Hai Lá Tre – Truyện ngắn của Trần Bảo Định

664
(Vanchuongphuongnam.vn) – “Má nói đời con gái duy nhứt chỉ có má đẻ và người chồng mới thấu rõ điều tuyệt vời riêng có của con gái và của vợ. Người con gái sở hữu điều tuyệt vời đó cũng không hiểu thấu sự thâm sâu! Ai mần chồng tui, người đó sẽ rõ nguồn cơn cái tên Hai Lá Tre!” – Hai Lá Tre nói nhanh như chiếc lá tre rơi theo chiều gió cuốn. Trên ngọn tre chót vót, có tiếng cu gáy gọi bầy.

Nhà văn Trần Bảo Định

1.

Năm đó, chiều Xuân, Năm Hạnh cùng tía chèo ghe từ Thông Bình theo sông Cái Cỏ lên Bình Tứ để vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị ra Giêng đốt đồng, vỡ đất sạ lúa vượt nước – giống lúa thích nghi với mùa nước nổi Đồng Tháp Mười – nước nổi tới đâu, lúa vượt theo tới đó.
– “Ăn lấy đời, chơi lấy thời”, nha con!
Má Tư nhắc Hai Lá Tre.
Năm Hạnh nghe rất đỗi ngạc nhiên, chẳng rõ má Tư nhắc cô Hai như vậy, nghĩa là sao? Hai Lá Tre xẻn lẻn nói nhỏ:
– Ý má nói: Ăn suốt đời, ăn tới chết mới thôi; còn chơi thì tùy lúc tùy thời, không cứ lúc nào cũng chơi!
Nói xong, Hai Lá Tre đỏ mặt, nhảy đùng xuống bến sông tắm chiều…
Hồi con gái, má Tư xa xứ lấy chồng.
Rồi, từ ngày chồng chết, má Tư dắt con rời quê chồng ở kinh Nước Mặn vùng hạ Cần Đước quay trở lại xứ. Xứ má Tư nằm trên nhánh chính thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, nhiều đời người ta gọi sông Cái Cỏ. Hỏi sao gọi là sông Cái Cỏ? Má nói má không biết; chỉ biết hồi ngoại còn sống, ngoại thường dạy con cháu: Cái là Mẹ, Cỏ là Thiên Nhiên và Cỏ chính là chúng sanh trong cõi trời đất hằng hà sa số Phật!? Và, ngoại nói:
“Sông Mẹ Thiên Nhiên phân định ranh giới hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam – Campuchia, sống thuận hòa trên tình yêu thương nhơn loại. Bởi, xét cho cùng, tất cả đều là con Trời!”.
Má Tư, theo ông ngoại sống nghề hạ bạc: sáng sông Long Khốt, chiều sông Lò Gạch và mai rạch Cái Rưng thì mốt rạch Bông Súng… Dù ngoại cực muốn chết, nghèo vẫn huờn nghèo.
Những đêm thanh vắng, ngoại thường than:
“Sông rạch quê mình thiếu nguồn sanh thủy nên kiệt nước mùa khô. Vì vậy, tôm cá bỏ sang sông rạch khác!”
Đời má tuy không “Ba chìm bảy nổi”, nhưng thừa… chín cái linh đinh, kiếp nghèo dân luân lạc. Trở về xứ, má khúm tạm căn chòi bên nầy vàm sông Trăng – có người gọi sông Trăn, tương truyền sông có nhiều trăn sinh sống, bên kia là xóm Tân Lèo của Khmer. Rạch Cái Cỏ phân chia rạch ròi biên giới, song lòng dân Việt – Khmer chẳng có chút chia phân, họ sống nhơn ái và chan hòa nhau thường ngày; họ ngồi sui gia cưới con gả chồng… cháu chắt đùm đề, sum vầy và không những tín ngưỡng hỗn dung, mà lời ăn tiếng nói của họ cũng vậy.
Tháng Chạp thiếu nắng mai, sương đồng dùng dằng không chịu tan sớm. Hai Lá Tre rủ Năm Hạnh đi đào hang bắt rắn:
– Năm nào, đưa Ông Táo về Trời ngày hăm ba tháng Chạp, má tui cũng làm món thịt rắn hầm sả gởi Ông Táo mang theo để có cái ăn dọc đường.
Đứng tần ngần, bụng phân vân; Năm Hạnh đột ngột hỏi Hai Lá Tre:
– Biết rắn ở đâu mà bắt, cô Hai?
– Anh Năm không phải dân vùng nầy nên không biết đó thôi! Hồi Tết năm trước, tui rủ hai đứa bạn Chey và Oum ở xóm Tân Lèo sang phụ bắt rắn cả đục. Má vui vì Ông Táo hài lòng! Hai Lá Tre khoe rằng: “Trọn năm, tui hên thiệt là hên! Nhứt là…”. Lát sau, Hai Lá Tre cười liếng thoắng:
– Nhứt là, có bác trai và có anh tới, vàm sông Trăng đỡ quạnh hiu!
Hai Lá Tre chỉ vẽ:
– Mỗi tháng, rắn lột da một lần và mỗi lần chuẩn bị lột da, rắn trầm mình dưới nước rồi bò vô hang nhịn đói đôi ngày để sau đó, bò trở ra miệng hang lột da. Thấy da rắn lột bỏ ở đâu, thì việc tìm hang bắt rắn dễ ợt!
Hai Lá Tre còn nói thêm:
– Tháng Chạp, rắn thường hay bắt cặp thành đôi, bò ra đồng tìm chuột để ăn và chiếm đóng hang. Đây là thời gian và thời cơ vàng cho người đi săn bắt rắn!
– Ý! Không được đâu, cô Hai!
– Sao không được?
Năm Hạnh nói:
“Tía dặn không được bắt rắn làm món ăn, dù món ăn đó có ngon cách mấy! Vì, trời sanh chuột thì phải sanh rắn và rắn bắt chuột ăn, là để cân bằng nhau và bảo vệ mùa màng cho con người. Tụi mình tìm bắt rắn, thì cũng có nghĩa giúp chuột sanh sôi nẩy nở… khiến sinh thái mất cân bằng”.
– Cân bằng sinh thái là cái gì, anh Năm?
Tinh nghịch, Hai Lá Tre chặn họng hỏi.
– Tía tui nói: “Là trạng thái ổn định tự nhiên của hệ sinh thái”.
Nghe thì nghe vậy, Hai Lá Tre ngớ người chẳng hiểu ất giáp gì. Năm Hạnh ngó bộ dạng Hai Lá Tre, tức cười:
– Mà nầy cô Hai! Thiếu gì vật ăn, ăn chi con rắn?
Năm Hạnh hỏi.
– Tui không biết, chỉ biết má tui nói: “Táo nhà, khoái ăn thịt rắn. Má con mình đãi cái khoái ăn cho Táo, thì chắc là Táo cũng lựa lời tâu với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp cho nhà mình và sang năm, gia đình sẽ hanh thông!”
Hai Lá Tre nói riết, Năm Hạnh xiêu lòng.
Ba cái Tết xa nhà, đủ ba cái Tết má con cô Hai mời tía con Năm Hạnh tới nhà ăn Tết. Đôi lần, Năm Hạnh thầm nghĩ: “Cô Hai có tên hẳn hoi, vậy mà má Tư không gọi chính tên, lại ưa gọi tên tục”. Hỏi má Tư, bà chỉ cười trừ rồi nói tránh sang chuyện khác cho qua chuyện.

2.

Đêm biên cương mới đầu hôm mà Năm Hạnh tưởng chừng như trời đã khuya lơ khuya lắc, và mới đầu hôm mà bầu trời treo trăng lưỡi liềm lẩn giữa muôn trùng sao. Năm Hạnh ngước mặt nhìn sao; càng nhìn sao, những vì sao càng thăm thẳm. Anh nghĩ rất lung về hoàn cảnh sống của má con cô Hai Lá Tre, về cảnh ngộ của tía con anh và về bao người cần lao đang sống vật vã mưu sinh trên cánh đồng hoang dã. Họ sẵn lòng nhường cơm chia áo cho nhau khi gặp phải lúc đói lạnh, họ biết “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người chung cảnh ngộ phải thương nhau cùng” (Ca dao dị bản). Điều làm Năm Hạnh dị ứng, khó chịu là họ ưa gọi tên tục, nói tục, đố tục và nhứt là kể chuyện tục… Ngay cô Hai Lá Tre, đẹp người đẹp nết như vậy, mà hễ mở miệng ra là L… C…!? Có lần, Năm Hạnh hỏi tía, hớp ngụm rượu, tía hỏi trỏng: “Tục là sao?”.
Năm Hạnh ỡm ờ một lúc, học lại chuyện hôm rồi anh cầm bó rơm qua nhà má Tư xin mồi lửa nấu cơm chiều. Hai Lá Tre chặn cửa, cười tinh quái và nói: “Đố anh Năm câu nầy, anh giải được tui cho mồi lửa”. Năm Hạnh chưa kịp phản ứng thì:
 
Chửa chết đã đem đi chôn
Chửa ra tới ngõ vạch l… coi nghe 
(Câu đố dân gian vùng Hưng Điền).
Bị cú quá bất ngờ, Năm Hạnh cứng họng và đớ người. Má Tư tay bưng cái nia, từ trong nhà bước ra:
– Hai! Bây giỡn anh Năm của bây chi vậy? Nó ở xa tới sông Trăng lập nghiệp, mới ba con trăng Nguyên Tiêu thì mần sao nó kịp thời gian hòa để hợp với dân bổn xứ.
– Dạ! Thưa má Tư, không có gì!
Năm Hạnh xởi lởi.
– Má binh người ta bỏ con!
Hai Lá Tre tỏ vẻ hờn dỗi, nguýt Năm Hạnh:
– Thấy ai đó cầm bó rơm xin lửa, nên người ta đố câu đố “Người cầm bó rơm đi xin lửa!”
Hai Lá Tre vụt chạy ra sau bếp.
– Thằng Năm! Em nó còn con nít lắm!
Nghe xong chuyện, tía cười trong bụng: “Thằng nầy tồng ngồng lớn xác, nhưng chưa trưởng thành”. Ông chậm rãi cắt nghĩa:
– Đây chỉ là câu đố sinh thực khí dân gian của người mình. Có người nói: “Đố tục giảng thanh”. Như cái gầu sòng tát nước ruộng, họ không nói “Gầu sòng tát nước” mà lại đố:
 
Ba bà mà dạng chưn ra
Một ông đứng giữa mà tra c… vào
Rồi, bất ngờ, ông nhấn mạnh:
– Muốn trụ lại sống lâu dài ở đây, con cần “học ăn, học nói, học gói, học mở” và cả tía cũng phải vậy!
– Thưa tía! Nghĩa là…
– Nghĩa là, “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, đáo xứ tùy nhân”!
Thấy mình hiểu lầm và có lỗi với Hai Lá Tre, Năm Hạnh tìm gặp và lúc gặp Hai Lá Tre ngồi rọc lá chuối ở bờ mương chuối, anh muốn cầm tay xin lỗi; rốt lại, anh chỉ xin lỗi mà chẳng dám cầm tay Hai Lá Tre. Trên đường về, anh tiếc hùi hụi.
Lần hồi, Năm Hạnh thấm và ngấm cuộc sống nơi đây, bởi hằng ngày anh chung đụng với người địa phương và quen dần nếp quan hệ tính giao cách bày tỏ bằng lời: “Đ… má, Đ… má mầy, hay con c… cái l…”. Tục không tĩu, tưởng quỷ mà trái lại rất Người; chất Người đậm đặc, biểu lộ tương đồng giữa sinh thực khí nam và nữ.
Sau ngày mùa rảnh rỗi việc đồng áng, mấy bà xóm sông Trăng thường ghé nhà má Tư chuyện vãn giải khuây. Thôi thì đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện c…, l… thỏa sức tiếu lâm; rất tự nhiên và cũng rất thích thú, chẳng bà nào ngượng mồm ngượng miệng.
– Ê! Thằng Năm, tính đi đâu mà đứng xớ rớ đó! Vô thím biểu coi!
Thím Bảy Chờ vừa ngồi chàng hảng vừa nhai trầu.
 
L… già ăn với cà kheo
Lại thêm c… lõ và đèo nắm lông
(Câu đố miếng trầu)
Cầm miếng trầu, thím Bảy dí dí lên không.
– Dạ! Cháu chưa biết ăn trầu!
Bỗng dưng, chẳng rõ ai đó cố ý hay vô tình hò:
 
“Ba đồng một miếng trầu cay
Sao anh không đến những ngày còn không”
(Ca dao)
Mấy bà cười lên một cái rần! Mặt mày Năm Hạnh sượng ngắt.
– Thằng Năm! Bây ăn cơm chưa? Chưa thì vô bếp ăn với con Hai, kẻo nó đợi.
Má Tư phân bua cùng mấy bà bạn:
– Hai đứa nhỏ rủ nhau đi bắt rắn.
– Trưa trờ trưa trợt rồi, đi bắt rắn gì nữa, chị Tư!
– Nắng gắt bắt rắn dễ.
Có bà nào đó xía vô cà rỡn:
– Mùi càng nặc nồng, thì vị càng đậm đà!
Má Tư giải thích:
– Nay, đã là hai mươi tháng Chạp, còn mấy ngày nữa đưa Ông Táo về Trời. Táo nhà tui khoái thịt rắn, tụi nhỏ đi bắt rắn là vậy!
Năm Hạnh bước vội xuống bếp, vừa đi vừa lầm bầm. Tưởng Năm Hạnh cằn nhằn mình, Hai Lá Tre giẫy nẩy:
– Việc nhà bề bề, mình tui mần bở hơi tai, mần vai xệ xuống… cực muốn chết!
– Sao không kêu tui?
Hai Lá Tre nín khe.
– Thôi! Cô Hai xê xích ra, tui mần cho.
Trai lực điền mần nhanh gọn, nháy mắt xong việc.
– Hồi nãy, tui lầm bầm do bụng dạ nghĩ: “Mắc mớ gì hễ gặp mặt là ăn? Tía tui cũng từng dặn học ăn trước tất cả những cái học khác; tui nào có cằn nhằn sự chậm trễ của cô Hai”.
Má Tư ở nhà trên trờ xuống nghe lóm thắc mắc của Năm Hạnh, má cười:
– Ngó cách ăn uống của một con người, mình có thể hiểu phần nào nguồn gốc, tánh tình, khí chất và tâm địa của người đó!
Quay qua Hai Lá Tre, má biểu: “Việc dọn dẹp nhà cửa, bây cứ để cho má”. Rồi, má nhắc:
– Hai đứa liệu mà đi cho sớm, cẩn thận!”.

3.

 Gió chướng thổi liu riu ru cánh đồng nắng trải cuối năm, Năm Hạnh lần theo dấu rắn lột da và lui cui chặn ngách đào hang mệt lả mồ hôi lưng. Nhưng chẳng dễ dàng gì, cái hang bỏ hoang và chỉ là công cóc.
– Anh Năm! Thôi nghỉ tay một lát!
Quệt mồ hôi trán, Năm Hạnh vác xà beng lẽo đẽo theo Hai Lá Tre vô gò tre tránh nắng.
– Có lẽ, sau lột da, con rắn bò vô hang nằm dưỡng sức; khi khỏe mạnh, nó rời hang kiếm mồi và mình đã tới chậm một bước.
Hai Lá Tre giải thích.
Hai đứa ngồi bên nhau dưới tán lá bụi tre già, cành cọ cành, vòm tre lắt lay như thể sợ rời nhau. Cả hai im lặng kiệm lời, chẳng phải vì không muốn nói cho nhau nghe những gì muốn nói, mà vì cả hai đang nếm mật ngọt tình yêu đầu đời nên ngại lời nói không chuyển tải trọn vẹn niềm hạnh phúc.
Hai Lá Tre mơ màng nhớ lại lời má: “Tía con thằng Năm không phải người nhà quê”. Sao má biết? – “Lời ăn tiếng nói, cách chèo ghe, mần ruộng… tất cả đã cho má biết điều đó!”. Và, má thường dặn: “Trong cuộc sống thường ngày, cái gì thằng Năm chưa rõ, bây tận tình chỉ nó”. Anh Năm lớn hơn con, sao con dám chỉ!? Má nói: “Lớn chắc gì hiểu biết hơn nhỏ! Thằng Năm thuộc loại người “Ăn nhai nói nghĩ”, nó hợp và rất đối xứng với bây. Nếu,… thì chi cho bằng!”.
Mắt Năm Hạnh lim dim, bàn tay anh nằm trọn trong tay Hai Lá Tre lúc nào Hai Lá Tre cũng không biết. Thời gian chầm chậm trôi…
– Anh Năm! Bộ anh buồn ngủ hả?
– Tui đâu có buồn ngủ, cô Hai!
Năm Hạnh bẽn lẽn rút bàn tay, Hai Lá Tre tủm tỉm cười mắc cỡ.
– Cô Hai! Tui hỏi thiệt…
– Anh Năm hỏi thiệt cái gì?
Năm Hạnh ngập ngừng: “Sao cô Hai có cái tên Hai Lá Tre?”.
– Thì, má đặt cho tui cái tên tục.
Lá tre rụng nắng xào xạc, Hai Lá Tre trải lòng: “Má nói đời con gái duy nhứt chỉ có má đẻ và người chồng mới thấu rõ điều tuyệt vời riêng có của con gái và của vợ. Người con gái sở hữu điều tuyệt vời đó cũng không hiểu thấu sự thâm sâu!”.
– Ai mần chồng tui, người đó sẽ rõ nguồn cơn cái tên Hai Lá Tre!
Hai Lá Tre nói nhanh như chiếc lá tre rơi theo chiều gió cuốn.
Trên ngọn tre chót vót, có tiếng cu gáy gọi bầy.
Biết Năm Hạnh bắt rắn chưa rành, Hai Lá Tre nhắc:
– Tuy không tai, không mũi và mắt nhìn kém; nhưng rắn đánh hơi rất nhạy cảm, rất chính xác. Được vậy, là do rắn đánh hơi bằng lưỡi và nhạy cảm bằng bụng. Anh Năm nhớ lấy khi bắt rắn.
Trời thẳm xanh, xanh tre!
Năm Hạnh thả hồn chơi vơi lên cành lá tre trong ý nghĩ háo hức, tò mò cái tên ngộ nghĩnh Hai Lá Tre – cái tên, xanh như xanh màu nhớ!- Anh nghe tiếng đặng tiếng được lời Hai Lá Tre căn dặn.
– Đi bắt rắn anh Năm! Trời ngả chiều rồi!
Hai Lá Tre thúc giục.
Đã phát hiện hang rắn dưới gốc thân tre dọc bờ cỏ hoang. Hai Lá Tre nhìn kỹ dấu bò in vết trườn, cô biết đó là vết rắn hổ đất.
– Anh Năm, cẩn thận! Rắn hổ đất.
– Mèng đéc! Tui bỏ quên cây xà beng ở gò tre.
Năm Hạnh giựt mình kêu lên.
– Anh Năm ở lại canh hang rắn, tui đi vác cây xà beng cho!
– Cây xà beng bằng sắt nặng, cô Hai cứ để tui.
– Anh Năm biết tui đã bao tuổi chưa?
Rồi, Hai Lá Tre nói một hơi: “Hồi gặp anh, tui tuổi mười bốn và sau ba lần đưa táo về trời, giờ tui đã là tuổi mười bảy! Má nói nói: Trăng mười bảy trải giường chiếutuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu!?“ – Bất ngờ, Hai Lá Tre vụt chạy, Năm Hạnh không cản kịp.

Năm Hạnh vạch cỏ tìm ngách hang rắn, mắt ngó thân gốc tre và lòng thì vẩn vơ nghĩ: cành tre mọc từ mắt, nhánh tre mọc từ cành, lá tre mọc từ nhánh và lá do bẹ, phiến lá tạo thành. Lá tre thon dài nhỏ hai đầu, không có lông tơ mà chỉ có ba hoặc năm đôi gân mép song song. Năm Hạnh hình như khám phá ra điều kỳ diệu nơi lá tre, anh lặng lẽ cười một mình: “Phiến lá, cuống lá, tai lá, lưới lá, bẹ lá… Đó là lá tre, nó dai bền, mềm rắn, chịu đựng mọi thời tiết và càng nhìn, càng hấp dẫn dễ thương…”.

– Trời ơi!
Lớ quớ, Năm Hạnh bị con rắn mái hổ đất đang thời kỳ chửa chạm mu bàn tay và mắt mờ dần, cả bầu trời thối thui vây lấy anh!

*

– Bình tĩnh con, đừng hốt hoảng!
Má Tư nói trong lúc Hai Lá Tre vẫn còn cõng Năm Hạnh trên lưng. Tía Năm Hạnh hối hả chạy tới, quên cả việc mặc áo.
– Bây để thằng Năm nằm xuống gốc tre ở đầu hồi nhà.
– Sao không đưa anh Năm vô nhà, hả má?
Có ai đó la lên:
– Rắn chạm, kỵ đưa vô nhà!
Hai Lá Tre bật khóc.
– Bây vô nhà lẹ, thay áo, vú mớm lòi ra đó!

Giờ Hai Lá Tre mới nhớ là đã xé nửa thân áo trước, quấn trọn bàn tay và cột thắt cánh tay ngăn nọc độc rắn dẫn về tim. Tía Năm Hạnh – ông Sáu Thời – chết điếng, chảy nước mắt nhìn con. Gia đình ông bất hạnh từ lúc má thằng Năm bất đắc kỳ tử, nhiều năm nhìn cảnh cũ vắng người xưa, chịu khôn xiết, ông bỏ nghề dạy học và bán nhà đi xứ khác. Luân lạc trên ghe mấy năm, tía con trụ lại xóm sông Trăng với những mong nó lập gia đình, yên bề gia thất. Nay, thì… Ông ngửa mật nhìn trời, kêu trời!

– Hai! Cháu ráng cứu thằng Năm. Nếu chết thế được, qua chết thế!
– Bây xớ rớ hết khóc, lại kê miệng nút máu độc nơi chạm nọc của thằng Năm mần gì? Sao không sang Tân Lèo cầu cứu mấy đứa bạn Chey, Oum!
Bà bạn Má Tư la toáng, mọi người giựt mình qua cơn kinh động.
– Quýnh quáng mà quên mấy đứa bên xóm Tân Lèo trị rắn chạm bằng sừng trâu cò hay đáo để!

Má Tư trút gánh nặng, mừng ra mặt.

Hai Lá Tre ùm bơi qua sông Cái Cỏ.
Chey biểu Oum mài sừng trâu cò, rồi dùng đũa bếp cạy miệng Năm Hạnh đổ vào và đồng thời, kêu Hai Lá Tre nhai cỏ cứu đắp liên tục nơi vết chạm. Nửa canh giờ hơn, Năm Hạnh tỉnh dần và từ từ mắt mở ra; người đầu tiên anh nhìn thấy là Hai Lá Tre…
– Nguy kịch đã qua, để tụi nhỏ nó tính. Tui mời anh Sáu và bà con chòm xóm vô nhà dùng nước!
Đồng cảm những giọt nước mắt hạnh phúc của Hai Lá Tre, đôi chị em bạn Chey và Oum xin phép ra về. Chiều dùng dằng thời gian không nỡ vội chiều. Im lặng lắng đọng xúc cảm, từng hạt nước mắt Hai Lá Tre rơi ướt mặt Năm Hạnh và anh, ôm chặt Lá Tre như sợ gió cuốn bay đi trong cái tàn phai của buổi chiều tà!
– Tui không là “đàn bà cạn lòng như đỉa”.
– Anh chẳng là “đàn ông bạc nghĩa như vôi”.
Buông ra anh, người ta ngó thấy cười chết!
Năm Hạnh đã khỏe, giả bộ như chưa khỏe và đột ngột ngồi dậy, hôn nhẹ lên má Hai Lá Tre:
– Giờ thì, anh hiểu mang máng vì sao má đặt tên tục của em là Lá Tre!
– Và, cái má cần chọn cho em là Xe Điếu, anh biết không?

Tiếng quang quác con diệc gọi bầy, Hai Lá Tre ù chạy ra sau bếp.

Cuối năm, trời thắp đèn sao!
T.B.Đ