Sau khi The Guardian tiết lộ các phần trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của John Hughes, The Dogs, “ăn cắp” ý tưởng từ Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ của Svetlatna Alexievich (Hughes đã xin lỗi) cũng như những tác phẩm khác (ông không thừa nhận), bao gồm Đại gia Gatsby, Phía Tây không có gì lạ và Anna Karenina, mới đây John Hughes đã có phản hồi chính thức về vấn đề này.
Đây là đoạn mở đầu nổi tiếng của Trăm năm cô đơn: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, Đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá”(1). Và đây là từ Pedro Paramo, cuốn tiểu thuyết xuất bản vào năm 1955 của Juan Rulfo, và cũng đồng thời là một tác phẩm yêu thích của Marquez, “Nhiều năm sau, rất nhiều năm sau đó, cha Rentería nhớ lại cái đêm cha đã thức dậy và buộc phải ra khỏi phòng ngủ vì giường giát cứng không cho cha ngủ tiếp”(2). Đạo văn ư? Đây cũng là một trường hợp mà vài từ đã thay đổi đôi chút ở đây và vài chỗ ở kia. Một số được thêm vào, vài chỗ bị lấy ra. Chịu ảnh hưởng ư? Sự phân biệt giữa hai ý trên không thật rõ ràng, như mặt chữ cái mà nó ghép thành.
John Hughes và tác phẩm “The Dogs”.
Việc gần đây tôi bị cho rằng đã “chiếm đoạt” một phần văn bản của cuốn Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (bản tiếng Anh, ấn hành năm 2017) của Svetlana Alexievich trong cuốn The Dogs mà không nhận ra (thật sự tôi đã tin rằng chúng là của riêng tôi), và mới đây nhất là những cuốn khác, không chỉ làm tôi băn khoăn ít nhiều (không có gì đáng lo ngại hơn việc phát hiện ra trí nhớ của mình không còn chính xác), mà còn là việc suy ngẫm về những hoạt động dưới tư cách là một nhà văn. Tôi luôn sử dụng di sản của những nhà văn khác theo cách của riêng tôi.
Tôi chắc chắc không phải là người đầu tiên làm theo cách này. Chẳng phải truyện ngắn Pierre Menard của Borges là một nỗ lực muốn viết lại Don Quixote sau 300 năm tác phẩm nguyên gốc ra đời hay sao? Chẳng phải Jean Rhys cũng là một bản làm mới tiểu thuyết Jane Eyre? Trong khi Peter Carey thì muốn “tái sinh” Charles Dickens còn J.M.Coetzee thì “mở rương hòm” của Daniel Defoe… Tất cả ví dụ kể trên đều chỉ xoay quanh vấn đề mức độ.
Cả đời viết lách của tôi là cuộc đối thoại với những cuốn sách tôi yêu (một kiểu ‘cắt dán’ bằng những văn bản). Đó là ý niệm mà phần lớn người hiểu khi gọi tên tôi dưới danh xưng “nhà văn”. Trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết thứ hai, Someone Else, nơi mà tiêu đề cũng như một trò chơi chữ, tôi đã viết rằng:
“Khi còn là một chàng trai trẻ, tôi đã nhìn thấy chính mình trong tất cả những gì mình đọc. Cứ như thể tôi đã tạo ra một cuốn tiểu thuyết trong đầu, và các nhân vật trong đó sẽ không đứng yên. Họ đứng dậy từ những trang sách, họ tranh cãi và họ chiến đấu, họ hòa nhập và lớn lên trong tôi; nhưng với một sự tự chủ nào đó mà họ trông như thật, và đối với tôi họ thật như bạn ở đây. Tôi không đơn độc trong vấn đề này… Tất cả những người tôi biết vào thời điểm đó cũng đang ‘chứa đựng’ một loại ảo tưởng nào đó. Tôi đã nhìn thấy bản thân và thế giới xung quanh gần như hoàn toàn thông qua những tác phẩm này, có lẽ, tôi cực đoan hơn một chút, sở hữu nhiều hơn một chút. Tôi đã thực sự từng muốn bị ám. Trong trí tưởng tượng của tôi, tôi là một nhân vật mà Beckett hoặc Chekhov đã tạo ra, tôi sống trong tác phẩm của họ như nhân vật của họ đang sống trong tôi…”
Tôi luôn nói qua giọng điệu người khác. Dù tốt hay xấu, tôi sống đời mình trong những cuốn sách, và đó là sự ảnh hưởng xuyên suốt công việc của tôi. Trong The Remnants, người kể chuyện của tôi ngay từ đầu đã thông báo rằng “Đây là cuốn sách được viết ra bởi những cuốn sách khác” và tôi tiếp tục liệt kê tất cả những cuốn sách khác nhờ nó mà tác phẩm này đã có cơ hội ra đời. Trong Asylum, các tham chiếu về Kafka và Beckett cũng không thể nào rõ ràng hơn nữa. Và nó cứ thế tiếp tục. Tôi không giấu giếm chuyện này. Tôi luôn phơi bày để cho mọi người thấy. Và tôi cũng luôn tin rằng chúng ta chỉ có thể viết về đất nước này (Úc) bằng văn chương (cũng như văn hóa và lịch sử) của những nơi khác (một loại “văn học tái tạo”). Như khi tôi nói trong No One:
“Úc là một đất nước kì lạ. Nó chỉ tồn tại trong tưởng tượng về những nơi khác. Đây không chỉ là do xu hướng di cư, mà nó đã luôn xảy ra kể từ khi thành lập thuộc địa. Chúng ta sinh ra ở đây và luôn tưởng tượng mình đang đâu đó, châu Á cũng như châu Âu, ngồi đọc lịch sử và văn chương của họ. Qua nhiều năm, tôi đã nghĩ rằng nước Úc tồn tại trong sự vắng mặt này, được định nghĩa, không giống như các quốc gia khác, bởi cách cư dân của nó nghĩ về nó, mà bằng cách nó nghĩ về những nơi khác – không phải trong tưởng tượng của chúng ta về nó, mà là tưởng tượng của nó về chính chúng ta. Toàn bộ khái niệm về một nền văn học Úc có thể được chắt lọc thành hình ảnh của một họa sĩ thực hiện những bức tranh khổng lồ mà đầy chi tiết, của những người chỉ vẽ ở một góc nhỏ chi tiết nhất, giống như một bức tranh thu nhỏ hoàn hảo. Tôi nghĩ về những cuốn sách của tôi như là nơi cư ngụ trong những góc nhỏ đó”.
Một số tác phẩm mà John Hughes bị cho là đã vay mượn.
Bob Dylan (bản thân anh ấy cũng đang bị cáo buộc đạo vô số bài nhạc) từng nói rằng tất cả âm nhạc đều được bắt nguồn từ nhạc dân gian. Lịch sử của âm nhạc cổ điển, để lấy ví dụ, là lịch sử của sự chiếm đoạt các hình thức và giai điệu dân gian. Beethoven, Brahms, Liszt, Bartok, và danh sách này còn dài vô tận. Và việc sáng tạo âm nhạc hiện đại là biểu hiện mới nhất của “truyền thống chiếm đoạt” lâu đời này. Nghệ sĩ nào thì cũng làm vậy. Chúng ta làm gì khác đâu ngoài việc không ngừng “tái chế” những câu chuyện cũ? Đó là quá trình vẫn luôn diễn ra kể từ khi các nhà bi kịch Hy Lạp cổ đại lần đầu tiên kế thừa áng văn của Homer và biến nó thành kịch bản của những vở kịch cổ, hay Shakespeare khai thác cái giếng gần như không đáy của biên niên sử, hoặc các tiểu thuyết gia khác khi viết tiểu thuyết lịch sử cũng là quay về biên niên sử đấy thôi. Thực tế không phải những gì bạn lấy mà là những gì bạn làm mới thật quan trọng.
Như tôi đã nói, tôi chưa bao giờ viết một cuốn sách như The Dogs trước đây. Sách của tôi hầu hết đều ngắn và viết liền mạch. Nhưng trong 15 năm qua, tôi từng cố gắng thay đổi cách viết trong 4 cuốn sách. Mỗi lần tôi gạt ý tưởng “kế thừa” sang một bên, thì nó lại càng thôi thúc tôi nhiều hơn nữa. Nói cách khác, cuốn tiểu thuyết gốc đã thay đổi rất nhiều. Tôi đã điều chỉnh rất nhiều tài liệu ban đầu, nhưng không giữ lại các ghi chú nhỏ mà nó dựa trên, vì vậy qua rất nhiều năm, nhiều nguồn đã được tích hợp đến mức tôi nghĩ về chúng như là của tôi.
Tôi không phải là một nhà văn đơn thuần như “một nhà văn”. Tôi cần phải vứt bỏ mọi thứ vì nếu không chúng sẽ trở thành gánh nặng quá lớn, gây ức chế cho việc viết lách. Tôi cũng không bao giờ giữ bản nháp bởi vì khi bắt đầu viết, tôi luôn so sánh từ câu văn này đến câu văn khác và cuối cùng chúng sẽ chẳng đi đến đâu. Nói về cách viết, tôi viết trong nhiều bản nháp, và vì không lưu từng bản nháp riêng nên cuối cùng thì chỉ có một phiên bản duy nhất. Nó có thể không phải là một quá trình hiệu quả với tất cả mọi người, nhưng nó hiệu quả với tôi.
Ảnh hưởng, giống như trí nhớ và vô thức, đóng một vai trò quan trọng như vậy trong quá trình sáng tạo. Nhưng quá trình này vẫn luôn không thật rõ ràng (giống như những kí ức đôi khi cần bị lãng quên), ngay cả đối với người viết.
Theo Ngô Minh/VNQĐ
——–
1, 2. trích từ bản dịch của Nguyễn Trung Đức.