. Ngôi nhà ấy. Góc bếp ấy… Má ơi! Con nhớ!