03.7.2017-07:30
Nhà thơ Phan Hoàng cùng các nhà văn trẻ trong buổi dâng hương Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long trong chương trình Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ tư
Nhà thơ Phan Hoàng:
Hãy đọc và suy ngẫm văn trẻ rồi hãy “phán”
CỐC VŨ
NVTPHCM- Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ tư do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa diễn ra cuối tháng 6.2017, với sự tham dự của 80 đại biểu viết văn trẻ của thành phố và 25 đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị đã có cuộc trò chuyện với Nhân Dân Cuối Tuần quanh những vấn đề đang đặt ra với những người viết trẻ…
Chốn hội tụ phong phú và đa dạng
* Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ tư đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía những người yêu văn chương trên cả nước. Theo anh, vì sao một hội nghị mang tính chất địa phương lại nhận được sự ưu ái đặc biệt như vậy?
– Tôi nghĩ sự quan tâm lớn ấy không phải ưu ái mà là nhu cầu đích thực của những người yêu văn chương trên cả nước. Ai cũng biết TP Hồ Chí Minh là một trung tâm hàng đầu, đặc biệt là về văn hóa, văn học; nơi sản sinh và luôn thu hút tài năng trẻ từ khắp mọi miền về sống và sáng tạo; đồng thời cũng là thị trường sách lớn nhất nước. Những chuyển động của đời sống văn chương thành phố này đều có ảnh hưởng quan trọng nhất định đến toàn quốc. Hơn nữa, Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần này còn mở rộng mời đại biểu từ các tỉnh, thành phố khác của cả Nam Bộ.
* Anh đánh giá lực lượng viết trẻ đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh ra sao?
– Lực lượng viết trẻ TP Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng, không chỉ người Sài Gòn chính gốc mà còn hiện diện rất nhiều cây bút có nội lực từ mọi miền đất nước. Trong đó có những tác giả đã ghi dấu ấn về xuất bản sách hoặc đoạt giải thưởng văn học ở các địa phương khác nhưng những năm gần đây đã lần lượt hội tụ về thành phố này học tập, làm việc, sáng tác. Ðây là nét đặc thù tạo nên bản sắc riêng và thế mạnh của TP Hồ Chí Minh.
Ngoài những cây bút quen thuộc từ trước như Nguyễn Phong Việt (đến từ Phú Yên); Nguyệt Phạm (Ðồng Nai); Tiểu Quyên (Long An); Ngô Thúy Nga (Hà Tĩnh); Vũ Văn Song Toàn (Thanh Hóa); Ðoàn Phương Huyền (Hải Phòng); Trương Huỳnh Như Trân (Bình Phước); Sâm Cầm (Quảng Bình); Lê Hữu Nam và Trương Thanh Thùy (Lâm Ðồng); Thục Linh và Kiều Maily (Ninh Thuận); Nguyễn Trần Thiên Lộc và Trần Võ Thành Văn (Bình Ðịnh); Hồ Huy Sơn, Võ Thu Hương, Du Nguyên và Nồng Nàn Phố (Nghệ An)… thì những năm qua, thành phố tiếp tục thu hút nhiều cây bút trẻ của các địa phương khác như Văn Thành Lê, Kai Hoàng (đến từ Vũng Tàu); Vĩnh Thông, Huỳnh Trọng Khang (An Giang); Ðào Nương, Lê Hòa (Lâm Ðồng); Nguyễn Quỳnh Trang, Dương Kim Thoa, Nhật Phi (Hà Nội); Văn Nguyên Lương (Quảng Ngãi); Dạ Thy (Bình Ðịnh); Châu Ngọc Hoài Nhân (Bến Tre); Bùi Bảo Kỳ (Tây Ninh); Nguyễn Ðình Minh Khuê (Cần Thơ); Chung Bảo Ngân (Vĩnh Long); Trương Mỹ Ngọc (Trà Vinh)… Và còn rất nhiều cây bút khác nữa đang từng bước khẳng định mình, có thể đi xa trên con đường văn chương.
Tôi liệt kê một số cái tên như trên để thấy rằng lực lượng viết trẻ của TP Hồ Chí Minh rất đông đảo.
Hội nghị này cũng giống như một cuộc điểm danh lực lượng, với những người viết trẻ – một lứa mới ngày nào “khai sinh” ra cái cách gọi 8X, biểu trưng như sự mới mẻ, hiện đại. Nhưng những người 8X ngày ấy, giờ cũng đã trưởng thành, đã góp cho đời sống văn chương những tác phẩm đầy dấu ấn. Và, từ 8X đến 9X, những cây bút trẻ, bút mới ở TP Hồ Chí Minh xuất hiện liên tục, làm dày thêm đội ngũ cầm bút.
Những chuyển động của đời sống văn chương TP Hồ Chí Minh luôn có ảnh hưởng đến nền văn học nước nhà.
“Nhạt” hay không còn tùy cách nhìn nhận
* Có ý kiến cho rằng, lực lượng viết trẻ TP Hồ Chí Minh đông về lượng nhưng lại nhạt về chất. Và khi điểm danh những cây viết trẻ để nhận diện một vùng văn học như vùng văn học TP Hồ Chí Minh thì lại chẳng có ai. Anh sẽ nói gì?
– Nhạt hay không nhạt là tùy cách nhìn nhận, cảm thụ thẩm mĩ của mỗi người. Việc điểm danh cây bút trẻ, nhận diện một vùng văn học như TP Hồ Chí Minh rất khó, cần phải có cách nhìn tổng hòa về sự đa dạng, phong phú của lực lượng, phong cách. Nói rằng văn học trẻ TP Hồ Chí Minh hiện nay “chẳng có ai” xứng đáng để điểm danh, nhận diện thì tôi cho rằng chưa đúng. Hãy đọc và suy ngẫm văn trẻ rồi hãy “phán”!
Có thể thấy rằng, không chỉ đông đảo về số lượng, văn trẻ TP Hồ Chí Minh còn được đánh giá cao về chất lượng. Ðó là sự đa dạng về đề tài, phong cách; về kỹ thuật viết; về khả năng tiếp cận độc giả. Có thể nói, các cây bút trẻ hiện nay hội đủ những yếu tố để trở thành những cây bút chuyên nghiệp, tự đứng trên chính đôi chân của mình.
* Nhắc đến văn chương Sài Gòn, người ta chỉ nhắc tới thứ văn chương giải trí, văn chương thần tượng với khá nhiều cái tên “bán sách” đấy, thưa anh?
– Ðiều này không sai, nhưng chỉ là một mặt của vấn đề. Viết sách văn chương để bán được, không phải là chuyện dễ dàng. Có những thứ văn chương giải trí, thậm chí cố viết sex câu khách, nhưng bán chẳng ai mua. Và cũng có những thứ văn chương có giá trị nghệ thuật đích thực được nhiều người tìm đọc dưới những hình thức khác nhau.
* Sắp tới, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh sẽ có những hoạt động gì để phát triển hội viên cũng như các ngòi bút trẻ?
– Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ tư mở rộng khu vực Nam Bộ đã để lại dư âm tốt trong lòng những người tham dự lẫn giới quan tâm văn chương. Ðây là một nỗ lực không nhỏ của ban tổ chức mong kết nối các bạn văn trẻ với nhau và tạo thêm động lực, cảm hứng cho họ sáng tác. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh thường xuyên tạo điều kiện cho các cây bút trẻ bằng những chuyến đi thực tế hoặc trại sáng tác với những nguồn kinh phí khác nhau. Chúng tôi không đề ra kế hoạch cụ thể phát triển hội viên trẻ mà chỉ hy vọng qua cầu nối của Hội, các bạn văn trẻ gắn kết với nhau trong tình đồng nghiệp, khích lệ nhau có những tác phẩm chất lượng đóng góp vào đời sống văn học thành phố và cả nước.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.
NHÂN DÂN CUỐI TUẦN 30.6.2017
>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…