Hương sắc núi rừng bừng dậy trong thơ

1114

08.02.2018-23:00

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc

 

Hương sắc núi rừng bừng dậy trong thơ

 

QUANG HOÀI

 

NVTPHCM- Thú thực, tôi chưa được đọc một tập thơ nào chuyên viết về nông thôn miền núi các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cho nên, khi cầm trên tay tập thơ “Như rừng hoa Tà Phình” – Nxb. Văn hoá Dân tộc 2017 được nhà thơ Lê Tuấn Lộc trân trọng kính tặng, tôi vô cùng xúc động và có phần háo hức.

 

Bởi như anh nói, đây là một tập thơ anh trải lòng suốt 3 năm trời chuyên chú viết về nông thôn miền núi, mang đậm sắc màu dân tộc mà anh tha thiết yêu thương, vốn có nhiều duyên nợ. Hơn nữa, tôi cũng là người đến với thơ bằng những cảm thức về dân tộc miền núi từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những bài “Lá thư gửi anh”, “Anh lái xe người Mèo hoa”, “Cô gái Mèo Pú Nhung”, “Những mùa nương”… được đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, và một số báo địa phương từ những năm 1969-1970 của thế kỷ trước, nên lại càng muốn được thưởng thức để sẻ chia những thi ý, thi tứ của anh về vùng cao yêu thương.

 

Đến nay, Lê Tuấn Lộc đã cho xuất bản 16 tập thơ, trong đó có 2 tập in chung, 14 tập in riêng trong khoảng thời gian 31 năm tính từ năm 1986 đến cuối năm 2017. Riêng thơ viết về chủ đề miền núi và dân tộc, anh có một độ lùi nhất định với tinh thần “cứ để mùa xuân đến từ từ” cho hoa rừng bung nở trăm sắc ngàn hương, nên từ “Người núi – Người phố” tập thơ đầu đến tập thứ hai “Như rừng hoa Tà Phình” phải trải qua 13 năm trời nghiền ngẫm và suy cảm, bồi bổ cảm xúc và thấu nhận. Đó là thái độ và tinh thần thơ thực sự nghiêm túc và có trách nhiệm. Và đó cũng chính là điều lôi cuốn hấp dẫn tôi đối với tập thơ này.

 

Tập thơ Như rừng hoa Tà Phình của Lê Tuấn Lộc gồm 51 bài như 51 lát cắt sinh động, 51 đoá hoa tâm cảm làm nên vẻ đẹp của những miền đất và con người vùng cao, thể hiện thiên nhiên đẹp đẽ, hùng vĩ, hoang sơ và tâm hồn con người chân thực, phong phú, sâu sắc, trầm ấm, đúng như ý tứ sâu kín của tác giả “Như rừng hoa Tà Phình”.

 

Năm 2014, Lê Tuấn Lộc cùng nhà văn Nguyễn Đắc Như và nhà thơ Trần Vũ Long vượt qua một đoạn đường đầy ổ gà, ổ trâu gập ghềnh đích thân lên tận Tà Phình, một vùng sâu vùng xa hẻo lánh cách Mộc Châu hơn 20km để mục sở thị thấy rõ “một cuộc chuyển mình mạnh mẽ sâu sắc về nông nghiệp, nông thôn và miền núi”, rồi sau đó “thuê xe máy, định đi từ trưa đến chiều thì về”, nhưng “không ngờ đường xấu, xe hỏng, lại lạc đường, đến 10 giờ đêm mới về đến Mộc Châu”. Như Lê Tuấn Lộc bộc bạch, đó thực sự “như một chuyến xe bão táp”. Nhưng chính chuyến đi ấy đã để lại trong anh những cảm nhận tươi mới, dung dưỡng cảm xúc để anh nhận chân những đổi thay kỳ diệu của vùng cao qua hình ảnh các em gái dân tộc thiểu số má hồng núng nính, váy hoa xúng xính “Như rừng hoa Tà Phình”. Và thế là bài thơ đã được chọn làm tựa đề cho cả tập để thể hiện ý đồ sáng tạo của mình, như không thể khác được, với tư cách như một điểm trụ vững phóng tầm nhín với cảm hứng lãng mạn ra các vùng miền núi, dân tộc khác. Đây là toàn văn bài thơ:

 

“Mải chơi xuân tung ta tung tăng

Đường đèo dốc gập gà gập ghềnh

Đào xuân tươi hồng hồng chào mình

Như rừng hoa Tà Phình

 

Hoa mận trắng sương nắng bay bay

Hoa cải trắng như mây trong mây

Hoa hồng hồng như má em hồng

Hoa chuối đỏ như lửa bập bùng

 

Mải chơi xuân tung ta tung tăng

Em cười má núng nính núng nính

Váy váy váy… xúng xính xúng xính

Như rừng hoa Tà Phình.

 

Đó là tiếng reo vui bật thốt từ đáy lòng, có nụ cười hồn nhiên và bước chân nhí nhảnh với những tiết tấu rộn ràng ấm áp như có nhạc và hoạ trong thơ, đúng là một rừng hoa – rừng hoa trẻ thơ trong cuộc đời đổi mới và khởi sắc. Đọc bài thơ này, tôi càng thêm quý mến một tấm tình nồng ấm trong Lê Tuấn Lộc đối với vùng cao.

Tập thơ “Như rừng hoa Tà Phình” của Lê Tuấn Lộc

 

Từ điểm trụ này, Lê Tuấn Lộc phóng tầm mắt và cái nhìn tâm cảm của mình ra các vùng cao khác để khắc hoạ đậm nét và khá sâu sắc về rừng hoa của mình, làm cho giá trị tư tưởng và nghệ thuật tập thơ ngày càng tăng lên, kích phát niềm hứng khởi của người đọc. Tập thơ như một phòng trưng bày hiện vật mở ra lôi cuốn hấp dẫn người tham quan không chán mắt, hết bất ngờ này sang bất ngờ khác, để rồi nhập hồn vào đó mà say đắm, mà nâng niu.

 

Từ “Mùa hoa tam giác mạch” đến “Tây Trang, mùa hoa cúc quỳ”, rồi “Có một mùa hoa cải trắng”, “Nhị độ mai ở Mộc Châu”, “Hoa chuông”, “Hoa lau màu biên cương”, v.v… Từ “Núi đồi Quản Bạ”, “Đường lên cổng trời” đến “Tỉnh Đông ngày tôi về”, “Bản Cống của em Tết Hoa”, “Ba cô váy hoa tắm ở suối Bản Hoa”, “Mùa kéo vợ”, “Mai sau chết ta xin về Thác Bạc”, “Lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm Bà Ni”, “Tây Giang, đêm Cơ Tu”, “Lướt trên em Na Hang”, v.v… Từ “Tẳng cẩu”, “Chỉ tại cái váy đen cạp xanh”, “Áo cóm làm anh rối cả lên”, “Ơi người làm tiếng sáo bản ta” đến “Rượu say ở Sa Pa”, “Đêm trăng trên bờ Nhật Lệ”, “Tiếng hát trên đồi cát”, “Uống rượu trên đồi su su”, v.v… Đó là tên các bài thơ đủ sắc màu, có sức hấp dẫn đặc biệt đưa ta vào thiên nhiên và tình người hoà quyện, để thấu nhận vùng cao hôm nay đang đổi mới mạnh mẽ nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức, gian truân. Tôi cho rằng đây là một thành công đáng kể của nhà thơ Lê Tuấn Lộc trong tập thơ thứ hai anh viết về nông thôn, miền núi dân tộc thiểu số.

 

Dưới đây xin nêu cảm nhận về một số bài thơ cụ thể.

 

“Mùa hoa tam giác mạch” là một bài thơ mượn hoa để nói tình người, nhẹ nhàng và dí dỏm. Nào là “Anh thèm những màu hoa chưa có”, nào là “Em tả những bông tam giác mạch/ Mơn man em, lãng mạn tím mê hồn/ Thôi đừng kể, làm anh khao khát”. Nào là “Hay duyên phận anh và hoa không gặp/ Em về Hà Giang cho anh ghen”, “Phố cổ Đồng Văn lãng mạn thêm/ Nhờ mảng tím màu hoa tam giác mạch”…, tưởng cứ như tán tỉnh, trêu chọc mà đầy thi vị và thấm thía ý tình của chủ thể trữ tình, bởi những câu thơ mang âm hưởng dân gian, giàu chất Fonclo. Viết về dân tộc thiểu số, về vùng cao như thế thì không thể không coi trọng và quý mến.

 

Và đây là bài “Tây Trang, mùa hoa cúc quỳ”. Cái màu vàng của hoa cúc quỳ trong thơ Lê Tuấn Lộc trải dài trong tâm thức như thách đố các loài hoa khác và cùng với nó để tôn lên vẻ đẹp của mình: “Tây Trang, mùa hoa cúc quỳ/ Dây dưa vàng hai bên bờ suối, vàng cả mái nhà sàn, vàng cả trăm ngọn đồi, vàng cả lối đi, vàng cả suối trong”… “Tây Trang, mùa hoa cúc quỳ/ Làm hoa chuông như phát ghen lên trong màu vàng dây dưa/ Hoa chuông hồng tươi nõn nà, yểu điệu làm nũng nên chiều. Hoa chuông rủ xuống vẫn ngân lên như những tiếng cồng âm vang của người Mường Then. Đừng buồn hoa chuông ơi, đừng buồn hoa ban ơi, đừng buồn hoa mận trắng. Mỗi màu hoa, mỗi mùa hoa tô điểm cho Tây Trang quanh năm rực rỡ sắc màu”. Đó là sự phối màu hoa thật khéo, lấy hoa cúc quỳ làm trung tâm. Ở đây Lê Tuấn Lộc đóng vai trò như một hoạ sĩ pha màu phết cọ lên toan trắng Tây Trang.

 

Từ hoa đến người, đây là “Tẳng cẩu” – tức là búi tóc, chỉ phụ nữ Thái có chồng mới búi tẳng cẩu. Ba câu hỏi trong bốn khổ thơ ngũ ngôn: “Sao em lại tẳng cẩu?” như thôi thúc, như dồn nén để rồi bung phá ra cái ý của một tứ thơ thầm kín: Có chồng rồi mà anh vẫn mê ! Chủ thể trữ tình bỗng đột ngột kêu lên: “Em gái Thái xinh ơi/ Sao lại có chồng rồi?/ Sao lại cười duyên thế?/ Làm anh hút hồn thôi”. Bởi vì, em tẳng cẩu, nhưng em vẫn làm “Cho xanh ngẩn ngơ đồi/ Cho hoa mận tàn lụi/ Cho suối thẫn thờ trôi”, đến nỗi “Để anh buồn thơ thẩn/ Bỏ thơ ra suối ngồi”“Anh lủi thủi ra về/ Rượu cần anh chưa uống/ Chiều còn non Mộc Châu”. Rõ ràng là một bài thơ hay tưởng hở mà không hở, có vẻ thẳng tuột nhưng lại kín và đẫm tình, giàu chất Fonclo dân tộc thiểu số, nói và nghĩ theo cái bụng của người dân tộc.

 

Tôi còn muốn thổ lộ cảm xúc của mình với nhiều bài nữa. Nhưng xin tạm dừng ở đây. Phải nói rằng nhà thơ Lê Tuấn Lộc có xung lực viết về đề tài nông thôn, miền núi dân tộc thiểu số. Sau 13 năm, tập thơ thứ hai của anh viết về đề tài này đã có một bước tiến, bước phát triển vượt trội. Đó là điều rất đáng ghi nhận, đáng được trân trọng và sẻ chia.

 

Vào những dịp Tết, dịp lễ hội, nhất là vào ngày Nguyên Tiêu Rằm tháng Giêng Mậu Tuất này, đọc những bài thơ trong tập “Như rừng hoa Tà Phình” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc sẽ cho ta niềm hứng khởi và cảm giác khoan khoái hoà vào cái vui chung của đồng bào dân tộc thiểu số trên mọi miền Tổ quốc trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh,xã hội công bằng, dân chủ và văn mình theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với niềm tin mới và hy vọng mới.

 

            Phố Vương Thừa Vũ – Hà Nội

   Áp Xuân Mậu Tuất, 3 giờ ngày 15-1-2018

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Thơ Nguyễn Đình Thi: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em- Phùng Văn Khai

>> Lối đi tâm linh trong thơ Hoàng Cầm – Lê Thị Thanh Tâm

>> Chính Hữu – Người bộ hành không đơn độc – Nguyên An

>> Những hạt ngọc thơ Hàn đầu thế kỷ XX- La Mai Thi Gia

>> Vấn đề sinh thái trong thơ Việt – Nguyễn Thanh Tú

>> Tết này anh có về không? – Nguyễn Đình San

>> Tiểu thuyết vẫn đặt ra những câu hỏi lớn nhất cho nhân loại – Nguyễn Chí Hoan

>> Quyền của Thời Gian – Lê Thị Thanh Tâm

>> Nguyễn Cường – Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi – Nguyễn Minh Khiêm

>> Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người – Văn Giá

>> Ánh sáng và bóng tối trong Đêm trinh của Nguyễn Vỹ – Nhật Chiêu

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…