‘Kỷ vật cuối’ – Truyện ngắn của Nguyễn Hùng Luân

686

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cha ngồi xuống, nhìn về phía chân trời. Những đám mây tách rời ra, trôi nhẹ. Trời xanh thăm thẳm. Gió mát rượi. Gió thổi ngược làm tóc cha loã xoã. Trên mái đầu người đàn ông tuổi thất thập, một đám mây trắng ngời. Khói thuốc bay vào mặt đứa cháu ngoại. Thằng nhỏ kêu lên: “Ông ngoại, con ngộp thở!”. Khói trắng tan rã trong không gian thoáng đãng. Tấm lưng trần cha dưới nền trời trong xanh hiện lên một màu xám đặc sệt. Mấy vết sẹo đã sờn, căng bóng. Vết sẹo đã tích nhựa thời gian rất lâu.

Thằng Hy, đứa cháu ngoại duy nhất năm nay lên sáu tuổi, lấy quyển đánh vần ra tập đọc. Nó chỉ con gà, số 1, trái cam. Nó viết chữ i, chữ a… Bất giác, nó hỏi ông ngoại:

– Ông ngoại học lớp mấy rồi?

Ông cười khì. Câu hỏi bâng quơ sực đưa ông về miền dĩ vãng. Thời của ông đói khổ vì chiến tranh, học mới lớp 5, lớp 6 đã nghỉ ngang theo bà Nội chạy giặc. Ông định kể thêm hoàn cảnh và nỗi khó nhọc của những người thế hệ trước, nhưng rồi biết đứa cháu thơ ngây làm sao hiểu hết. Mà, kể cũng chẳng để làm gì! Lặng im một chút, ông kêu cháu đọc tiếp.

Đôi mắt cha tôi giờ đã kèm nhèm, ông nhíu mắt nhìn vào quyển vần xem đứa cháu chỉ có đúng hay chưa. Hy đọc được dăm ba chữ lại buông xuống, đuổi theo con chuồn chuồn ngoài sân…

Những ngày cuối đời của con người, được sống trong an yên đó là ân huệ. Cha bây giờ ít việc. Chỉ tới lui tưới cây, coi đàn gà, phụ mẹ chuyện lặt vặt và đùa với cháu ngoại. Ông có thói quen thu xếp đồ đạc kĩ lưỡng, từ cái biên lai đóng thuế hồi chưa giải phóng. Mẹ nói cha giống bà ngoại lạ lùng, dầu chỉ là con rể. Ngày trước, đã có lúc cả nhà lục lọi được giấy căn cước từ những năm 1945, 1946, quyển Sổ gia đình cũ mèm được xếp đặt gọn gàng và thẳng thước. Bà ngoại cất giữ mọi thứ thật cẩn thận. Đến cha cũng vậy. Những giấy tờ quan trọng lẫn không còn cần thiết. Bức hình gia đình chụp hồi thập niên 80, tấm thiệp cưới của người nào bây giờ đã có cháu nội, cuốn sổ tay ghi năm sinh, ngày mất của ông bà… Nhờ cha kỹ lưỡng mà mọi người an tâm. Con cháu cũng học được tính tốt ấy. Cha ngồi một hồi, bắt đầu coi lại những tấm ảnh đã cũ.

– Ngày xưa rửa phim tốt lắm mà bây giờ vẫn lem luốt!, cha nói.

– Thì lâu rồi! Có cái gì mà bền mãi đâu!, tiếng mẹ vọng lên từ phía sau nhà.

Thằng Hy thấy ông ngoại mở tủ lấy ảnh cũ cũng lật đật chạy lại. Nó cầm mấy tấm, đoán người này, người khác. Nhỏ thế nhưng vẫn nhìn đúng ảnh ông bà chụp mấy chục năm trước. Mẹ nó hỏi vặn, biết hình hồi nào chăng? Thằng cu trả lời gọn bâng:

– Hồi xưa.

Nó nói chắc nịch tựa như đã hiện diện lâu lắm trên cõi đời. Cả gia đình cười giòn giã.

Nắng hôm nay nhẹ nhàng. Đã nghe đám ve kêu. Mấy bữa, ông ngoại bắt được vài con ve cho Hy chơi. Hy cất kỹ trong chiếc hộp giấy, thỉnh thoảng mở ra, hé xem con vật và tò mò tìm âm thanh ve phát ra từ bộ phận nào.

Như mọi lần, cha lấy khăn lau sạch bụi từng tấm hình một. Có tấm lâu quá, cha không nhớ nỗi đành miêu tả cho mẹ nghe. Cuộc hôn nhân gần bốn mươi năm và đứa con trai lớn từ khi hiểu biết chưa bao giờ nghe họ gọi nhau là tao-mày. Cha vẫn gọi mẹ ngọt ngào: “anh-em”. Có lúc, ở trong phòng riêng còn hay nghe xưng “tui-ông” hay “ngoại nó”. Chưa bao giờ mẹ giận cha qua đêm. Có khi, ngày, cự cãi chuyện gì, tối, bà vẫn ngồi lấy cái áo của chồng khâu lại. Dưới ánh đèn lấp lánh, bà xỏ kim, siêng năng khâu từng mũi một. Chẳng biết rằng, có bao nhiêu yêu thương trong những đường chỉ.

Cha nằm võng. Trên tay cầm mấy tấm ảnh. Một tấm chụp đại gia đình. Thằng cháu ngoại lúc ấy vừa mới hạ sinh. Một tấm chụp đứa con trai tốt nghiệp cử nhân và một tấm chỉ có cha mẹ, trong ngày cưới. Mẹ để tóc cô dâu dài mà xoăn, tay cầm đoá hoa. Ngày cha cưới mẹ cũng là ngày ông Nội mất. Nàng dâu mới kịp ra mắt nhà chồng. Buổi tối, tiệc cưới xong xuôi, ông ra sau hè thăm câu, trời mưa lớn, ông trượt chân té va vào tảng đá. Ba tiếng sau bà Nội mới hay… Ông Nội mất đột ngột. Mấy bà cô bên chồng thì thầm xa xôi với bà Nội những điều không hay về nàng dâu. Là khắc nhà chồng. Là hãm tài. Là bao tội lỗi vô căn cứ…

Mất một quãng thời gian dài, mẹ mới có thể hoà nhập với họ hàng bên nội. Mẹ thương cha vì những khi ấy, ông hay bênh vực mình. Một lần, trong cơn say, ông đã đuổi thằng bà tám Bỉnh, cô ruột cha về nhà vì gièm pha, hành tỏi mẹ. Bà cô không vui ra mặt. Cũng từ đó, kiêng dè cha mà bớt lời chua chát…

Mấy bức ảnh trên tay cha từ từ nhẹ rơi xuống đất. Gió thổi. Cha thiêm thiếp. Thằng Hy đi lụm, nó coi bên trái, bên phải, màu đen màu trắng.

Mẹ kể, cả đời này hối tiếc có một lần đã quăng đôi dép mà cha tặng nhân kỷ niệm ngày cưới. Năm đó, nhà còn nghèo. Vẫn hay thường bất hoà vì mấy chuyện cơm áo. Mà dường như, chuyện cơm áo, tuy nói nhỏ nhặt nhưng chi phối đời sống ghê gớm. Bởi nói cho cùng, mọi gia đình, muốn thuận hoà phải lo no cơm ấm áo. Một khi cái nghèo còn vây bủa làm sao có thể vui. Bụng đói chỉ cười méo mặt. Lần đó, cha đi đám cưới tới ba giờ chiều mới về. Người bét nhè. Ông đi nghiêng ngả, trên tay cầm đôi dép đế cao mà mấy hôm trước có dịp đi chợ mẹ đã khen đẹp. Ông đem về. Còn mẹ không bằng lòng. Rồi lời qua tiếng lại…

Sau này, cha bảo không tặng mẹ gì nữa. Mẹ giận mà như có vẻ chạnh lòng. Bà nói khoả lấp:

– Lo làm lụng, dư dật rồi lo dạy dỗ con cái cho nên người là mừng!

Dù tuyên bố hùng hồn thế nhưng cha là tuýp người không thù dai. Đàn ông mà nhỏ mọn chỉ là đồ bỏ. Cha thường nói vậy khi nhậu với mấy ông bạn già. Tính cha trầm lặng nhưng hay làm. Lâu lâu, cha mua cho mẹ cái kẹp tóc, chiếc áo dài, đôi hoa tai… Cha đi công chuyện đâu đó xa xa thấy cái gì lạ lạ lại nghĩ mua về cho vợ dùng, hoặc để vợ thưởng thức. Vợ là nhất. Ai người ta xỉn say đánh vợ, cha nói “vợ là để thương, chứ để đánh đâu”. Nhậu về, cha đi một mạch vô buồng ngủ giấc say. Còn mẹ ngồi chăm, lau tay, lau mặt…

Hai ngày nữa tới dịp kỷ niệm 40 năm hôn phối. Cha mẹ làm hôn lễ vào một ngày đầu tháng Mười. Mẹ thích tháng Mười vì tròn vành. Rồi mẹ sinh các con cũng may mắn trùng vào tháng mười, có lễ Đức Mẹ. Không lầm, vào một ngày tháng mười của mấy mươi năm trước, một người con trai nào đã vô tình chạm mặt thiếu nữ ở nhà máy xay lúa. Họ tính tiền nhầm với nhau. Họ tranh cãi ầm ĩ. Bà chủ nhà máy phải phân giải. Vậy mà họ nên duyên, ăn đời ở kiếp.

Trên chiếc võng, gió ngoài trời luồng vào mát rượi. Thằng Hy leo lên người ông ngoại nằm. Nó lấy tay móc mũi, ngoáy tai. Như bao lần, nó thổi vào bụng ông ngoại để lại một mảnh nước bọt. Rồi chạy xuống tìm nơi trốn.

Hai giờ chiều. Ba giờ. Kim đồng hồ chỉ góc chín mươi độ. Điện thoại trong túi cha rung lên, tiếng chuông inh ỏi. Mẹ loay hoay dưới giàn bầu bên hiên nhà tìm trái vừa ý để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bầu luộc chấm chao. Cha vẫn thích ăn món dân dã đó. Tiếng điện thoại reo lần thứ ba. Mẹ gọi cha to. Thằng Hy chạy đến xô người ông ngoại. Mấy tấm hình rớt xuống. Trên chiếc bụng vẫn còn mảnh nước bọt của đứa cháu cưng. Đôi tay ông lạnh ngắt. Mẹ thất thần khi xô lắc, người đàn ông của đời mình không mở mắt thêm một lần nào. Gương mặt cha hiền lành. Đôi mắt khép chặt. Có thể, cha muốn nhìn những bức ảnh của gia đình như là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời.

***

Tiếng xe cấp cứu thất thanh. Mẹ hốt hoảng. Lòng nhói lên nỗi lo sợ.

Vài ngày sau, chúng tôi tìm được trong chiếc yên xe của cha hộp quà một sợi dây chuyền vàng. Chúng tôi biết ngay đó là quà của bốn mươi năm ngày cưới. Mẹ đặt sợi chuyền lên di ảnh cha. Rất lâu sau, mẹ mới mang vào người. Và đó là kỷ vật cuối cùng, cha chưa kịp nói.

Mỗi sáng dậy, tôi thấy mẹ sửa sợi chuyền ngay ngắn, bà nâng niu như đang ẵm bồng đứa con trai đầu lòng. Rồi mẹ đốt nhang cho cha. Trên bàn thờ nghi ngút, khoé mắt mẹ cay.

Cuối năm, chúng tôi đi tảo mộ. Mẹ đặt trên mộ cha những cành hoa ly trắng. Ngày còn tại thế, cha thích chưng hoa này trong nhà. Cha nói với mẹ, mùi hoa nhẹ nhàng.

Chúng tôi lặng yên. Mẹ nhìn vào khung ảnh, cẩn thận lau mặt cho chồng. Bây giờ là mùa Xuân, một chiếc lá nào sót lại rụng xuống, đập vào lưng thằng Hy. Nó nhặt lên, tung mạnh trên không trung. Chiếc lá lượn vòng…

N.H.L