Hoàng Đạo Kính – Nhớ

1465

29.8.2017-20:20

GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính

 

Nhớ

 

HOÀNG ĐẠO KÍNH

 

NVTPHCM- Trong tiếng Việt mình, chữ “nhớ” có hai nghĩa. Nhớ, khi xa cách. Nhớ, khi không quên. Với người Việt mình, chữ “nhớ”, trong cả hai nghĩa, đượm thắm chữ “tình”.

 

Ta thường hỏi nhau: Quê anh, quê chị ở đâu? Câu trả lời: Ở địa phương này, tỉnh nọ. Lạ thay, đôi khi nghe: Quê tôi ở Hà Nội. Mấy ai trên đời gọi Thủ đô là quê. Song, với người Hà Nội, lại là quê. Là quê, như Yên Sở, như Hương Canh, như Phước Tích…, bởi Hà Nội quen thuộc và thân thiết chẳng khác gì mấy những chốn cố hương, bởi Hà Nội đầy ắp những nỗi nhớ nhung và hoài niệm, vây quện ta, tô thắm đời ta. Thêm lẽ nữa giải thích cái việc xưng Hà Nội là quê: với những gì tích lũy từ dạo Thăng Long trở thành Hà Nội, cơ ngơi đô thị và con người Hà Nội vẫn gắn bó chằng chịt, vật chất lẫn phi vật chất, với những miền quê. Chất và hồn quê, chuyển hóa mềm, dung dị, sang thị thành, tạo nên cái riêng, từ to đến nhỏ, cho Hà Nội. Chính bởi thế mà ta, có lúc chê – lúc trách – lúc giễu, vẫn yêu nồng yêu cay Hà Nội, vẫn nhớ đến hoang mang những khi xa cách và, lẽ thường tình, ôm ủ cả một ốc đảo những hoài niệm về những gì đã qua, và cả những gì chưa từng có. Hoài niệm như những áng mây mảnh dẻ, không dễ tan trên bầu trời, mà ở dưới đó hàng ngàn hàng vạn con người chen chúc, đánh vật với dòng chảy cấp tập của cuộc đời lẫn thời cuộc, đánh vật với chính mình.

 

Chưa rõ vì sao nỗi nhớ nhung – hoài niệm lại đến với, lại bám đuổi chốn thị thành này sớm vậy. Hơn hai thế kỷ trước, Bà huyện Thanh Quan đã dự cảm cái nỗi u hoài thẳm sâu ấy, với tám câu thơ kiêu sa:

 

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

 

Thăng Long ngàn xưa bình địa hóa. Những gì mục nát được, hóa thân thành hư vô. Những gì không thể, lặn chìm xuống lòng đất. Nữ sĩ đầu thế kỷ XIX đã muôn thuở hóa nỗi u hoài và hoài niệm về một đô thị, mất nhiều hơn còn.

 

Từ đó, hoài nhớ – hoài niệm trở thành một phần không tách lìa khỏi văn chương, khỏi âm nhạc…, khỏi cảm thức thường nhật của người Hà thành các thế hệ và các thời. Cái nỗi lòng ấy ta cảm nhận đầy đủ ngay cả trên các trang sách, bài viết về lịch sử Thủ đô. Cùng với đó là sự tự vấn, đeo đuổi người Hà Nội, sống ở nơi xa hoặc sống tại chỗ, liệu những gì đó mình nhớ và mình yêu có còn như trước kia không, hay đã phai mờ, đã đổi thay rồi. Những tích lũy, vật chất và tinh thần của Hà Nội cổ truyền vốn không lấy gì làm đồ sộ, bền chắc cho lắm, lại tinh tế, sống động và dễ tổn thương. Dĩ nhiên rồi, sự đào thải và tinh lọc tự nhiên đang và sẽ diễn ra. Miễn là ta chớ vung cái chổi, chớ giáng cái búa vào thân mình di sản, vào những tàn dư của một chốn thị thành, vốn đã đầy và đặc chất thân phận.

 

Tôi càng ngày càng thiên về ý nghĩ: Ký ức, hoài niệm cũng là một phần của vốn liếng – di sản Hà Nội.

 

***

 

Mỗi người thương nhớ, hoài niệm về Hà Nội theo cách của mình. Cái giống nhau, có thể là ở sự gắn bó với những gì rất cụ thể, dễ gọi xưng. Thành phố đi vào bộ nhớ vốn nhỏ hẹp. Giống nhau còn ở chỗ, ký ức với nhiều người, nhiều độ tuổi, không tách khỏi cái thời trôi qua cách nay vài chục năm, thời bao cấp và đạn bom.

 

Một người bạn tôi nhớ cây cối ở Hà Nội: cây gì, mọc ở đâu, độ tuổi và hình hài. Chẳng hạn, xưa kia có cây gạo mọc ở góc sau Văn Miếu, sát đường tàu điện; có cây gạo mọc bên phải lối vào đền Ngọc Sơn… Thân cao kều, gốc đầy gai, vào đầu hè hoa nở rõ to, nom thật ngây ngô. Cây gạo, cây đa, cây bàng ở Hà Nội mọc như tự nhiên, làm cho phố mà giống quê đến thế. Ông kể, vào những ngày đầu bảo vệ Thủ đô, có một chiến sĩ con nhà tiểu tư sản, nằm phục dưới gốc cây cơm nguội trên một đường phố Tây, nổ một phát súng, Tây đáp lại. Anh gục mặt vào bao cát. Đồng đội chôn vội anh xuống lòng đường cùng nhiều chiến sĩ vô danh. Sau này ai đó trồng cây long não, từ hai phía, chúng nghiêng nghiêng trên nấm mồ dài bằng con phố. Cây mà cũng biết mặc niệm.

 

Một ông bạn khác, sành ăn như phần đông người Hà Nội cũ, lại sống xa nước, hễ nhớ quê là nhắc ngay món nem cua bể ông Cát Tần trên phố Hàng Gà, vừa giòn lại vừa dễ tan trong miệng; món phở Bằng ở đầu phố Hàng Mành, với mùi thơm như vẫy gọi, với cái tiếng dao phay đập thịt làm ta rạo rực; vị cà-phê trứng quán Giảng đầu Hàng Gai… Người Hà thành có biệt tài biến món quê thành đặc sản, Việt hóa các món Tây.

 

Người gốc Hà Nội, dĩ nhiên, ưa sống hơn cả ở khu 36 phố phường, bịn rịn và miễn cưỡng khi buộc phải rời xa, đem lòng nhung nhớ chẳng những phố này ngõ kia, mà nhớ hơn cả là cuộc sống nơi chốn này. Phố xá nhà cửa san sát, giàu sang hèn kém chẳng khác nhau là mấy. Ăn ở nép mình, nhìn sang hàng xóm mà giữ cái sự thuận hòa. Hơn nhau ở mặt hàng, ở lời ăn tiếng nói, ở sự giữ nghiêm chữ tín. Cửa tiệm không cần quảng cáo lòe loẹt, cứ theo cái tiếng mà tìm đến. Phố nào hàng nấy. Nhận ra phố theo hàng họ, theo hương vị – mùi vị, theo tiếng động từ dụng cụ tác nghiệp, thậm chí theo tính cách người mỗi phố… Suốt thời gian dài, khu 36 phố phường đã là một đại siêu thị kiểu Á Đông. Vài chục năm trước, phố cũ đổi thay gốc rễ, văn hóa cũ mai một. Bây giờ, ngồi trước mâm cơm, hễ nghe ai cất tiếng mời ăn cơm, xơi cơm, thấy là lạ tai, rồi vui vui: hóa ra nếp cũ vẫn còn.

 

… Ở độ tuổi tôi, nhớ những người đàn anh, từng trải qua thời khởi nghĩa – kháng chiến – cải tạo xã hội chủ nghĩa và chiến tranh. Nếu họ thành đạt, có vị trí và sự nghiệp, hẳn đã được biết đến. Đằng này, họ ở số nhiều, từng trải đủ và từng làm mọi việc, khiêm tốn tự nhiên hoặc bất đắc dĩ cũng tự nhiên và, cũng theo lẽ tự nhiên, họ lặng lẽ ra đi cả rồi.

 

Đó là ông Đ.V.Đ, từng làm chủ bốn chiếc máy điện và thuê ba thợ. Năm nọ, bị quy tư sản, bán vội máy móc, trở lại làm thợ. Cái nhà mặt phố biến thành nhà tập thể, tự nguyện và vĩnh viễn. Gia đình ông được bố trí ở tầng hai, chiếm một phòng, con cái tự nhiên trở thành công nhân – viên chức cả. Ông dần quen bước khe khẽ trên cầu thang gỗ, e hàng xóm lụy phiền. Về sau, bước lên cầu thang đá granitô, vẫn rón rén. Ông dạy các con, sống cứ nên rón rén, cho nó lành.

 

Ông H.Đ.S, dạo 15 tuổi, học chưa xong Trường Bưởi, theo anh em chiếm Bắc Bộ Phủ, cúi lưng cho một anh của tổ chức bước lên vọt vào trong. 18 tuổi, vì có chữ, học trường lục quân, đi các chiến dịch. Hòa bình, xin đi dạy học, trú ngụ trong căn phòng 10 mét vuông giáp sân trong, phía trước là lớp vỡ lòng. Lớp sơ tán, cửa hàng thực phẩm dọn đến, mùi mắm tôm, xì dầu làm ông bà mất ngủ, ông khiếu nại cấp trên. Ngừng ném bom, cửa hàng dọn đi, ông lại xin cấp trên cho ở lại, bởi lẽ các cô mậu dịch viên thi thoảng dúi cho bìa đậu phụ, chai nước chấm mà không cắt ô nọ ô kia. Vả lại, quen mùi rồi. Khi có chế độ hưu non, ông hưởng ứng tức thì. Chức vụ cao nhất mà ông đảm trách, tổ phó công đoàn, được giao sau khi trích ngang lý lịch đã thẩm tra. Về già, trước mọi chuyện vui buồn, ông đều cười như nhau, đều chép miệng: thế đấy.

 

Tôi thương nhớ một ông anh khác nữa. Rời vị trí nhà giáo trường tư thục, ông V.D xin được một chân ở cơ quan văn hóa đối ngoại. Do có học và biết nghe nhạc, ông được giao kiểm tra tất cả những đĩa hát mang từ nước ngoài về. Tôi đến xin lại số đĩa ông đã kiểm tra, ông bảo: cậu cho tớ một chiếc. Dạ, Robertino Loretti? Không, tớ chỉ nghe classique. Em cũng vậy. Chúng tôi thân nhau. Ông nghiện dữ hai thứ: nghiện hút thuốc lá đến đen kịt cả những chiếc răng tiêu biểu và nghiện nghe nhạc. Những lúc xếp hàng mua củi, gạo, thực phẩm xong, xếp hàng xách nước đầy vại và, nếu có điện, ông lao vào cuộc giải nghiện – nghe nhạc. Nào Vivaldi, nào Subert, nào Chopin… Khi muốn thăng hoa, ông nghe bản giao hưởng số 6 của P.Tschaikowski. Đến đoạn reprise, cao trào cơn lốc nâng bổng triết lý con người, ông ôm mặt, run rẩy toàn thân, khóc nức nở. Ông nói, ông sợ những lúc ấy bị vợ ra lệnh đi xếp hàng hoặc nghe còi báo động.

 

Tôi nhớ và muốn nhắc nhiều nhiều tới những người Hà Nội cũ nay ở lứa tuổi 70 – 80 và hơn. Họ còn lại không nhiều, sống ẩn né, giữ gìn cẩn trọng những kỷ niệm về dòng họ và cha ông, kín đáo hãnh diện về gia phong, về những thời đã trải qua. Họ là những người bền bỉ nuôi dưỡng những giá trị văn hóa sống nơi thị thành xưa: cách nghĩ, cách hành xử, cách học hành, buôn bán, ăn mặc, nói năng… Còn con cháu họ, đông hơn gấp bội và hòa trong cộng đồng dân cư mới, đang khơi và đang thúc dòng chảy, làm cho Hà Nội cũ và Hà Nội nay bước chân kịp thời đại.

 

Di sản và truyền thống, ngay cả những hoài niệm, sẽ là những vốn liếng quý báu để Thủ đô tiến lên phồn vinh, để Hà Nội mãi mãi là quê hương của những thế hệ tiếp nối mai sau.

 

Tôi càng ngày càng thiên về ý nghĩ: Ký ức, hoài niệm cũng là một phần của vốn liếng – di sản Hà Nội.

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…